Một người mẹ liệt sĩ bên mộ con trai. Ảnh: internet
Đỗ Duy Ngọc
15-4-2018
Tháng tư. Khi cái nóng miền Nam lên đến đỉnh điểm và cờ đỏ giăng đầy lối phố, là đến ngày kỷ niệm. Ngày mà cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng: Triệu người vui cũng có triệu người buồn.
Người bên thắng trận có triệu người vui, nhưng thật ra trong niềm vui cũng có chất chứa sâu kín nỗi buồn. Hàng ngàn thanh niên miền Bắc sinh Bắc tử Nam, đã đi và không về cho một chiến thắng cuối cùng. Họ nằm lại và cho đến giờ, cuộc chiến tranh chấm dứt đã 43 năm, gần nửa thế kỷ qua rồi, thịt xương của họ đã thành cát bụi, đã hoà lẫn với đất cát, tro than, cây cỏ. Người thân của họ vẫn trông chờ, tìm kiếm trong vô vọng.
Những bà mẹ miền Bắc chiều chiều vẫn ngóng về Nam, thắp nén nhang gọi hồn con về. Cắm nén nhang lên bàn thờ nhiều khi chỉ là khung ảnh trống không có hình, nhiều khi chỉ ghi một cái tên, cũng có khi là chân dung của một người rất trẻ. Họ ra đi trong chiến tranh và không trở về trong ngày hoà bình, thân xác của họ được vùi vội vàng đâu đó và bây giờ không còn dấu tích. Bạn bè, đồng đội trở về nhưng họ không về. Có người cho đến giờ vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Và hàng ngày những bà mẹ già buồn bã vẫn đợi tin con. Ngày lễ chiến thắng nhiều người vui nhưng mẹ lại buồn dù con mẹ là người lính của đoàn quân thắng trận.
Một người không về là nỗi đau không riêng người mẹ, nó là nỗi xót xa, khổ đau của cha, của anh em và còn là nỗi đau của người vợ mất chổng, những đứa con lớn lên không biết mặt cha. Chiến tranh đi qua như một con lốc dữ, để lại những nỗi đau không lấp được.
Hàng dãy mộ bia trùng trùng điệp điệp ở Trường Sơn, ở các nghĩa trang liệt sĩ, nhiều đến không còn nước mắt để khóc thương.
Người ta có thể tung hô, hùng hồn đọc diễn văn, vui chơi với ngày chiến thắng. Nhưng những bà mẹ, người cha, người vợ làm sao vui khi vẫn chưa tìm thấy hài cốt người thân của mình, hay chỉ thấy con, cháu mình chỉ còn là nấm mồ hiu quạnh.
Một người mẹ liệt sĩ thăm mộ con. Ảnh: internet
Bên thua cuộc là hàng triệu người buồn. Họ bị mất nhiều thứ: công việc, nhà cửa, tương lai không biết về đâu? Là chia ly, là ly tán, là những bất hạnh dồn dập.
Họ cũng có những người thân cầm súng chết trong cuộc chiến. Và cũng có rất nhiều người không về. Trong cơn hoảng loạn của tháng ba, cả tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến bị kẹt lại ở biển Thuận An, pháo dội, súng nổ, nhiều người đã chết và vùi thây trong hố chôn tập thể. Trên con đường từ Phú Bổn về trong những ngày cuối tháng tư, bao nhiêu xác người đã nằm lại bên đường, họ nằm đó và cát bụi thời gian phủ thây họ, gia đình bặt tin và lấy ngày đó làm ngày giỗ.
Những ngày cuối của cuộc chiến, xác người vẫn ngã xuống và nhiều người bây giờ cũng không tìm thấy xương cốt mộ bia. Rồi khi lá cờ của bên chiến thắng tung bay trên những thành phố, hàng ngàn người vào trại cải tạo, và hàng ngàn người cũng không trở về, họ chết và thân xác được chôn vội vàng giữa vùng đồi núi xa lạ hoang vu. Người thân của họ đi tìm mà mấy người tìm gặp.
Nhiều người đã bọ mạng trong các “trại cải tạo” sau “ngày chiến thắng”. Ảnh: internet
Hàng trăm ngàn người đi về phía biển, hàng triệu người bất chấp hiểm nguy đi ra biển và hàng trăm ngàn người chôn vùi thân xác dưới đáy đại dương. Hàng trăm, hàng ngàn người đàn bà bị hãm hiếp trên con đường đi về phía biển ấy, có người bị chết xác quăng xuống biển, cũng có người đi được đến nơi và sống đến bây giờ, nhưng dấu tích của vết thương theo suốt đời họ, không xoá được. Có hàng trăm, hàng ngàn cô gái bị bắt đi và mấy chục năm rồi không tin tức, có thể họ chết lần mòn trong những căn nhà chứa ở Thái Lan. Thế giới cho rằng đó là cuộc di dân tồi tệ nhất của lịch sử.
Những người dân bỏ nước ra đi sau ngày hòa bình. Ảnh: internet
Nỗi đau tức tưởi đó làm sao quên, nên tháng tư đối với họ là tháng nước mắt.
Như thế, trong ngày chiến thắng của bên thắng cuộc, cả hai phía vẫn còn những nỗi đau khó xoá. Cả hai phía đều vẫn còn nước mắt. Nước mắt khóc cho một dân tộc bất hạnh có cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ hai mươi. Một cuộc chiến tranh giữa anh em mà đã 43 năm rồi vẫn chưa hàn gắn được. Thời gian đã trôi qua, cuộc chiến tranh đã lùi xa, nhưng VẪN CÒN NƯỚC MẮT.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét