Gặp một ông bạn, nghe ông phàn nàn: " chán quá ông ạ. Suốt ngày phải đối mặt với bao điều bất ổn: quan chức hôm trước còn xoen xoét rao giảng những điều cao siêu thì ngay sau đó bị truy tố vì tham nhũng, vi phạm pháp luật; trong giáo dục thì trò đánh thầy, thầy cũng chỉ coi trò như khách hàng nhả chữ, đếm tiền; nhìn ra xã hội thì tội ác ngày càng dã man hơn: cha con, vợ chồng, anh em giết nhau vì tranh chấp của cải, vì phản bội nhau; trên TV đang dạy cho trẻ em cách không bị bắt cóc; mấy ông trí thức nhà ông lại cũng gian dối và đạo đức giả; y tế thì buôn thuốc giả, nâng giá khám chữa bệnh, có cái viện Mắt một năm để ngoài sổ sách cả nghìn tỉ đồng". Tôi hỏi: "ông có bi quan quá không?" Ông nhăn nhó: "gần 70 rồi. Có chết cũng được rồi. Con cái trưởng thành rồi. Chả phải lo lắng gì. Lương hưu, chỉ ăn không hết thì có gì mà bi quan? Nhưng bất ổn quá. Lo quá. Không biết rồi sẽ ra thế nào".
Chia tay, lòng trĩu buồn. Những ì xèo của cuộc sống sao cứ ám ảnh mãi dù đã nhủ lòng nghe ít thôi, nghĩ ít thôi vì đã đến lúc đứng ở bên lề xã hội rồi, lực bất tòng tâm rồi. Nhưng sao cứ ám ảnh mãi điều anh nói:" không biết rồi sẽ ra thế nào". Có lẽ chưa bao giờ tâm thế xã hội lại bất an như vậy và cũng không thể bịt mắt bưng tai vì nỗi lo này không của riêng ai. Một câu hỏi cứ ám ảnh: bởi đâu mà có tình trạng này? Đâu là chỗ trú ngụ yên bình cuối cùng của con người? Nhập cuộc chợt nhận ra cuộc chơi không dành cho mình. Đứng sang một bên lại thấy chỗ này cũng không phải của mình nốt. Chạy về chỗ ẩn núp cuối cùng thôi. Nhưng sao mong manh thế? Liệu nó có đứng vững trước những thử thách khốc liệt này không?
Sáng nay đến thăm một anh bạn. Hơn 70 tuổi, hai lần thần chết gõ cửa nhà anh rồi lại quay ra. Một lần bác sĩ đã moi tim anh ra ngoài mấy tiếng đồng hồ để xử lý, một lần cắt 3/4 dạ dầy vì K. Vậy mà vẫn yêu đời, vẫn làm việc " như điên". Chìa cho mình cuốn sách mới in, bảo " tôi sắp in cuốn nữa về ký hiệu học phê bình". Mình cám ơn anh, đưa tặng anh cuốn "Cuộc cờ", khuyên: "anh làm việc vừa vừa thôi. Già rồi, yếu rồi, phải lo giữ sức chứ." Anh bảo " thì cũng như ông. Không làm việc thì biết làm gì? Ông viết về cái gì đấy?". Đáp: " thì tiếp cái "Lạc giữa cõi người" thôi. Cuốn kia là bi kịch cá nhân bị tha hoá. Cuốn này là bi kịch xã hội vì những đám lưu manh câu kết với nhau, phá nát tất cả". " Không làm việc thì biết làm gì", nghĩ mà thương. Thương anh, thương những người ngoài công việc chả biết làm gì cho đến chết. Người ta lúc về hưu, tiền rủng rỉnh, đi du lịch, chơi golf, thích gì làm nấy. Những người như anh vẫn cắm cúi với công việc, chả biết chơi bời là gì. Anh bảo: " tôi sẽ viết một bài về tâm thế lạc ông ạ. Nguyễn Huy Thiệp nói về lạc trong gia đình. Lạc loài cả cha và con. Ông Ma Văn Kháng cũng lạc. Cũng lạc trong gia đình. Sương Nguyệt Minh nói đến lạc ở chiến trường. Ông nói lạc ở chốn quan trường, xã hội. Sao lại có tâm thế lạc này nhỉ?". Mình cười:" bác cho em đứng cạnh các đại nhân ấy làm em phổng mũi, nhưng ngượng. Hai bác không lạc nhau là được rồi". Anh trầm ngâm: " lạc thật ông ạ. Còn lạc gì nữa không?". Mình không trả lời nhưng nghĩ bụng: "còn. Đang chềnh ềnh ra đấy". Ngẫm thấy ông anh hay thật. Luôn suy nghĩ và luôn loe loé những ý kiến mới lạ, sắc sảo.
Không đua với thời cuộc được thì đành chọn cách phù hợp với mình. " Ta về với vợ ta thôi/ chân trời đành để cho người khác bay". Bay theo đàn hay bay một mình thì đó cũng là việc của người khác. Mình cánh chưa gẫy thì cũng coi như gẫy. Trước đã chưa bay, giờ về già cũng chả học bay được nữa. Bay là chuyện của người khác. Bay là chuyện của ngày xưa. Trẻ, chả nghĩ đến thì già, nghĩ đến làm gì? Ngó lơ thế thôi, đừng tiếc mà cũng không thể tiếc. Mình chả là quân tử nên không thể dừng lại đúng lúc. Đành dừng khi thấy chân chồn, gối mỏi thôi.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét