Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Cội nguồn dân tộc Việt Nam chuyển dần xuống phía Nam?


Bản đồ mô phỏng cội nguồn  Bách Việt  (lấy từ internet)
Những năm gần đây xuất hiện xu hướng bác bỏ truyền thuyết Hùng Vương, trong đó có cách lập luận cho rằng bộ tộc Việt Thường thị (thuộc vùng Nghệ An-Hà Tĩnh ngày nay) là trung tâm nguồn cội của người Việt. Cơ sở của lập luận này dựa vào chứng cứ ngôn ngữ và chữ viết của Việt thường thị đã được ghi trong sử sách Trung Hoa (!?). Trong số những tác phẩm nghiên cứu loại này có bài  "Đâu là quốc đô đầu tiên của người Việt" của tác giả   Phan Duy Kha với lời kết luận rất đáng tranh luận như sau:  

"Trước thời đại Hùng Vương hàng ngàn năm, ở vùng Khu IV cũ (bao gồm Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình – Trị - Thiên ngày nay) mà trung tâm là vùng núi Hồng sông Lam, đã từng tồn tại một bộ tộc Việt Thường của người Việt cổ, có trình độ văn minh cao, đã có chữ viết và làm được “quy lịch”. Trên cơ sở của nền văn minh đó, về sau này trên đất nước ta dần dần xuất hiện ba quốc gia: đó là quốc gia Văn Lang của các vua Hùng ở phía Bắc, quốc gia Lâm ấp (Chăm-pa) ở miền Trung và quốc gia Phù Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ trước đến nay, nhắc đến nền văn minh Việt cổ, chúng ta chỉ chú trọng đến thời kỳ Hùng Vương mà bỏ quên nền văn minh Chăm pa, nền văn minh Phù Nam và trước đó hàng ngàn năm là nền văn minh Việt Thường thị. Phải chăng, chúng ta đã thiên lệch và phiến diện lắm sao?"

Phan Duy Kha cũng là tác giả của bài viết "Giấc mơ của Vua Lê Thánh Tông" (Có thể tham khảo bài viết tại đây  nhin-lai-lich-su-thu-ly-giai-giac-mo-cua-vua-le-thanh-tong ). Trong bài này tác giả có nhắc lại một câu hỏi mà người Việt luôn trăn trở: Tại sao các đời vua Hùng dài thế mà không có chữ viết?. Nhưng tác giả lại không tìm hiểu nguyên nhân tại sao, mà chỉ căn cứ vào lý do nó không được ghi chép trong sách sử của Trung Quốc, đồng thời đề cao chữ viết của bộ tộc Việt Thường thị (chỉ vì nó được nhắc đến trong sách sử của Trung Quốc!).  Từ đó tác giả suy ra Việt Thường thị đã có chữ viết sớm hơn nhiều so với sự ra đời các Vua Hùng... và đi tới kết luận: Chữ Khoa đẩu là của Việt Thường thị và là chữ viết của người Việt cổ; và do đó Việt Thường thị là trung tâm nguồn cội, chứ không phải nước Văn Lang của các vua Hùng (!?)


Triệu Đà Vua Nam Việt (207-111 TCN)
Được biết, từ sau cách mạng tháng Tám năm1945 đã hình thành và phát triển trường phái quan niệm rằng nước Văn Lang của các Vua Hùng chỉ nằm gọn trong vùng châu Thổ Sông Hồng. Trường phái này phớt lờ các địa danh như Hồ Động Đình, núi Thái Sơn, Sông Tương, cánh Đồng Tương v.v... trong truyền thuyết Âu Cơ -Lạc Long Quân, không chịu đào sâu nghiên cứu xem tại sao  Âu Việt, Lạc Việt cấu thành nước Văn Lang và Nam Việt của Triệu Đà (sau An Dương Vương) nằm bên trong lãnh thổ Trung Quốc ngày nay? (Tham khảo trieu-la-vua-viet-nam.html.) Và giờ đây các nhà nghiên cứu Việt Thường thị đang tiến thêm một bước nữa với lập luận rằng nguồn cội người Việt là từ Nghệ An xuống miền Trung Việt Nam đến tận vương quốc Phù Nam xưa!. Phải chăng họ đang lẫn lộn giữa nguồn cội với nhưng gì mà ông cha ta đã mở mang bờ cõi sau này?  Nếu cách lập luận này tiếp tục, chẳng mấy chốc người Việt sẽ "mất hút" dấu tích nguồn cội đích thực của mình từ  phương Bắc.
 
Đành rằng  nghiên cứu lịch sử nguồn cội Việt Nam là vô cùng khó, vì Việt Nam là một trong số ít quốc gia dân tộc đã có thể hồi sinh  sau 1000 năm bị độ hộ bởi một cường quốc láng giềng với nhiều thủ đoạn đồng hóa thâm độc khiến cho khái niệm biên giới vô cùng nhập nhằng. Nên nhớ rằng với nhiều dân tộc khác chỉ cần 1/2 thời gian đó có thể "biến mất" trong danh sách các quốc gia dân tộc. Hàng trăm bộ tộc hoặc vương quốc Bách Việt khác đã không còn dấu tích  trong bản đồ nước Trung Hoa vĩ đại ngày nay.  Do đó, sẽ là một sai lầm không thể cứu vãn nếu chỉ nghiên cứu nguồn cội của dân tộc Việt Nam từ nơi nó đang tồn tại và với hình dạng đất nước ngày nay. Nói cách khác, nếu chỉ căn cứ từ những gì được ghi chép trong sử sách Trung Quốc  hoặc những di chỉ khảo cổ tìm thấy bên trong lãnh thổ hiện tại của Việt Nam thì không đủ để tìm ra sự thật về nguồn cội dân tộc Việt Nam của thời tiền sử. Riêng về phương diện chữ viết, đáng lẽ câu hỏi nên đặt ra với các nhà sử học là: Tại sao một bộ tộc nhỏ như Việt Thường thị có chữ viết trong khi Lạc Việt và Âu Việt lại không có chữ viết? Phải chăng do Việt Thường thị bị Bắc thuộc muộn hơn và chưa kịp để bị xóa dấu tích ngôn ngữ (?)  Cả một vùng rộng lớn mà sách  sử TQ gọi là "Giao Chỉ" xưa kia chẳng  lẽ không có chữ viết của họ? Sự thật của quá trình áp đặt chữ Hán lên Giao Chỉ đã diễn ra như thế nào?  Phải chăng để nghiên cứu nguồn cội dân tộc nói chung và chữ viết của dân tộc Việt Nam nói riêng, ta không thể không lội ngược giòng về những vùng đất của Lạc Việt và Âu Việt bên Trung Quốc ngày nay? http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/Tim-lai-nguon-goc-vung-dat-Bach-Viet/201210/236530.datviet. Nên nhớ rằng trước khi có quyển sử ký Tư Mã Thiên (quảng  năm 95 TCN) người Hán đã thôn tính  phần lớn lãnh thổ của người Bách Việt trong đó có Âu Việt và Lạc Việt. Truyền thuyết Hùng Vương của người Việt nói về thời kỳ tiền sử đó bắt đầu từ năm 2879 TCN. Đó là một thời kỳ quá dài để đòi hỏi sự chính xác, nhất là khi kẻ thống trị cố tình xóa đi mọi dấu vết!  Trên thế giới dân tộc nào cũng có truyền thuyết, càng lâu đời truyền thuyết càng trở nên mơ hồ và có vẽ vô lý. Nhưng trong bóng đêm đô hộ của ngoại bang thì truyền thuyết là thứ sử thi duy nhất mà kẻ bị trị có thể lưu truyền cho đời sau.  Do đó hãy đừng vội bác bỏ truyền thuyết trước khi tìm đủ mọi cách để giải mã nó.
 
Tóm lại, cội nguồn dân tộc Việt Nam là một  chủ đề vô cùng phức tạp bởi chính bề dầy thời gian và vị trí địa lý đặc biệt của dân tộc này. Nó phức tạp đến nỗi trong khi có người định chứng minh "người Việt đẻ ra người Hán" thì một số người khác lại cho rằng "Việt Nam từ Trung Quốc mà ra". Việc ngày càng có nhiều người nghi ngờ truyền thuyết Hùng Vương là điều dẽ hiểu khi mà công tác nghiên cứu lịch sử chưa được "cởi trói" khỏi những nếp tư duy lệch lạc, với tâm thế vừa căm thù pha lẫn sự nể sợ đối với kẻ thù truyền kiếp, lại  không muốn thừa nhận thực tế bờ cõi nước ta đã từng bị Phương Bắc xâm lấn (như mất vùng Lưỡng Quảng, mất Nam Việt sau thời Triệu Đà v.v...) . Dĩ nhiên trong khi chưa tìm ra sự thật thì việc đặt lại vấn đề ngược, xuôi, nghi vấn về truyền thuyết Hùng Vương là cần thiết và cũng dẽ hiểu. Nhưng để bác bỏ truyền thuyết của bao đời ông cha để lại là một chuyện hoàn toàn khác, nếu không nói là một điều  đố kị./.

Trần Kinh Nghị

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: