FB Nguyễn Tiến Tường
Cứ coi như các sắc thuế của Bộ Tài chính được áp dụng. Ngân sách nhà nước sẽ có thêm khoảng hơn 105 nghìn tỷ mỗi năm. Cụ thể, theo ước tính của Bộ: thuế môi trường thu được 15,6 nghìn tỷ đồng, thuế “sốc” VAT, 70 nghìn tỷ, thuế tài sản: 31 k tỷ.
Bỏ qua những cảm xúc đơn thuần, phản ứng của nhân dân là có cơ sở vì việc dòng tiền từ dân, không được tái tạo lại cho xã hội. Tỷ lệ của chính quý bộ đưa ra, trong 2 tháng đầu năm, chi thường xuyên chiếm đến 83,1%, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ 4,2%.
Chi thường xuyên, phần lớn chi phí là để duy trì bộ máy. Nói luôn cho vuông, cứ thu về 100 đồng, thì 83 đồng là để duy trì lực lượng quản lý. Chỉ có 4 đồng cắc đầu tư cho xã hội. Nói vuông thêm một cú nữa, tức là lấy tiền dân đi nuôi lực lượng cán bộ. Lực lượng ấy, theo một số liệu của Chính phủ: Dư 57 nghìn người.
Một phép tính đơn giản, chỉ với mức lương cơ bản để nuôi báo cô các vị ngồi chơi xơi nước là 1.390.000 x 12 tháng x 57.000 = 950 tỷ nếu máy tính của tôi không nhầm. Nếu nhân cho lương hệ số, vài chục nghìn tỷ như chơi !
Và nếu máy tính của tôi biết về đặc tính cán bộ xứ này. Thì đương nhiên, con số đó chỉ là phần nổi tảng băng. Làm gì có chuyện công bộc mà sống bằng lương cơ bản.
Thay vì tiết kiệm được sơ sơ nghìn tỷ, dân phải è cổ ra nuôi tức là dân mất 2 lần tiền. Nuôi không chưa đủ, còn bị đục khoét tham nhũng, dân mất 3 lần tiền. Nghị quyết 37 về tinh giản 2 năm đặt mục tiêu giảm 140.000 người thì kết quả là… tăng thêm 96.000 người. Hãy cứ tưởng tượng một bà mẹ thân hình khô khốc phải chìa vú cho đàn con chi chít. Chưa. Còn một lực lượng hùng hậu ban ngành đoàn thể chính trị các thứ, mỗi năm “đốt” sơ sơ 45 nghìn tỷ.
Đến đây, thì có vẻ như tội cho Bộ Tài chính vì có những việc thuộc về thể chế. Cũng tội, nhưng mà tội chưa chém! Bộ Tài chính đang là một “siêu bộ” có đến 71.714 nhân sự. Và một báo cáo với Quốc Hội, BTC là một trong những bộ dư nhân sự nhiều nhất, lên đến 6.318 người. Thất kinh! Chỉ riêng việc tiền thuế dân đóng để nuôi bộ tài chính, cũng đã là một gánh nặng.
Tôi chưa thấy một hệ thống tài chính nào mà mà hết bộ đến cục, hết cục đến chi cục năm nào cũng đưa ra mục tiêu thu thuế đạt chừng này chừng kia. Dân trả tiền lương để lãnh đạo thấy các quan hệ xã hội, biến động giao thương, từ đó tạo nguồn thu hợp lý.
Đằng này, cả một hệ thống đặt sẵn mục tiêu, khái toán sẵn con số thành tích để thu, thu và thu mà đích đến của những chính sách hà khắc đó, không ai khác ngoài nhân dân. Đó là não trạng của quan phụ mẫu phong kiến, coi thường bách tánh.
Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng
Quan thời là luột, dân sợi lông không còn!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét