Nguyên tác Chu Mộng Long. Phóng tác từ giai thoại Trang tử.
Hôm nay Trang lại ngủ vùi. Quá giờ Tỵ Trang vẫn còn ngủ. Có con bướm đậu lên mũi. Trang giật mình nhìn theo con bướm chớp cánh bay đi. Trang cũng bật dậy chớp chớp hai tay làm cánh bay theo con bướm. Bay đến bờ sông, Trang thẩn thờ nhìn con bướm chấp chới rồi biến mất trong sương mù.
Người ta nói lúc đó Trang không biết “ta là bướm hay bướm là ta?” Lại còn bịa chuyện trong mơ Trang gặp cao nhân chỉ giáo, rằng con bướm đó có từ trong uyên nguyên của vũ trụ nay hóa thành Trang thỉnh thoảng cứ vật vờ trong mơ.
Sự thực là lúc đó Trang nhìn bướm mà nhớ vợ. Nếu lúc đó Trang nhảy ùm xuống sông mà biến mất thì may ra giai thoại trên là đúng. Người ta thêu dệt câu chuyện nằm mơ hóa bướm từ Nam Hoa kinh của Trang. Trong quyển sách người đời sau truyền đọc ấy, Trang nói thực ảo biến hóa khôn lường.
Vợ Trang chết đã ba năm. Lúc đầu Trang mừng, Trang vỗ bồn mà hát, nhưng bây giờ thì buồn thúi ruột. Từ khi vợ chết, Trang sống một mình trong trang trại. Đứa tiểu đồng cũng bỏ đi. Trang ăn một mình, ngủ một mình và ngẩn ngơ một mình. Bây giờ thì Trang hiểu cuộc sống thiếu đàn bà như mùa xuân thiếu bướm. Trang khóc. Nước mắt Trang lã chã rơi xuống sông và tan theo ánh nắng luênh loang trên mặt sông.
Lúc ấy có một sư cụ đi qua. Nhìn nét mặt hoang hoải của Trang, sư cụ hỏi: “Vì sao con khóc?” Trang cố gạt nước mắt và hỏi giật ngược một cách ngạo nghễ: “Ngươi giúp được gì ta mà hỏi?”. Sư cụ lần tràng hạt và lẩm bẩm: “A Di Đà Phật. Ái, ố, sân, si… làm cho kiếp người đau khổ”. Mắt Trang lờ đờ nhìn cái tràng hạt trên tay sư cụ và vẫn quen hỏi lại: “Ngươi là Bụt hiện ra giúp người chăng?”. “Không, ta là người!”, sư cụ nắm tay Trang để khẳng định ta là người thật việc thật.
Trang nghe bàn tay sư cụ ấm nóng, nhưng cũng không tin đó là Bụt hay là sư. Trang lại hỏi: “Làm cách nào để thoát khỏi ái, ố, sân, si…?” Sư cụ đáp gọn một từ “Niết Bàn”. Trang lù mù với hai chữ Niết Bàn, dù Trang đã đọc không biết bao nhiêu kinh sách. Sư cụ giải thích nghiệp của Trang rất nặng nên khó giải thoát, trừ phi Trang quy y may ra mới đến Niết Bàn. Trang ngửa mặt lên trời cười nhạo rằng Trang cốt cách Tiên, từng hoan lạc triệu năm ở Thiên đình, nay lỡ bước xuống trần gian làm người, làm người chán thì quy Tiên, quy y cửa Phật thì được gì? Sư cụ nói: “Nhưng con đã phạm tội sát hại thê nhi, phận con còn bị đày đọa thêm triệu năm nữa!”. Trang nổi giận mắng thẳng vào mặt sư cụ: “Bịa đặt. Vợ đầu ta chết vì bệnh. Vợ thứ hai của ta lẳng lơ nên chỉ bị ta đuổi đi. Còn Điền thị phản trắc nên chết là phải!”
Nói đến đó thì Trang lại khóc. Điền thị là con nhà quan to, nhan sắc khuynh thành, được gả cho Trang khi Trang chu du sang Tề. Trang từ chối mọi vinh hoa mà mang nàng về Nam Hoa Sơn để vui thú điền viên. Nói nàng chết là do Trang cũng phải mà không do Trang cũng phải. Ấy là lần Trang ra sau núi thấy có người góa phụ ngồi bên cạnh nấm mồ mà quạt đến toát mồ hôi như tắm. Trang hỏi góa phụ sao lại quạt mồ. Góa phụ nói trước khi chồng mất, chồng có dặn dò, rằng chờ khi nào mồ khô, cỏ xanh thì hãy lấy chồng. Nay mưa nhiều, cỏ úng không mọc được, biết bao giờ nàng lấy được chồng. Trang chửi, mẹ cha bọn Khổng – Mạnh bày đạo tam tòng, và cầm quạt giúp góa phụ quạt mồ. Trang lấy hết công lực quạt một loáng là mồ khô, xong lấy cỏ phủ lên xanh um. Góa phụ cảm ơn rối rít và tặng luôn Trang cây quạt. Trang mang cây quạt về nhà. Điền thị hỏi: “Quạt này ai cho?”. Trang kể chuyện góa phụ quạt mồ và hỏi Điền thị, rằng nếu ta chết thì nàng làm sao? Điền thị nói ngay, rằng thiếp sẽ ở vậy suốt đời hoặc xin chết theo chàng. Đêm hôm đó Trang chết thật. Đứa tiểu đồng cho Trang vào cỗ quan rồi tỏ ra sợ hãi đến mức trùm chăn ngủ. Điền thị và anh hàng xóm tình nguyện canh cỗ quan. Nửa đêm anh hàng xóm ôm lấy Điền thị, Điền thị run bần bật và ngã hẳn vào lòng anh hàng xóm. Đúng lúc đó Trang bật nắp quan ra và bắt quả tang. Anh hàng xóm chạy thoát. Còn Điền thị thì quá xấu hổ chạy ra bờ sông và tuẫn tiết. Chuyện chỉ có vậy, lẽ nào Trang mắc tội giết người?
Kể đến đó, Trang chuyển khóc thành cười và hát:
Trần gian là cõi tiêu dao
Vui buồn nếm cả lẽ nào chán chê
Đi đi rồi sẽ về về
Ngoài thương trong ghét ê chề ghét thương…
Sự cụ nhíu mày trước câu hát rối rắm như tơ ấy. Trang hỏi sư cụ: “Ta nghe nói người đời cúng Phật mâm cao cỗ đầy, từ tiền trăm triệu đến bạc tỉ, liệu đến Niết Bàn được chăng?” Sự cụ cười: “Thật vô minh, vô minh! Phật không thưởng không phạt. Đã là nghiệp thì phải gánh. Muốn thoát nghiệp thì khi sống phải quy y tam bảo chứ không tiền bạc nào mua được”. Nói đoạn sư cụ tặng cho Trang bộ kinh Phật, chuỗi tràng hạt và căn dặn Trang về Phật pháp. Nói xong, sư cụ cứ thênh thênh bước trên mặt sông mà sang bờ bên kia.
Trang nằm dài đọc kinh Phật ba ngày ba đêm vẫn không hiểu gì, vì trong đó chẳng có gì giống như lâu nay Trang nghĩ. Đọc thêm ba năm nữa thì lờ mờ nhận ra thứ “sắc sắc không không” trong đó có điều giống như Trang nghĩ. Nhưng Niết Bàn thì vô vọng. Đọc một hồi ra cả một thế giới Kim Cang, Mã Não, Trân Châu, Lưu Ly,… Thì ra đó là thế giới thoát dục, kiên cố đến bất luân hồi. Hóa ra bọn thầy chùa ăn tiền cúng rồi bịa Ma ra Phật. Thảo nào có bao nhiêu vua quan đi lễ chùa cúng kính linh đình tưởng sẽ thoát tội, kết cục bọn ma quái vẫn không tha, cứ lần lượt bẻ cổ từng đứa đến bất đắc kì tử. Nhiều vua quan hoặc đi tù hoặc chết mặt mày xám xịt như thể ăn trúng thực phẩm bẩn hay bị nhiễm độc vậy.
Dẫu đọc kinh Phật đến trăm lần nhưng kết cục Trang vẫn quyết không quy y Phật pháp. Trang hiểu có thành Kim Cang, Mã Não, Trân Châu… cũng không thoát khỏi tay bọn phàm phu tục tử. Có ngày chúng mang ra mua bán ở chợ giời.
Nghĩ đến đó Trang lại ra bờ sông ngồi khóc vợ. Ngọn Nam Hoa Sơn lừng lững in bóng xuống dòng sông với những nét nhòe làm cho mặt sông tràn trề như ưỡn tấm ngực non trần hứng lấy bóng người đàn ông lực lưỡng. Trang như sống lại cái lần ái ân cùng Điền thị suốt ba canh giờ trong ngày đầu đưa nàng về Nam Hoa trang. Đang mơ màng theo cánh bướm chập chờn bay trên mặt sông, thì một ông già khác xuất hiện ngay bên cạnh Trang. Ông già này không hỏi như sư cụ hỏi theo cách của Bụt “Vì sao con khóc?” mà hỏi theo cách nhà quan: “Khóc lóc là trò nữ nhi thường tình!”. Trang nhận ra ngay đó là cụ Khổng. Trang nói: “Ta cười chán rồi khóc, khóc chán rồi cười. Thế gian có khóc có cười, sao lại phân biệt nữ nhi với giới mày râu?” Khổng trêu: “Ta e rằng ngươi không còn đủ sức mà cười nữa!”. Trang vốn ghét Khổng, kẻ mà mẹ mình cũng xem thường thì không đáng trò chuyện, nhưng đã gặp thì hỏi luôn: “Ta nghe trò của ông từng hỏi: Chết rồi có còn không? Ta muốn nghe ông trả lời lần nữa”. Khổng phất tay áo tỏ ra lịch lãm, nho nhã mà nói: “Ta nói chết rồi mà còn thì ngươi coi cái chết như không, không chừng ngươi sẽ nhảy xuống sông mà chết. Còn nói chết rồi là hết thì ngươi chẳng thèm cúng tế tổ tiên, cha mẹ của mình và trở thành đại bất hiếu”. Nghe đến câu trả lời đã nhàm tai ấy thì Trang đứng phắt dậy chỉ tay thẳng vào mặt Khổng: “Đồ tham ăn! Cách trả lời nước đôi của ông chỉ có thể sinh ra kẻ tham sống sợ chết, thậm chí đến chết rồi mà vẫn còn tham ăn nên chưa chết đã chăm lo cái chết. Được rồi, hai ngàn năm sau người ta vẫn sẽ tin ông còn sống, người ta lập nhiều lăng miếu cho ông và người ta vẫn cúng ông nhiều thứ cao lương mỹ vị. Nhưng khi ấy, ông sẽ ăn toàn những thứ độc hại mà người sống không dám ăn. Hiểu chưa!”
Nói đoạn, Trang nhìn lên Nam Hoa Sơn mà nghêu ngao hát, tiếng hát dội vào vách núi rồi vang ra làm lao xao cả mặt nước:
Đời phù du hề thân ta phù du
Cung Tiên nào ai biết Niết Bàn nào ai hay?
Tiền bạc phù vinh hề công danh cũng phù vinh
Vua cũng chết mà chó cũng chết
Chết là hết nếu còn ai tham sống?
Thân xác hề linh hồn hề thành chợ bán buôn
Trần gian mặc cả cõi thần tiên
Cung điện thành gò hề lăng tẩm cũng bị quật
Chỉ có nước sông hề cuốn trôi cả lụy phiền…
Hát đến đấy, Trang nhảy ùm xuống sông và biến mất. Khổng trố mắt nhìn dòng sông duềnh lên dưới ngọn Nam Hoa Sơn. Có đôi cánh bướm chập chờn rồi biến vào trong hang núi. Bất giác Khổng rùng mình và ộc ra một bãi máu tươi rồi đổ vật xuống nền cỏ dại…
Trung thu 2018
CML
———-
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét