Ngày xưa những người có may mắn được học hành , hiểu nhiều , biết rộng ,...được gọi là KẺ SĨ ( chữ kẻ không hề có ý gì khinh rẻ cả ) . Còn người tầm thường dốt nát , hèn kém thì người ta gọi là THẤT PHU. Cái học ngày xưa là Nho học . Cái học này hàm chứa đạo học nên còn gọi là Nho giáo . Người thâm Nho gọi là Nho gia . Nho học không đơn thuần là tri thức mà còn là đạo đức và cả chính trị - chính trị diễn dịch từ đạo đức . Dạy đạo đức chính trị là dạy cách làm người (cả cách làm Vua , cách làm quan , ...). Muốn đạt mục tiêu này thì từ thiên tử cho đến thứ dân phải qua cửa Khổng , sân Trình .
Một khi đã hiển đạt , thành danh rồi thì kẻ sĩ có hai con đường để lựa chọn : xuất và xử . Nếu gặp minh quân thì "xuất ", gặp hôn quân thì "xử"- lui về ẩn cư mở trường dạy học , bảo tồn sĩ tiết . Dù xuất hay xử thì kẻ sĩ bao giờ cũng chánh tâm thành ý , cương thường , hiếu nghị . Giữa Vua và kẻ sĩ có sự tương tác hài hòa . Vua có quyền , kẻ sĩ có học . cả hai cùng có CHUNG TRÁCH NHIỆM hợp tác để định quốc an dân . Có ba điều mà kẻ sĩ cấm kỵ :
- Nghèo khó không thay đổi ( bần tiện bất năng di )
- Giàu có không xa xỉ ( phú quý bất năng dâm )
- Đứng trước bạo quyền không khuất phục ( uy vũ bất năng khuất )
Kẻ sĩ được đa số dân chúng tin cậy , ca ngợi với nhiều mỹ từ SĨ KHÍ , SĨ HẠNH , SĨ TIẾT ,..
Nho học đến thời Pháp thuộc được thay thế bởi tây học , chẳng còn ai mặn mà với " cái học nhà Nho " , bởi " mười người đi học chín người thôi " . Sau khi hòa bình lập lại , dưới thời VNCH những tinh hoa cổ học nói chung được kế thừa , bảo tồn và bồi đắp ...
Ngày nay , Nho học cáo chung , kẻ sĩ không còn , sĩ khí sĩ hạnh cùng chung số phận .
Trí thức ngày nay khác kẻ sĩ ngày xưa ở CÁI HỌC ( nội dung giáo dục). Cái học ngày xưa không tách rời TRI THỨC với ĐẠO ĐỨC . Cái học ngày nay thì khoa học và đạo đức tách thành hai bộ môn . Bộ môn đạo đức diễn dịch từ chính trị ; lên đến đại học trở thành giáo trình " tư tưởng HCM". Về phương pháp học tập của Nho sĩ xưa cũng không cưỡng chế , áp đặt : học đi liền với vấn . Trong chữ học có bộ môn ngoài và chữ khẩu trong . Vào cửa Khổng sân Trình là phải hỏi ; hỏi thì phải hỏi cho ra lẽ ( thẩm vấn ) . Suy nghĩ thì suy nghĩ cẩn thận ( thận tư ) . Biện luận thì phải cho rõ ràng (minh biện ). Phương pháp giáo dục này hoàn toàn khác với phương pháp áp đặt , cưỡng chế , nhồi nhét buộc người học phải nghĩ một chiều , nhìn một hướng , nói cùng một kiểu , làm cùng một cách ,...Phương pháp GD này làm thui chột tính sáng tạo , độc lập , ...của người học .
Số phận của kẻ sĩ xưa và trí thức nay đều thăng trầm theo từng giai đoạn lịch sử . Dưới thời Tần Thủy Hoàng , nho sĩ đã từng bị chôn sống vì chủ trương "phần thư khanh nho " ( đốt sách chôn nho ) ; rồi sau đó được phục hưng dưới thời Hán Cao Tổ . Ở VN thời cải cách ruộng đất , giới trí thức được coi là đối tượng nguy hiểm số một , cần phải " đào tận gốc , trốc tận rễ ". Ngày nay trí thức XHCN được nhiều ân sủng để làm nhiệm vụ " gác cổng bảo vệ chế độ ". Do vậy nảy sinh sự phân hóa trầm trọng trong giới trí thức . Khái niệm về hai chữ trí thức không còn chính danh nguyên nghĩa như nó vốn có . Trí thức hiểu đúng danh nghĩa là người VỪA SỐNG ĐỜI TỈNH THỨC , VỪA ĐÁNH THỨC MỌI NGƯỜI CÙNG THỨC . Người trí thức phải ưu thời mẫn thế , phải luôn thao thức , quan tâm đến nhân tâm thế đạo , đến sự hưng vong của đất nước . Không phải hễ có học thức , có tri thức thì là người trí thức !
Người trí thức cũng có 3 loại :Thiện trí thức , ác trí thức và ngụy trí thức . Ranh giới phân biệt 3 loại này cũng rất mong manh . Trong thời buổi vàng thau lẫn lộn khó lòng phân định ai chân ai ngụy ai thiện ai ác . Do môi trường GD , do bối cảnh xã hội ,...loại ngụy trí thức chiếm đa số . Người ta châm biếm gọi giới này là " trí ngủ " hoặc "trí thức trùm chăn " . Trần Tế Xương mỉa mai , chua xót : " Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả , Tội gì ta thức một mình ta ". Những trí thức này sống cầu an , bàng quan , thờ ơ , lãnh đạm trước những bất công xã hội , trước tình hình của đất nước , ... Loại này chủ trương " không quan tâm đến chính trị " . Họ không hề biết đến câu " Quốc gia hưng vong , thất phu hữu trách".
Loại nguy hiểm nhất là loại ác trí thức . Nguy hiểm là vì loại này có tài , nhưng thiếu cái tâm .Sở học , sở đạt , sở kiến của họ không dùng để giúp ích cộng đồng , phục vụ quốc gia dân tộc , mà dùng để mưu cầu danh lợi bằng con đường a dua , xu nịnh . Họ là những cố vấn mẫn cán của quan chức và các nhà đầu tư . Họ là những cánh tay nối dài của quyền lực . Họ là những nhà văn , nhà báo bẻ cong ngòi bút , đổi trắng thay đen . Họ là những nhà giáo không có lòng yêu thương học sinh - vì hiện tại và vì cả tương lai của các em! Giáo sư Lý Linh - người Trung Quốc đã cảnh giác về mức độ nguy hiểm của loại trí thức này . Ông cho rằng loại nảy mang trong đầu rất nhiều điều không tưởng , họ chỉ thực sự hữu dụng khi nằm ngoài quyền lực và giữ vai trò phê phán nhà cầm quyền . Khi có quyền lực trong tay họ sẽ trở nên nguy hiểm , thậm chí thảm họa cho quốc gia . Ông viết " Giới trí thức , với mắt bén , đầu sáng , có thể trở nên độc tài hơn bất cứ ai . Đặt gươm đao phủ vào tay họ , thì kẻ đầu tiên mất mạng sẽ chính là những trí thức khác" . Bọn học phiệt thường dùng học vị của mình để phế truất , bôi đen những thiện trí thức . Dân gian có câu " cả vú lấp miệng em " là vậy . Điển hình như giáo sư lão thành Vũ Khiêu đã lợi dụng chức danh , học vị của mình tiếp tay cho Đỗ Minh Xuân bôi bẩn truyện Kiều . Vừa rồi có một ông giáo sư , hiệu phó trường ĐH KHXHNV tiếp tay với công an đưa một Sv của mình vào tù ; một ông hiệu trưởng khác làm ngơ trước cảnh GV của trường bị một phụ huynh bắt quỳ gối . Loại " trí thức " này có học mà không có hạnh , có sĩ mà không có khí , có phẩm mà không có tiết !
Giới trí thức dù bị phân hóa , khốn đốn cỡ nào cũng vẫn còn giá trị cố hữu của 2 chữ trí thức . Muôn đời trí thức vẫn còn giữ tinh thần của tầng lớp của mình . muôn đời trí thức vẫn là người cầm bó đuốc tinh thần của nhân loại ; nắm giữ vai trò dẫn dắt quần chúng ; lãnh trách nhiệm lãnh đạo tinh thần của dân tộc . Phải nhớ rằng " Quốc gia hưng vong , thất phu hữu trách " huống chi là sĩ phu !
nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét