Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Chúng ta không có nhiều giải pháp ứng phó (Bài đăng trên TBKTSG, 6/7/2018, bản gốc, tiêu đề do báo đặt lại)


http://www.thesaigontimes.vn/274697/chung-ta-khong-co-nhieu-giai-phap-ung-pho-.html

Mới chỉ vài tháng trước nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đang trong trạng thái hưng phấn với tăng trưởng tiếp tục được cải thiện trên diện rộng. Nay thì vận mệnh của kinh tế thế giới đang bị đe dọa bởi một cuộc chiến tranh thương mại đang chờ ngày khai hỏa sau khi Mỹ tuyên bố sẽ đánh thuế nhiều chục tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc và cả các nước đồng minh của Mỹ, trong khi các nước này thì cũng nhanh chóng tuyên bố các biện pháp trả đũa cứng rắn, quyết ăn miếng trả miếng với Mỹ.

Ảnh hưởng toàn cầu

Tuy cuộc chiến chính thức vẫn còn trực chờ nhưng tác động lên nền thương mại thế giới thì đã lộ rõ, với lượng hàng hóa luân chuyển qua các cảng biển và sân bay trên toàn cầu đã chậm lại rõ rệt như được thể hiện qua các số liệu thông kê về lưu lượng và cước phí vận chuyển tàu thủy và máy bay. Các chuỗi cung ứng hoạt động trì trệ và bất an về thương mại gia tăng. Đây đó tại các nước xuất khẩu đơn đặt hàng đã bị cắt còn quyết định đầu tư thì bị trì hoãn. Thương mại và, vì thế, tăng trưởng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng.

Dù chiến tranh thương mại chỉ là chiến thuật của ông Trump để ép buộc các đối tác thương mại phải nhượng bộ, cũng như ép các tập đoàn đa quốc gia chuyển cơ sở sản xuất về Mỹ, chứ không phải là ý đồ thực sự của ông Trump nhưng chừng nào chiến tranh thương mại được duy trì, chừng đó sẽ tiếp tục gây ra các tổn thất ngày càng lớn cho nền kinh tế toàn cầu do sự trả đũa, đối nghịch ngày càng leo thang khó bề kiểm soát. Do vậy, người ta đã đúc kết rằng chiến tranh thương mại không mang lại chiến thắng cho bất cứ quốc gia nào, kể cả nước phát động.

Cuộc chiến thương mại lại xảy ra đúng vào lúc thế giới có nhiều xáo trộn và thử thách lớn nên tác động của chúng càng ghê gớm hơn khi cộng hưởng với nhau. Mỹ tái lập cấm vận Iran đã đẩy giá dầu lên cao. EU thì đang suy yếu, với nền kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đặc biệt dễ tổn thương. Trong khi đó, ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu thì lại đang thắt chặt chính sách tiền tệ làm tăng lãi suất và đẩy giá của USD lên những đỉnh cao mới. Những nền kinh tế mới nổi, đang phát triển tỏ ra sẽ là nạn nhân nặng nhất của những tác động này.

Tác động đến Việt Nam

Nếu chiến tranh thương mại nổ ra và leo thang trong nửa năm sau của năm nay, Việt Nam chắc chắn sẽ không nằm ngoài vòng ảnh hưởng và cần phải điều chỉnh dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam một cách tương ứng trong những quý tới.

Xét cụ thể hơn, việc Mỹ áp thuế lên thép và nhôm của Trung Quốc dẫn đến một tác động gián tiếp là Việt Nam trở thành điểm tiêu thụ hoặc trung chuyển cho thép Trung Quốc giá rẻ trước đây đổ vào thị trường Mỹ và châu Âu. Với nhu cầu tiêu thụ thép hàng năm lên tới trên 20 triệu tấn, Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ thép thép lớn nhất trong khu vực. Tuy năng lực sản xuất thép ở trong nước đã hoàn toàn đáp ứng thậm chí còn vượt xa mức này nhưng không thể phủ nhận tính cạnh tranh mạnh mẽ của thép Trung Quốc giá rẻ, bóp nghẹt thị phần của nhiều nhà sản xuất nội địa, buộc họ phải tìm đường xuất khẩu mà không hiếm khi phải dùng đến thủ thuật phá giá. Thép Trung Quốc còn mượn đường Việt Nam xuất sang châu Âu và Mỹ, làm cho các nhà sản xuất Việt Nam thêm một lần nữa bị vạ lây, phải chịu thuế chống bán phá giá ở mức không thể xuất khẩu được nữa.

Thương mại toàn cầu sụt giảm kèm với suy thoái trực tiếp ảnh hưởng không chỉ đến các ngành sản xuất để xuất khẩu như may mặc và lắp ráp mà còn cả các ngành dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam như kho bãi và vận tải.

Một trong những “điểm sáng” hiếm hoi cho Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là việc chuyển dòng thương mại từ Mỹ - Trung sang các nước đối tác khác như Việt Nam. Nhà nhập khẩu ở Mỹ, Trung Quốc sẽ tìm kiếm nguồn cung hàng hóa từ những nước không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ và Trung Quốc. Nếu Việt Nam đáp ứng và đẩy mạnh được những mặt hàng là đối tượng chịu mức thuế trừng phạt ở Mỹ và Trung Quốc thì đây là một lợi ích không nhỏ.

Tuy nhiên, căn cứ vào các chủng loại hàng hóa có khả năng bị đánh thuế cao như máy móc, hóa phẩm, linh kiện máy bay, lốp cao su và thiết bị y tế thì những nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan và Singapore mới là những “ngư ông đắc lợi” hơn là Việt Nam.

Về nhập khẩu, khi có chiến tranh thương mại, nhu cầu cho các đơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ đối với các sản phẩm mà hai nước này áp thuế trừng phạt lên nhau (và lên các nước đối tác khác) sẽ bị ảnh hưởng mạnh, làm giảm giá cả của chúng, tiết kiệm cho các nước có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng này, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc giảm giá nhập khẩu này chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam nếu các mặt hàng nhập khẩu này phục vụ cho việc sản xuất và tiêu thụ trong nước, ví dụ như đậu nành và phụ phẩm nhập khẩu để chế biến thức ăn gia súc trong nước. Nếu để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu ngược lại sang các nước là các bên trong cuộc chiến thương mại thì điều này chỉ có lợi khi các mặt hàng xuất khẩu này không bị áp thuế cao. Ví dụ minh họa cho việc này là một số doanh nghiệp thép Việt Nam nhập thép nguyên liệu Trung Quốc, gia công rồi xuất sang Mỹ và châu Âu nhưng lại bị áp thuế chống bán phá giá và gian lận thương mại.

Giảm thiểu tác động tiêu cực

Việt Nam không có nhiều giải pháp để ngăn chặn những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ngoại trừ việc phải tự đặt mình trong tư thế cực kỳ linh động và cố gắng tạo lập ra nhóm các đối tác chủ yếu để tăng cường giao thương với nhau tạo thêm năng lực thị trường, giảm thiểu nguy cơ gây chảy máu vốn và bất ổn tài chính, thay thế một phần cho thị trường Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam cùng với các đối tác ASEAN và CPTPP cần và sẽ phải tích cực gắn kết hơn nữa, cam kết không áp dụng các giải pháp bảo hộ thương mại và đầu tư giữa các thành viên trong khuôn khổ các thỏa thuận đã ký kết.

Là một trong những biện pháp bù đắp cho giảm sút tăng trưởng kinh tế gây ra bởi chiến tranh thương mại, các nước bị thiệt hại thường đưa ra các gói kích cầu như xây dựng hạ tầng cơ sở. Ví dụ điển hình là Philippines đang xúc tiến một chương trình phát triển hạ tầng đầy tham vọng mang tên “Build, Build, Build” (Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng) trị giá tới 180 tỷ USD nhằm mở rộng hệ thống đường bộ, đường sắt và sân bay già nua của họ. Nguồn vốn phần lớn dựa vào tài trợ từ Trung Quốc và Nhật.

Tuy nhiên, mặt trái của biện pháp trên là nếu lãi suất tăng nhanh hơn mức dự tính do việc thắt chặt lãi suất ở các nền kinh tế lớn trên thế giới, các nước theo đuổi biện pháp kích cầu kiểu này sẽ mắc kẹt trong bẫy nợ. Đây là bài học để Việt Nam cần cẩn trọng với những đề xuất nhân danh suy thoái để thực thi những gói kích cầu quá sức dựa chủ yếu vào vốn vay nước ngoài mà đã ít nhiều phạm phải trong những năm trước đây.

Bên cạnh các biện pháp kích cầu do Chính phủ thực hiện, các nước cũng thường đối phó bằng cách thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng để hạ lãi suất và phá giá bản tệ để hỗ trợ nền kinh tế bản địa mà ví dụ mới đây nhất là Trung Quốc. Việt Nam có lẽ cũng sẽ chọn giải pháp này khi thấy rõ những tác động từ bên ngoài ập đến.

Tuy vậy, cũng như chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ cũng sẽ không mang lại chiến thắng cho bất cứ ai, trong khi nới lỏng tiền tệ sẽ phải đối mặt với rủi ro là dòng tín dụng lại đổ vào các thị trường tài sản mà không đổ vào nền kinh tế thực. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần hướng nguồn lực vào phát triển thị trường nội địa và khu vực để duy trì động lực tăng trưởng.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: