Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis đã thăng Việt Nam tháng 1/2018
Với việc thực hiện chuyến thăm thứ hai hiếm thấy trong năm nay tới Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đang gửi ra tín hiệu về việc chính quyền của Tổng thống Trump đang cố gắng chống lại hành động quyết đoán về quân sự của Trung cộng bằng cách làm ấm lên mối quan hệ với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực.
Chuyến thăm bắt đầu hôm 16/10 cũng cho thấy mối quan hệ Mỹ-Việt đã tiến xa ra sao kể từ thời Chiến tranh Việt Nam.
Ông Mattis đã đến Hà Nội hồi tháng 1. Ba tháng sau chuyến thăm, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã ghé thăm cảng Đà Nẵng. Đây là chuyến thăm đầu tiên như vậy kể từ thời chiến tranh và việc này nhắc nhở Trung cộng rằng Hoa Kỳ có ý định tăng cường quan hệ đối tác trong khu vực và lấy đó như là một đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung cộng.
Trong chuyến thăm lần này, ông Mattis sẽ đến thành phố HCM, thành phố đông dân nhất và là trung tâm kinh tế của Việt Nam.
Ông Mattis cũng có kế hoạch đến thăm một căn cứ không quân Việt Nam ở Biên Hòa, từng là một căn cứ không quân chính của quân đội Mỹ trong chiến tranh, và ông sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
Chuyến thăm diễn ra giữa lúc có sự chuyển tiếp lãnh đạo ở Việt Nam sau khi Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang qua đời vào tháng 9.
Đầu tháng này, Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam đã đề cử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước. Theo dự kiến, ông sẽ được Quốc hội phê chuẩn.
Tuy Việt Nam gần đây đã trở thành nơi nhiều bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến thăm, nhưng hai chuyến thăm trong cùng một năm là điều khác thường, và thành phố HCM hiếm khi là điểm dừng chân trong hành trình. Lần gần đây nhất, một người đứng đầu Ngũ Giác Đài đến thăm thành phố HCM là ông William Cohen, vào năm 2000; ông là bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam kể từ sau chiến tranh.
Chuyến công du của ông Mattis ban đầu bao gồm cả việc ghé thăm Bắc Kinh, nhưng chặng này đã bị hủy trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung cộng về các vấn đề thương mại và quốc phòng.
Những căng thẳng này đã góp phần làm nổi bật lên tiềm năng về quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa Hoa Kỳ với Việt Nam.
Josh Kurlantzick, một nhà nghiên cứu cao cấp và là chuyên gia châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Việt Nam trong những năm gần đây đã chuyển từ chính sách đối ngoại và quốc phòng cân bằng cẩn thận trong quan hệ với Trung cộng và Hoa Kỳ sang một chính sách có phần thiên về Washington hơn.
"Tôi thấy Việt Nam rất phù hợp với một số chính sách của ông Trump", ông nói, đề cập đến điều mà chính quyền ông Trump gọi là "chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Chiến lược này nhấn mạnh đến việc đảm bảo là tất cả các nước trong khu vực không bị cưỡng ép và duy trì các tuyến đường biển thông suốt cho thương mại quốc tế, đặc biệt là ở Biển Đông có nhiều tranh chấp.
"Việt Nam, ngoài Singapore ra, là quốc gia hoài nghi nhất về chính sách Đông Nam Á của Trung cộng và là đối tác tự nhiên nhất của Hoa Kỳ", ông Kurlantzick nói.
Khi rời Hà Nội vào tháng 1, ông Mattis cho biết chuyến thăm của ông đã làm rõ một điều rằng người Mỹ và người Việt Nam chia sẻ lợi ích về một số mặt thậm chí từ trước thời kỳ đen tối là Chiến tranh Việt Nam.
"Cả hai chúng ta đều không thích bị biến thành thuộc địa", ông nói.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét