Tôi đến xin việc ở vài tờ báo. Người ta tiếp tôi rất lạnh nhạt, bảo trước hết hãy viết bài gửi cho báo cho đến bao giờ ban biên tập thấy có khả năng sẽ gửi giấy gọi. Đầu năm 1958 báo Thống Nhất tổ chức cuộc thi viết về đề tài miền Nam. Tôi viết truyện ngắn “Dũng” gửi dự thi có ý để tìm việc làm ở ngành viết lách. Đây là chuyện viết theo luận đề minh họa lý thuyết của đảng Cộng sản “có áp bức thì có đấu tranh”. Nhân vật chính trong truyện Dũng một bé gái tên Nhu tính nhút nhát, không dám nhìn thấy máu, dù là máu của con gà, con ếch, nhưng trước sự đe dọa tính mạng của cha mình, em vụt trở nên dũng cảm. Năm 1959 công bố giải ở Câu lạc bộ Thống Nhất. Cụ Tôn Đức Thắng đến dự và trao giải.
Về thơ, giải nhất trao cho tập “Mộ anh hoa nở” tác phẩm đầu tay của Thanh Hải, một tác giả đang ở miền Nam. Văn xuôi, không có giải nhất, có hai giải nhì là chuyện “Ông Năm Hạng” của Nguyễn Quang Sáng, “Câu chuyện chiều thứ Bảy” của Trần Thanh Giao, giải ba là “Dũng” của tôi; giải khuyến khích là truyện ngắn của Xuân Vũ. Truyện ngắn Dũng được giải ba vì nó minh họa Nghị quyết 9 của Đảng Cộng sản quyết định giải phóng miền Nam bằng bạo lực vũ trang. Sau khi được giải ba cuộc thi truyện ngắn viết về miền Nam, tôi được ba cơ quan báo nhận làm phóng viên (báo Thống Nhất, Đài Phát Thanh và báo Lao Động). Anh Trương Quang Lộc trưởng phòng văn nghệ báo Thống Nhất rủ tôi cùng về báo Lao Động với lý do: đây là nơi được tìm hiểu thực tế công cuộc công nghiệp hóa miền Bắc.
Tôi nhận công tác gần nửa tháng mới nhìn thấy ông tổng biên tập. Ông tới dự bữa cơm “liên hoan” chào mừng anh em mới được tuyển dụng, để đưa tuần báo Lao Động tăng lên 3 kỳ / tuần. Ông có khuôn mặt lạnh không thích hợp với một nghề cần quảng giao. Ông nói như miễn cưỡng phải mở miệng và hay dùng hai từ “các cái” thay vì là “những việc”. Ông từng là lính thợ sang Pháp sau khi ra trường kỹ nghệ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ông là quản đốc của một binh công xưởng. Vợ ông là em ruột của ông Lê Thanh Nghị ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nổi tiếng là người đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi xin viện trợ của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa.
Năm 1949, binh công xưởng bắt đầu thực hiện chủ trương làm bích báo (báo tường), ông quản đốc Lê Vân nêu gương viết một bài thơ Tình máy tiện, có đoạn:
“… Sao máy ngập ngừng?
Thân máy nóng bừng, đầu máy hâm hiu.
Máy mệt lắm rồi!
Ngừng quay nghỉ chút máy ơi
Ta làm mồi thuốc, máy xơi giọt dầu…”
Bài thơ được đăng trên báo Lao Động số 114 năm 1949 và được khen là một đề tài khô khan mà tác giả đã có thể “tức cảnh sinh tình” thành thơ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lập tức điều động ông về làm phó tổng biên tập báo Lao Động. Năm 1956, ông được đề bạt tổng biên tập thay ông Đỗ Trọng Giang (cũng là một nhà thơ công nhân lên làm trưởng ban tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam).
Khi tôi về đây, ông kiêm nhiệm rất nhiều chức vụ: Ủy viên đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam; tổng biên tập báo Lao Động; giám đốc Nhà xuất bản Lao Động. Ông không viết bài, cũng không duyệt bài. Ông chỉ đạo ban biên tập theo các quyết định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hằng tuần ông đến họp cơ quan, phát biểu nhận xét tờ báo trong tuần qua, chỉ đạo trọng tâm tuyên truyền trong tuần tới. Mọi việc cụ thể ở báo Lao Động đều do phó tổng biên tập Ngô Tùng quán xuyến. Năm 1964, ông Ngô Tùng qua đời, ông Hoàng Trọng Đỉnh lên thay, mọi việc vẫn tiếp tục nền nếp cũ.
Ở Nhà xuất bản Lao Động mọi việc do ông Băng Cơ quán xuyến, hằng tuần ông đến “cho ý kiến” giống như ở báo Lao Động.
Ông rất có uy với cấp dưới. Các phó tổng biên tập trước khi vào phòng của ông để xin ý kiến, đều tự chấn chỉnh trang phục, bỏ áo vào quần cẩn thận.
Năm 1963, ông nghĩ ra cách chấn chỉnh cách quản lý công tác của phóng viên: xếp bàn làm việc để phóng viên ngồi hướng mặt vào tường; bàn của mỗi phóng viên có vách ngăn riêng để không ai có thể tán chuyện làm ảnh hưởng người bên cạnh; quy định phóng viên phải đến ngồi vào bàn của mình đúng giờ, nếu vắng mặt, phải xin phép.
Qua một tháng thực hiện, hoạt động của tờ báo chẳng những không tốt hơn mà lại sa sút, bài vở kém hẳn. Cuộc họp chi bộ sau đó một tháng chính là dịp mổ xẻ chủ trương làm việc này. Các đảng viên là ủy viên ban biên tập, hoặc trưởng bàn là những người có trách nhiệm lên tiếng phân tích vụ việc, nhưng sự có mặt của ông tổng biên tập khiến họ cứ e dè nhìn nhau. Anh Hoàng Nghinh trưởng Ban Quốc tế, đứng lên phát pháo, dù anh không có chân trong ban biên tập và Ban Thời sự Quốc tế của anh không bị ảnh hưởng gì với việc “cải tiến” này. Anh nói, mấy tuần qua anh em làm việc thì ít mà xì xầm mọi lúc mọi nơi, nhưng không dám nói trên báo tường và trong cuộc họp cơ quan. Họ cho rằng đây là lối quản lý nhân viên hành chính, không thích hợp với hoạt động của phóng viên. Anh em cho rằng, tổng biên tập đã không hiểu công việc phóng viên mà lại còn không tin anh em, không bàn bạc với ban biên tập và chi bộ áp đặt ý mình theo cung cách của một ông chủ. Nguy hiểm là đã có sự phản ứng ngầm, làm sút giảm cả lượng và chất của tin bài trên báo. Anh quay sang các ủy viên ban biên tập và trưởng ban: “Tôi biết nhiều đồng chí ngồi đây không đồng tình với cách làm này. Đề nghị các đồng chí thẳng thắn vì sự sống của tờ báo và lợi ích của bạn đọc.” Các ủy viên ban biên tập và trưởng ban lần lượt bày tỏ ý kiến, chủ yếu nói về hiện tượng tiêu cực của phóng viên, chứ không dám cho rằng chủ trương của Tổng biên tập là sai, cũng không ai yêu cầu trở lại nền nếp cũ.
Ông tổng biên tập chống đỡ yếu ớt, ông cho rằng cái mới ra đời bao giờ cũng gặp khó khăn. Ông không bảo vệ cách quản lý đang bị phản ứng, nhưng cũng không tuyên bố phải dẹp bỏ. Ông nói dài lê thê về những hiện tượng la cà của phóng viên, việc không phát hiện kịp thời những nhân tố mới trong phong trào thi đua tập thể. Khi ông dứt lời mà không đưa ra quyết định rõ ràng, mọi người vẫn im lặng. Không khí nặng nề bị phá vỡ bởi cái đập bàn của Hoàng Nghinh trước khi đứng phắt dậy, đanh thép hỏi: “Đồng chí không tự phê bình là mình sai à? Đồng chí không chịu vứt bỏ cái chủ trương không thích hợp, đã gây tiêu cực làm giảm hoạt động của phóng viên sao?” Khuôn mặt tái xanh của ông Tổng biên tập bỗng đỏ rực lên. Ông đáp một cách chậm rãi: “Tôi đang lắng nghe ý kiến chân thành xây dựng. Ban biên tập đang lắng nghe chi bộ, tập thể ban biên tập chúng tôi sẽ có quyết định trong cuộc họp sắp tới!” Vậy là khi bị quy trách nhiệm, ông đưa tập thể ban biên tập ra để thoát hiểm.
Tuần sau đó, chủ tịch Hoàng Quốc Việt “hạ phóng” xuống tòa báo để chấn chỉnh trật tự. Ông lên án tình trạng mất đoàn kết âm ỉ trong chi bộ là điều không thể chấp nhận được trong cơ quan ngôn luận của giai cấp công nhân có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ông cho rằng sức mạnh của một tập thể chỉ có thể phát huy khi kiên định nguyên tắc tập trung dân chủ: cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng cấp trên.
Ông tổng biên tập chủ trì cuộc tiếp đón, trân trọng chào mừng “vị lãnh tụ giai cấp”, nhưng ông gợi ý ông ủy viên ban biên tập kiêm bí thư chi bộ phát biểu ý kiến. Tôi hết sức kinh ngạc, không hiểu vì sao một người tôi rất quý trọng, đã dành cho ông lá phiếu bầu vào địa vị bí thư chi bộ đã đứng lên khóc nức nở, nói không nên lời! Tôi lờ mờ hiểu lý do không ngăn nổi dòng nước mắt là vì cảm thấy tập thể ở đây đã phạm lỗi quá lớn, lòng phiền lòng vị lãnh tụ tổ chức cách mạng của giai cấp tiên phong đang bận trăm công ngàn việc mà phải đến vì sự việc cỏn con này. (Trước khi viết lại chuyện này, tôi đã gọi điện hỏi nguyên bí thư chi bộ đã khóc năm ấy. Lạ thay, anh bảo mình hoàn toàn không nhớ gì cả! Anh hỏi lại tôi: ” Thế à? Lúc đó mình có khóc à? Tại sao mình lại khóc nhỉ?”) Sau cuộc họp, một vài anh có tuổi và có thâm niên ở đây nhận định: cụ Hoàng Quốc Việt xuống để yểm trợ tổng biên tập, nhân đó dằn mặt anh Hoàng Nghinh, một đảng viên có lý lịch rất xấu và nhiễm thói dân chủ tư sản Phương Tây chưa chịu gột rửa.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét