Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Hiệp định tự do mậu dịch CPTPP có hiệu lực từ cuối năm


Ngày 18/03/2018, đại diện 11 nước đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, CPTPP không có Mỹ, tại Santiego, Chilê.

Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương sẽ bắt đầu có hiệu lực trong năm nay cho dù Hoa Kỳ rút lui : Úc hôm nay 31/10/2018 đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, trước đây mang tên là TPP.

Thủ tướng Úc Scott Morrison vui mừng tuyên bố : « Úc là nước thứ sáu phê chuẩn, khiến hiệp định có thể được áp dụng kể từ ngày 30/12 năm nay ». Trước đó Nhật Bản, Canada, New Zealand, Singapore và Mêhicô đã có động thái tương tự. Theo thỏa thuận, sau khi có 6 nước tham gia phê chuẩn thì hiệp định sẽ có hiệu lực ngay sau đó 2 tháng.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi nhận xét : « Việc hiệp định có hiệu lực sẽ gởi đi một thông điệp mạnh mẽ, khẳng định việc thiết lập các quy chế thương mại bình đẳng và tự do cho thế kỷ 21 – các quy chế này sẽ được phổ biến trên toàn cầu ».

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay cũng nhắc lại trước Quốc hội là Nhật « sẽ hành động để tăng cường thương mại quốc tế » dựa trên những giá trị này, trước « những phong trào bảo hộ đang nổi lên trên thế giới ».

Đợt giảm thuế quan đầu tiên trong khuôn khổ hiệp định CPTPP sẽ bắt đầu trong 60 ngày tới, tức vào ngày 30/12/2018 ; và đợt hai vào ngày 01/01/2019. Bộ trưởng Thương Mại New Zealand khi cho biết như trên đã bày tỏ hy vọng năm nước còn lại cũng sẽ nhanh chóng phê chuẩn (gồm Việt Nam, Malaysia, Brunei, Chilê, Peru).

Chiếm ít nhất 15% GDP toàn cầu, liên quan đến 500 triệu người, hiệp định với tên mới là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) mang tính chiến lược đối với các nước tham gia. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama khi đề xướng TPP coi đây là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng ông Donald Trump đã hủy bỏ ngay khi bước chân vào Nhà Trắng.

CPTPP không chỉ nhằm dỡ bỏ hàng rào thuế quan, mà cả những rào cản phi thuế quan như cho các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu, xác định những tiêu chuẩn chung cho thương mại điện tử và dịch vụ tài chính, tôn trọng các tiêu chí của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: