Hoàng Hải Vân
18-7-2018
Thốt lên lời mất dạy này tôi thành thật xin lỗi các thầy giáo và các nhà lãnh đạo có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Chuyện gian lận thi cử vô tiền khoáng hậu vừa diễn ra ở Hà Giang chỉ làm vỡ ra một cái nhọt trong cơ thể ung nhọt đã sưng tấy lên mấy chục năm nay của nền giáo dục, đến nỗi sờ vào chỗ nào cũng thấy đau nhức.
Vào đầu những năm 2000, anh Lương Hoài Nam của Vietnam Airlines có mời tôi tham gia cùng một nhóm nhà báo đi 1 vòng quanh thế giới bằng máy bay, sau đó đi hàng chục chuyến bay nội địa của Mỹ, Pháp, Hàn Quốc…, mục đích là giúp Vietnam Airlines khảo sát các chuyến bay nội địa của các nước nhằm cải tiến dịch vụ. Tôi không còn nhớ mình đã viết những gì, chỉ có chuyện này là không quên : Tiếp viên hàng không Việt Nam có 2 cái nhất thế giới : đẹp nhất thế giới và bằng cấp cao nhất thế giới (phần lớn đều có bằng đại học). Chính 2 cái nhất đó biến thành nhược điểm của người phục vụ : ít chu đáo với hành khách (dĩ nhiên không phải ai đẹp và có học vấn cao đều thiếu chu đáo). Mà hành khách thì cần sự chu đáo chứ không quan tâm người phục vụ có đẹp hay không và có bằng cấp gì. Các tiếp viên hàng không của Mỹ, Pháp phần lớn không đẹp và không có bằng đại học, nhưng họ làm cho hành khách vô cùng dễ chịu.
Câu chuyện diễn ra lâu rồi. Ngày nay tiếp viên của các hãng hàng không Việt Nam có bớt đẹp và bớt bằng cấp để tăng sự chu đáo lên hay không thì tôi không biết. Nhưng chuyện bằng cấp thì không chỉ là vấn đề thời sự mà còn phát triển thành một căn bệnh nan y.
Đương nhiên bằng cấp không có gì xấu nếu như gắn với thực học. Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, không tính thời Pháp thuộc và không bàn vấn đề ý thức hệ, hai nền giáo dục mà bằng cấp được coi là có giá trị phổ biến ngang với thực học là nền giáo dục Việt Nam dân chủ cộng hòa dưới thời hai vị Bộ trưởng đáng kính Nguyễn Văn Huyên và Tạ Quang Bửu và nền giáo dục Việt Nam cộng hòa. Sau năm 1975, một “lỗi hệ thống” từ đâu đó đã khiến cho nền giáo dục của nước Việt Nam thống nhất dần dần bị biến dạng. Bằng cấp từ chỗ là một tờ giấy chứng nhận thực học đã biến thành mục đích ngày càng rời xa việc trang bị tri thức. Học không còn để phát triển trí tuệ, để sống khỏe mạnh và tử tế mà để tập trung vào việc lấy bằng, bất kể lấy cái bằng đó để làm gì.
“Đầu têu” của việc sính bằng cấp là các quan chức nhà nước. Sau chiến tranh, một bộ phận khá đông cán bộ phải đi học bổ túc hoặc học tại chức để bổ khuyết trình độ, đó là điều cần thiết. Nhưng dần dần thay vì học để có cho được trình độ, người ta lại học để có cho được cái bằng. Việc “chuẩn hóa” trình độ cán bộ lẽ ra căn cứ vào thực học, lại bị bộ máy quan liêu đem bằng cấp thay thế, việc lấy bằng lại dễ hơn việc học thật nên có không ít người từ lớp 4 lớp 5 học bổ túc và tại chức một lèo lên luôn … tiến sĩ. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, có không ít chuyện khôi hài xung quanh các lớp học tại chức. Một giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Huế khi chấm bài các sinh viên tại chức đã áp dụng một “nguyên tắc” : Ai qua khỏi đèo Hải Vân đến Huế học đều được thầy đánh giá là ham học, nên bài kiểm tra cho ít nhất 6 điểm, nhưng đã học tại chức thì không bao giờ được 9 điểm. Theo đó, mỗi lần chấm bài thầy không cần đọc, cứ lần lượt chấm 6 -7-8, 6-7-8 điểm… cho hết xấp bài thi. Thậm chí có người còn không buồn ngó đến bài thi mà giao cho “đệ tử” lật từng bài ra đọc tên sinh viên, thầy căn cứ vào tên thân hay sơ mà cho điểm. Học tại chức sau này còn dễ đến mức, sếp “cử” nhân viên đi học hộ, đi thi hộ, sếp chỉ ngồi ở cơ quan mà đợi lấy bằng.
Hiện nay trong trường học từ phổ thông đến đại học, dân chủ học đường thiếu vắng, các hoạt động ngoài nhà trường có ý nghĩa rèn luyện kỹ năng sống như phong trào hướng đạo sinh ngày xưa đã bị bãi bỏ mà không hề có sáng kiến gì mới thay thế. Hoạt động “Đoàn Hội Đội” trước đây mang một số ý nghĩa nay biến thành quan liêu rặt cờ xí khẩu hiệu. Thay cho những hoạt động ý nghĩa, học sinh dành toàn bộ tinh lực cho học thêm để đi thi. Hoạt động ngoại khóa được coi là hồ hỡi nhất hiện nay là “phong trào” tư vấn mùa thi do một số phương tiện truyền thông tổ chức, nó chẳng hề có một ý nghĩa giáo dục thực chất nào. Học sinh, sinh viên bị nhào nặn đến mụ mẫm để nhai nuốt những kiến thức cũ mèm, giáo điều và khập khiễng. Phẩn lớn các học sinh giỏi trở thành tài năng trên các lĩnh vực đều là những em bứt khỏi khuôn sáo của nhà trường để vươn lên tự mình tiếp cận các tri thức đa dạng và phong phú, đó không phải là kết quả của nền giáo dục do nhà nước cung cấp mà là kết quả của những nỗ lực cá nhân.
Trong stt tới tôi sẽ nói về nguyên nhân.
HOÀNG HẢI VÂN
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét