Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm là người hùng tài đại lược, một mình nắm hết quyền chính, coi vua Lê như một sinh vật cảnh. Khoảng năm 40 tuổi bỗng mắc bệnh trĩ nặng, bao nhiêu thầy thuốc người Việt cũng đều bó tay. Mỗi khi thiết triều, cứ ngồi được khoảng 5 phút là đau nhức không chịu nổi, chúa buộc phải nằm xuống mà nói. Thánh ý đang dọc bỗng nhiên trở thành ngang thành ra loạn xạ, các quan phải vất vả lắm mới đón ý được. Đại thần thân cận là Hoàng Đình Bảo (quận Huy) lấy thế làm điều lo lắng lắm, về nhà than vãn với người sư gia tên Mạt. Mạt bẩm:
“Hiện có một tay thầy thuốc người Tàu tên Trâu Bồn, vốn là dòng dõi Trâu Canh ngày trước, giờ vẫn đang hành nghề ở phủ Chương Mĩ, cách kinh thành không xa. Sao quan lớn không đón về xem thử như thế nào?”
Quận Huy chợt nhớ ra. Trâu Canh ngày trước từng chữa bệnh liệt dương cho vua Trần Dụ tông. Không ngờ còn truyền nhân đến tận ngày nay, chắc phải có bí truyền, liền sai tên Mạt tìm đón về. Trâu Bồn vừa về đến nơi, Huy tức tốc dẫn vào phủ chúa xem bệnh. Xem xong, Bồn trở ra nói với Huy:
“Bệnh này mắc do chứng ngồi lâu, máu độc dồn hết xuống dưới, tụ lại thành cục, càng ngay càng to ra. Khi nào vỡ thì chết…”
Quận Huy càng lo, vội hỏi:
“Vậy phải làm thế nào?”
Trâu Bồn trả lời:
“Chỉ có cách cắt bỏ cục u đó đi. Nhưng chỉ e đó là chỗ đại tiện, sợ không giữ được, nếu độc ngấm vào máu thì còn nguy hiểm hơn…”
Quận Huy nghe nói thất vọng quá, chán nản hỏi:
“Chẳng lẽ phải bó tay ư?”
Trâu Bồn ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
“Cụ tổ nhà tôi ngày trước có để lại 1 cuốn sách, tôi chưa từng phải giở đến. Nay gặp ca bệnh này, để tôi về tìm thử trong đó xem có diệu pháp nào chăng?”
Quận Huy lại lóe lên hy vọng. Lập tức sai Mạt đưa Trầu Bồn về. Ngay hôm sau Trâu Bồn đã trở lại, hớn hở bẩm với quận Huy:
“Trong sách, cụ tổ tôi có dạy phép cắt trĩ rất thần cơ diệu toán, tránh đại tràng bị nhiễm độc bằng cách cho đại tiện ra đằng mồm, thì sẽ không lo gì đến đằng hậu môn nữa…”
Quận Huy nghe đến đó giật nảy mình kinh ngạc. Bụng nghĩ cái lão Tàu Trâu Canh ngày trước quả là thầy thuốc có một không hai, đã từng vực dậy một cái dương vật bị liệt bằng cách thật là quái đản, nay cắt trĩ còn quái đản hơn. Nhưng…
“Chúa ta mỗi khi nằm phán đã làm chúng ta khổ sở rồi. Giờ lại còn đại tiện ra đằng mồm nữa thì liệu chúng ta có còn nghe nổi hay không?” – Quận Huy băn khoăn.
Trâu Bồn chưa kịp trả lời thì sư gia tên Mạt đứng bên cạnh đã nhanh nhảu:
“Tính mệnh nhà chúa mới là điều quan trọng. Bọn quan trong triều bổn phận là phận bề tôi thì dẫu có thế nào cũng phải chịu đựng chứ sao? Huống hồ quan lớn có công đưa người về chữa khỏi bệnh cho chúa, thì trong triều còn ai tranh cạnh được với ngài nữa?”
Quận Huy nghe nói mới quyết bằng lòng để Trâu Bồn chữa bệnh cho Trịnh Sâm theo cách đó. Lối cắt trĩ của Trâu Canh quả nhiên kì diệu. Trịnh Sâm khỏi hẳn cái trĩ ở hậu môn, chỉ có điều dùng theo phép ấy thì đại tràng thành ra thông với cuống họng, không gì ngăn cách nữa nên hơi thở rất hôi hám, người đứng từ rất xa cũng không ngửi được. May sao chúa lại không ngửi thấy mùi gì, chỉ có các quan và dân chúng kinh thành phải cố mà chịu đựng. Được một thời gian như thế, một hôm, đang giữa lúc thiết triều, bỗng chúa nghe tiếng sấm đinh tai nhức óc, phải lấy hai tay bưng chặt lấy đầu. Chúa hoảng hốt hỏi các quan:
“Sao đang giữa trưa lại có tiếng sấm nổ to như thế?”
Các quan im lặng nhìn nhau. Cả triều đình không ai nghe thấy gì, chỉ mỗi mình chúa nghe thấy. Chúa hoảng sợ đến nỗi co rúm người trên bệ rồng, vội lấy tay ra hiệu bãi triều. Từ đó, chúa không dám ra chỗ có ánh sáng mặt trời nữa, suốt ngày ở tịt trong hậu cung, phải lấy rèm bịt hết cửa sổ lại, ban ngày cũng phải thắp nến. Quận Huy lại lo lắng lắm, bèn sai tên Mạt vời Trâu Bồn đến. Trâu Bồn bảo:
“Tôi chỉ chữa được những bệnh về cái ăn, uống, đại tiện… Còn đây là bệnh về cái nghe thì tôi không chữa được. Tôi biết có một đạo sĩ tên Đỗ Tờ chân nhân ở động Bình Hòa, là người có thông thiên nhĩ, có thể nghe được cả những cuộc họp của chư thiên trên các tầng trời. Quan lớn thử mời ông ta đến xem sao?”
Quận Huy mừng lắm. Lập tức sai tên Mạt tìm đón Đỗ Tờ chân nhân về. Đỗ Tờ chân nhân về đến kinh thành, vào đứng giữa triều cũng phải lấy tay bịt mũi lại, chứng kiến cảnh chúa đang rúm người vì sợ tiếng sấm, cố dỏng hai cái tai thông thiên nhĩ của mình lên, cũng tịnh không nghe thấy gì. Bèn ra bảo với quận Huy:
“Người bình thường sở dĩ nghe được tiếng của nhau, là vì ai cũng có thông nhân nhĩ. Nghe được tiếng trời thì là thông thiên nhĩ. Nay tôi cũng không nghe thấy gì, chứng tỏ tiếng sấm này không phải xuất phát từ trời. Hay là nó từ dưới đất vọng lên chăng? Tôi có ông bạn cùng học ngày trước là Vương Ngọc chân nhân, ông ấy là người có thông địa nhĩ, có thể nghe được cả những cuộc xử án của Diêm vương. Có lẽ quan lớn phải mời ông ta đến thôi”.
Quận Huy tất nhiên nghe lời, liền sai người đón Vương Ngọc chân nhân. Vương Ngọc chân nhân vào tới triều, cũng phải bịt mũi dỏng tai nghe ngóng. Quả nhiên đã nghe thấy gì đó, liền ra bảo với quận Huy:
“Phàm con người ta, nếu hơi thở thơm thì nhẹ, cho nên nó sẽ bay lên trời. Hơi thở mà thối thì nặng, cho nên nó sẽ bay xuống dưới, lâu ngày ngấm xuống đất sâu, làm kinh động đến tiền nhân. Đây là sự giận dữ của các tiền nhân đã kết thành tiếng sấm đó thôi, cũng chả có gì lạ…”
Quận Huy nghe nói mừng lắm, bụng nghĩ Vương Ngọc chân nhân một khi đã nghe được tiếng sấm, thì tất phải có cách chữa khỏi. Liền hỏi:
“Vậy chân nhân có cách gì chữa cho nhà chúa?”
Vương Ngọc Chân nhân nghe hỏi lắc đầu:
“Phàm những hạng trị dân tráo trở, làm những việc kết oán với đời sau thì may ra còn có thể dây dưa, cắm mặt làm quan, làm chúa được vài tháng, vài năm… Chứ đắc tội với đời trước thì nghiệp nặng lắm. Tôi nghe tiếng sấm ấy thì biết mệnh chúa đã đến lúc cùng rồi, không còn hy vọng gì nữa đâu, có cố cũng vô ích”.
Quận Huy nghe nói thế thì biết không còn cách nào, bèn thở dài mà thưởng cho Vương Ngọc chân nhân mấy đĩnh bạc rồi tiễn ra ngoài cửa cung. Quả nhiên mấy hôm sau Trịnh Sâm chết, khi ấy chúa mới 44 tuổi.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét