Khi chưa có đài truyền hình thì cứ nhắc tới đài, người ta hiểu đó là đài phát thanh. Đài phát thanh quốc gia ở miền Bắc trước năm 1975 là Đài tiếng nói Việt Nam. Câu đài hiệu “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” đã trở nên quen thuộc gắn bó với hàng chục triệu con người, với bao nhiêu thế hệ.
Để nghe đài phải có máy thu thanh, bây giờ quen gọi là radio theo tiếng tây. Miền Bắc thời chiến tranh dồn sức người và của cho chiến trường nên cuộc sống cực kỳ khó khăn, nghèo nàn, thiếu thốn đủ mọi thứ. Máy thu thanh thuộc dạng của hiếm, chơi sang, chỉ những nhà khá giả giàu có, nhà cán bộ, nhà có người đi nước ngoài thì mới sắm được đài. Phổ biến nhất là hàng của những nước phe xã hội chủ nghĩa, chủ yếu từ Hungary, Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc. Lưu học sinh, nghiên cứu sinh ở Liên Xô thường đem về cỗ đài Rigonda to như cái tủ lạnh con bây giờ. Vào nhà ai thấy giữa phóng khách một ngài Rigonda oai vệ, lừng lững, màu cánh gián bóng, chiếc loa phập phồng theo âm lượng to nhỏ, cứ phục lăn chủ nhà. Chơi thế mới là chơi, dạng đẳng cấp sang trọng không phải ai cũng với tới được.
Loại đài nhỏ hơn được nhiều cán bộ ưa dùng là Orionton của Hungary và Xianmao của Trung Quốc. Nói là nhỏ nhưng thực ra chiếc Orionton cũng phải to bằng 4 hòn gạch chập lại, nặng xệ vai. Đã đẳng cấp thì nặng nữa cũng chả ngại. Nhiều bác có chiếc Orionton đeo khắp nơi, đi tới đâu là trẻ con theo rần rần tới đó ngắm nghía, thán phục, nghe tin tức, nghe ca nhạc. Anh chàng nào đang kỳ tìm hiểu mà có cái đài đeo đến nhà bố mẹ người yêu, sự đảm bảo thành công thêm được vài chục phần trăm. Đợi cả nhà xong việc, quây quần túm tụm vào, chàng trịnh trọng mở đài, giương cần ăng ten, dò sóng ngắn sóng dài, vặn vô lum to nhỏ, chọn chương trình ca nhạc, tiếng thơ hoặc kể chuyện cảnh giác, cả nhà nàng cứ mê đi, đôi trai gái lỉnh xuống bếp tha hồ trò chuyện.
Mấy ông sắm được đài, oai thì oai thật nhưng nhiều khi cũng chẳng sung sướng gì. Khổ nhất là mua pin. Đem đài đi đăng ký, được cấp cho cái giấy chứng nhận, hằng tháng nhà nước phân phối một đôi pin Con Thỏ. Pin rất hiếm, còn hiếm hơn cả đài. Không pin, giống như nhiều ông may được áo mà không cố thêm được bộ khuy áo. Tình trạng “treo đài” do không pin khá phổ biến, nhất là loại Orionton xài 4 cục pin đại, đành chịu thua. Có thứ khổ nữa là khách đến nhà nghe đài, vừa tốn trà nước, thuốc lào, vừa có khi chủ đài buồn ngủ díp mắt nhưng “bạn nghe đài” cứ mọc rễ chả chịu về, bởi đang dở dang cuộc “đọc truyện đêm khuya”, “chuyện cảnh giác” hoặc tiếng thơ Châu Loan, giọng chèo Như Hoa đang hồi ngọt nhất.
Một cái phiền nữa của người có đài là luôn được chính quyền nhắc nhở đừng nghe đài địch. Đài địch thời chiến tranh là những chương trình phát thanh của chính quyền Sài Gòn, của Mỹ, của bọn đế quốc tư bản giãy chết. Tôi hồi nhỏ không biết tên gọi đài phát thanh Sài Gòn là gì, chỉ nghe cán bộ gọi là đài Sài Gòn, đài ngụy. Rồi “đài” Gươm thiêng ái quốc”, đài BBC, đài Tiếng nói Hoa Kỳ…, cả trăm thứ độc hại đang rình rập trên trời. Cấm nó thì không thể bay lên cấm được nên chính quyền đành cấm cán bộ, khuyên nhân dân “không nghe đài địch”. Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu bằng vôi trắng trên tường “Nghe đài đọc báo của ta/Đừng nghe đài địch bàn ra tán vào”. Gọi là cấm thế thôi chứ cấm làm sao được, nhất là cái thứ càng cấm càng tò mò. Cũng giống như bây giờ có chi bộ, đảng bộ “cấm” cán bộ đảng viên chơi phây búc (Facebook), nhưng chặn sao nổi. Nhiều chủ đài máu “nghe đài địch” quá, đợi đêm đến khóa hết ngõ ngoài cửa trong, ẩn trong nhà nghe đài địch, có ông còn cẩn thận trùm kín chăn cho âm thanh khỏi vọng ra ngoài, lại còn dặn với vợ con có ai hỏi thì nói tao đi vắng hoặc ngủ rồi, nghe chưa.
Năm 1975, đất nước thống nhất. Lần đầu tiên tôi thực mục quan chiêm (gọi nôm na là nhìn tận mắt) cái đài Nhật. Đúng là trăm nghe không bằng một thấy. Lần này được sờ hẳn vào hiện vật. Ông bạn cùng lớp Hoàng Thanh Chương người Quảng Trị xin nghỉ mấy ngày phắn về quê. Biết tin nó “quy cố hương”, tôi lại nhớ bài hát “Hát mừng quê ta giải phóng” phổ biến thời bấy giờ, lời ca thật vui “hát mừng quê ta nay giải phóng rồi, ớ chị em ơi, vui nào là vui hơn đời được tự do ớ ơ. Sông nước reo vui, tiếng ca rộn ràng, hò khoan ơ hò, nhịp đưa mái chèo, ngược xuôi bến thuyền, chăng lưới buông câu…”. Chương trở ra, đeo trĩu cổ chiếc đài National Nhật xài pin đại, vỏ bọc giả da màu nâu, mới tinh, khá to, có nhẽ phải nặng hơn 2kg, đeo suốt ngày, chỉ trừ khi đi ngủ. Bọn con giai xúm quanh nó trầm trồ. Đám con gái cũng ừ hữ thèm mà không dám nói. Âm thanh thì thôi rồi, trong vắt, đủ cả băng AM, FM, quả thật hàng Nhật không hổ danh tiếng bấy lâu. Mấy tuần đầu, tối nào cả bọn cũng tụ tập ngoài hành lang nghe tin tức, ca nhạc từ hàng đỉnh National, sướng củ tỉ.
Anh trai tôi từ mặt trận trở về, “bên thắng cuộc” đem chiến lợi phẩm là chiếc đài, cũng hiệu National Panasonic, nhỏ bằng hai bàn tay chập lại, dùng thứ pin trung. Thày tôi được con biếu quà chiếc đài tốt, mừng lắm. Từ nay cụ có thể không cần mượn báo, làm phiền cán bộ ủy ban mà vẫn biết được những gì xảy ra ở cả Việt Nam và thế giới. Ngại nhất là pin trung. Thà cứ pin đại, hiếm nhưng còn tìm mua được, thậm chí pin tiểu, khó kiếm nhưng ra chợ Sắt vẫn có, riêng pin trung thì chịu chết. Hình như nhà máy pin Văn Điển chỉ làm pin Con Thỏ hạng đại, pin Trung Quốc vỏ sắt cũng chỉ thấy hạng đại, chứ hạng trung thì vô tăm tích, tìm đỏ con mắt. Nghe chiến lợi phẩm được một thời gian, điện cạn dần, âm thanh chỉ lí nhí lào khào, cục pin chảy nước, tôi vội tháo quẳng ra vườn (hồi ấy chả ai nói phải quy tập pin hỏng về một chỗ để tránh độc hại ô nhiễm nên cái gì cũng ném ra vườn). Chiếc đài bị “án treo” suốt bao năm chỉ bởi không có pin.
Nếu chỉ nhà giàu và cán bộ sắm đài thì không có nghĩa dân không được nghe đài. Phát thanh đem tin tức tới toàn dân là chủ trương lớn của nhà nước. Không giàu để cấp phát radio cho từng người thì mắc loa công cộng, mắc máy thu thanh. Xã nào cũng có hệ thống loa công cộng, mắc cao tít trên các đỉnh cột điện hoặc cây cao để ngừa bọn trộm. Rồi từng nhà cũng có đường dây truyền thanh dẫn vào, nối tới chiếc loa kim to bằng hòn gạch. Nghe đài bằng hệ thống này phải theo giờ, sáng, trưa, tối, mỗi tầm hơn tiếng đồng hồ. Tối thì dài hơn, tới tận khuya, cho hết chương trình “Đọc truyện đêm khuya”. Phải nói cho công bằng, nông thôn miền Bắc thời chiến tranh vốn đã nghèo buồn, xơ xác, u tối, đàn ông đàn ang đi trận hoặc thoát ly hết cả nên âm thanh của đài cũng phần nào gợi sinh khí, làm cuộc sống làng quê bớt trầm mặc, tẻ nhạt. Nghe những chương trình của đài trung ương, rồi của thành phố, của huyện, ít nhiều mở mang đầu óc ra thế giới xung quanh. Ngay cả những trục trặc kỹ thuật của nhà đài kiểu “Đây là đài truyền thanh huyện Kiến Thụy, anh nói trước hay em nói trước” cũng góp thêm chút vị mặn mòi vui vẻ cho đời.
Những sinh viên ký túc xá Mễ Trì (Đại học Tổng hợp Hà Nội) những năm đầu thập niên 70 chắc khó quên chuyện chú Tế. Chả là ban quản lý ký túc cho mắc hệ thống loa phát thanh khắp khu vực, sáng sớm hoặc tối mịt ra rả nhắc nhở sinh viên phải như thế này thế nọ. Nhân một kỳ tập quân sự, chiến sĩ Trần Bình sinh viên khóa 16 vác ngay khẩu súng trường K44 và vài viên đạn về. Sáng ấy, vừa nghe chú Tế lên đài hắng giọng a lô a lô, Bình ta lắp đạn nhắm ngay chiếc loa trên cây xà cừ đoàng một viên. Đi bắn kiểm tra trên bãi tập thì trật nhưng bắn loa lại trúng ngay. Loa tắt lịm. Ban quản lý ký túc xá điều tra không ra thủ phạm. Buổi trưa chú Tế lại lên đài, chú a lô a lô, “Chú là Tế đây. Đứa nào bắn vào loa là bắn vào mồm chú, là phá hoại ký túc xá”, a lô a lô. Nghe giận dữ lắm. Sau, ra trường anh Trần Bình làm báo thường trú tại đồng bằng sông Cửu Long. Có dịp gặp nhau lại nhắc chuyện cũ và ngậm ngùi thương chú Tế, chú cũng đã mất mấy chục năm rồi.
Nguyễn Thông
Để nghe đài phải có máy thu thanh, bây giờ quen gọi là radio theo tiếng tây. Miền Bắc thời chiến tranh dồn sức người và của cho chiến trường nên cuộc sống cực kỳ khó khăn, nghèo nàn, thiếu thốn đủ mọi thứ. Máy thu thanh thuộc dạng của hiếm, chơi sang, chỉ những nhà khá giả giàu có, nhà cán bộ, nhà có người đi nước ngoài thì mới sắm được đài. Phổ biến nhất là hàng của những nước phe xã hội chủ nghĩa, chủ yếu từ Hungary, Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc. Lưu học sinh, nghiên cứu sinh ở Liên Xô thường đem về cỗ đài Rigonda to như cái tủ lạnh con bây giờ. Vào nhà ai thấy giữa phóng khách một ngài Rigonda oai vệ, lừng lững, màu cánh gián bóng, chiếc loa phập phồng theo âm lượng to nhỏ, cứ phục lăn chủ nhà. Chơi thế mới là chơi, dạng đẳng cấp sang trọng không phải ai cũng với tới được.
Loại đài nhỏ hơn được nhiều cán bộ ưa dùng là Orionton của Hungary và Xianmao của Trung Quốc. Nói là nhỏ nhưng thực ra chiếc Orionton cũng phải to bằng 4 hòn gạch chập lại, nặng xệ vai. Đã đẳng cấp thì nặng nữa cũng chả ngại. Nhiều bác có chiếc Orionton đeo khắp nơi, đi tới đâu là trẻ con theo rần rần tới đó ngắm nghía, thán phục, nghe tin tức, nghe ca nhạc. Anh chàng nào đang kỳ tìm hiểu mà có cái đài đeo đến nhà bố mẹ người yêu, sự đảm bảo thành công thêm được vài chục phần trăm. Đợi cả nhà xong việc, quây quần túm tụm vào, chàng trịnh trọng mở đài, giương cần ăng ten, dò sóng ngắn sóng dài, vặn vô lum to nhỏ, chọn chương trình ca nhạc, tiếng thơ hoặc kể chuyện cảnh giác, cả nhà nàng cứ mê đi, đôi trai gái lỉnh xuống bếp tha hồ trò chuyện.
Mấy ông sắm được đài, oai thì oai thật nhưng nhiều khi cũng chẳng sung sướng gì. Khổ nhất là mua pin. Đem đài đi đăng ký, được cấp cho cái giấy chứng nhận, hằng tháng nhà nước phân phối một đôi pin Con Thỏ. Pin rất hiếm, còn hiếm hơn cả đài. Không pin, giống như nhiều ông may được áo mà không cố thêm được bộ khuy áo. Tình trạng “treo đài” do không pin khá phổ biến, nhất là loại Orionton xài 4 cục pin đại, đành chịu thua. Có thứ khổ nữa là khách đến nhà nghe đài, vừa tốn trà nước, thuốc lào, vừa có khi chủ đài buồn ngủ díp mắt nhưng “bạn nghe đài” cứ mọc rễ chả chịu về, bởi đang dở dang cuộc “đọc truyện đêm khuya”, “chuyện cảnh giác” hoặc tiếng thơ Châu Loan, giọng chèo Như Hoa đang hồi ngọt nhất.
Một cái phiền nữa của người có đài là luôn được chính quyền nhắc nhở đừng nghe đài địch. Đài địch thời chiến tranh là những chương trình phát thanh của chính quyền Sài Gòn, của Mỹ, của bọn đế quốc tư bản giãy chết. Tôi hồi nhỏ không biết tên gọi đài phát thanh Sài Gòn là gì, chỉ nghe cán bộ gọi là đài Sài Gòn, đài ngụy. Rồi “đài” Gươm thiêng ái quốc”, đài BBC, đài Tiếng nói Hoa Kỳ…, cả trăm thứ độc hại đang rình rập trên trời. Cấm nó thì không thể bay lên cấm được nên chính quyền đành cấm cán bộ, khuyên nhân dân “không nghe đài địch”. Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu bằng vôi trắng trên tường “Nghe đài đọc báo của ta/Đừng nghe đài địch bàn ra tán vào”. Gọi là cấm thế thôi chứ cấm làm sao được, nhất là cái thứ càng cấm càng tò mò. Cũng giống như bây giờ có chi bộ, đảng bộ “cấm” cán bộ đảng viên chơi phây búc (Facebook), nhưng chặn sao nổi. Nhiều chủ đài máu “nghe đài địch” quá, đợi đêm đến khóa hết ngõ ngoài cửa trong, ẩn trong nhà nghe đài địch, có ông còn cẩn thận trùm kín chăn cho âm thanh khỏi vọng ra ngoài, lại còn dặn với vợ con có ai hỏi thì nói tao đi vắng hoặc ngủ rồi, nghe chưa.
Năm 1975, đất nước thống nhất. Lần đầu tiên tôi thực mục quan chiêm (gọi nôm na là nhìn tận mắt) cái đài Nhật. Đúng là trăm nghe không bằng một thấy. Lần này được sờ hẳn vào hiện vật. Ông bạn cùng lớp Hoàng Thanh Chương người Quảng Trị xin nghỉ mấy ngày phắn về quê. Biết tin nó “quy cố hương”, tôi lại nhớ bài hát “Hát mừng quê ta giải phóng” phổ biến thời bấy giờ, lời ca thật vui “hát mừng quê ta nay giải phóng rồi, ớ chị em ơi, vui nào là vui hơn đời được tự do ớ ơ. Sông nước reo vui, tiếng ca rộn ràng, hò khoan ơ hò, nhịp đưa mái chèo, ngược xuôi bến thuyền, chăng lưới buông câu…”. Chương trở ra, đeo trĩu cổ chiếc đài National Nhật xài pin đại, vỏ bọc giả da màu nâu, mới tinh, khá to, có nhẽ phải nặng hơn 2kg, đeo suốt ngày, chỉ trừ khi đi ngủ. Bọn con giai xúm quanh nó trầm trồ. Đám con gái cũng ừ hữ thèm mà không dám nói. Âm thanh thì thôi rồi, trong vắt, đủ cả băng AM, FM, quả thật hàng Nhật không hổ danh tiếng bấy lâu. Mấy tuần đầu, tối nào cả bọn cũng tụ tập ngoài hành lang nghe tin tức, ca nhạc từ hàng đỉnh National, sướng củ tỉ.
Anh trai tôi từ mặt trận trở về, “bên thắng cuộc” đem chiến lợi phẩm là chiếc đài, cũng hiệu National Panasonic, nhỏ bằng hai bàn tay chập lại, dùng thứ pin trung. Thày tôi được con biếu quà chiếc đài tốt, mừng lắm. Từ nay cụ có thể không cần mượn báo, làm phiền cán bộ ủy ban mà vẫn biết được những gì xảy ra ở cả Việt Nam và thế giới. Ngại nhất là pin trung. Thà cứ pin đại, hiếm nhưng còn tìm mua được, thậm chí pin tiểu, khó kiếm nhưng ra chợ Sắt vẫn có, riêng pin trung thì chịu chết. Hình như nhà máy pin Văn Điển chỉ làm pin Con Thỏ hạng đại, pin Trung Quốc vỏ sắt cũng chỉ thấy hạng đại, chứ hạng trung thì vô tăm tích, tìm đỏ con mắt. Nghe chiến lợi phẩm được một thời gian, điện cạn dần, âm thanh chỉ lí nhí lào khào, cục pin chảy nước, tôi vội tháo quẳng ra vườn (hồi ấy chả ai nói phải quy tập pin hỏng về một chỗ để tránh độc hại ô nhiễm nên cái gì cũng ném ra vườn). Chiếc đài bị “án treo” suốt bao năm chỉ bởi không có pin.
Nếu chỉ nhà giàu và cán bộ sắm đài thì không có nghĩa dân không được nghe đài. Phát thanh đem tin tức tới toàn dân là chủ trương lớn của nhà nước. Không giàu để cấp phát radio cho từng người thì mắc loa công cộng, mắc máy thu thanh. Xã nào cũng có hệ thống loa công cộng, mắc cao tít trên các đỉnh cột điện hoặc cây cao để ngừa bọn trộm. Rồi từng nhà cũng có đường dây truyền thanh dẫn vào, nối tới chiếc loa kim to bằng hòn gạch. Nghe đài bằng hệ thống này phải theo giờ, sáng, trưa, tối, mỗi tầm hơn tiếng đồng hồ. Tối thì dài hơn, tới tận khuya, cho hết chương trình “Đọc truyện đêm khuya”. Phải nói cho công bằng, nông thôn miền Bắc thời chiến tranh vốn đã nghèo buồn, xơ xác, u tối, đàn ông đàn ang đi trận hoặc thoát ly hết cả nên âm thanh của đài cũng phần nào gợi sinh khí, làm cuộc sống làng quê bớt trầm mặc, tẻ nhạt. Nghe những chương trình của đài trung ương, rồi của thành phố, của huyện, ít nhiều mở mang đầu óc ra thế giới xung quanh. Ngay cả những trục trặc kỹ thuật của nhà đài kiểu “Đây là đài truyền thanh huyện Kiến Thụy, anh nói trước hay em nói trước” cũng góp thêm chút vị mặn mòi vui vẻ cho đời.
Những sinh viên ký túc xá Mễ Trì (Đại học Tổng hợp Hà Nội) những năm đầu thập niên 70 chắc khó quên chuyện chú Tế. Chả là ban quản lý ký túc cho mắc hệ thống loa phát thanh khắp khu vực, sáng sớm hoặc tối mịt ra rả nhắc nhở sinh viên phải như thế này thế nọ. Nhân một kỳ tập quân sự, chiến sĩ Trần Bình sinh viên khóa 16 vác ngay khẩu súng trường K44 và vài viên đạn về. Sáng ấy, vừa nghe chú Tế lên đài hắng giọng a lô a lô, Bình ta lắp đạn nhắm ngay chiếc loa trên cây xà cừ đoàng một viên. Đi bắn kiểm tra trên bãi tập thì trật nhưng bắn loa lại trúng ngay. Loa tắt lịm. Ban quản lý ký túc xá điều tra không ra thủ phạm. Buổi trưa chú Tế lại lên đài, chú a lô a lô, “Chú là Tế đây. Đứa nào bắn vào loa là bắn vào mồm chú, là phá hoại ký túc xá”, a lô a lô. Nghe giận dữ lắm. Sau, ra trường anh Trần Bình làm báo thường trú tại đồng bằng sông Cửu Long. Có dịp gặp nhau lại nhắc chuyện cũ và ngậm ngùi thương chú Tế, chú cũng đã mất mấy chục năm rồi.
Nguyễn Thông
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét