Từ trái qua phải: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà báo Kim Dung, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Lê Hoài Nguyên, dịch giả Dương Tường |
Trưa ngày 01 tháng 4, thời tiết Hà Nội đẹp, nắng vàng hoe và dòng xe lưu chuyển trên các đường phố vơi hẳn đi. Ngày CÁ THÁNG TƯ có khác. Về chuyện này dân ta cũng học theo luật chơi của cộng đồng thế giới, tận dụng từng phút giây hiếm hoi để..."chém gió". Nhưng hãy coi chừng, rất có thể bạn sẽ bị khép vào tội "tung tin bịa đặt gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị hay trật tự xã hội "theo Khoản X, Điều Y của Bộ Luật Hình sự, rồi vào nhà đã bóc lịch như bỡn...
Cuộc gặp mặt khá vui vẻ tại nhà học giả Phạm Toàn. Ông chẳng có học hàm học vị hay danh hiệu gì nhưng đích thực là một học giả uyên bác, là thầy của các thầy. Một trong những thành tựu của ông là cùng với nhóm CÁNH BUỒM, từ nhiều năm nay, đã soạn những bộ sách giáo khoa nổi tiếng cho chương trình phổ thông trong khi không có bất cứ nguồn tài trợ nào từ ngân sách nhà nước. Với phong thái ung dung, tự tại tiếp bạn vong niên của một trí giả, không ai nghĩ rằng ông đã đến ngưỡng 87 nếu tính cả tuổi mụ trời cho. Nhìn mấy bức thư pháp chữ Hán treo trên tường phòng khách, tôi biết cái tâm của ông luôn tĩnh. Ông coi công danh, phú quý chỉ như áng phù vân. Liễn đối minh chứng rõ nhất cho phong cách này được viết theo lối chữ khải thoáng chút thảo thư khá sắc nét: "功名花面上露/富貴草顏霜"(Công danh hoa thượng lộ/ Phú quý thảo nhan sương), nghĩa là, công danh chỉ như giọt móc bám trên cánh hoa, còn giầu sang chẳng khác gì giọt sương đậu trên ngọn cỏ.
Khách mời toàn là những trí thức tên tuổi của Hà Nội từng có nhiều cống hiến trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa và văn học nghệ thuật. Điểm qua, có thể thấy, Dịch giả kiêm nhà phê bình mỹ thuật Dương Tường; nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, người từng bị "nhập kho" hơn 3 năm mà không có án chỉ vì liên quan đến tập bản thảo "Về Kinh Bắc" của nhà thơ Hoàng Cầm; nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với các tiểu thuyết lịch sử gây chấn động như "Hồ Quý Ly', "Đội gạo lên chùa", "Mẫu Thượng Ngàn", "Trư cuồng" (Chuyện ngõ nghèo)...; GSTS Trần Đình Sử, người từng được trao Giải thưởng Phan Châu Trình "vì những đóng góp to lớn và lâu dài trong lĩnh vực nghiên cứu văn học"; nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, nhà thơ Lê Hoài Nguyên (cựu đại tá an ninh Thái Kế Toại); nhà nghiên cứu văn học La Khắc Hòa; họa sỹ biếm họa nổi tiếng Lý Trực Dũng v.v...
Từ trái sang: PGSTS La Khắc Hòa, Nhà thơ trẻ Phapxa Chan |
Đặc biệt, trong số khách tham dự buổi gặp mặt còn có nhà thơ trẻ Phapxa Chan, mới ngoài 20, vừa được Giải thường Văn Việt về thơ. Phapxa Chan từng là học trò của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, chẳng những làm thơ giỏi mà còn có tài soạn nhạc với giọng nam trung có sức chinh phục lòng người qua những ca khúc tự anh sáng tác về lời nguyện cầu và thân phận con người. Ít ai biết rằng, nhà thơ trẻ còn có thời tu tập lên đến hàng TỲ KHEO. Sau khi tu viện BÁT NHÃ ở Đà Lạt của thầy Thích Nhất Hạnh bị đánh tan tác bằng đủ thứ mưu hèn kế bẩn, Phapxa Chan đành rời LÀNG MAI trở thành lãng tử du ca như các nghệ sĩ Di gan vùng Trung Á. Giọng hát của vị TỲ KHEO này còn được cả một dàn hợp xướng ở Hà Nội trình tấu hỗ trợ. Phapxa Chan đa tài biết chơi nhiều loại nhạc cụ, trong đó độc tấu guitar là món sở trường. Tiếng guitar của Phapxa Chan có chiều sâu, trầm lắng như cứa vào tâm hồn làm ta bâng khuâng như vừa mất lại vừa được một cái gì, buồn mà trong trẻo chẳng khác gì những vần thơ Hậu hiện đại giầu tính khám phá của anh...
Đ.V.S.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
1 nhận xét:
功名花面上露/ Công danh hoa thượng lộ/
6 chữ cơ thưa tác giả!
Đăng nhận xét