Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

Nhân kỷ niệm Đồng Lộc kể chuyện TNXP của chị tôi


Hôm trước xem trên VTV truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc khá dài, cũng như nhiều lễ lạt ở VN theo một khuôn mẫu, không có tính đột phá sáng tạo, múa hát, cầm súng, đào hào, lấp hố bom, y chang các tượng đài khô cứng và sáo mòn, rất hợp với triết lý phát triển quốc gia.

Người bạn hỏi, anh xem gì trên VTV mà kỹ thế. Đây là Đồng Lộc, có 10 cô gái bị chết một ngày cách đây 50 năm do bom Mỹ ném trúng hầm trú ẩn. Ôi, thế mà mình không biết.
Chả hiểu sao lại gọi là kỷ niệm chiến thắng, nhưng tôi băn khoăn không phải là cách tổ chức, đạo diễn hay tên gọi, mà tôi tự hỏi, người bạn thuộc vào hàng đọc nhiều biết nhiều, nhưng không biết Đồng Lộc. Cũng bình thường vì thế hệ sinh sau chiến tranh bắt họ nhớ hết thì không công bằng.
Nhớ chuyện nhà này, năm 1953 vào tuổi ngoài 30, ông già đi dân công hỏa tuyến, gánh gạo lên Điện Biên đi cả tuần mới tới Lai Châu nhưng vừa đi vừa ăn, lên tới nơi hết cả gạo, lúc về còn xin gạo. Đó là một kiểu tiền thân của TNXP.
12 năm sau, cô con gái đầu lòng tuổi 21 của cụ lại đi TNXP đóng ở Thanh Hóa, chuyên làm đường và lấp hố bom. Khỏi kể chuyện vất vả, nguy hiểm, nhưng chị vui vì đã tham gia cứu nước. Năm 1968 chị “ra quân” vì đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ, ai về nhà nấy, không có một thứ giấy tờ chứng tỏ từng phục vụ.
Lấy chồng, có con, vất vả mưu sinh, rồi già cả khó khăn, chị chợt nhớ mình có thể hưởng chính sách. Gõ cửa nhiều nơi, và “ngoại giao” chút mới được được một lần 2,5 triệu. Hỏi chi bao nhiêu để được ngần ấy, chị cười, ôi dào, ở quê nó thế. “Nó thế” nghĩa là phải hai bên cùng có lợi “win win”.
May chị được bảo hiểm y tế, một điều tuyệt vời khi chữa bệnh được chi trả 100%. Đấy là điểm son trong chính sách, tuy rằng đi chữa bệnh có bảo hiểm thì khó được ưu tiên như thời họ ưu tiên thanh niên trẻ đi chiến trường, để lại máu xương và tuổi trẻ trong bom đạn.
Nhớ hồi đi TNXP, chị đòi đi chụp ảnh thì mẹ tôi quát, cấm không được chụp vì sợ điềm gở. Trang sử Đồng Lộc có bức ảnh 12 cô gái chụp đúng 1 tuần trước khi bom trúng hầm không có nguồn và tên tác giả, nhớ lại lời mẹ “có kiêng có lành”.
Đó gọi là thế giới tâm linh mà chị tôi đang theo. Chị tin vào sư, vào chùa, vào những lời kinh Phật thành tâm làm cho chị khỏe lại, vui vẻ và yêu đời.
Gọi điện cho chị hỏi thăm, hóa ra chị đang đi viếng mộ liệt sỹ ở tận Quảng Trị suốt cả tuần nay, cầu cho anh linh bạn bè, đồng đội đã ngã xuống. Tôi nhắn cho cả đoàn nên đi qua Đồng Lộc, hy vọng chị tôi đến thắp hương cho những người cùng tuổi với chị thuở nào.
Năm 2016 đi Nghệ An họp lớp du sinh Ba Lan, tôi được đi thăm khu di tích Truông Bồn cách Vinh khoảng 40 km, nơi có 13  cô gái Nghệ An ở lứa tuổi đôi mươi đã hy sinh cùng ngày (31-10-1968) như 10 cô ở ngã ba Đồng Lộc, sự kiện bi thảm cách nhau 3 tháng. Như thế có thể đoán còn bao nhiêu “tượng đài” chưa được biết đến.
Trong các tượng đài chiến tranh ở miền Trung mà tôi biết thì đây là khu xây khá công phu, đầu tư thỏa đáng, giữ gìn khá đẹp và trang nghiêm.
Xem màn ca ngợi trên VTV về lễ kỷ niệm Đồng Lộc, tôi nhớ người chị của mình. Giờ thì con cháu làm ăn ổn, chị đỡ lo hơn, đi chùa lễ bái, mong thoát khỏi tham sân si ở đời. Trang phục chị thích là bộ quần áo dài mầu nâu của chùa.
Mạng XH đang ầm ỹ về cảnh 10 cô gái mặc áo dài trắng đứng trong rừng trong lễ Đồng Lộc. Họ có lý vì phần đông các cô TNXP không hề biết áo dài trắng là gì và linh hồn họ quay về với thế gian không phải trong hình hài đó. Chỉ nói gọn thôi, đó là tầm văn hóa hạn hẹp, hậu quả của việc “nâng điểm” như người ta đang làm trong giáo dục.
Nhớ tối đó trời mưa tầm tã, tri ân người ngã xuống trong lúc ca sỹ, diễn viên múa, người xem ướt lướt thướt. Nghệ sỹ Quang Thọ vẫn comple đỏ, cravat, giầy bóng trang trọng hát hết lòng, mà không cần ô. Dường như trời khóc thay cho những số phận các cô gái trẻ ngã xuống mà chưa từng biết đến lọ nước gội đầu, cái lược,  tình yêu đôi lứa, nói chi áo dài trắng mà thế hệ sau cố khoác lên họ.
10 cô gái Đồng Lộc, 13 cô gái Truông Bồn, và hàng chục ngàn TNXP, nếu họ còn sống chắc cũng tuổi như chị tôi U70-U80. Còn bao nhiêu số phận khác chưa được biết đến ngay cả khi họ còn sống.
May mắn như chị tôi biết tìm nơi cửa Phật để gửi gắm niềm tin hơn là đợi lễ lạt với bao lời ngợi ca lên chín tầng mây, nhưng trên mặt đất, để có một số tiền nhỏ nhoi trợ cấp một lần phải “chung chi cho chiến thắng”.
HM. 23-7-2018

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: