Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

D.TRUMP TIẾP TỤC RA ĐÒN VỚI TRUNG QUỐC



Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) đón Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Trung Quốc 
năm 2017. Ảnh: Reuters. 
Rút khỏi hiệp ước 144 năm, 
Trump tiếp tục tung đòn vào Trung Quốc 

VNE
 
Thứ sáu, 19/10/2018, 11:15 (GMT+7) 
Quy định về cước vận chuyển của Liên minh Bưu chính Toàn cầu bị Trump coi là bất công vì tiếp tay cho hàng hóa Trung Quốc tràn vào Mỹ.

Mỹ rút khỏi Liên minh Bưu chính Thế giới để ngăn Trung Quốc hưởng lợi 
Vũ khí mới Trump có thể tung ra trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Mỹ ngày 18/10 tuyên bố rút khỏi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc được thành lập bằng một hiệp ước được ký vào năm 1874 tại Berne, Thụy Sĩ. Theo giới quan sát, việc từ bỏ thỏa thuận quốc tế này là "đòn đánh" mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm thẳng vào Trung Quốc nhằm gia tăng sức ép thương mại với nước này, theo Business Insider.


Trong 144 năm qua, hiệp ước UPU đã giúp cộng đồng quốc tế chuẩn hóa các quy định bưu chính nhằm giúp thư tín, bưu kiện, hàng hóa được lưu chuyển trên toàn cầu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một điều khoản được bổ sung vào hiệp ước này năm 1969 lại khiến chính quyền Tổng thống Trump không hài lòng, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang đến hồi khốc liệt.

Theo điều khoản này, các nước đang phát triển có thể chuyển những bưu kiện nhỏ với cước phí thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển như Mỹ. Điều khoản này được đưa ra nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở các nước nhỏ, giúp họ phát triển kinh tế thông qua hoạt động giao thương toàn cầu.

Cùng với sự bùng nổ của các trang thương mại điện tử quốc tế như eBay hay Amazon, quy định này giúp người bán hàng ở các nước nghèo, đang phát triển tiết kiệm chi phí vận chuyển, tạo lợi thế cạnh tranh về giá bán với hàng hóa từ các nước giàu. Tuy nhiên, nó cũng giúp các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hàng hóa tới Mỹ với cước phí thấp hơn rất nhiều so với hàng hóa vận chuyển trong lòng nước Mỹ.

Chính quyền các đời tổng thống Mỹ trước đây đều nhận ra lỗ hổng này và khiếu nại lên UPU. Sau nhiều lần phàn nàn của Mỹ, UPU năm 2016 có một số điều chỉnh trong quy định về cước phí đầu cuối nhằm giảm bớt những lợi thế rõ ràng cho hàng hóa từ Trung Quốc vận chuyển sang Mỹ.

Tuy nhiên, Trump vẫn không hài lòng, cho rằng các điều chỉnh này là không tương xứng và Trung Quốc vẫn nhận được biệt đãi. Là người đề cao chính sách "Nước Mỹ trên hết", Trump coi quy định về cước phí của UPU là thiệt thòi cho các doanh nghiệp Mỹ và "tiếp tay" cho hoạt động mua bán hàng nhái, hàng giả giá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc.

Các quan chức Nhà Trắng còn chỉ ra rằng nhiều công ty thậm chí còn miễn phí vận chuyển hàng từ Trung Quốc tới Mỹ vì cước phí quá rẻ, và hậu quả là gần 60% hàng hóa quốc tế được vận chuyển tới Mỹ đều đến từ Trung Quốc. Theo tính toán của họ, một kiện hàng nặng khoảng 450 g khi vận chuyển bằng Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS) sẽ mất cước phí 10 USD, nhưng nó có thể được gửi đi từ Trung Quốc với mức phí chỉ 2,5 USD. Quy định này khiến USPS thiệt hại tới 170-300 triệu USD mỗi năm.

"Thử tưởng tượng xem, cước phí vận chuyển một kiện hàng bằng Dịch vụ Bưu chính Mỹ từ Los Angeles tới New York còn đắt hơn cả chi phí chuyển kiện hàng đó từ Bắc Kinh tới New York", Peter Navarro, cố vấn thương mại Nhà Trắng, viết trong bài xã luận công kích UPU trên Financial Times hồi tháng 9. "Sự bất bình đẳng này khiến các doanh nghiệp, nhà sản xuất nhỏ của Mỹ gặp bất lợi rất lớn trong cạnh tranh".

Nhân viên USPS (trái) chuyển bưu kiện tới khách hàng. Ảnh: KoreanTimes.

Bình luận viên Bob Bryan cho rằng quyết định rút Mỹ khỏi UPU cho thấy quan điểm nhất quán của Trump là chống lại những thỏa thuận đa phương bất lợi cho Mỹ và chính quyền của ông sẽ bịt kín mọi lỗ hổng mà Bắc Kinh có thể khai thác để gia tăng thâm hụt thương mại với Washington. Nó cũng cho thấy Trump sẽ không bỏ qua bất cứ công cụ nào khả dĩ để gia tăng sức ép với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại.

Sau một loạt quyết định áp thuế với hơn 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, động thái mới nhất của chính quyền Trump sẽ có tác động không nhỏ đến hoạt động của các nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng giá rẻ vốn là lợi thế rất lớn của nước này.

Theo Fortune, những mặt hàng như quần tập yoga có giá chưa tới một USD được các thương gia Trung Quốc bán phổ biến trên eBay nhiều khả năng sẽ không còn hấp dẫn người tiêu dùng Mỹ khi quyết định rút khỏi UPU của Trump được đưa ra.

Trong hàng trăm gian hàng Trung Quốc quảng cáo mặt hàng này trên eBay, Webstainless là đơn vị nổi tiếng nhất với hơn 21.000 nhận xét tích cực từ khách hàng trong 12 tháng qua. Mỗi chiếc quần tập yoga sản xuất ở Trung Quốc được Webstainless bán cho khách hàng ở Mỹ với giá chỉ 76 cent, miễn phí vận chuyển.

Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ đặt mua một cặp quần tập yoga với giá 10,29 USD trên AliExpress, trang thương mại điện tử do tập đoàn Alibaba của Trung Quốc sáng lập, sẽ được miễn phí vận chuyển nếu sử dụng dịch vụ chuyển phát ePacket, một công ty con của USPS. Nếu hàng được vận chuyển bằng các đơn vị khác như FedEx, DHL..., chi phí vận chuyển sẽ vào khoảng 40-60 USD, khiến giá của loại quần tập yoga Trung Quốc này trở nên đắt đến mức khách hàng thà đến các cửa hàng ở Mỹ để mua còn hơn.

Những chiếc quần tập yoga được bán trên eBay với giá chưa tới 1 USD, 
miễn phí vận chuyển. Ảnh chụp màn hình.

Bởi vậy, quyết định rút khỏi UPU của Trump sẽ khiến các công ty Mỹ như FedEx và các dịch vụ vận chuyển quốc tế khác vui mừng, trong khi chi phí với tập đoàn Alibaba nhiều khả năng sẽ tăng lên. Tệ hơn, nhiều gian hàng bán đồ "rẻ như cho" của Trung Quốc trên các trang thương mại trực tuyến cũng có thể biến mất.

"Các thương gia Trung Quốc trên eBay và nhiều trang thương mại trực tuyến khác rất có thể phải ngừng hoạt động, hoặc ít nhất là sẽ không còn dễ dàng bán hàng ở Mỹ như trước", Gary Huang, chuyên viên Viện Thương mại Mỹ ở Thượng Hải, nhận định. "Họ đã tận dụng lợi thế này trong nhiều năm qua để đánh bại các nhà bán hàng Mỹ, nhưng điều đó sẽ không tiếp diễn dưới thời Trump". 
Thành Nguyễn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: