Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

TÔI LÀ GÃ THANH NIÊN 91 TUỔI


Phan Vũ viết Em ơi, Hà Nội phố vào năm 1972, trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội chìm trong mưa bom B52. Lúc ấy, quân đội Mỹ nói: “Sẽ đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá". Ông trả lời trong bài thơ đó bằng rất nhiều lần điệp từ: Em ơi Hà Nội phố, ta còn em, ta còn em, mãi mãi còn em…
000068
 Tôi sinh ra ở Hải Phòng vào năm 1926. Con người tôi mang cái chất sóng gió, phóng khoáng của vùng đất cảng nổi danh giang hồ đó. Tôi vốn dĩ không phải nhà thơ. Tôi làm thơ muộn lắm, tôi vốn là đạo diễn phim và sân khấu. Do tôi chơi với mấy ông nhà thơ tài ba lắm, toàn những nhân vật dính vào vụ Nhân văn giai phẩm như ông Trần Dần. Thế là tôi làm thơ.
 Thời còn học ở trường Bưởi, Nguyễn Cao Kỳ học dưới tôi mấy lớp, cậu ấy và tôi thường hay đi đánh lộn với tụi trẻ con Pháp. Sau này, chúng tôi ở hai đầu chiến tuyến. Thời gian cứ trôi qua, rồi khi Nguyễn Cao Kỳ gặp lại tôi, chúng tôi vẫn cười và coi nhau như cái thời trẻ nít ngày nào, như chưa từng có máu đổ và trận chiến nào từng xảy ra. Nhưng quả thật, cuộc chiến đó, nỗi đau đó không bao giờ nguôi ngoai…
Dân ta có lịch sử hào hùng với bao điều đáng tự hào mà ông cha đã gầy dựng lên.Nhưng nếu phải nhìn vào một yếu điểm, một nỗi đau của dân tộc thì đó chính là sự chia rẽ. Nhiều thế kỷ trước thì nội chiến, anh  em tương tàn, đến giờ sự chia rẽ vẫn còn ẩn hiện dưới nhiều hình hài, chưa bao giờ kết thúc. Thời còn cầm súng bảo vệ đất nước với lý tưởng cách mạng, tôi luôn biết những người phía bên kia chiến tuyến không phải kẻ thù mà là những anh  em của mình.
 Nhiều người biết đến tôi từ bài thơ Em ơi, Hà Nội phố đã được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc. Bài thơ đó có 443 câu, nhạc sỹ chỉ sử dụng 21 câu. Hồi đó, tôi thân với họa sỹ Bùi Xuân Phái nên hay đi chơi với ông. Ông Phái vẽ phố, còn tôi nghĩ về phố. Tôi đã viết Em ơi, Hà Nội phố vào năm 1972, trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội chìm trong mưa bom B52. Lúc ấy, quân đội Mỹ nói: “Sẽ đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá”. Tôi trả lời trong bài thơ đó bằng rất nhiều lần điệp từ: Em ơi Hà Nội phố, ta còn em, ta còn em, mãi mãi còn em…
Hồi mới viết trường thi Em ơi, Hà Nội phố, tôi cũng lận đận nhiều. Tác phẩm bị phê phán và xếp vào những vụ án của Nhân văn giai phẩm. Nhưng thực ra, tôi bị phạt vì bài thơ Bình vỡ, các tác phẩm khác bị lây. Tôi phải đi lao động cải tạo để “giác ngộ cách mạng”. Tôi hiểu lý tưởng cần sự sắt đá nhưng tôi không cấm trái tim mình thổn thức và lãng mạn được. Mãi đến dịp 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, tôi mới có dịp đọc toàn bộ tác phẩm đó cho người dân Hà Nội nghe. Âu cũng là một số phận thi ca, bài thơ đó lang bạt giang hồ như chính cuộc đời tôi. Thật oan cho bài thơ được viết ra vì tình yêu cho Hà Nội. Và sau gần nửa thế kỷ, tôi chính thức được in tác phẩm Em ơi, Hà Nội phố trong một tập thơ riêng biệt. Điều này để dành tặng cho những người nặng lòng với Hà Nội, với thơ, với cái đẹp một thời không quên.
Trong trường thi ấy ẩn hiện hình ảnh người con gái Hà Nội. Có khán giả biết tôi đa tình, mới hỏi là cô gái trong Em ơi, Hà Nội phố là ai? Tôi trả lời rằng, nếu chỉ có một cô thì tôi không làm được bài thơ ấy. Đó là tình cảm tôi dành cho có lẽ là… 36 cô, thứ tình yêu sâu nặng mà tôi dành cho Hà Nội.
Tôi rất đa tình, nhưng đa số là yêu kiểu ảo tưởng, tưởng tượng để lấy cớ làm thơ. Ngày xưa, cổ nhân đi bảy bước làm bài thơ còn bạn bè tôi ở Hà Nội nói Phan Vũ đi bảy bước là có một chuyện tình. Tuy nhiên, từ thời trẻ tới giờ, tôi chưa bao giờ chủ đích tán tỉnh một ai đó. Những mối tình đến với tôi, trong cuộc đời đều rất tự nhiên. Mỗi cuộc tình đều là một kỷ niệm đẹp như một bài thơ không thể nào quên được trong cuộc đời và tôi tin nó cũng đẹp trong lòng những người đàn bà từng yêu tôi.
 Diễn viên Phi Nga (nổi tiếng với nhân vật Hoài – Chung một dòng sông) là người vợ đầu của tôi. Ngày đó, chúng tôi đến với nhau không nhiều sự lãng mạn mà phần lớn vì cảm mến tài của nhau. Sau khi lấy nhau được hai năm và sinh được hai người con, tôi phát hiện bà bị bệnh tim bẩm sinh. Từ đó cho tới khi bà mất ở tuổi 49, tôi có gần 20 năm chăm vợ ốm và gần 10 năm chăm sóc khi bà bị tai biến mạch máu não, không thể đi lại. Có điều gì đó còn trên cả tình yêu đối với người vợ đầu. Trong những năm tháng bà nhà bị bệnh, có những lần tôi phải cõng bà từ nhà ở Hàng Bún xuống Bệnh viện Việt Xô, bởi tim bà quá yếu không thể đi xe đạp hay xích lô vì sợ xóc, hồi đó lại chưa có xe cấp cứu. Những ngày nằm một chỗ, nhớ sân khấu, tôi thường cõng vợ đến nhà hát xem kịch. Tôi không bao giờ quên khi bà mất dần trí nhớ, tiếng duy nhất bà có thể kêu lên mỗi khi muốn yêu cầu một việc gì đó là tên tôi: “Vũ”.
Năm 73 tuổi, tôi lên xe hoa lần thứ hai với người vợ 37 tuổi, là nhà báo Diễm Chi. Cô ấy là nhà báo viết cho mục tư vấn hạnh phúc, quen tôi từ một cuộc phỏng vấn. Khi cô ấy chủ động đến với tôi, tôi đã nói rằng: “Tôi không còn đủ thời gian cho một cuộc tình. Tôi chỉ còn đủ thời gian cho cái chết”. Ấy vậy, câu nói đó lại khiến cô ấy cảm động mà muốn cưới tôi. Tất nhiên, còn vì một… bài thơ mà tôi tặng cô ấy nữa. 73 và 37 nhìn ngược nhìn xuôi cũng coi như bằng tuổi nhau vậy. Cho đến tận bây giờ, tôi ngoài 90, vợ chồng vẫn sống rất hạnh phúc bên nhau và tình yêu dành cho nhau lúc nào cũng đong đầy. Tôi thường kể cho vợ tôi nghe những chuyện tình cũ của tôi để ru cô ấy ngủ.
 Tôi luôn ăn mặc như gã thanh niên, quần jeans rách, xắn gấu, giày hầm hố, áo sơ mi hoa, miệng ngậm tẩu thuốc. Bất cứ thời khắc nào, tôi cũng là gã thanh niên lãng mạn, lãng tử. Như lúc này, tôi là chàng thanh niên Phan Vũ, 91 tuổi. Vậy đó.
Bài: NGUYỄN HẬU  – Ảnh: TRỊNH DU


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: