Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019

Hội nghị Trump-Kim: Việt Nam khẳng định vai trò quốc tế


baomai.blogspot.com
Đà Nẵng được suy đoán là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim lần hai

Giới quan sát nói với BBC rằng tin Hội nghị Trump-Kim lần hai diễn ra ở Việt Nam "là điểm son của Bộ Ngoại giao Việt Nam" cho thấy Việt Nam đã khẳng định được vai trò quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong bài diễn văn Tình trạng Liên bang thường niên trước Quốc hội rằng ông sẽ hội đàm lần hai với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vào ngày 27 và 28/2 ở Việt Nam.

Tin này được cư dân mạng Việt Nam đồng loạt chia sẻ hôm 6/2.

Tin tốt với Việt Nam

baomai.blogspot.com
  
Hà Nội hôm 6/2, ông Nguyễn Cảnh Bình, Phó chủ tịch Thường trực Trung tâm Châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) và là tác giả cuốn 'Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế Nào?' nói:

"Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận tin đồn nhiều tuần nay sẽ gặp ông Kim Jong-un chắn chắn là tin tốt với Việt Nam. Rõ ràng là giờ đây, Việt Nam đã trở thành một quốc gia quan trọng trong khu vực. Không kể các điều kiện đảm bảo cho cuộc gặp thì vị thế của Việt Nam là đặc biệt thích hợp cho cuộc gặp này."

"Xa hơn, liệu sự kiện này có thể mở đầu cho một viễn cảnh mới của Việt Nam như một quốc gia văn minh, hiện đại và trung lập, đảm bảo hài hòa các lợi ích và có mối quan hệ thân thiện và nhất là được tin cậy với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ."

"Chúng ta đã trở thành một quốc gia có thể đóng góp tích cực hơn cho những vấn đề quốc tế và đã tự nâng vị thế như một quốc gia thể hiện mong muốn thịnh vượng và hòa bình."

"Cá nhân tôi cũng rất vui mừng với thông tin này. Mong là Tổng thống Trump có dịp thưởng thức phở hay mì Quảng ở Đà Nẵng."

Con đường của Việt Nam

baomai.blogspot.com
Ông Trump và ông Kim gặp nhau lần đầu hồi tháng 6/2018 tại Singapore

Cùng ngày, nhà báo tự do Nguyễn An Dân ở TP Hồ Chí Minh nói với BBC: "Theo tôi, việc ông Trump và ông Kim gặp nhau hay các sự kiện tầm quốc gia là Mỹ-Bắc Hàn đã được cơ quan tình báo hai bên xúc tiến từ khoảng 10 năm trở lại đây cho thấy đó là một chiến lược dài hạn của hai bên."

"Với ảnh hưởng lâu dài của Trung cộng tại Bắc Hàn, dường như Mỹ không hy vọng Bắc Hàn sẽ trở thành đồng minh như Nam Hàn trong ngắn và trung hạn. Mỹ chỉ cần Bắc Hàn bớt "theo ý" Trung cộng dần dần là điều có thể hiểu được."

"Bắc Hàn đang đi vào con đường của Việt Nam năm 1986 do đó kinh nghiệm từ Việt Nam là điều mà ông Kim cần, và Mỹ cũng chỉ cần Bắc Hàn như vậy. Do đó, hai bên chọn gặp nhau ở Việt Nam."

"Lựa chọn Việt Nam được cân nhắc không chỉ vì ông Kim mà còn vì quan hệ Việt-Mỹ. Từ sau khi ông Trump gửi thư cho Chủ tịch nước Việt Nam năm 2016, hai bên chưa có cuộc gặp thượng đỉnh chính thức để có sự thống nhất về đường lối trong vấn đề ứng phó với sự bành trướng của Trung cộng. Do đó ông Trump và chủ tịch nước Việt Nam hiện nay cũng có nhu cầu gặp nhau."

"Từ nhu cầu ba bên đều như vậy, lựa chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị Trump-Kim lần hai là điều tất yếu."

Khúc quanh quan trọng

baomai.blogspot.com
  
Hôm 6/2, từ Pháp, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn nói: "Theo tôi, Việt Nam là một nơi khá phù hợp cho một cuộc hội đàm giữa hai quốc gia còn trong tình trạng "thù địch" là Hoa Kỳ và Bắc Hàn."

"Việt Nam đã từng là một "quốc gia thù nghịch" đối với Mỹ trong nhiều thập niên. Việt Nam liên tục bị Hoa Kỳ "cấm vận", từ sau chiến tranh cho tới năm 1994. Hai bên chính thức thiết lập bang giao từ tháng 7/1995."

"Tương tự cho trường hợp Bắc Hàn. Có điều thời gian kéo dài, từ 1953, tình trạng "chiến tranh" giữa hai bên đến nay vẫn chưa chấm dứt."

"Có nhiều điều cần nói về hội nghị Trump-Kim ở Việt Nam. Thứ nhất, về lịch sử, Việt Nam là một cựu thù của Mỹ đã trở thành "bạn bè" với Mỹ, và có thể trở thành một "đồng minh" trong tương lai."

"Nếu Mỹ và Việt Nam làm được việc này thì Bắc Hàn và Hoa Kỳ cũng có thể làm được. Vấn đề là với những điều kiện nào? Yêu sách của hai bên được thỏa mãn ra sao?"

baomai.blogspot.com
  
"Hoa Kỳ có thể ký "hòa ước" với ông Kim để chấm dứt "tình trạng chiến tranh" kéo dài từ năm 1953 đến nay. Yêu sách của Hoa Kỳ là Bắc Hàn phải giải giới kho vũ khí hạt nhân đồng thời chấm dứt thử nghiệm các loại hỏa tiễn tầm xa. Điều này có thể thực hiện qua nhiều giai đoạn. Bước đầu Bắc Hàn phải có một bảng "tổng kết" đầy đủ về kho vũ khí của mình. Sau đó phải cho phép các giám định viên vào kiểm soát kho vũ khí này. Phía Bắc Hàn thì yêu sách Mỹ rút quân về, mà điều này Mỹ khó thỏa mãn vì ảnh hưởng tới an ninh của Nam Hàn và Nhật."

"Dầu vậy, các chuyên gia quốc tế có dự kiến rằng ông Kim sẽ không dễ tháo bỏ kho vũ khí vì đây là tờ "bảo hiểm nhân thọ" của họ Kim."

"Thứ hai, lý do địa lý. Việt Nam tương đối "gần" Bình Nhưỡng hơn các quốc gia khác. Từ Bình Nhưỡng Kim Jong Un có thể đến Việt Nam bằng "máy bay riêng" của mình mà không nhờ tới Hàng không Trung cộng. Nếu không có gì thay đổi, hội đàm sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

Thành phố này có kinh nghiệm tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế, điển hình là Hội Nghị APEC năm 2017. Nhưng Hà Nội và Sài Gòn cũng có thể là hai "ứng viên" nặng ký. Hội nghị APEC 2006 đã được tổ chức thành công ở hai địa điểm này."

"Thứ ba, vấn đề địa chiến lược. Bán đảo Đông Dương và bán đảo Triều Tiên là hai vùng đất quan trọng đối với một số học thuyết về địa chiến lược. Trung cộng luôn là yếu tố "hạt nhân" trong hai cuộc chiến Triều Tiên 1951-1953 hay chiến tranh Việt Nam 1954-1975."

"Quan hệ các bên Việt Nam-Trung cộng và Trung cộng-Bắc Hàn xưa nay luôn gắn bó, vừa về ý thức hệ chính trị, vừa về địa chiến lược "môi hở răng lạnh".

baomai.blogspot.com
  
"Hội đàm Trump-Kim diễn ra lần hai tại Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang đến khúc quanh quan trọng. Thời hạn mà Trump đặt ra cho Trung cộng, về việc thay đổi luật chơi sao cho phù hợp với yêu sách của Mỹ về thương mại, đã đến cận ngày. Báo chí tiếng Hoa đăng tải có thể Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình sẽ hội đàm với ông Trump ở Việt Nam, có thể trước hay sau cuộc hội đàm Trump-Kim."

"Việt Nam vô hình trung trở thành "trung tâm" giải quyết các "xung đột" giữa các đại cường."

Điểm son của bộ Ngoại giao Việt Nam

baomai.blogspot.com  
Báo Hong Kong đưa tin Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình 'sẽ hội đàm với ông Trump ở Việt Nam' cũng trong tháng 2/2019

Ông Trương Nhân Tuấn cũng phân tích thêm: "Tôi thấy Bộ Ngoại Giao Việt Nam với Ông Phạm Bình Minh đã làm được một điều mà từ trước đến nay chưa thấy ai làm được. Bộ Ngoại Giao giải quyết "gọn và đẹp" cái "thế lưỡng nan " đi thăm Trung cộng trước hay đi Mỹ trước của tân chủ tịch nước."

"Do tình cờ "chiến lược", hay do vận động, ngoại giao Việt Nam sắp xếp lãnh tụ hai đại cường, Mỹ và Trung cộng gặp nhau có thể tại Đà Nẵng."

"Lâu nay ngoại giao Việt Nam cố gắng không để lộ "nghiêng về bên nào" trong quan hệ tay ba Việt-Mỹ-Trung. Mặc dầu về "ý thức hệ" Việt Nam "rập khuôn" Trung cộng."

"Nhưng về kinh tế thì ai cũng thấy là Việt Nam không thể "làm giàu" bằng "ý thức hệ". Chỉ có Mỹ mới có thể giúp Việt Nam "làm giàu", có thể giúp Việt Namtrở thành một quốc gia "phú cường". Nhiều chính trị gia người Mỹ hứa hẹn sẽ giúp cho Việt Nam trở thành một "cường quốc bậc trung".

"Việt Nam muốn có khả năng quốc phòng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì phải càng "gần Mỹ" càng tốt."

"Với việc sắp xếp để hai bên Mỹ-Trung về Việt Nam hội họp để bàn về cuộc chiến thương mại, tổ chức hội đàm Trump-Kim về vấn đề Bắc Hàn, Việt Nam khẳng định được vai trò quốc tế của mình, trên những vấn đề giải quyết các xung đột của thế giới. Đây là một "điểm son" của Bộ Ngoại giao Việt Nam, mà ông Phạm Bình Minh là "hạt nhân".

"Điều cần bàn là ông Nguyễn Phú Trọng, với cương vị Chủ tịch nước, sẽ nắm lấy và khai thác "cơ hội" này như thế nào?"

Lời trấn an từ phía Mỹ

Từ Manila, Philippines, Luật sư Trịnh Hội, Giám đốc điều hành tổ chức VOICE, nói với BBC:

baomai.blogspot.com
  
"Việt Nam rõ ràng là một sự lựa chọn mà cả hai nước Mỹ và Bắc Hàn có thể chấp nhận được. Đối với Mỹ, họ mong là Bắc Hàn sẽ trở thành một Việt Nam thứ hai, từ cựu thù trở thành đối tác toàn diện. Còn đối với Bắc Hàn thì họ nghĩ dù gì thì Việt Nam vẫn là một nước cộng sản, 'đổi mới nhưng không đổi màu'. Chúng ta phải tự hỏi: tại sao Nam Hàn không được chọn?"

"Việc chọn Việt Nam có ý nghĩa như một lời trấn an từ phía Mỹ và một lời tự trấn an trong lòng Bắc Hàn rằng vẫn có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân để hội nhập quốc tế, cởi mở kinh tế song chế độ đảng trị vẫn không hề suy suyển."

"Không quá khó hiểu cho niềm phấn khích của nhiều người Việt Nam trước thông tin Việt Nam được chọn cho thượng đỉnh Trump-Kim bởi đã lâu rồi Việt Nam mới đóng một vai trò gì đó trên trường quốc tế."

"Nhưng nếu đặt tiền đồ của dân tộc lên trên hết chúng ta sẽ phải thẳng thắn với nhau rằng chẳng có gì đáng tự hào khi trở thành tấm gương cho một quốc gia vừa là một sụp đổ kinh tế lại vừa là một thảm họa nhân quyền."

"Tôi nghĩ hãy chờ đến khi nào Việt Nam được như Nhật Bản, Đài Loan hay Nam Hàn vừa phát triển vượt bậc về kinh tế, vừa mở mang tự do, dân chủ, nhân quyền người Việt chúng ta tự hào cũng chưa muộn."



Ben Ngô

baomai.blogspot.com


nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: