Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

Cách mạng


Theo tôi, nhà cai trị xứ này cần sớm bỏ cái từ mà họ rất hay dùng, họ tôn thờ, coi là cương lĩnh, mục đích, phương châm, hành động, lý tưởng... Đó là từ "cách mạng".

Phải nói thẳng rằng, ngay cả những ông trùm lý luận của chế độ đương thời lẫn những người dân ít học, ít quan tâm đến chính trị chính em, khi dùng từ “cách mạng” chỉ nghĩ tới sự hay ho, tốt đẹp, tích cực, chứ không cần biết nó có còn hợp hay không. Họ không bao giờ nghĩ họ sai. Người đã liên quan tới cách mạng (dù chỉ phát âm từ này) thì có bao giờ sai. Cách mạng không bao giờ sai. Quan điểm xưa nay là vậy.

Trong vốn từ tiếng Việt mà chúng ta đang dùng có rất nhiều từ gốc Hán, ta quen gọi là từ Hán Việt. Nghĩa của từ Hán Việt thường được tạo ra từ những từ đơn lẻ hợp thành. Từ “cách mạng” cũng vậy, gồm 2 thành tố, “cách” và “mạng”.

Theo Từ điển Hán Việt của cụ học giả Đào Duy Anh cũng như từ điển của nhiều vị Hán học uyên thâm khác thì nghĩa của những từ ấy khá rõ, thống nhất. “Cách” là sự thay đổi, phế bỏ, gạt bỏ, xóa đi, giết đi. “Mạng” là mệnh, ngày xưa để chỉ ông vua. Vua là thiên tử, thay trời trị dân, đó là mệnh của vua. Mệnh vua tức là chế độ. Ngoài ra, mạng (mệnh) cũng có nghĩa là số phận, sự tồn tại của con người nói chung.

Cứ theo nghĩa trên thì “cách mạng” là đổi mệnh vua, là cuộc thay đổi, hạ bệ ông vua, thay chế độ này bằng một chế độ khác, kẻ cầm quyền này bằng kẻ cầm quyền khác. Cách mạng là việc đổi một chế độ cũ và xấu bằng chế độ mới, tốt hơn. Nói tóm lại, đó là cuộc lật đổ. 

Ở khía cạnh thông tục, thì cách mạng là giết người, hủy mạng, hủy số phận, sự tồn tại của ai đó. Chính vì vậy, ngày xưa, cứ cách mạng là phải có đổ máu. Càng đổ máu nhiều thì cách mạng càng dữ dội, phong trào cách mạng càng ghê gớm. Xét dưới góc độ này, cách mạng là cuộc chém giết, đối tượng của nó là con người. Trong tác phẩm trứ danh “AQ chính truyện”, nhà văn Lỗ Tấn đã để nhà cách mạng AQ ở làng Mùi định nghĩa chính xác về cách mạng: Cách mạng là cách mẹ cái mạng chúng nó đi.

Không phải chỉ ở Việt Nam hay Trung Quốc mới có từ “cách mạng”. Ngôn ngữ các nước khác đều có từ này, nhiều nước đặt là “revolution” (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga… đều phát âm na ná vậy). Nhưng hình như họ chỉ đặt cho có, để lấp đầy kho từ ngữ bản địa chứ ít dùng, ngoại trừ nước Nga thời Liên Xô. Khi Liên Xô tan rã, từ cách mạng cũng rã theo. Bây giờ ở nước Nga, nơi từng là cái nôi của cách mạng, thành trì của cách mạng thế giới, chả còn mấy khi nghe họ nhắc tới từ đầy kinh hãi chết chóc ấy nữa, chứ đừng nói chi treo khẩu hiệu như hồi Liên bang Xô viết.

Thời thế đổi thay nhiều. Người dân khắp địa cầu càng ngày càng chán ghét chiến tranh, xung đột, giành giật, đổ máu, loại trừ, đẩy nhau vào chỗ chết. Ham muốn tột bậc của con người, nhất là người dân xứ Việt Nam này, nơi từng diễn ra cuộc nồi da xáo thịt kéo dài suốt mấy chục năm, là hòa bình, hiền lành sống với nhau, cùng nắm tay nhau bước lên đường hạnh phúc. Chẳng ai muốn cách mạng cách miếc gì. Giết nhau, lật đổ, tranh giành, tàn hại, loại bỏ nhau chừng ấy năm vẫn chưa đủ hay sao. 

Cũng cần nói thêm rằng, ở góc độ ngôn ngữ, có thể chấp nhận nghĩa mở rộng của từ cách mạng, là thay đổi, làm mới, làm đổi thay. Ví dụ: cách mạng khoa học kỹ thuật, nghĩa là làm một sự đổi thay trong khoa học kỹ thuật, để nó mới, tiến bộ hơn. Nhưng với xã hội con người, với kiến trúc xã hội, với số phận con người, thì đừng cách mạng nữa. Đừng lấy con người làm vật hy sinh nữa. Chỉ nên cho từ “cách mạng” quay trở lại cuộc sống khi có một thể chế thối nát, một chế độ độc ác với con người cần bị phế bỏ đi, thì lúc ấy nó mới có nghĩa.

Chiến tranh đã lùi tụt vào quá khứ gần nửa thế kỷ mà vẫn cứ cách mạng, ra quân, chiến dịch, vẫn tư duy chiến tranh, dù chỉ trong ngôn ngữ, thì biết bao giờ con người mới được ấm no, hạnh phúc?

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: