Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Nghệ thuật giúp cho con người hướng thiện?


Thanh niên “vỡ òa đón sao”
Chu Mộng Long: Nghệ thuật dẫu là đạt đến cái đẹp thuần khiết đi nữa thì sự vươn đến thiện ác còn tùy người thưởng thức. Kẻ phàm phu mà thưởng thức nghệ thuật, nói như Nguyễn Hưng Quốc, khác nào bọn Mã Giám Sinh yêu Thúy Kiều, hậu quả là biến Thúy Kiều thành con đĩ.
Một con hát triết luận về âm nhạc. Rằng âm nhạc mang cái đẹp đến cho cuộc sống, rằng cái đẹp lay động lòng người, làm cho con người hướng thiện. Thứ triết luận mỏng môi này đầy rẫy trong các sách mỹ học, lý luận nghệ thuật ở Việt Nam. Nó ngớ ngẩn, nhưng nhiều nhà báo bênh vực cho con hát lại tin như thật và dẫn đi dẫn lại như là chân lý vậy.
Sự thật, xưa nay trên thế giới chưa có ai lý luận như thế. Là bởi các giáo sư tiến sĩ Việt Nam chộp giật rồi viết bậy vào sách của mình làm cho cái con hát kia và đám nhà báo nọ tưởng đó là tri thức thứ thiệt.
Các triết gia Hy Lạp cổ nói nhiều nhất về âm nhạc và cái đẹp. Không ai trong số các nhà thông thái ấy quan niệm âm nhạc hay cái đẹp đơn giản như vậy. Phái Pythagoras xem những bản hòa âm của âm nhạc là toán học, rằng các thanh âm hòa điệu được phát ra từ những dây đàn có các số đo được xác định bằng các tỷ lệ chuẩn mực, được coi như là sự thiên khải của tôn giáo. Có nghĩa là Pythagoras xem âm nhạc hay cái đẹp là những mẫu mực tinh thần, và sự mẫu mực ấy thuộc về thần thánh. Phái Plato cũng không xem cái đẹp nằm trong thường nghiệm của tri giác mà thuộc siêu nghiệm khi con người vươn đến tinh thần siêu việt. Ngay cả người được nhắc đến như một ông tổ của phái duy vật là Aristotle cũng không xem cái đẹp như là cái tự nhiên của đời sống. Nghệ thuật là sự mô phỏng (mimesis), nhưng nó luôn đẹp hơn tự nhiên (anh hùng ca, bi kịch) hoặc xấu hơn tự nhiên (hài kịch).
Trong sự vươn đến trí tuệ siêu việt, thậm chí mô phỏng đẹp hơn hay xấu hơn tự nhiên, không có chuyện nghệ thuật bao giờ cũng lay động lòng người, làm cho con người hướng thiện. Nếu thế thì Plato đã không đòi đuổi các nhà thơ ra khỏi vương quốc cộng hòa lý tưởng của ông, và Aristotle đã không phân biệt sự cao cả, trật tự của nghệ thuật đỉnh cao và sự tầm thường thấp kém của loại nghệ thuật phàm tục.
Trong suốt chiều dài lịch sử từ cổ đại vắt qua ngàn năm trung đại rồi Phục hưng, Khai sáng và cho đến nay, mặc dù nghệ thuật thay đổi với nhiều dạng thức khác nhau, nhưng xấu có tốt có chứ không có chuyện nghệ thuật là đẹp, là hướng thiện. Kant phản bác thứ nghệ thuật thực dụng thứ cấp gây hại cho người xem hơn là giáo dưỡng tinh thần. Hegel cũng không tin nghệ thuật là cứu cánh giúp cho con người thoát khỏi vô minh, trừ phi đó là nghệ thuật đạt đến sự hoàn mỹ của tinh thần tuyệt đối như Plato đã nói.
Đáng chú ý là Nietzsche, dù lấy thần Dionysus với sự say sưa làm cảm hứng, nhưng ông vẫn lấy thần Apollo là mẫu mực để điều chỉnh cảm hứng và vươn đến tinh thần siêu việt. Ông khinh bỉ thứ nghệ thuật chạy theo thị hiếu tầm thường: trong những nền văn minh suy tàn, nghệ thuật tước bỏ ý chí, niềm tin của con người, là thứ ma túy đầu độc con người. Sau Nietzsche, chẳng còn ai huyễn tưởng nghệ thuật là cái đẹp, là phương tiện hay cứu cánh cho sự hướng thiện. Nghệ thuật có thể là một bông hoa tươi thắm nhưng cũng có thể là cái bô tiểu, có thể là thần tiên nhưng cũng có thể là ma quỷ.
Ngay đối với truyền thống Việt, cha ông ta cũng từng phân làm hai loại nghệ thuật, loại đáng thờ (chân thực và đẫm chất nhân sinh) và loại không đáng thờ (loại chỉ dành cho sự tiêu khiển hoa mỹ, lừa dối). (Nguyễn Văn Siêu).
Nhà thờ dòng Mến ở Thủ Thiêm hàng tuần vẫn có nhạc giao hưởng cho các con chiên ngoan đạo. Đó có thể là nghệ thuật hướng thiện, dù theo Nietzsche, mới chỉ là sự cứu rỗi, chưa phải là thứ nghệ thuật mang lại sức mạnh của ý chí, niềm tin. Nhưng dẹp nhà thờ này đi và thay vào đó nhà hát với 1.700 chỗ ngồi chỉ có thể là thứ nghệ thuật trọc phú, ô hợp, hát trên xương máu của người nghèo.
Nói nghệ thuật làm lay động lòng người có thể đúng. Bởi không ít thanh thiếu niên mê mẩn thứ nghệ thuật mà các con hát ru ngủ chúng, đến mức la hét, khóc lóc và sẵn sàng bò ra hôn ghế liếm ghế các thần tượng mà chúng gọi là “sao”. Nhưng nói nghệ thuật làm cho con người hướng thiện thì sai bét. Hướng thiện theo cách bỏ học vào vũ trường tiêm chích và hoan lạc, trong lễ hội âm nhạc điện tử vừa rồi, chúng dùng thuốc lắc, nhảy nhót tưng bừng và sốc thuốc đến chết mấy mạng người?
Đó là chưa nói thứ nghệ thuật cổ vũ giết người. Một bản nhạc, một bài thơ sắt máu do mấy nghệ sĩ hiếu chiến làm ra đã từng thúc giục đồng loại giết nhau, tàn sát nhau mà nhầm tưởng là anh hùng!
Này mấy ông giáo sư tiến sĩ dỏm. Này mấy ông bà nhà báo tỏ ra hiểu biết nghệ thuật. Hãy đọc và suy nghĩ, đừng chộp giật vài câu của người ta rồi tỏ ra hiểu biết. Mà nếu không đọc hiểu được sách thì hãy chống mắt lên mà xem cái thực tiễn nghệ thuật hiện nay nó đã hủy hoại tính cách dân tộc như thế nào. May mà trong sự hủy hoại đó, đa số nhân dân đã tỉnh ra và tự giải thoát bằng sự tẩy chay hoặc bằng tiếng cười chế giễu. Tôi dẫn cho các vị nguyên văn một đoạn K. Marx nói về thứ nghệ thuật của “Chủ nghĩa xã hội phong kiến” – từ dùng của chính K. Marx về một chủ nghĩa xã hội mà chủ nhân là bọn “quý tộc tinh hoa” hay bọn trọc phú đang lên:
“Các ngài quý tộc ấy đã giơ cao cái bị ăn mày lên làm cờ để lôi kéo nhân dân đi theo. Nhưng nhân dân vừa đi theo các ngài thì đã trông thấy ngay những huy chương phong kiến cũ đeo sau lưng các ngài , họ đã liền tản đi và phá lên cười một cách ngạo mạn” (Marx-Engels toàn tập, TậpVI, tr. 547, Mega).
Cái bản nhạc giới “quý tộc tinh hoa” đó làm ra nghe có giống nhạc giao hưởng ăn mày ngàn tỉ của dân mà các ngài đòi mang ra phục vụ cho dân không?
Đó là tôi chưa nói, nghệ thuật dẫu là đạt đến cái đẹp thuần khiết đi nữa thì sự vươn đến thiện ác còn tùy người thưởng thức. Kẻ phàm phu mà thưởng thức nghệ thuật, nói như Nguyễn Hưng Quốc, khác nào bọn Mã Giám Sinh yêu Thúy Kiều, hậu quả là biến Thúy Kiều thành con đĩ. Không tin hãy hỏi cái bọn “tinh hoa quý tộc” chơi tranh vừa rồi. Chúng mới chỉ xem chữ ký của chúng đẹp hơn tranh họa sĩ vẽ là còn may. Chúng cậy tiền mà ỉa bậy vào đó cũng đành chịu!
Tháng 10 năm 2018
Chu Mộng Long
Khi “tinh hoa quý tộc” chơi tranh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: