Mới đây, Báo PLVN đã có bài “Sẽ có “Huân chương Dũng cảm” cho người tố cáo tham nhũng?”. Để cung cấp thêm thông tin cho độc giả, kỳ này Báo PLVN giới thiệu chi tiết hơn về cơ chế khen thưởng đang được Thanh tra Chính phủ xây dựng, hoàn thiện trước khi ban hành…
Thưởng thêm 20% số tiền thu hồi được về ngân sách nhà nước
Theo quy định hiện nay, ngoài mức thưởng chung, người tố cáo còn được động viên bằng vật chất với mức thưởng cao hơn nhiều lần. Theo qui định của Thông tư liên tịch (TTLT) số 03/2011, Huân chương Dũng cảm được thưởng 30 lần mức lương tối thiểu chung; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được thưởng 20 lần mức lương tối thiểu chung; Bằng khen của cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương được thưởng 10 lần mức lương tối thiểu chung; Giấy khen được thưởng ba lần mức lương tối thiểu chung.
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, có quan hệ rộng, có trình độ che giấu vi phạm… do đó người tố cáo tham nhũng, cung cấp thông tin để giải quyết tố cáo tham nhũng thường gặp rất nhiều khó khăn, mà nếu không có chế độ bảo vệ, khen thưởng xứng đáng thì khó tạo động lực để họ dũng cảm tố cáo tham nhũng.
Do đó, để kịp thời khuyến khích, động viên tinh thần đối với cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, Dự thảo đã tăng mức thưởng, động viên về vật chất từ Quỹ khen thưởng PCTN gấp ba lần so với quy định trong TTLT số 03/2011. Riêng Huân chương Dũng cảm còn được thưởng thêm 20% số tiền thu hồi được về ngân sách nhà nước nhưng không vượt quá 10 tỷ đồng.
Mặc dù mức thưởng đang được đề xuất này “quá chênh lệch với chế độ khen thưởng nói chung và khen thưởng người tố cáo nói riêng; Quỹ khen thưởng của Bộ, ngành, địa phương có thể không đáp ứng được” như đánh giá của một số chuyên gia, song với mức thưởng tăng gấp ba lần, đặc biệt qui định “có thưởng thêm 20% số tiền thu hồi được về ngân sách nhà nước” đối với trường hợp cá nhân được nhận Huân chương Dũng cảm cho việc tố tham nhũng trong Dự thảo TTLT sẽ thực sự là một bước tiến rất dài trong việc nâng mức khen thưởng, động viên bằng vật chất đối với người tố cáo hành vi tham nhũng, thể hiện rõ tầm quan trọng và tính cần thiết của công cuộc PCTN.
Ngoài ra, nguồn tài chính cho việc động viên bằng vật chất cho người tố cáo hành vi tham nhũng được lấy từ Quỹ khen thưởng PCTN, không ảnh hưởng đến Quỹ khen thưởng của Bộ, ngành, địa phương được trích lập theo quy định hiện hành.
Đưa hối lộ rồi tố cáo: Không khen thưởng
Cùng với việc tán thành tăng mức khen thưởng cho người tố cáo tham nhũng,  nhiều ý kiến còn băn khoăn khi mức thưởng cao dễ dẫn đến những trường hợp “cài bẫy” người khác để được nhận thưởng và tạo ra “làn sóng” tố cáo tham nhũng gây bất ổn cho hoạt động của cơ quan, tổ chức và các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo tham nhũng.
Để phòng ngừa trường hợp này, Dự thảo TTLT đã bổ sung quy định về việc không xét khen thưởng đối với trường hợp thành tích của cá nhân cho dù là xuất sắc nhưng lại là tình tiết giảm nhẹ khi xử lý vi phạm, như trường hợp người đưa hối lộ sau đó lại tố cáo người nhận hối lộ thì việc tố cáo đó không được coi là thành tích để xét khen thưởng.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc khen thưởng liệu có gây khó khăn, nguy hiểm cho người tố cáo tham nhũng khi danh tính của họ được công khai cùng việc khen thưởng. Dự thảo đã bổ sung quy định về hình thức trao tặng khen thưởng công khai và trao tặng khen thưởng không công khai để bảo vệ bí mật thông tin về người có thành tích trong tố cáo hành vi tham nhũng.
Theo đó, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng được lựa chọn, đề nghị hình thức trao tặng khen thưởng công khai hoặc không công khai. Tuy nhiên, nếu cơ quan có thẩm quyền xét thấy việc khen thưởng công khai có thể gây tổn hại cho người có thành tích thì vẫn có quyền quyết định việc trao tặng khen thưởng không công khai.
Có ý kiến đề nghị bỏ hình thức trao tặng không công khai vì rất khó để bảo mật thông tin trong quá trình thực hiện các thủ tục xét, đề nghị, khen thưởng. Tuy vậy, những người soạn thảo Dự thảo TTLT này thấy rằng, cá nhân có thành tích, xứng đáng được khen thưởng thì cần phải khen thưởng.
Do yêu cầu bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin thì việc trao tặng khen thưởng không công khai là cần thiết nên quá trình lập, quản lý hồ sơ phải bảo đảm chặt chẽ như đối với tài liệu mật. Quy định này cũng tương tự như việc khen thưởng trong các trường hợp bảo vệ bí mật an ninh quốc gia quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện nay, một số nước trên thế giới đang thực thi chính sách khen thưởng đối với người tố cáo hành vi tham nhũng khá hiệu quả. Ví dụ như Mỹ có quy định thưởng tới 30% giá trị tiền, tài sản thu hồi được về ngân sách nhà nước nhờ thành tích của người tố cáo hành vi tham nhũng và đã có những cá nhân được thưởng hàng trăm triệu USD do thành tích tố cáo.
Ở Hàn Quốc, không quy định việc khen thưởng cho người tố cáo hành vi tham nhũng nhưng có quy định việc Nhà nước sẽ đền bù cho những thiệt hại mà người tố cáo có thể gặp phải do việc tố cáo đó với mức đền bù tính theo tỷ lệ % số tiền thu hồi được, tối đa có thể lên đến 2 tỷ Won (khoảng 40 tỷ đồng Việt Nam).
Tuy nhiên, cũng có quốc gia thực hiện công tác PCTN đạt hiệu quả cao như Singapore nhưng lại không có chính sách khen thưởng cho người tố cáo vì quốc gia này coi việc tố cáo tham nhũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân.
http://baophapluat.vn/thoi-su/de-xuat-thuong-10-ty-dong-cho-nguoi-chong-tham-nhung-182733.html