Ngô Văn Giá
Vừa rồi VTC kéo tôi vào chương trình talk show để thảo luận về câu hỏi: Tại sao càng lớn lên, người ta càng hay nói dối?
Đặt vấn đề như vậy là thú vị. Khởi đầu câu chuyện này là từ một kết quả nghiên cứu của ông Trần Ngọc Thêm. Bằng phương pháp test, thống kê, phân tích, kết quả đưa ra là vậy.
Căn bệnh nói dối thì thời nào cũng có. Nhưng mỗi thời, mức độ có khác nhau. Có thời, trong bối cảnh chiến tranh, toàn dân bị hút vào cái sống cái chết, căn bệnh này có phần suy giảm. Trong thời bình, khi con người ta phải đối diện với miếng cơm manh áo, với gánh nặng mưu sinh…căn bệnh nói dối lại có cơ bùng phát. Cho đến ngày hôm nay, bệnh nói dối đã trở nên kịch phát, trở thành một đại dịch, không kiểm soát được.
.
Cao thì ở nghị trường. Họ diễn thuyết cái mà họ chưa chắc đã nghĩ. Họ bấm nút đồng ý cái mà họ chưa chắc đã mong. Họ trả lời phỏng vấn những điều mà họ không tin là thật. Họ đăng đàn diễn thuyết dạy dỗ thiên hạ những điều mà chính họ hoang mang. Họ nói dối một cách…tâm huyết. Thấp thì ở các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện..., tất tật, trong cả các sinh hoạt dân sự hàng ngày.
Lạ lắm. Có người nói dối mãi nên lâu dần tin vào chính điều mà mình nói dối, đinh ninh đó là sự thật. Căn bệnh ám thị đã đẩy họ đến tình trạng như vậy.
Đại dịch nói dối do đâu?
Thì đấy thôi, cụ Nguyễn Trãi đã nói từ hơn 5 thế kỷ trước: “Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế”. Trên lừa dưới, dưới lừa trên, trên dối trá trên, dưới lường gạt dưới…Một xã hội đang vận hành bằng sự lừa gạt lẫn nhau thử hỏi làm sao không loạn?
Trong bối cảnh ấy, giáo dục là nơi tập trung sự dối trá nhiều nhất. Căn bệnh thành tích, khai khống đã hoành hành từ lâu, đến nay vẫn chưa hề suy suyển. Trên lớp, nhiều thày cô nói những điều mà chính họ cũng không tin. Các đề thi được ra theo cách trở thành mảnh đất tốt để học trò triển khai những lời nói dối. Các đáp án thi cử, cái mà giáo viên chờ đợi không phải là tinh thần tự do, khai phóng, sáng tạo, mà là những khuôn phép, giáo điều, sách vở đã định sẵn. Họ gieo vào đầu con trẻ tinh thần nói dối, nói dối mới là khôn ngoan, mới hợp thời, “Thật thà ăn cháo/Láo nháo ăn cơm”. Lòng trung thực bị coi là dại dột. Họ chấp nhận những học vẹt, nói dối từ phía học trò – như là sản phẩm giáo dục của chính mình.
Và đỉnh cao của sự dối trá là việc nâng điểm hàng loạt ở Hà Giang trong vụ thi cử vừa qua. Vậy còn ở các nơi khác? Vậy còn những năm trước, khi mà chuyện thi cử bị lái sang cái gọi là hai trong một? Đại dịch dối trá đã tràn vào cả tầng lớp chóp bu của ngôi nhà cai trị Hà Giang.
Tôi nhớ lại ý của GS. Hoàng Ngọc Hiến, ông cho rằng ở Việt Nam, giữa một bên là việc đi giáo dục người khác, và bên kia là việc tự giáo dục chính mình (tu thân, tự giác) thì cái vế thứ hai rất kém. Vâng, người ta quen lớn tiếng rao giảng những điều cao quý, tử tế, trong khi đó sống không ra gì, sống ác, sống giả, sống mưu mô, đểu cáng.
Chưa bao giờ ý thức tu thân, tự kỷ luật với chính mình lại xuống dốc như bây giờ.
Liệu có chữa trị được không? Thật là một bài toán cam go đối với toàn xã hội.
Có lẽ phải bắt đầu từ tinh thần thượng tôn pháp luật. Và cùng với nó là ý thức tu thân.
VG
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét