Trong một đêm chấn động, Thượng Đế phái xuống một binh đoàn lửa và những trận động đất thật dữ dội xảy ra, đến mức khiến cho Vương quốc Hạnh phúc Atlantis chìm sâu vào lòng đại dương và không bao giờ có thể tìm thấy lại.
Atlantis ở đâu?
Đó là huyền thoại khét tiếng của Plato vốn đã làm say mê khán giả trong hơn 2.300 năm qua.
Nhiều người sau đó đã lan truyền những giả thuyết về vị trí chính xác của Atlantis: Địa Trung Hải, ngoài khơi biển Tây Ban Nha hay thậm chí dưới Nam Cực.
Một ý tưởng phổ biến là huyền thoại về Atlantis được gắn kết với số phận của Thera, hòn đảo mà nay có tên là đảo Santorini của Hy Lạp, vốn đã bị phá hủy một phần trong một trận phun trào núi lửa khoảng 3.600 năm trước.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, nếu không muốn nói là đa số, cho rằng chúng ta không bao giờ có thể gắn kết Atlantis với một địa điểm có thực.
"Tôi không nghĩ là ai đó lại có thể nghi ngờ về chuyện Atlantis chỉ là một huyền thoại," Patrick Nunn, một nhà địa chất học tại Đại học Sunshine Coast ở bang Queensland, Úc, nói.
Tuy nhiên, Atlantis không chỉ là huyền thoại về một thành phố bị nhấn chìm. Những câu chuyện kể tương tự được nghe thấy trên khắp thế giới, và giờ đây dường như một số những câu chuyện này là có thật.
Plato sống ở một khu vực có các mảng địa tầng và núi lửa hoạt động trên thế giới, nơi những trận động đất và sóng thần lớn xảy ra khá thường xuyên.
"Ông ấy đã quan sát những gì đang xảy ra và ông ấy đã dùng chi tiết từ những quan sát này để làm cho câu chuyện kể của ông về Atlantis nghe có vẻ đáng tin hơn," Nunn nói. "Nhưng tôi nghĩ rằng không có cách nào chúng ta có thể cho rằng Atlantis là một nơi cụ thể."
Santorini là một miệng núi lửa khổng lồ
Bất chấp những nghi ngờ của Nunn về vương quốc bạc mệnh này, ông vẫn lại là một trong nhóm ngày càng đông các nhà địa chất học đã bắt đầu quan tâm đến những huyền thoại tương tự với lòng tin rằng một số những huyền thoại này có thể thật sự soi rọi những sự kiện địa chất cổ xưa.
Địa chất huyền bí
Vào năm 1966, khoa học gia Dorothy Vitaliano đã đặt một cái tên mới cho lĩnh vực nghiên cứu này: geomythology (địa chất huyền bí).
Theo lời bà thì đó là ngành khoa học 'tìm kiếm sự kiện địa chất thật sự dưới một huyền thoại hay truyền thuyết vốn tạo cơ sở cho huyền thoại đó ra đời'.
"Các huyền thoại phần lớn là dựa trên những sự kiện có thật tức là chúng được tạo ra phần lớn là do một sự kiện hay một sự kết hợp nhiều sự kiện vốn gây tác động thảm họa cho xã hội," ông Bruce Masse, một nhà khảo cổ môi trường, người đồng biên tập một cuốn sách về chủ đề này, giải thích.
"Do đó những huyền thoại này có thể cung cấp một cái nhìn về những sự kiện có thể được tìm thấy, được moi ra hay thậm chí được xác định niên đại."
Khi xem xét kỹ những huyền thoại địa chất này, chúng ta sẽ tìm được những thông tin quý giá - chẳng hạn như thời gian xảy ra vụ phun trào mới đây nhất của núi lửa Nabukelevu ở Fiji.
Và các khoa học gia không thiếu các huyền thoại, hay các sự kiện địa chất, để suy ngẫm:
những câu chuyện về núi lửa và động đất nhan nhản ra đấy, và các câu chuyện về những trận hồng thủy thảm họa và những vùng đất bị nhấn chìm dưới lòng biển.
Người dân vùng đảo Solomon có nhiều những câu chuyện kể về những hòn đảo bị nhấn chìm
Khi Nunn nghe kể về một hòn đảo nữa bị biến mất, đảo Teonimanu thuộc quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương, ông ngay lập tức cảm thấy tò mò. "Đó là một vùng đất cao, chứ không phải là bãi san hô thấp hay bãi cát mà có thể bị quét đi dễ dàng như vậy," Nunn nói. "Đó là một hòn đảo lớn bị biến mất."
Chuyện kể rằng có một người chồng bị cắm sừng có tên là Roraimenu. Vợ của ông đã chung sống với một người đàn ông khác trên đảo Teonimanu.
Người chồng Roraimenu nổi điên đã mua lời nguyền sóng biển để báo thù và đi đến hòn đảo Teonimanu. Bốn con sóng dính vào phía trước chiếc thuyền của ông, phía sau cũng có bốn con sóng.
Khi lên đến bờ, ông trồng hai cây khoai sọ, giữ lại một cây và vội vã rút lui về hòn đảo Ali'ite của mình.
Lời nguyền nói rằng khi những chiếc lá bắt đầu nhú ra trên cây khoai sọ, cơn thịnh nộ sẽ bắt đầu. Vào ngày đó, Roraimenu đứng trên một đỉnh núi nhìn tám cơn sóng lần lượt trào lên đảo Teonimanu cho đến khi nó chìm nghỉm và mất hút luôn từ đó.
Do sóng thần?
Nunn diễn giải những cơn sóng trong câu chuyện này là mô tả một đợt sóng thần - nhiều trận sóng thần là một loạt những cơn sóng. "Nhưng đương nhiên, sóng không thể quét sạch các hòn đảo, nhất là những hòn đảo cao và có núi lửa," Nunn nói.
Các nhà địa chất học tin rằng thật ra là một trận động đất dưới đáy biển đã nhấn chìm hòn đảo, vốn trước đó đã luôn chao đảo ở rìa của một sườn núi dốc dưới đáy biển.
Một khi cơn động đất làm rung lắc phần nền của nó thì một vụ trượt đất lớn đã đưa đảo
Teonimanu chìm xuống nước và trong quá trình đó nhiều khả năng tạo ra một trận sóng thần.
Đối với những người sống sót để kể đi kể lại câu chuyện thì những cơn sóng và sự phá hủy hòn đảo gắn liền chặt chẽ với nhau.
"Cho nên thật sự bạn sẽ nhìn thấy hòn đảo sụt xuống, hay chìm xuống, một cách đột ngột khi mà những cơn sóng hình thành," Nunn giải thích. "Đối những người quan sát thiếu hiểu biết thì đương nhiên cũng hợp lý khi kết nối hai sự việc lại với nhau."
Nunn cũng gặp phải những huyền thoại tương tự, nhưng ông đã kiến giải là chúng kể lại việc người dân trên những hòn đảo đó đã mất tích như thế nào - chứ không phải là sự biến mất của những hòn đảo theo đúng nghĩa đen.
Thật ra vẫn còn một số nghi ngờ về tính khoa học của khả năng toàn bộ một hòn đảo trượt xuống dưới biển theo cái cách mà Nunn cho là đã xảy ra với đảo Teonimanu.
Tuy nhiên, Nunn chỉ ra rằng lượng vật chất tồn tại trên một hòn đảo như Teonimanu là ít hơn nhiều so với lượng vật chất chuyển động trong những vụ đất lở lớn trên đất liền.
Hơn nữa, những khảo sát ở đáy biển của khu vực đó đã cho thấy những mảnh vỡ vụn bị chìm dưới nước mà có thể là bằng chứng của việc một số hòn đảo bị biến mất, với những hòn đảo có niên đại xưa hơn nằm dưới thấp hơn trên sườn núi dưới lòng biển.
"Điều này cho tôi thấy rõ rằng toàn bộ hòn đảo có thể biến mất," Nunn nói.
Sử thi Ấn Độ
Cũng không kém phần kinh hoàng là những câu chuyện về những thành phố ven biển bị nhấn chìm dưới sóng biển. Một số câu chuyện này được mô tả trong những văn tự tiếng Phạn cổ, trong đó có sử thi Mahabharata - một trường ca 4.000 năm tuổi vốn có vinh dự là câu chuyện kể sử thi dài nhất trong văn học thế giới.
"Thầnh Krishna ở Hoàng Thành", từ Harivamsa, khoảng thời gian 1600
Sử thi Mahabharata và một sử thi tiếng Phạn khác - Ramayana - khởi thủy được viết trên lá bối.
Một câu chuyện trong Mahabharata kể lại làm thế nào mà Thần Krishna, sau một chiến thắng trong trận chiến, quyết định rời thành Dwaraka để đến cung thiên của Ngài. Sau đó, Biển Ả Rập đó nhấn chìm thành phố đó.
Mặc dù lâu nay vẫn được tin rằng đó chỉ là một vương quốc huyền thoại không hơn không kém, một khảo sát khảo cổ vào năm 1963 đã phát hiện ra thành Dwaraka vẫn còn nguyên vẹn dưới đáy biển gần bờ biển Saurashtra của Ấn Độ.
Còn có những câu chuyện kể tương tự về thành phố Poompuhar và tàn tích cổ tại thành phố Mahabalipuram. Cả hai thành phố giờ đây đều được biết đến là đã từng tồn tại: những tàn tích của Mahabalipuram đã 'hiện về' sau trận Sóng thần Ấn Độ Dương hồi năm 2004.
"Khi bạn nhìn vào những nơi này, chúng đều nói lên một việc," Nunn nói. "Rằng những cơn sóng lớn đánh vào bờ và xóa sạch những nơi mà con người từng trú ngụ."
Tuy nhiên, Nunn tin rằng chỉ riêng sóng thần không thì không thể giải thích được việc những thành phố này bị nhấn chìm và bỏ hoang sau đó.
Nước biển dâng
Thay vào đó, ông tin rằng mực nước biển dâng lên từ từ đều đặn từ sau kỷ băng hà đã dần dần ăn vào những vùng đất ven biển, và những trận sóng thần chỉ đơn giản là hoàn tất công việc mà thôi.
"Nếu mực nước biển dâng và có thêm những cơn sóng khủng khiếp này dồn lên mực nước biển dâng thì rõ ràng một ngày nào đó những cơn sóng này sẽ gây tác động mà lẽ ra sẽ không xảy ra nếu mực nước biển không dâng," ông cho biết.
Nhưng những câu chuyện về việc nước dâng kém phần quyến rũ và diễn ra với tốc độ rùa bò này vừa ít vừa thưa thớt.
"Con người chúng ta thích những câu chuyện thảm họa còn việc thích nghi với những thay đổi từ từ không có sức thuyết phục cho lắm," Martin Bates, một nhà khảo cổ địa chất tại Đại học Wales Trinity Saint David, nói.
Trừ phi bạn là dân bản địa sống dọc theo bờ biển nước Úc.
Khoảng 20.000 năm trước, vào thời điểm lạnh giá nhất của kỷ băng hà cuối cùng, mực nước biển khi đó thấp hơn bây giờ khoảng 120 mét.
Một trong những ngôi đền bị nhấn chìm tại Mahabalipuram
Nhưng khi nhiệt độ tăng lên, những khối băng khổng lồ này bắt đầu tan và đổ nước vào các đại dương của thế giới. Trong vòng 13.000 năm kế tiếp, mực nước biển đã dâng dần dần lên như mức hiện nay.
Các cộng đồng bản địa có lẽ đã tồn tại ở Úc được khoảng 65.000 năm và bị cách biệt cho đến khi người châu Âu đến cư trú vào năm 1788. Môi trường nước Úc chắc chắn là một nơi khó sống và sự sinh tồn qua nhiều thế hệ thì dựa vào việc truyền lại những thông tin về thức ăn, bối cảnh và khí hậu từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Người xưa chứng kiến
Nicholas Reid, một nhà ngôn ngữ học tại Đại học New England ở Úc, đã kết hợp với Nunn để tìm kiếm trong những câu chuyện được ghi chép lại của người bản địa Úc những truyện kể về khi mà mực nước biển thấp hơn hiện nay hoặc đang dâng lên.
Họ đã tìm thấy 21 câu chuyện như thế từ các địa điểm khác nhau dọc theo bờ biển nước Úc, theo đó mô tả những cảnh quan đã bị nhấn chìm mà không bao giờ nổi lên trở lại.
Ở những khu vực của nước Úc nơi vùng ven biển có địa hình thấp thì thậm chí nước biển chỉ dâng lên một chút cũng có thể nhận chìm cả một vùng đất rộng lớn tương đối nhanh chóng.
"Người xưa chắc hẳn đã nhận thức được rằng mỗi năm mực nước biển cứ dâng lên," Reid nói.
"Và họ ắt hẳn đã nghe những câu chuyện từ cha ông, từ ông cố ông sơ của họ, rằng nước biển từng còn thấp hơn thế."
Một số những câu chuyện này là mô tả rất thực tế về khi mà mực nước biển thấp hơn, chẳng hạn như ký ức về những bãi săn kangaroo giờ đây không còn nữa xung quanh Vịnh Cảng Phillip gần Melbourne.
Những câu chuyện khác thì giàu hình tượng hơn. Trong một câu chuyện như thế một nhân vật tổ tiên có tên là Ngurunderi đã đuổi theo những bà vợ của ông vốn tìm cách bỏ chạy đến đảo Kangaroo bằng cách chạy bộ.
Trong cơn thịnh nộ, Ngurunderi đã ra lệnh cho nước biển dâng lên, khiến cho cho hòn đảo đó bị tách rời ra khỏi lục địa và biến những người vợ này thành đá mà giờ đây nhô lên khỏi mặt nước.
Làm sao đảm bảo tính chính xác?
Bằng cách kết nối những câu chuyện này với những sự kiện địa chất cụ thể mà nó thuật lại, các nhà nghiên cứu tin rằng một số câu chuyện này có niên đại trong khoảng từ 7.000 cho đến 10.000 năm trước.
"Nếu là 10.000 năm thì có nghĩa là những câu chuyện này được truyền qua từ 300 cho đến 400 thế hệ," Reid giải thích. "Một ý tưởng có thể truyền đạt qua hơn 400 thế hệ thật là phi thường."
Trước đây, các nhà khoa học từng nghĩ rằng tính chính xác của những câu chuyện như thế này không thể kéo dài hơn 800 năm nếu không được ghi chép lại.
Tuy nhiên, Reid tin rằng một tính chất then chốt của nghệ thuật kể chuyện của người bản địa - 'quá trình kiểm tra chéo xuyên thế hệ' - có thể giải thích tại sao những câu chuyện này có thể duy trì được cả ngàn năm.
Trong quá trình đó, cha sẽ truyền lại câu chuyện cho con cái - và những người cháu gọi người cha đó là chú bác có trách nhiệm đảm bảo rằng những người con này hiểu chính xác câu chuyện.
"Cơ chế này tạo thành một khung xuyên thế hệ vốn khiến cho việc thuật lại câu chuyện với mức độ chính xác cao nhất có thể," Reid giải thích.
Các nhà nghiên cứu tin rằng tính biệt lập của nước Úc cũng có thể góp phần vào việc khiến cho những câu chuyện này được lưu truyền một cách nguyên vẹn. Nếu xét trên sự di chuyển các cộng đồng con người thì Úc châu là một châu lục ổn định và không có quân xâm lược nào đến đây.
"Những câu chuyện này thật sự có thuật lại một lần mà nước biển dâng lên làm ngập chìm lục địa khiến cho người dân mất đất đai mà trước đó họ từng sinh sống trên đó," Reid nói. "Những câu chuyện này là phản ứng lại trước sự kiện đó và chúng vẫn tiếp tục được kể cho đến năm 2015."
Jane Palmer
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét