Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

“Là người, sao có thể thờ ơ với đất nước mình?”.

DỄ XA NHAU

Mấy hôm nay nhận ra thật rõ một điều là mình quá dễ vỡ. Chuyện vớ vẩn, nhỏ như con thỏ mà cũng làm mình chán, mất hết cả hứng thú văn chương với blog. Phá lệ, hôm nay chẳng viết chuyện văn chương nữa. Viết cái bài khô khốc này, nếu bạn nào không thích thì vui lòng bỏ qua nhé!

Hôm qua trong người khó ở, mình cắc cớ post một câu hỏi lên Facebook. Nếu là ở một nước khác thì câu hỏi của mình cũng bình thường thôi, nhưng ở nước mình thì nó thành ra chuyện chính trị. Và chính vì nó là chuyện chính trị, nên mọi người vào còm, hoặc là nói bóng nói gió, hoặc là trả lời “đều”, chẳng ai có một câu trả lời rõ ràng, (trừ câu trả lời khá nghiêm túc của bạn Hà Thị Thanh Vi. Bạn này thì từ đó đến giờ, luôn đi thẳng vào vấn đề khi còm, nhưng câu trả lời của bạn ấy xem ra vẫn chưa làm mình thoả mãn). Và mình cũng nhận thấy mỗi khi có chuyện gì thuộc về chính trị được post lên thì thái độ của bạn bè được bộc lộ rõ. Người đồng ý thì like, nói nửa kín nửa hở, người không đồng ý thì hiếm khi cãi, chỉ lẳng lặng quay đi, mà quay đi thực chất là câu trả lời “tôi không thích!”. Mình không biết chính trị có đem người ta xích gần lại với nhau hay không, nhưng mình biết rõ chính trị dễ làm cho người ta xa nhau.

Vào những năm 2002-2003, khi Internet vừa được Bộ VHTT & TT cho phép chính thức hoạt động ở nước ta, mình cũng tập toẹ làm quen với phương tiện mới mẻ này. Mình lên Internet và tham gia vào một mạng xã hội nào đó (quên tên rồi), có cơ sở ở nước ngoài. Vì đối với ta, Internet còn quá mới mẻ, nên cái mạng xã hội đó được rất ít người Việt tham gia. Trong số ít ỏi người Việt đó, mình có quen được một bạn nam. Không rõ bạn ở đâu, làm gì, mình chỉ biết bạn hơn mình khoảng chục tuổi, là dân Tổng hợp Toán. Bạn tỏ ra rất hiểu biết về xã hội, về văn học nên mình rất quý bạn, có thể nhắn tin qua lại hoặc chat với bạn rất lâu về đủ thứ chuyện, cho đến một ngày...

Ngày đó, bạn bắt đầu nói về chuyện chính trị. Đầu tiên mình còn nghe, còn trả lời cho phải phép. Nhưng sau đó, chuyện chính trị trở nên dày đặc hơn. Mình mệt. Mình nhắn cho bạn rằng em phải đi cày từ sáng đến chiều, tối về còn phải chăm sóc con nhỏ, em chỉ nghĩ đến chuyện sao cho có đủ tiền nuôi con thôi, ngoài ra em không biết gì, cũng không quan tâm gì đến chính trị đâu. Bạn nhắn cho mình rất nặng nề, rằng: em đâu phải sống trong rừng hay ở hoang đảo, em sống trong một đất nước, một xã hội cụ thể, mà đất nước và xã hội thì luôn gắn với thể chế chính trị. Là người, sao có thể thờ ơ với đất nước mình? Sau tin nhắn đó, mình giận bạn và chủ động cắt đứt quan hệ. Mình không bao giờ gặp lại bạn nữa. Đó là mất mát đầu tiên thật đáng tiếc, nó làm cho mình day dứt.

Sau chuyện đó, mình bỏ cái mạng xã hội này, tham gia vào một vài mạng xã hội khác, nhưng chỉ là lớt phớt vì mình không tìm được bạn bè “hợp khẩu vị”.

Năm 2009, Facebook mon men vào Việt Nam. Mình cũng mon men theo chân những người đầu tiên “làm nhà” trên Facebook. Cái chợ Phây hiện đại, năng động, mới mẻ làm mình mê mẩn. Nhưng cũng chính ở đây, mình lọt vào một trận địa những người hăng máu với chính trị. Họ hăng đến nỗi mình chẳng dám ho he gì, thậm chí còn cảm thấy sợ.

Năm 2010, Facebook bắt đầu bị chặn. Trong thời gian chưa tìm được cách bẻ khoá, mình “chơi tạm” bên Yahoo! Plus. Định là chơi tạm, nhưng cái nhà bên này lại làm cho mình thích. Ở đây, mọi người chơi thuần tuý văn chương, thơ phú, hầu như không ai đả động gì đến chính trị, nếu có thì cũng chỉ thi thoảng, và nhè nhẹ thôi. Chính ở đây, mình đã gặp được nhiều bạn bè nhất so với tất cả các mạng mà mình từng tham gia. Có những người bạn từ mạng ảo đã bước hẳn ra đời thường, gặp nhau, ăn chung, đi chơi chung, thậm chí còn... ngủ chung thân mật. Mình còn giữ được những tình thân này cho đến hôm nay và luôn cảm ơn Yahoo! Đã cho mình một ngôi nhà ít màu chính trị.

Tuy nhiên, ngôi nhà ấy ít màu chính trị không có nghĩa là những con người ở ngôi nhà ấy không mang trong người một chính kiến nhất định. Mình đã chứng kiến nhiều lần, trong những cuộc offline xảy ra “hục hặc”giữa người này và người kia cũng chỉ vì chuyện chính kiến khác nhau. Mình lờ mờ nhận ra cái sự thân thiết – ở một chừng mực nào đó – chỉ là tầng nổi, tầng bên ngoài. Nếu khác chính kiến, bạn không thể thân “hết mình” được. Nó như ngọn núi lửa nằm ở bên trong mỗi con người, nếu không khéo léo, lỡ chọc vào miệng núi lửa thì ngọn lửa sẽ phun ra.

Trong một dịp trò chuyện cởi mở với một anh Blogger nhà thơ, anh có đề nghị mình nói thẳng nói thật chính kiến. Mình bảo: “Anh và em đang là bạn bè thân thiết, nói ra chuyện ấy để xa nhau sao? Vì em có thể chắc chắn một điều là chính kiến của anh và của em khác hẳn nhau!”. Anh cười hiền rất dễ thương. Khi ngọn núi lửa trong anh còn nằm ngủ im lìm thì anh chắc sẽ luôn dễ thương như vậy. Mình cảm thấy may vì không ở gần anh để có thể chứng kiến một ngày nó phun ra lửa. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là tình bạn giữa anh và mình chỉ đến đó thôi, không thể thân hơn!

Năm 2012, Yahoo! Làm ăn thua lỗ nên đóng cửa. Mình đành dọn sang ngôi nhà Blogspot này. Bạn bè cũ rơi rụng lả tả. Sau hơn 2 năm thì bạn cũ hầu như chạy hết sang với “trai trẻ” Facebook. Mình thì loay hoay giữa 2 nơi: một cái chợ đông vui, hàng giá rẻ với một cái shop hàng tuyển quanh năm ế khách. Mình quyết định chọn cách khi nơi này, khi nơi kia.

Một lần, quay về Facebook, mình nhận lời kết bạn với một chị ở nước ngoài. Mình không ghét bỏ gì chị (mà cũng có biết chị là người thế nào đâu mà yêu với ghét!), nhưng sau khi kết bạn, mình cảm thấy mình đã phạm sai lầm. Chị thường hay viết bài về chính trị. Thấy mình không có ý kiến gì thì chị nhắc tên mình, buộc lòng mình phải vào cho phải phép lịch sự. Có lần, mình nói với chị rằng: em chỉ quan tâm đến thơ văn, nghệ thuật thôi, chứ chuyện thể chế này nọ thì em dốt lắm, không biết gì mà nói. Chị bảo (giống như cái anh Tổng hợp Toán ngày nào) rằng: Không biết thì phải tìm hiểu để xem nhà cầm quyền cai trị mình bằng phương thức như thế nào, chứ không biết mà cứ mãi chấp nhận không biết thì họ dễ cai trị mình. (Ối giời, nói đúng thế thì mình biết cãi vào đâu!). Tất cả những bài mình viết hoặc mình chia sẻ, dù thuộc chủ đề nào, chị cũng đều vào còm rất nhiệt tình, còm được mấy câu thì chị bắt đầu lái câu chuyện sang chính trị và hai chị em bắt đầu... cãi nhau. Bài sau cùng trên Facebook, mình muốn bày tỏ ước muốn hoà hợp dân tộc sau 40 năm thống nhất đất nước. Thực ra, đây là vấn đề chính trị, nhưng mình cố tình tránh, không nói chuyện chính trị, chỉ đơn thuần là tình cảm, ước muốn của mình thôi. Nhưng khi bài viết được đưa lên, đa số mọi người xoay hẳn sang hướng chính trị, và dĩ nhiên chị lại nhiệt tình còm theo hướng đó, và 2 chị em lại... cãi nhau. Đỉnh điểm cuộc cãi nhau này là lúc chị bảo: “Nói thật bạn đừng buồn, chứ bạn thật là chậm hiểu! Mình đi đây, không quay lại nữa đâu!”. Mình cũng chào chị lịch sự rồi xoá còm và block chị luôn! Mình rất day dứt với việc phải block một người bạn. (Chưa bao giờ mình block một người nào trên FB), nhưng có một thực tế là sau khi block, mình thấy nhẹ nhõm hẳn. FB rất hay ở chỗ khi ta block ai thì sẽ không bao giờ ta nhìn thấy người đó, hoặc còm của người đó ở bất cứ đâu. – Cái này thì Blog chưa làm được.

Hôm qua, post câu hỏi lên Facebook, hôm nay lại muốn gỡ xuống rồi! Hỏi thì có được gì đâu, có câu trả lời nào sáng tỏ đâu, nhiều khi lại vạ miệng. Mình có cô bạn học cùng lớp ĐH đã từng bị đi tù vì vạ miệng với một bài viết sự thật. Ngày bạn đi tù, chỉ cần lên Google gõ tên viết tắt CGĐL là ra ngay cả ngàn kết quả, và từ ngày đó, bạn trở thành nổi tiếng cho đến bây giờ. Con đường bước vào chính trị với bạn chẳng bằng phẳng chút nào và cái giá của sự nổi tiếng xem ra cũng đắt!

Mình không thích chính trị và sẽ là một “cư dân mạng” loanh quanh chơi với chữ nghĩa thôi.

Nhưng chẳng hiểu sao mấy hôm nay trong lòng khó ở, mình lại nhớ đến câu  nói của anh Tổng hợp Toán: “Là người, sao có thể thờ ơ với đất nước mình?”.

Hôm qua mưa cả ngày, hôm nay trời âm u. Chán quá!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: