Bắt cả triệu người tin một ai đó "tâm thần" thì chắc chắn là tội ác chứ không chỉ là âm mưu!
Mấy ngày qua, từ khóa "tâm thần" được mạng xã hội sử dụng khá nhiều. Có người sử dụng đầy nghi hoặc, có người sử dụng đầy phấn khích. Cũng có người, sử dụng trong trạng thái "đạo đức, thương cảm người thân" nhưng nhìn cho rõ thì đó là một âm mưu không hơn không kém.
Chuyện không có gì lạ lẫm nữa khi mà việc vu cho một ai đó bị tâm thần hoặc ai đó cũng hơi "không bình thường", người ta lợi dụng vào điều đó để mưu lợi, không hề hiếm ở Việt Nam.
Chắc chúng ta chưa quên một đại gia ở Long An, anh Võ Minh Tuấn - Quyền Giám đốc Công ty Hoàng Gia (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) - bị một nhóm người xông vào bắt trói rồi tống vào Bệnh viện Tâm thần TPHCM điều trị cưỡng bức. Sau đó, toàn bộ tài sản đứng tên anh đã bị sang tên cho người khác...
Theo hồ sơ của Công an huyện Đức Hòa, ngày 24.1.2013, anh Võ Minh Tuấn (sinh năm 1982, ngụ ấp Miễu Hội, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, Tiền Giang) có đơn tố cáo bà Bùi Thị Kim Hoa (SN 1955, ngụ 140 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 15, quận 5, TPHCM) lập mưu đưa anh vào bệnh viện tâm thần rồi giả mạo chữ ký, chiếm đoạt toàn bộ tài sản của anh Tuấn. Vụ việc cũng làm đau đầu các cơ quan tố tụng trong một thời gian dài.
Khi bạn tung tin một ai đó bị tâm thần trên diện rộng, chắc chắn không phải là câu chuyện nói chơi hay là một "lo lắng kiểu thầm kín" nữa. Ẩn chứa sau đó không chỉ là một âm mưu mà còn có thể là một tội ác.
Xin kể lại chuyện cũ, khi tôi mới ra trường, có một thời gian tôi làm việc ở báo Sức khoẻ Đời sống. Thời đó, ông Lê Thấu làm Tổng biên tập và có một tay trưởng ban, tên Dũng, rất được vị Tổng biên tập này trọng dụng. Tay Dũng này một tay che trời. Trong ban, có một anh tên Bảo, là dược sĩ, tính tình hiền lành, hơi khờ khờ, viết những bài chuyên môn về dược. Do bị Dũng đè nén nhiều, đôi khi anh Bảo tức giận và chửi thầm Dũng. Chuyện đến tai Dũng và một hôm, Dũng chọc cho anh Bảo phải chử ; ngay lập tức, Dũng gọi Bệnh viện tâm thần vào bắt anh Bảo đi trước sự chứng kiến của nhiều người. Trong đó, có ông Thấu.
Tôi cứ nhớ mãi câu kêu cứu của anh Bảo: "Anh Thấu ơi, cứu em với! Em hoàn toàn bình thường mà! Tại sao anh có thể đứng nhìn thằng Dũng nó hãm hại em như thế".
Anh Bảo vào viện ít ngày thì ra, nhưng từ đó, trong mắt mọi người, anh Bảo là một kẻ tâm thần. Và dĩ nhiên, không ai nhận một kẻ tâm thần vào làm việc. Tôi cho rằng, đó là một vụ việc vô đạo đức và mất dạy nhất trong nghề báo mà tôi đã từng chứng kiến.
Quay trở lại với vụ ông Vũ Trung Nguyên, cá nhân tôi chả ưa gì tay này. Tôi biết, ông này hơi vĩ cuồng. Tôi biết, ông này đã có những hành động mà không phải ai cũng chấp nhận được. Thậm chí tôi cũng biết, tại sao ông - và thêm một số doanh nhân khác ở Việt Nam, có một thời điểm họ cứ tỏ ra hơi "cõi trên", hơi "tưng tửng" khi mà thực sự họ vẫn khôn rách trời chui xuống.
Đọc hai kỳ báo phỏng vấn bà vợ, với những thông tin công khai công luận, tôi thấy rằng bà vợ muốn cho toàn thể bạn đọc biết rằng ông Vũ đang...tâm thần. Bà Thảo làm thế vì mục đích gì thì chỉ có bà Thảo biết. Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy, một người tâm thần thì không thể điều hành được tập đoàn và khi ấy phải nhường sân cho người khác "tỉnh táo" hơn. Khớp lại toàn bộ thông tin trong bài, tôi chỉ "à" ra một tiếng.
Xin lỗi, đọc bài này, nếu bạn nào vào đặt mệnh đề "chuyện gia đình người ta biết gì mà nói" thì nên tự xem lại nhận thức của mình, vì tất cả mọi thứ có vẻ người trong cuộc đang muốn dùng báo chí để phơi bày ra, chứ chẳng ai đi vào nhà họ tò mò nữa. Tôi nghĩ, chẳng có thương cảm hay tiếc nuối gì ở đây cả. Và cũng chẳng có tình yêu để mà nhân danh. Nếu logic toàn bộ câu chuyện thì mọi thứ là một phép tính hoàn hảo. Và dĩ nhiên, sau hai màn từ ngôn tình diễm lệ đến bi kịch cuộc đời, thì người ta sẽ phải tin rằng, ông Vũ đang tâm thần, từ chính những lời kể kia.
Bởi vì nếu một người vợ thương chồng hơi không bình thường thì chẳng ai đi làm cái việc là đưa ra những câu chuyện để cả hàng triệu người phải tin rằng người ấy "tâm thần" cả. Và nếu người ấy mới chỉ hơi "tâm thần", bị dư luận chỉ trích và tấn công trên diện rộng, chắc chắn sẽ bị tâm thần nặng thêm mà thôi! Như vậy thì chả có thương xót cái quái quỷ gì đây cả!
Qua bao câu chuyện đau lòng chúng ta sẽ thấy, đòn thù của người thân nếu đem sử dụng với nhau sẽ vô cùng kinh khủng chỉ vì họ hiểu chúng ta hơn bất cứ kẻ thù nào bên ngoài!
Thị trường cà phê quá rộng và lợi nhuận rất cao. Mất mùa hay mất giá, nông dân có thể điêu đứng chứ người sản xuất và kinh doanh cà phê thành phẩm vẫn không ảnh hưởng, vẫn giàu khủng. Thế nên, miếng bánh cà phê quá ngon lành để người ta có thể phải xóa bỏ một đế chế để xây dựng một đế chế khác. Và trong việc xây dựng đế chế ấy, không loại trừ khả năng sẽ vùi một ông vua vĩnh viễn xuống đáy sâu của những bức tường thành của chính đế chế đó, có khi chỉ vì những việc hồn nhiên giản dị và bi thương để nói rằng, người ấy đang bị tâm thần.
Nếu quả vậy, con người quá ác hơn mức tưởng tượng. Và sự thương cảm, sự cả tin của chúng ta khi được truyền thông dẫn dụ bằng những câu chuyện chưa kiểm chứng, cũng là cách chắp cánh cho tội ác lên ngôi.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét