Các bạn văn nghệ và các quan văn nghệ
Tôi quen khá nhiều văn nghệ sỹ thuộc đủ các ngành văn, thơ, nhạc, họa… Có những người quen từ 30, 40 năm trước. Đó là Nguyên Hồng, Văn Cao. Hồi ấy, Văn Cao mới hơn 30 tuổi trẻ măng. Anh có bàn tay mềm, thon như bàn tay con gái. Cách nói chuyện thủ thỉ của Văn Cao thật hấp dẫn. Có khi kể chuyện tiếu lâm, hóm hỉnh, mặt vẫn tỉnh khô, cuối cùng mới nổ ra một tràng cười đến chảy nước mắt. Chính Văn Cao dạy tôi khiêu vũ, từ nhảy valse đến tangô. Văn Cao vẽ ít nhưng có hoa tay, nét vẽ đơn sơ, khỏe khoắn. Anh già đi rất nhanh, từ khoảng 1968 đến 1975, lấy rượu làml khuây cho nên nghiện rượu nặng. Thơ anh cũng khá hay, nhiều rung cảm. Tôi cứ nhớ mãi những câu anh hát trong bài Thiên Thai tuyệt diệu khi chúng tôi đi dạo bên bờ sông. Nguyên Hồng như một ông nông dân, râu rậm để lún phún, hai má đen sạm, chiếc răng khểnh trông rất đặc sắc; anh lại hay mặc bộ áo quần nâu. Anh chất phác, ngay thật, sôi nổi. Giữa đường gặp nhau là hét lớn, hỏi chuyện oang oang. Anh sống rất bình dân..
Văn Cao làm thơ phải trên giấy pơluya mỏng, đẹp. Nguyễn Tuân viết văn phải trên giấy hoa tiên, có in tên mình ở phía trên, đàng hoàng, duyên đáng. Còn Nguyên Hồng dùng đủ loại giấy, vở học trò, ấy xam xám, chữ nghệch ngoạc, ngón tay dính mực như học trò tiểu học. Tôi quý Nguyên Hồng ở tính tình ngay thật, xởi lởi do không chịu nổi không khí lãnh đạo văn nghệ ngột ngại mà anh lên vùng Yên Thế (Bắc Giang) ở ẩn, theo chân cụ Đề Thám, thỉnh thoảng mới về Hà Nội. Anh rất dễ xúc động, rất hay khóc. Nghe tin bạn cũ chết, anh khóc. Nghe tin các vị lãnh đạo chửi bới báo Văn do anh phụ trách, anh cũng khóc. Nghe tin Hoàng Cầm, Trần Dần bị đưa đi cải tạo, anh cũng khóc. Phải thấy con người râu rậm, lốm đốm bạc, mặt đen sạm, mồm méo xệch, khóc nức nở mới thấy trong anh tình cảm thật dồi dào. Anh kể rằng khi viết Bỉ Vỏ về thân phận những con người ở dưới đáy của xã hội, anh vừa viết vừa khóc với những nhân vật của mình. Nét rất quý ở anh là không chịu a dua nói theo lãnh đạo. Rất tình cảm, mà cũng rất cứng cỏi. Văn nghệ sĩ trong quân đội, có Hoàng Minh Châu quan sát xã hội sắc sảo, viết khỏe và có những suy nghĩ sâu sác. Anh xót xa và uất giận đối với kiểu văn học minh họa một thời. Hoàng Ngọc Hiến khá già dặn, có bản lĩnh tư duy riêng của mình, rất được sinh viên trẻ ái mộ; anh chịu khó tìm hiểu nền phê bình văn học của thế giới. Nguyễn Duy có nhiều suy tưởng lắng đọng về xã hội, về con người, biết đau và biết phẫn nộ. Trần Mạnh Hảo viết văn, làm thơ, có lần kể cho tôi nghe thời anh học ở trường dòng, Kinh Thánh đã bồi bổ kiến thức của anh về nhân sinh; anh có những suy nghĩ về thơ rất mới mẻ. Thu Bồn to con, đen như người Tây Nguyên, tóc quăn tít, sống sôi động; anh làm thơ rất khỏe, có bài dài hàng trăm câu, thuộc thơ rất giỏi, có thể đọc và ngâm thơ liền một đêm thâu. Với Nguyên Ngọc, tôi có những kỷ niệm khó quên; hồi 1964 tôi vào căn cứ Liên Khu 5, anh ở Ban Văn Nghệ, cùng Thu Bồn, Liên Nam đi làm rẫy trong vùng rừng Đỗ Xá (Tây Quảng Ngãi). Thu Bồn vác súng đi bắn rộc (loại khỉ nhỏ) về nấu cháo rồi chúng tôi kể chuyện trong Nam, ngoài Bắc, chuyện vùng địch hậu Điện Ngọc, Điện Bàn… suốt cả đêm. Nguyên Ngọc người nhỏ bé, trán cao, thông minh, nói rất ít mà nghĩ rất sâu.
Hồi tôi ở báo Quân Đội Nhân Dàn (từ 1965 tới 1982) thường gặp anh em văn nghệ sĩ làm việc tại tòa soạn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Hai tờ báo cùng chung một bếp tập thể, chung một khu nhà ở tập thể, anh em thường ngày chơi bóng chuyền, bóng bàn, đánh bi-a, đánh tu-lơ-khơ với nhau. Nghe nói chuyện thời sự, học chính trị cũng đều học chung. Hồ Phương hóm hỉnh, hay tủm tỉm cười. Nguyễn Khải rất thông minh, hơi ranh mãnh nữa, xọm hẳn người đi khi con trai anh bị chết đuối ngoài sông Hồng. Hữu Mai thì đạo mạo, cẩn thận, hay hốt hoảng khi nghe trên nhận xét, phê bình; anh chuyên viết cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghe Đại lượng kể rồi viết lại, thêm thắt ít nhiều, về Điện Biên Phủ, về chiến sự xuân 1975, về “những năm tháng không thể nào quên. Xuân Thiều hói trán, hay đỏ mặt, lại hay nghịch ngầm trong các lớp học. Lớp trẻ hơn có Đỗ Chu từ lính pháo, viết rất khá, sau về Bắc Ninh ở ẩn để viết tiểu thuyết. Vùng anh ở có rượu lúa nếp nổi tiếng, khi về Hà nội thường mang vài chai cho bạn bè. Lê Lựu học vấn ít nhưng thông minh, trí nhớ tốt; những cuốn sách anh viết khi đi Mỹ về có chỗ cường điệu; đó là điều dễ hiểu vì là những lần đầu anh được xuất ngoại, tiếp xúc với thế giới bên ngoài… Anh Ngọc làm thơ rất khá, cuốn Sông Mê Công Bốn Mặt của anh có đoạn nhắc đến sự tàn bạo mất hết tính người trong cải cách ruộng đất, sau khi suy tưởng về tội giết người man rợ của bọn quỷ Khơ-me đỏ.
Tôi từng vài lần gặp Phạm Thị Hoài. Có lần Hoài đến dự cuộc họp cộng tác viên của báo Nhân Dân Chủ Nhật. Hoài ít nói mà suy nghĩ rất sâu. Cô giỏi tiếng Đức, biết tiếng Anh và Pháp, rất chịu đọc các lác phẩm văn học phương Tây. Cô ít nói trực tiếp đến chính trị, nhưng luôn hiểu rằng chính trị gắn chặt với sáng tác văn học. Cô mới chừng 35 tuổi mà tư duy đã rất chín, vững vàng trong. nhận định và tìm tòi. Hãy nghe Phạm Thị Hoài nói về nền văn học nước ta: “Truyền thống lớn nhất của văn học Việt nam là truyền thống bị công cụ hóa, tới mức nó không thể hình dung nổi một chức năng nào khác ngoại chức năng công cụ, và tinh thần thẩm mỹ thống trị nó là tinh thần phục vụ chứ không phải tinh thần dẫn đường, lấy ý thức tận tụy, nhiệt tình chứ không phải y thức sáng tạo, phiêu lưu, là cảm khái và nhiệt huyết chứ không phải là trí tuệ khách quan, là sự trịnh trọng cứng đờ chứ không phải tiếng cười…” Cô mạnh dạn khẳng định: “ở Việt nam, không phải tôn giáo, mà văn học luận đề mới chính là thuốc phiện của nhân dân.” Sâu sắc, già dặn bao nhiêu, ở cô gái trẻ bề ngoài dịu hiền này! Những văn nghệ sĩ từng đi hàng đầu trong phong trào đòi tự do sáng tạo như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán… Về sau, họ bị chỉnh huấn, kìm cặp gắt gao nên thường viết theo công thức, cốt truyện nhàm, văn sáo. Từ khi bắt đầu đổi mới vào năm 1986 mới dần đà có tác phạm đáng nói. Để quản các nhà văn đã có các ông quan văn nghệ đủ cỡ. Ở cấp tỉnh, có người như Ma Văn Kháng, Chu Văn. Họ vừa viết và có cuốn sách đọc được, lại vừa quản lý anh chị em văn nghệ sĩ khác, hạn chế tự do của họ. Ở Hà nội có Tô Hoài, Chủ tịch Hội Văn Nghệ Thủ Đô. Anh viết tốt, viết khỏe, thường có những chuyến đi xa cùng Nguyễn Tuân, nhưng cũng chính anh phải truyền đạt mọi ý kiến của lãnh đạo chỉ trích người này, đe nẹt người khác, khi lãnh đạo cho rằng họ đã đi trệch khỏi phương hướng của đảng. Đó là “Cụ Chánh khảo” – nhà thơ Chính Hữu – khá nổi tiếng về các bài thơ Tòng Quân, Đầu Súng Trăng Treo, vài năm mới có một bài, vì bận làm quan, làm Trưởng phòng Văn nghệ Quân Đội rồi đại tá Phó cục trưởng Tuyên huấn chuyên phụ trách về văn nghệ trong quân đội. Các quan to văn nghệ thì có Nguyễn Đình Thi gần 30 năm làm Tổng thư ký Hội nhà văn. Khi sáng tác, anh giành quyền tự do cho mình. Khi là lãnh đạo anh phải vâng dạ các vị ở Ban văn hóa văn nghệ trung ương đảng, Ban tuyên huấn trung ương đảng để uốn nắn những điều họ cho là lệch lạc. Ở Nguyễn Đình Thi do đó có hai con người. Một nghệ sĩ tài hoa cả về văn, thơ, họa, kịch, nhạc và một con người của cơ chế. Anh có thể nói với bạn thân của mình: hôm nay phải lên nghe cụ Lành (chỉ ông Tố Hữu) giảng đạo, và khi lên nghe những buổi giảng đạo ấy, anh luôn phát biểu: vâng, dạ, phải, thưa anh nhận xét rất chí lý ạ, quả đúng thế, tôi xin nhận phần khuyết điểm để về đấu tranh và uốn nắn kịp thời ạ… Trần Bạch Đãng cũng là một ông quan như thế. Ông có nhiều tài. Viết báo, viết sách, làm thơ, viết kịch bản phim, bình luận thời sự, bình luận chính trị, bình luận quốc tế… Ông có vẻ am hiểu đủ linh vực. Ông từng hoạt động trong ngành an ninh, rồi làm công tác trí thức vận, từng là Bí thư đảng bộ Sài Gòn- Chợ Lớn. Ở ông luôn có hai con người. Một con người của đổi mới, của kiến thức và nhận định mới mẻ, có lúc đòi dân chủ khá mạnh, đòi đảng phải nhận rõ những sai lầm trong quá khứ… Và một con người hoàn toàn khác hẳn, bảo thủ, giáo điều, chủ trương rằng muốn phát triển cần đề cao kỷ luật và tập trung, gác lại yêu cầu dân chủ… Tất nhiên một con người có thể có ý kiến thế này, về sau lại có ý kiến thế khác. Nhưng ở Trần Bạch Đằng nổi lên nhân cách của một con người cơ hội tiêu biểu. Nó hoàn toàn trái với thái độ của kẻ sỹ. Tôi đã gặp ông nhiều lần ở Đại hội nhà văn cuối năm 1989. Anh em văn nghệ sĩ trẻ, ham đổi mới lắc đầu về Trần Bạch Đằng; ông không bao giờ hiểu họ. Những bài viết của ông dần dần nhạt nhẽo, đuối lý, lẩm cẩm. Đã vậy, ông bao sân rất ghê, mỗi dịp Tết, ông viết cho hơn mười tờ báo? Có thể nói ông đã không theo kịp sự chuyển biến và yêu cầu chuyển động của đất nước. Anh em văn nghệ sĩ ở Sài Gòn còn chê trách ông quá vụ lợi đi Hồng Ông, Đài Loan, mang về một số băng video, ông cho thuê từng buổi độc quyền các băng ấy để bỏ túi, tiền không kể xiết.
Chính Xuân Tùng từng là trợ lý Tổng bí thư đã nói với tôi rằng: Trần Bạch Đằng chưa từng bao giờ là cố vấn cho Tổng bí thư cả? ông Nguyễn Văn Linh thỉnh thoảng hỏi ý kiến ông ta như hỏi ý kiến một số cán bộ khác thôi. Ông Linh có nhiều thành kiến với Trần Bạch Đằng: tự do, vô tổ chức trong việc thương lượng với đối phương về trao đổi người bị bắt của hai bên hồi sau Tết Mậu Thân; ông ngấp nghé vào Trung ương nhưng không được bầu đi Đại hội đảng và không được cử ra ứng cử. Đến Đại hội 6, ông hy vọng được trên chú ý, nhưng ông vẫn trượt. Chuyện Bạch Đằng là “Bật Đèn”, là đổi mới, chỉ là chuyện tự tô vẽ kiểu tuyên truyền; ông không còn có cái tư duy xanh tươi, khỏe khoắn, ông đã già cỗi đi rất rõ và đang lùi vào quá khứ, để lại hình ảnh của một ông quan văn nghệ múa may rất nhiều lại quá nghèo về thực chất.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét