Người chết rồi mà còn bị lợi dụng là cái chết không yên, dân gian gọi là “động mồ động mả”, tất không siêu thoát được, hồn vía bị sơn thần, thổ địa, hay ma quỷ xua đuổi, hết chạy lên vất vưởng nơi núi non, rừng rú… lại chui lủi chỗ ngòi rãnh thấp kém, bẩn thỉu…
Người lúc sống tạo nghiệp nặng, tư duy đen tối, u mê, suốt một đời hại mạng, sát nhân… thường bị lợi dụng như thế.
Thời mạt Hán, Quan Vân Trường hữu dũng, vô mưu, suốt đời chỉ lo chăm bẵm mã bề ngoài cùng cái danh tiếng hão. Làm tướng giữ thành cho Lưu Bị mà làm mất thành vào tay kẻ hậu sinh bên Đông Ngô, đến thân mình cũng không giữ được, đầu lìa khỏi cổ nơi pháp trường. Nhục nhã và giận quá hóa cuồng, hồn vía không thể siêu thăng được, trở thành con ma không đầu, chỉ còn biết gào thét “trả đầu ta đây…”.
Thế mà đời sau bao nhiêu kẻ lợi dụng cái danh hão tướng ấy, bịa chuyện “hiển thánh” để dụ người tôn thờ. Con ma không đầu ấy xuất hiện trong Tam Quốc của La Quán Trung lúc đầu thật là lừng lẫy, chém Hoa Hùng, Nhan Lương, Văn Sú, qua 6 cổng thành chém 6 tướng của Tào Tháo… Thế mà càng về sau càng hỏng, bản chất của một kẻ võ biền vô học dần dần lộ ra bởi cái thói kiêu ngạo giả nhân. Lưu Bị lên ngôi Hán Trung Vương ở Thành Đô, sai Khổng Minh làm sứ tới báo cho biết. Câu đầu tiên hỏi Khổng Minh, Vân Trường không nghĩ gì đến việc nước, mà nghĩ ngay tới bản thân mình: “Hán Trung vương phong cho ta chức gì?”
La Quán Trung tả đến câu này, hẳn đã khinh Vân Trường lắm, cho nên đã chuẩn bị cho y 1 cái kết nhục nhã, thật xứng đáng với kẻ “tốt mã giẻ cùi” ấy. Văn sĩ họ La giỏi đánh lừa người đọc, tưởng khen mà hóa ra chê. Càng ghét càng tả cho thật oách, song thỉnh thoảng lại “gài” một câu như thế, tưởng chừng vô thưởng vô phạt, nhưng càng ngẫm càng thâm, phải tinh ý mới nhận ra được. Còn nhiều chỗ rất kém nữa của Vân Trường, ví dụ lúc ngạo mạn không chịu đứng chung trong “ngũ hổ tướng” với Mã Siêu, khiến Lưu Bị lại phải sai Khổng Minh tới dỗ, y như dỗ… con nít. Lối viết này gọi là “gài mìn”. Đến khi kết quả nhân vật, phải nhìn lại mới biết những chỗ ấy thực ra là “mìn”. Nếu không biết nhìn lại, thì mãi mãi bị lão già họ La ấy lừa.
Tam Quốc diễn nghĩa sở dĩ nổi tiếng bởi cái tài xây dựng nhân vật, nhờ có lối viết “gài mìn” như thế. Có những chi tiết La Quán Trung “gài” cùng lúc 2 người, đó là Khổng Minh và Mã Tốc. Mã Tốc bị Khổng Minh gài bẫy để chém ở Nhai Đình, thực ra đấy chỉ là “kết quả” cuối cùng. Chính Mã Tốc đã mấy lần tự làm nên bản án cho mình từ trước đó rất lâu. Lần đầu ngây thơ dám “đoán” trúng bụng Khổng Minh lúc đang trên đường đi bình định Mạnh Hoạch. Lần thứ 2 dám qua mặt Khổng Minh, lập mưu ly gián thành công vua tôi bên Tào, để cho Khổng Minh ung dung đem quân ra Kì Sơn…
Còn 1 nhân vật kì tài nữa cũng tự lập nên bản án cho mình. Đó là Ngụy Diên. Vừa nhìn thấy Ngụy Diên, Khổng Minh đã muốn chém. Vậy mà y vẫn không biết thân phận, còn chui vào “trướng” của Khổng Minh, bày diệu kế đi tắt qua hang Tý Ngọ… Khổng Minh biết là kế hay, song thà thất bại thảm hại, còn hơn để Ngụy Diên… lập công. Nếu Khổng Minh nghe theo kế ấy, thì chưa chắc đã có nhà Tấn sau này. Khổng Minh chính là dấu chấm than của nhà Hậu Hán vậy. Rốt cuộc Khổng Minh chết trước Ngụy Diên, song vẫn bày sẵn kế để Mã Đại chém Ngụy Diên, trừ bỏ cho bằng được… người tài hơn mình.
Tam Quốc diễn nghĩa ra đời đã mấy trăm năm, mà tới giờ vẫn khối người bị La Quán Trung lừa, tôn thờ Quan Vân Trường là thánh, phục Khổng Minh thiên tài... Mới biết cái phép "đặt mìn" trong văn chương nó diệu dụng như thế nào.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét