Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

Mỹ: Trung Quốc Lắp Đặt Thiết Bị Phá Sóng Quân Sự trên Quần Đảo Trường Sa


Tác giả: Michael R. Gordon ở Washington và Jeremy Page ở Bắc Kinh
The Wall Street Journal ngày 9 tháng 4 năm 2018
Biên dịch: Nguyễn Phúc Thiện | Hiệu đính: Huệ Việt
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 13 tháng 4 năm 2018.
BN-YD846_USCHIN_M_20180408220335
Tóm tắt: Trung Quốc đã lắp đặt thiết bị phá sóng quân sự trên Đá Chữ Thập và Vành Khăn trong 90 ngày vừa qua, một bước tiến quan trọng leo thang quân sự ở Biển Đông, theo các quan chức quốc phòng Mỹ. “Mặc dù Trung Quốc đã khẳng định rằng việc xây dựng đảo là để đảm bảo an toàn trên biển, trợ giúp trên biển, tìm kiếm và cứu nạn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các chức năng phi quân sự khác, thiết bị phá sóng điện tử chỉ dùng cho mục đích quân sự”,một  viên chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.
Trung Quốc đã lắp đặt trang thiết bị trên hai trong số các tiền đồn được bảo vệ ở quần đảo Trường Sa có khả năng gây nhiễu các hệ thống truyền thông và radar, một bước tiến quan trọng trong việc leo thang quân sự trên Biển Đông, các quan chức Mỹ cho hay.
Động thái này tăng cường khả năng của Trung Quốc để bảo vệ các yêu sách lãnh thổ rộng lớn của mình và cản trở các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong một khu vực tranh chấp nơi tồn tại một số tuyến vận tải sầm uất nhất thế giới.
Việc tiết lộ này diễn ra khi quân đội Trung Quốc đang tiến hành những gì mà các quan chức Mỹ mô tả là cuộc tập trận quân sự lớn nhất cho đến thời điểm này ở Biển Đông, cuộc diễn tập bao gồm tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc cũng như không quân và các đơn vị mặt đất.
Một quan chức của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, trong khi mô tả phát hiện này cho biết: “Trung Quốc đã triển khai thiết bị phá sóng quân sự cho các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa.”
Đánh giá của Hoa Kỳ được hỗ trợ bởi một bức ảnh được chụp vào tháng trước bởi một công ty vệ tinh thương mại DigitalGlobe và cung cấp cho The Wall Street Journal. Bức ảnh cho thấy một thiết bị mà được nghi ngờ là hệ thống phá sóng với ăng-ten được mở rộng trên Đá Vành Khăn, một trong bảy thực thể mà Trung Quốc đã xây các hòn đảo nhân tạo kiên cố từ năm 2014, lấp cát vào đá và các rạn san hô và lát chúng bằng bê tông.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã từ chối khi được yêu cầu bình luận.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với tất cả các hòn đảo ở Biển Đông cùng với vùng nước liền kề, và đánh dấu giới hạn yêu sách của mình bằng một đường chữ U trải dài từ bờ biển đại lục Trung Quốc xuống phía nam xa đến tận Malaysia.
Trung Quốc nói rằng việc xây dựng đảo chỉ nhằm mục đích phòng vệ, nhưng hoạt động này đã làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể sử dụng các tiền đồn để thực thi các tuyên bố lãnh thổ chồng chéo với các quốc gia Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng như Philippines, một đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ. Trong năm qua, Trung Quốc đã cố gắng làm dịu mối quan hệ với các nước có yêu sách khác trong khi tiếp tục công việc trên các đảo.
Ba trong số các tiền đồn ở Trường Sa – Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi – hiện nay đã có những đường băng dài 10.000 foot, kho chứa máy bay chiến đấu, kho đạn dược, doanh trại và bến tàu nước sâu.
Trong khi đã có các nhân viên quân sự đồn trú ở các tiền đồn và những con tàu đậu ở các bến, Trung Quốc vẫn chưa đưa các đơn vị mặt đất hoặc máy bay chiến đấu lên các đảo nhân tạo, các quan chức Mỹ nói. Không có tên lửa đất đối không hoặc chống lại tên lửa hành trình được triển khai ở Trường Sa, mặc dù các địa điểm lắp đặt vũ khí như vậy đã được chuẩn bị, các quan chức Mỹ cho biết.
Nhưng khả năng của Trung Quốc trong việc nhanh chóng chuyển các khí tài quân sự ra các tiền đồn là mối quan tâm sâu sắc cho Lầu năm góc vì điều này có thể cho phép Trung Quốc kiểm soát các tuyến thương mại quan trọng, loại trừ các nước có yêu sách khác khỏi các khu vực tranh chấp và can thiệp vào kế hoạch bảo vệ Đài Loan của quân đội Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã xây dựng một cơ sở hạ tầng khổng lồ đặc biệt – và chỉ duy nhất – để hỗ trợ năng lực triển khai quân sự tiên tiến tới các căn cứ chỉ trong thời gian ngắn”, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói với Ủy ban Quân vụ của Thượng viện hồi tháng trước.
Theo tình báo của Hoa Kỳ, thiết bị phá sóng mới được triển khai trong vòng 90 ngày qua trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn.
“Mặc dù Trung Quốc đã khẳng định rằng việc xây dựng đảo là để đảm bảo an toàn trên biển, trợ giúp trên biển, tìm kiếm và cứu nạn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các chức năng phi quân sự khác, thiết bị phá sóng điện tử chỉ dùng cho mục đích quân sự”, viên chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.
Hoa Kỳ coi hầu hết Biển Đông là vùng biển quốc tế và đã cử các tàu đi qua quần đảo Trường Sa để khẳng định quyền tự do đi lại trong khu vực.
Trung Quốc đã liên tục leo thang các hoạt động quân sự của mình trong khu vực. Bắc Kinh đã triển khai HQ-9 tên lửa đất đối không và máy bay tiêm kích phản lực J-11B trong quần đảo bị tranh chấp là Hoàng Sa kể từ năm 2016. Những đảo này cách quần đảo Trường Sa 500 dặm về phía bắc.
Bắc Kinh cũng đã thành lập Chiến khu Nam mới để giám sát các lực lượng Trung Quốc chịu trách nhiệm về Biển Đông.
Các hình ảnh vệ tinh gần đây từ Planet Labs Inc. cho thấy khoảng 40 tàu hải quân Trung Quốc, bao gồm tàu ngầm và tàu sân bay Liêu Ninh, diễu hành trong Biển Đông gần Hải Nam trong một cuộc trình diễn vũ trang lớn bất thường.
download
Ảnh vệ tinh từ Planet Labs ngày 26 /3/2018 cho thấy một đội hình gồm ít nhất 40 tàu chiến Trung Quốc, cùng với tàu sân bay Liêu Ninh phô diễn thành hai hàng ở ngoài khơi đảo Hải Nam. Nguồn: Reuters
Các cuộc tập trận diễn ra từ ngày 24 tháng 3 đến ngày 5 tháng 4 ngoài khơi bờ biển phía Nam của tỉnh Quảng Đông, sau đó chuyển tới bờ biển phía đông của Hải Nam, và sẽ tiếp tục cho đến ngày 11 tháng 4, theo thông báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc.
“Mục đích [của các cuộc tập trận] là để kiểm tra và tăng mức độ đào tạo của quân đội, và tăng cường năng lực của họ để giành chiến thắng”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói trong tháng này. “Nó không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay đối tượng cụ thể nào”.
Tăng cường năng lực của quân đội Trung Quốc trong các hoạt động chiến đấu theo kiểu Mỹ – liên quan đến tất cả các dịch vụ vũ trang – là một trong những mục tiêu chính của kế hoạch tái cơ cấu quân đội 4 năm khởi xướng bởi Tập Cận Bình, Chủ tịch nước và Chủ tịch quân đội Trung Quốc, năm 2016.
Các nhà phân tích cho biết các bài tập dường như được thiết kế để thực hành các hoạt động kết hợp liên quan đến Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, có trụ sở tại Quảng Đông, và nhóm tàu sân bay Liêu Ninh, đậu ở đông bắc Trung Quốc, cũng như không quân, tên lửa và các lực lượng khác.
Người phát ngôn Không quân Trung Quốc Shen Jinke tháng trước đã thừa nhận rằng Su-35 và H-6 gần đây đã tiến hành tuần tra hỗn hợp trên Biển Đông, mà không nêu rõ thời gian và vị trí chính xác. Trung Quốc tiết lộ vào tháng Hai rằng họ đã gửi Su-35, mua từ Nga và nhận được cuối năm 2016, đến Biển Đông lần đầu tiên.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết các cuộc tập trận liên quan đến thủy quân lục chiến Trung Quốc trên đất liền cũng là một phần của một cuộc tập trận lớn hơn.
Timothy R. Heath, một nhà phân tích cao cấp của Rand Corporation, nói rằng mặc dù mục đích chính của lần tập trận này là để cải thiện sự sẵn sàng của các lực lượng Trung Quốc, nó đồng thời cũng gửi một thông điệp chính trị.
“Đối với người dân Trung Quốc, Bắc Kinh đang gửi thông điệp về sức mạnh và sự sẵn sàng để bảo vệ lợi ích của đất nước, điều này có thể thúc đẩy sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ chính phủ”, ông Hee nói. “Đối với khu vực và Hoa Kỳ, Bắc Kinh đang báo hiệu rằng họ đã hành động kiềm chế, nhưng sẵn sàng đáp ứng các chính sách đối đầu bằng chính sách đối đầu của chính mình”.
Thiếu tướng Jin Yinan của Đại học Quốc phòng Trung Quốc nói rằng các cuộc tập trận ở Biển Đông không liên quan đến việc gần đây Mỹ triển khai ba tàu sân bay tới khu vực. USS Theodore Roosevelt đã đến Singapore vào thứ 2 tuần trước. USS Carl Vinson đã viếng thăm Việt Nam vào tháng trước và thực hiện các cuộc tập trận chung với Nhật Bản trên Biển Đông. USS Ronald Reagan hiện đang ở căn cứ tại Nhật Bản.
“Ngay cả khi cả ba tàu sân bay đã đến Biển Đông, thì sao?” Tướng Jin nói trên Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc. Các hoạt động của tàu sân bay Hoa Kỳ trong khu vực đã cho Trung Quốc một cơ hội để nghiên cứu các hoạt động cùng với radar và các tín hiệu điện tử khác của chúng, ông nói.
“Còn gì khác anh có thể làm ngoài việc phô diễn sức mạnh không? Anh có thể tấn công chúng tôi không? Anh có dám châm ngòi không?”, ông nói.
Nhóm dịch và hiệu đính đến từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Những quan điểm trong bài viết không nhất thiết là quan điểm của các thành viên và cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hay của các nhà tài trợ Dự án.
Bản dịch được hỗ trợ kinh phí từ quỹ tài chính chung của Dự án Sự Ký Biển Đông, được tài trợ bởi những nhà tài trợ. Xem thông tin những nhà tài trợ của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tại https://daisukybiendong.wordpress.com/nha-tai-tro/nha-tai-tro-nam-2015-2017/


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: