“Gió Thượng Phùng” là tựa đề cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Võ Bá Cường, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn in và phát hành vào quý IV năm 2018. Sách viết về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Trung Quốc tháng 2 năm 1979, diễn ra trên 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta.Tôi nói “Gió Thượng Phùng”là tiểu thuyết lịch sử,bởi độ lùi thời gian đã tới 40 năm.Nhiều sự kiện lịch sử đã vỡ vụn thành truyền thuyết.Tác giả phải dò tìm,chắp nối và giải mã…
Điều thú vị là tác giả chỉ mô tả cuộc kháng chiến chống kẻ thù sát nách trong khuôn khổ một xã, thậm chí một xóm nhỏ của người dân tộc HMông.
Về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược tháng 2 năm 1979, tới nay vừa tròn 40 năm, nhưng số lượng tiểu thuyết viết về cuộc chiến tranh này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng viết về một cụm dân cư rất nhỏ của dân tộc thiểu số H Mông, kiên cường chống giặc từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh, thì đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên.
“Gió Thượng Phùng” chỉ riêng tên truyện cũng toát lên một sự bình yên vừa mộc mạc, vừa gần gũi với đời sống con người.
Thượng Phùng là địa danh, tên một xã thuần người dân tộc H Mông, thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Thượng Phùng có diện tích hơn 30km2, chủ yếu là núi đá. Dân số khoảng hơn 2.000 người ở rải rác trong 26 thôn, bản. Phía bắc và phía đông xã Thượng Phùng giáp Trung Quốc. Ngăn cách hai nước bởi con sông Nho Quế. Nơi sông hẹp mùa nước cạn, nhảy vài bước là qua biên giới, là sang chơi nhà hàng xóm mà không cần giấy thông hành hoặc hộ chiếu.
Thượng Phùng, theo tác giả lý giải: Thượng là cao, Phùng là gió. Tức là gió cao nguyên. Thực vậy, vùng này cao hơn mực nước biển trên 1.000m. Thiên nhiên ưu đãi cho ba thứ: Đá, gió và sương mù.Sương mù dày đặc, cách vài mét đã không nhìn thấy mặt nhau. Sương bay như tuyết, chìa tay ra có thể hứng được và nó tan thành màng nước mỏng. Vì vậy, Thượng Phùng còn có tục tắm gió rất nên thơ. Ấy cũng bởi vùng cao này, nước còn hiếm hơn cả rượu.
Với hơn 230 trang sách khổ rộng, chưa phải là cuốn sách dày, song nó nén được rất nhiều thông tin; từ ăn ở,cưới hỏi,tang ma,hội hè,giao tiếp xã hội đến mọi phong tục,tập quán,văn hóa, lịch sử dân tộc của người H Mông vô cùng phong phú và sinh động,khiến ta không khỏi ngạc nhiên.
Nói là sách viết về cuộc chiến tranh biên giới, nhưng suốt 17 chương, chỉ duy nhất có một chương là viết về chiến tranh thực sự ác liệt. Số còn lại là nói về tình người, mối quan hệ nồng ấm giữa những người dân bình dị của hai nước, tắt lửa tối đèn có nhau. Tác giả dụng công mô tả cái mạch ngầm dẫn đến chiến tranh, gây chia rẽ và thù hận trong lòng người, phản bội bạn bè, lật mặt với lân bang, nó nằm trong những cái đầu nuôi mộng bành trướng bá quyền, chỉ muốn thu gom thế giới vào trong lòng tay mình.
Để viết được một đoạn biên giới ngắn ngủn vài cây số, với một xóm dân vài chục nóc nhà của người H Mông, tác giả phải sải bước chân điền dã cả ngàn cây số theo chiều dài biên giới suốt 6 tỉnh phía bắc nước ta. Tác giả cũng đã tiếp xúc với nhiều đồn biên phòng từ Móng Cái đến Hà Giang, gặp không biết bao nhiêu chiến sĩ đang cầm súng, cũng như các thương binh, cựu chiến binh đã già, đã giải ngũ về hưu. Lật mở không biết bao nhiêu hồ sơ, sách truyện để tìm ra nhân chứng, vật chứng.
Với người đang sống, khó mấy tác giả cũng tìm được cách tiếp cận, nhưng với người đã chết, thì phải “triệu hồn” về đối thoại. Về phía ta đã khó, nhưng về phía đối phương thì ngàn vạn lần khó hơn. Tuy nhiên, khó mấy cũng phải vượt, nếu không sẽ không giải mã được sự kiện, truyện trở nên quẩn quanh bế tắc, không thuyết phục được người đọc.
Ta là một nước nhỏ, sống cạnh người hàng xóm khổng lồ. Ta luôn nhún nhường, đôi khi phải chịu nhẫn nhịn để tránh đổ vỡ lớn sẽ dẫn tới chiến tranh. Nhưng ta càng nhường, họ càng lấn tới. Vì vậy, ta dùng nhu để chế cương. Nhu là giải pháp tình thế, nhưng nhu quá sẽ là nhược. Một khi lâm vào thế nhược là hoảng loạn, mất phương hướng dẫn tới tình thế mất nước. Chính vì thế mà nhu hoặc nhịn nhường của ta đều có nguyên tắc, có giới hạn trong lằn ranh đỏ. Đó là toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia. Vượt qua giới hạn đó, đối phương sẽ phải trả giá đau đớn.
Quy mô phản ánh của tiểu thuyết “Gió Thượng Phùng” vừa sâu, vừa rộng. Vậy thì lẩy vài nét trong hồ sơ tiểu thuyết, để biết dụng công của tác giả.
Mở đầu truyện, tác giả giới thiệu hai xóm nhỏ bé của hai nước bên hai bờ sông Nho Quế: “Chân núi Sư Tử Sơn, dưới ngọn Linh – Xáng Cả có hai mỏm đất như hai răng con ngựa chọc lên trời, chia đôi dãy Sư Tử tạo thành đường biên giới giữa hai nước.
Bên kia là thành phố Điền Hoa nước bạn, bên này là đất Thượng Phùng của người Mông nước Việt. Xóm Răng Ngựa nước bạn phía đầu suối có nhà Phùng Lý Lô – Phùng Tả Châu – Thồng Hồ - Dù Vần – Lưu Văn Lèng…
Cuối suối có mươi nhà người Mông, nằm túm tụm như những tổ én tạo thành xóm Mỏ Phàng (nước mình). Nhà Xìn Xà Phủ - Chảo A Nghì – Thuở Dùng Sử - Dống Sò… Tối đến, người già dắt trẻ con hai xóm sang nhà nhau chơi hoặc ra đầu núi hóng gió. Họ ngồi ăn hoa quả, uống nước rồi đem chuyện làm ăn ra chia sẻ. Dân chúng hai nước coi nhau như một, như cây hoa đào mọc ở đầu dốc, nó không có biên giới, không có quốc tịch… chỉ có một màu hồng tươi cho mọi người thưởng ngoạn.
Bên xóm Răng Ngựa, họ Lý (người Hán) chiếm đa số, Lý Lô người cao tuổi nhất. Bên xóm Mỏ Phàng, Chảo A Nghì (người Mông) đại diện. Tối nào nhà Chảo A Nghì cũng đèn đuốc sáng trưng, đón khách từ xóm Răng Ngựa sang chơi” (trang 8-9 Gió Thượng Phùng).
Nhà Lý Lô bên xóm Răng Ngựa sinh cậu con trai Lý Chi; nhà Chảo A Nghì xóm Mỏ Phàng sinh cậu con trai A Thàng cùng bằng tuổi nhau. Hai trẻ chơi với nhau thân thiết như hai anh em vậy. Sau, nhà Chảo A Nghì lại sinh bé gái Máy Mỉ xinh đẹp tựa đóa hoa rừng. Bên nhà Lý Lô xóm Răng Ngựa đã ngầm có ý định khi các con lớn, sẽ xin Máy Mỉ cho Lý Chi.
Nhà Chảo A Nghì có dàn đậu ván hoa tím ngắt, quả sai chi chít. Lý Chi thích lắm. A Nghì lấy hạt đem sang gieo tại vườn nhà Lý Chi bên xóm Răng Ngựa. Chẳng bao lâu sau, nhà Lý Chi cũng có dàn đậu ván xanh mướt, phơi đầy hoa tím. Chúng đặt tên cho loại đậu này là: “Đậu hai nhà”.
“… Hai đứa trẻ, hai dân tộc, hai nước có nền văn hóa khác nhau, tắm chung nước suối, tập bắn cung, tập cưỡi ngựa. Chả biết tại sao sau này nhà chú Lý chuyển gần đến nhà Chảo A Nghì cách nhau một quãng suối, xắn quần lội sang nhau được. Mẹ Lý Chi chỉ cần mở cánh cửa sau bếp là đã trông thấy con trai nhà mình đang nô nghịch bên nhà hàng xóm”. (tr 13 sđd).
“… Phố này, ai cũng biết chú (Lưu Văn Lèng) mất vợ sau một đêm cãi vã nhau. Vợ chú lội suối sang đất Thượng Phùng kiếm sống, chẳng may lạc vào rừng bị chó sói ăn thịt. Người dân Thượng Phùng nhặt xương, xác thị về Mỏ Phàng. Chú Lèng sang nhận xác vợ. Chú khóc, miệng luôn nói: “Nhà nghèo lấy gì chôn cất nắm xương vợ” Dân Mỏ Phàng bảo nhau người tháo cửa, nhà tháo ván ngăn tường, hợp thành cỗ gỗ chôn vợ chú”.
Người Thượng Phùng còn làm ma to, cũng thổi khèn Mèo, cũng làm lễ cúng tế thần linh núi non, trời đất. Chú Lèng cảm động ở lại ăn cơm ở nhà Dống Sò mấy ngày liền. Sau một tuần chú lội suối về. Năm đầu, năm sau chú đều sang Mỏ Phàng vào tiết thanh minh. Lâu nay chú bỏ hẳn (tr 31 sách đã dẫn).”
Và một chút nữa thêm vào hồ sơ xóm Mỏ Phàng. “… Ông nội họ Lèo là Lèo Thống Hồ chết chôn ở chân núi Sư Tử. Bố đẻ là Lèo Dù Vần, mộ chí lại nằm ở Mỏ Phàng nước Việt.
Khi đất nước bên ấy loạn lạc, Lèo Dù Vần chạy sang xóm Giàng Bái (Mỏ Phàng) tá túc, được dân Mỏ Phàng che chở, cưu mang, khi chết được dân Mỏ Phàng chôn cất tử tế. Ấy thế mà đất Mỏ Phàng sau này trở thành đất tranh chấp, bao tai họa đổ xuống đầu người dân hiền lành, tốt bụng…” (tr 60 sđd).
Và đây là vài chi tiết trong xóm Răng Ngựa: “ Chả biết từ trời cao hay đất dầy, tự nhiên người hai xóm gặp nhau thờ ơ, lánh mặt. Dân xóm Răng Ngựa ít sang Mỏ Phàng xay nhờ ngô làm mèn mén. Con gái ít gặp nhau ở chỗ lấy nước chảy từ khe núi ra. Có lần thùng nước của người Mỏ Phàng bị vất khỏi chỗ vòi nước chảy, thay vào đấy cái thùng gỗ của người xóm Răng Ngựa.
Sự lánh mặt nhau lúc đầu có vài người, sau đông hơn, nhiều hơn và chẳng bao giờ lội suối sang nhau ăn đám cưới nữa…
Không khí đang yên ổn tự nhiên căng thẳng. Lý Chi và A Thàng không được gần nhau như trước. Hai đứa cũng không cắt nghĩa nổi…?
Khi Lý Chi đi núi về thấy cái cửa sau bếp trước bố mở ra để nhìn sang sân nhà A Thàng, bị cót ép đóng kín lại. Mẹ Lý Chi lúng búng bảo: “Chú Lèng bắt làm thế, không cho nhìn thấy kẻ thù của mình” (tr 26,27 sđd).
“… Lưu Văn Lèng hôm đó lội qua suối kéo qua mấy chục dân binh, có thằng vác súng, kéo thẳng tới Lùng Vần Chải, tuyên bố: “Đây là đất của họ”, lùa dân xóm Răng Ngựa sang chặt cây, đốt nương, trồng ngô trên đất dân ta vẫn trồng cấy hàng trăm năm. Mình mềm họ lấn. Có hôm công khai đưa cả binh lính, sĩ quan công an biên phòng, kéo sang những khẩu cối B40-RPD-AK bắc loa xua đuổi người mình ra khỏi nhà, trả đất cho nó và dọa: “Nếu không sẽ đốt nhà bắt người…”
“… Buổi sáng thức dậy người Mỏ Phàng nhìn thấy người hàng xóm (xóm Răng Ngựa) cày đất, gieo hạt trên đất nhà mình. Con bà Dìn ra lớn tiếng. Nó đẩy ngã xuống rãnh ngô, dùng cán cuốc đập chết. “Tai họa rồi”! Bà Dìn thốt lên vậy. Một thằng xóm Răng Ngựa quật bà xuống, mặt bà úp vào luống ngô xanh. Trán bà đập phải hòn đá chúng mới cày lên vất đầu bờ…
A Thàng, Máy Mỉ dẫn hàng trăm người, già, trẻ, gái trai đi theo con đường mòn từ núi sâu đang tụt dốc xuống chỗ đất bị xâm lấn. Họ đang đến sát lại chỗ bà Dìn nằm.
A Thàng xông lên trước. Thằng sĩ quan có súng bước lại ngăn A Thàng. Anh xô nó. Hắn ngã. Hắn hô “tả” “tả”. Mấy đứa xô vào. A Thàng lạnh lùng đánh gục từng đứa.
Thấy đuối sức và đuối lý. Lưu Văn Lèng quát: “Về thôi, không cãi lý với lũ người ngu ngốc nữa”. !
A Thàng tổ chức làm lễ an tang con bà Dìn ngay tại nương ngô nhà bà, để ghi nhớ mối thù này. Những chiếc khăn lanh trắng được thắt lên đầu. Mọi người cúi xuống. Ông già núi lên tiếng: “Buồn một tý”! (ý nói mặc niệm). ( tr 73-74 sđd).
Lấy số đông áp đảo không được. Lấy lực lượng vũ trang uy hiếp và cả trắng trợn giết người cũng không lay chuyển được ý chí sắt đá và lòng yêu nước, yêu nhà của bà con người Mông xóm Mỏ Phàng, người Mông xã Thượng Phùng. Đối phương (tức là phía Trung Quốc) lại cử sang một kẻ đội lốt đạo sĩ (đạo Giáo), một thầy tâm linh, mong có thể thuyết phục hoặc hù dọa đồng bào. Y đòi gặp Dống Sò, một già làng, giữ hồn dân tộc và Chảo A Nghì, người đại diện cho ý chí và lòng yêu nước của bà con dân tộc Mông, xóm Mò Phàng, xã Thượng Phùng.
Sau khi nghe y thuyết giải một cách dông dài, Dống Sò bảo: “ Nếu ngài là người trung thực thì giúp đỡ người Thượng Phùng trừ lũ ác quỷ. Nó đang gài mìn giết trâu bò, bắt cóc trẻ con, phụ nữ. Đêm xuống đóng vai thổ phỉ,quân của Lý Nhè Lùng vào nhà dân cướp của, hãm hiếp, đốt nhà, dắt ngựa… Đúng lúc đó một bà vẻ tiều tụy, đội tuyết lao vào ôm lấy chân Dống Sò: “Thưa già, nhà tôi ở Xín Ngài. Chồng tôi chết mìn đã hơn năm nay, một mình nuôi con nhỏ cày ruộng gieo ngô, mẹ con sống lam lũ. Thế mà đêm qua họ vào cướp hết lúa, ngô bắt nốt con lợn trong chuồng. Nó chả từ cái gì…
Dống Sò chớp chớp mắt nhìn người đàn bà đau khổ, lại nhìn vẻ mặt trơ trơ của tên đạo sĩ, ông nói: “Tự nhiên tôi lại nghĩ đến Lưu Văn Lèng bên xóm Răng Ngựa. Nhớ lại ngày ông ta sang Thượng Phùng chôn cất vợ, ăn ngủ ở nhà tôi. Mới hơn chục năm. Hôm nay Lưu Văn Lèng muốn Thượng Phùng không còn tiếng chim, đêm không nghe thấy tiếng động của thú. Không còn cả tiếng dế và côn trùng nữa. Ông ta đã dẫn dân binh sang gài mìn, phá ngô, phá hồ nước. Lèng phản bội lại dân Thượng Phùng, lấy oán báo ân. Đạo sĩ có biết tâm trạng của chúng tôi như thế nào không, khi phải sống chung với kẻ phản bội, mặt người dạ thú, lật mặt như trở bàn tay. Thâm độc hơn, cứ tối tối cho người cải trang thành người Mông, chờ lúc mọi nhà khóa cửa đi ngủ, đem mìn vào gài ở đầu cửa. Sáng ra, gia chủ tháo then đẩy cửa, mìn mở chốt tự động nổ tung. Cả nhà chết hết. Lũ người này mất hết cả nhân tính rồi đạo sĩ ạ. Chúng là đồng bào của ngài đấy!”. (tr 87,88,89 sđd).
Lướt mấy đoạn trích ngang trong hồ sơ tiểu thuyết, cho ta hai mảng mầu tương phản. Một bên nhân ái, chân thực, bao dung. Một bên tráo trở lấy oán trả ân, ác độc phi nhân tính, bởi có tác động từ trên thượng tầng kiến trúc xuống, nhằm phục vụ mưu đồ chính trị tối đen. Cuộc tranh chấp dân sự mang tính gây hấn, do phía bên kia áp đặt, là tiền đề dẫn tới cuộc xâm lược vô trách nhiệm của nhà cầm quyền Trung Hoa vào tháng 2 năm 1979.
Người Mông xóm Mỏ Phàng và cả xã Thượng Phùng đấu tranh giữ đất trước chiến tranh;chiến đấu đấu bảo vệ Tổ quốc khi quân xâm lược tràn qua biên giới.
Về những vấn đề này, tác giả mô tả vô cùng phong phú và hết sức sinh động, tưởng không cần nhắc lại. Chỉ xin có đôi lời cắt nghĩa vì sao người Mông chiến đấu quả cảm, đoàn kết, kiên định chống lại sự tàn bạo và quỷ quyệt của kẻ thù đến tận ngày toàn thắng. Tinh thần đó được phản ánh khá trung thực, tựa như một bản anh hùng ca trong tiểu thuyết lịch sử “Gió Thượng Phùng” của nhà văn Võ Bá Cường.
Từ xa xưa Miêu tộc đã bị Hán tộc chèn ép, cướp đất và dồn xuống phía Nam. Người Hán cướp bóc họ đến không còn gì để sinh sống nữa. Đến nỗi khi chết, ma người Miêu vẫn còn sợ ma người Hán tiếp tục cướp bóc, hành hạ. Vì vậy, các đồ tùy táng phải hóa trang cho xấu xí. Ngay bộ quần áo mới, mặc cho người chết, gia chủ cũng phải đính theo vài mụn vá bằng thứ vải cũ kĩ. Bi kịch này hiện vẫn còn lưu giữ trong các truyện dân gian của người H Mông Hà Giang.
Không chỉ người Hán mà người Mãn Thanh khi cai trị Trung Hoa, vẫn giữ chính sách ngược đãi người Miêu. Vì vậy năm 1875 có cuộc đại nổi dậy của người Miêu ở các tỉnh Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam chống lại triều đình Mãn Thanh. Cuộc nổi dậy bị đàn áp đẫm máu. Người Miêu chạy dạt qua các nước Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam. Đây là cuộc đại di cư của Miêu tộc.
Tới Việt Nam người Miêu (nay là H Mông) được che chở, được chấp nhận và trở thành dân tộc thiểu số trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Vì lẽ đó họ chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, cũng là bảo vệ sự tồn vong của chính họ.
Tuy nhiên, họ chỉ nhận diện được kẻ thù, khi chính nó tự tháo chiếc mặt nạ chúng đeo thường ngày. Sự việc bắt đầu từ phía bên kia lũ lượt kéo sang xóm Mỏ Phàng đòi đất. Lý do là ngôi mộ của nhà họ Lèo, tức bố đẻ của Lèo Vần Dù, chạy loạn sang Việt Nam, được người xóm Mỏ Phàng cưu mang; khi ông ta chết, được dân Mỏ Phàng thương tình chôn cất cho. Ấy thế mà chúng trở mặt nói: “Người Trung Quốc chết , chôn ở đất Trung Quốc. Vậy đất này là đất của Trung Quốc. Người Mỏ Phàng phải trả đất cho Trung Quốc, nếu không sẽ bị cày ủi”.
Việc nữa là Lưu Văn Lèng trở mặt, đem người sang gài mìn, cướp của, giết người để trả cái ơn dân Mỏ Phàng đã cưu mang trong lúc y túng quẫn.
Chỉ tới khi bộ mặt thật của bọn xâm lược hiển lộ, thì sức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của người H Mông Thượng Phùng mới thật sự bùng phát,và kiên cường tới ngày toàn thắng.
Xâm canh, xâm cư, xâm táng là ba giai đoạn của một cuộc trường chinh cướp đất. Thủ đoạn này, người Trung Quốc diễn cả ngàn năm nay với tất cả các quốc gia mà nó có chung biên giới. Nên nhớ, với người Trung Hoa một xăng ti mét đất họ cũng lấn cướp.
Tôi không nói tiểu thuyết “Gió Thượng Phùng” là tác phẩm toàn bích. Đương nhiên tác giả có thể làm cho tác phẩm tốt hơn.Mặc nhiên tác giả sẽ tu chính vào lần tái bản gần nhất nên không bàn tới chuyện ưu,khuyết ở đây.
Điều cần khẳng định: Tiểu thuyết lịch sử “Gió Thượng Phùng”của nhà văn Võ Bá Cường thật sự là một bài ca giữ nước, một kho báu kinh nghiệm không chỉ của người H Mông, mà là tài sản chung của cả 53 dân tộc Việt Nam.
Hơn nữa “Gió Thượng Phùng” còn là lời cảnh tỉnh cho những kẻ còn khờ dại tin theo lời hứa hão, lời lừa mị của đám Trọng Thủy lộng ngôn thời hiện đại.
Ngày 14 tháng 1 năm 2019
HQH
Ảnh: Nhà văn Võ Bá Cường
http://trannhuong.net/tin-tuc-53922/gio-thuong-phung.vhtm
..nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét