Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

ĐÁ LẠ.

Truyện ngắn DHG

Gã là bậc người: “Nói có người nghe, đe có kẻ sợ”.
Không hẳn là bây giờ, ít nhất trong quá khứ đã từng như thế. Không hẳn vì gã lúc nào áo cũng bỏ trong quần, đầu chải rẽ ngôi cẩn thận, chân giày chân dép, mùa đông không áo Nato thì cũng com lê. Mà vì cái quá khứ khác người, người ta hay kể về gã với nhiều ngụ ý, mãi sau này tôi mới hiểu.
Năm tôi còn ở làng, nếu ai không biết, gặp gã cứ tưởng gã là dân công chức nhà nước, hay ít ra cũng là anh giáo làng. Chẳng ai biết gã đã từng “đi bụi”, cầm đầu một đám  anh chị khét tiếng một thời ngoài đất Cảng.
Gã kể với tôi rằng giá như cụ thân sinh còn sống, chả bao giờ gã phải sống khổ sống sở ở đây. Ở cái xứ đồng rừng nhiều khi buồn phiền đến khô héo cả ruột gan này. Tôi cũng chẳng biết cụ ấy là ai. Chỉ nghe loáng thoáng có người kể lại. Cụ ấy thời chống Mỹ đã từng là cấp tá. Mà hồi ấy cấp tá đã là to lắm rồi, bởi cấp tướng rất ít. Tá còn oai, to hơn cả tướng thời bây giờ.
Tôi cũng không hỏi gã về chuyện này. Với tôi vinh quang hay cay đắng của bất cứ ai cũng là phần riêng tư của người ta, chả ảnh hưởng gì đến mình. Nói thì nghe chơi, không nói cũng không hỏi. Người ta ăn nhau ở cái thời hiện tại, những thứ khác phỏng có nghĩa gì?
Được cái con người gã cứ như ruột để ngoài da, dù không tò mò tôi cũng không phải đợi lâu để biết không ít chuyện về gã. Từ chuyện gia đình gã thời Mỹ ném bom xứ Thanh chạy giặc ra đây như thế nào, đến chuyện anh em gã được ăn học ra sao, mặc dù bà mẹ mù cả hai mắt. Bà là một người tật nguyền lạ lùng mà tôi chưa gặp ở đâu. Mù cả hai mắt mà vẫn sàng gạo, khâu vá khéo léo hơn cả người mắt sáng. Thế mới tài!
Tôi đến nhà chơi, quả thật thấy bà là một bà mẹ rất đặc biệt. Từ giọng nói sôi nổi, lanh lảnh đầy vẻ tự tin, hãnh cảm mỗi khi kể chuyện, đến sự khéo léo đến người sáng mắt chưa chắc đã khéo bằng.
Nhà gã có cái cối xay đậu bề ngang rộng cả mét. Thằng em trai kế gã suốt ngày đứng bên cái cối này xay hàng yến đậu. Bà mẹ nấu, gói, đổ khuôn. Đậu pha màu nghệ vàng không khác các bìa đậu phụ bày bán ở Hà Nội quê tôi. Gã còn một người em trai nữa, thấy bảo là đang học đâu tận bên Đức. Một người bạn của ông đại tá, ba gã cũng dân miền nam tập kết, giờ làm chức gì lớn lắm ở trung ương giúp cậu này. Tôi hỏi có “cửa” to thế sao gã không nhờ luôn ông ấy xin cho đi học hay đi làm ngoài thủ đô, về chốn đồng rừng khốn khổ này làm gì?
Gã cười đau khổ: “ Cũng từng đi rồi. Nhưng số tao chó liếm mất mực. Tự yên tự lành dính cái “án nghi ngờ”, chả ai xét xử gì cả, dính quả “bọp”ở tù mất bốn năm, rồi về đây”.

Với tôi gã là kẻ có chút học nên tôi có phần nể. Nhà tôi ở đầu làng, gã cuối làng. Đường đi thì rất khó, không như bây giờ đường bê tông thênh thênh có thể đến nhà nhau bất cứ lúc nào. Nhất là những hôm trời mưa, lại phải qua một con suối, lối đi rậm rạp nên ít khi tôi đến nhà gã. Mà thực ra tôi với gã cũng chả thân lắm. biết nhau, so sơ như những người làng. Chuyện chẳng có gì nhiều để nói với nhau.
Tôi lên chốt biên giới, ở lì đó mấy năm. Gã ở nhà, ngày ngày vẫn tay đút túi quần, đầu láng bóng, chân đi giày, đêm vào làng đánh bạc. Nghe nói cũng bị bắt bạc vài lần, chỉ là cò con, người ta giam ở huyện vài ngày, lại tha.
Thì cũng chuyện thường ở làng. Tôi cũng không để ý nhiều đến gã. Một người tốt tốt, xấu xấu trong đám vừa lành hiền, vừa ang ác, vừa ngu ngơ vừa tai quái theo kiểu miền rừng.
Cho mãi đến sau này, ngày tôi ra quân, về làng xảy ra vài chuyện bắt đầu từ gã, khiến tôi tởn đến tận giờ.
**
Mẹ tôi vừa nói: “Cái nhà anh Đĩnh ăn chơi rông rài như thế, bây giờ cũng chịu lấy vợ rồi. Anh cũng liệu mà lo, sắp băm rồi chứ ít ỏi gì..” Tôi không trả lời câu mẹ hỏi về mình, hỏi mẹ: “ Đĩnh lấy ai hở mẹ?”. “À lấy người mãi dưới cửa sông. Con gái làng này ai cũng sợ. Cái mã ấy chỉ sẻ cùi tốt mã. Lấy nó có mà hầu khổ suốt đời. Tôi không hỏi thêm. Người ta chả nói “nồi tròn thì úp vung tròn”. Rồi thì ai cũng có nơi có chốn. Ông trời không muốn ai ở một mình. Chả cần học cao cũng biết chân lý ấy “không bao giờ thay đổi”!
Mới hôm trước nhắc, hôm sau thấy gã đến nhà, thiêng thế chứ.
Gã bảo lên tìm tôi, nhờ một việc. Tôi hỏi việc gì? Gã bảo: “Tớ làm gian cửa gian nhà, muốn nhờ cậu giúp một tí”. Tôi nói tôi đi nghĩa vụ về, ngoài mấy tháng lương thực được cấp, tiền nong chắc chỉ đủ mua vài thứ lặt vặt, chả giúp được gì”. Hắn cười ngất ngất: “ Biết chứ, biết chứ. Đi bộ đội chứ có đi buôn đâu mà có nhiều tiền. Tớ chỉ nhờ công đằng ấy mấy buổi. Cậu cũng biết, gian cửa gian nhà, không ai làm được một mình. Vợ tớ lại sắp nằm bếp, phải làm lại chỗ ăn ở, kẻo nhà sắp đổ mất rồi”. Rồi gã kể: Địa phương làm chính sách hậu phương quân đội, nhà gã được quan tâm vì trong diện chính sách, người ta giúp cho ít vật liệu. Gã hẹn tôi sáng mai xuống ăn sáng rồi hộ gã buổi ngả cây.
Tuy còn rất mệt sau mấy hôm dọn dẹp sửa sang nhà cửa, nhưng tôi vẫn nhận lời. Trong làng trong xóm với nhau, ai lại từ chối khi người ta nhờ việc như vậy?
Gã đưa tôi vào rừng mỡ của lâm trường H. Toàn những cây mỡ  thẳng đuỗn, vỏ mốc trắng, ước chừng trồng cũng độ hơn chục năm, chưa đến tuổi khai thác. Tôi lấy làm lạ hỏi gã sao lại ngả những cây này. Gã ghé tai tôi: “Nói là quan tâm, nhưng là sự quan tâm kín đáo. Người ta xét hoàn cảnh mới bớt cho hai chục cây về làm bộ cột. Mình tỉa mỗi chỗ một cây để người khác có thắc mắc cũng không ảnh hưởng lãnh, chỉ đạo”. Tôi đã có ý hồ nghi nhưng đã vào đây rồi thì cũng làm cho xong. Tội vạ đâu đã có gã, như chính gã đã nói với mình trước khi vào rừng.
Hồi ấy chưa có cưa máy như bây giờ. Chúng tôi cắt cây bằng cái cưa hạt mướp gã mượn đâu trong xóm. Hai thằng hì hụi, chật vật hết cả buổi sáng cũng chặt xong số cây gã bảo xin được. Chúng tôi róc cành, đục seo. Chỉ còn móc vào dùng trâu kéo về. Gã nói giờ đang nắng, trâu mượn được là con trâu còn non, mới tập kéo. Đành để đến tối, vẫn đang còn trăng sáng kéo về cho nó mát, không hại trâu.
Nếu tôi tinh ý một tý, tôi đã hiểu ra chuyện gì. Cái tính tin người vô lối đã làm hại tôi, không hiểu ra bản chất sự việc.
Tầm chín giờ tối, hai chúng tôi dắt trâu vào rừng. Vừa mắc xong thiếu vạy, luồn được sẹo cây để kéo, thì có tiếng súng nổ chát chúa ngay sát bên tai. Ba bề bón bên ở đâu lố nhố bóng người, đèn ba pin sáng loang loáng, lóa hết cả mắt. Thì ra đội bảo vệ của lâm trường đã biết và theo dõi ngay từ buổi sáng chúng tôi vào rừng. Họ đợi, để đến tận lúc này, khi đủ cả tang chứng, vật chứng, bắt quả tang không thể chối cãi, họ mới bắn súng báo động, theo như quy định khi có chuyện khẩn cấp!
Tội xâm phạm tài sản, XHCN không phải tội thường. Người ta đưa cả hai về trụ sở lâm trường. Sau các thủ tục làm gần tới sáng mới xong, người có trách nhiệm của lâm trường tuyên: Đây là hành vi rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của công cuộc trồng rừng của nhà nước. Lý ra phải xử rất nghiêm. Nhưng xét các anh mới vi phạm lần đầu, lại có thân nhân tốt, nên chiếu cố cho hưởng mức phạt hành chính là hai ngàn đồng. (Một con trâu mụng thời đó giá chỉ có ba trăm đồng ). Nếu người vi phạm không có tiền nộp nóng ngay đêm đó, sáng hôm sau họ sẽ đưa chúng tôi về công an huyện. Tôi hoảng hồn. Số tiền lớn như vậy lấy đâu ra? Có trình bày thế nào họ cũng bỏ ngoài tai. Không ai tin là tôi chỉ là người bị động, đi giúp người trong xóm. Nhìn sang gã vẫn thấy gã tỉnh bơ. Có nhẽ sự bắt bớ này với gã chẳng là gì cả. Tệ hơn khi tôi yêu cầu gã xác nhận mình vô can, gã chỉ lặng thinh không nói gì.
Một trong hai người chúng tôi được về nhà để mang tiền lên nộp. Gã bảo nhà gã bây giờ có giết chết ngay cũng không có đồng nào. Thôi thì tôi về cứ vay mượn, ứng trước ra, sau về gã trả.
Tôi không thể ì ra như gã. Hơn nữa tôi đang nộp hồ sơ xin vào cơ quan. Nếu việc tai tiếng này bung ra, ai còn nhận tôi vào làm nữa? Phần chả biết để mặt vào đâu nếu việc này vỡ lở. Tôi còn bao nhiêu việc phải làm, nếu mất danh dự, tất cả sẽ xuống sông xuống bể. Nhà tôi không giàu có gì. Được cái anh chị em bên mẹ tôi giúp, đêm ấy chuyện cũng qua.

Tôi đi thoát ly mấy chục năm, giờ mới lại về làng. Gặp gã nom có già hơn nhưng tính cách vẫn chẳng mấy thay đổi. Số tiền gã nợ lâu cứt trâu hóa bùn. Nhiều lần đòi gã khất lần khất lữa, chán rồi cũng thôi.
Thằng em gã ngày xưa đi Đức về khuyên anh bỏ nghề cờ bạc. Gã hứa như đinh đóng cột. Em gã bèn mua cho anh giàn máy về ép mía nấu mật. Lò mật nhà gã lửa khói nghi ngút ngày đêm. Thấy gã chăm chỉ người làng cũng đổi cách nhìn nhận. Đời này không ai tốt mãi suốt đời, cũng không ai xấu mãi, đã từng có lúc tôi nghĩ về gã như vậy và dần quên chuyện cũ.
Một hôm gã tới nhà nói là muốn gặp nói chuyện. Tôi đã toan từ chối, nghĩ thế nào lại mời gã vào nhà. Hay dở tốt xấu gì tôi với gã cũng là người cùng làng, sống chết cũng không bỏ nhau được. Để xem gã nói chuyện gì?
Gã nói biết nhà tôi có gò đất cao ở gần bờ sông. Chỗ ấy cất lò đường thì không gì bằng lại rất tiện nước nôi lấy từ dưới sông lên. Củi đóm cũng theo sông mua từ mạn ngược về, bao nhiêu là cái tiện lợi. Máy ép mía sẽ đặt ở chỗ cao nhất, máng mật chảy tự lọc qua các chảo đun từ trên cao theo các bậc xuống, khỏi phải múc chuyển sẽ dôi ra bao nhiêu công. Mật chảy xuống chảo cuối cùng đã thành mật chỉ việc ép khuôn không vất vả như múc chuyền như mọi khi gã vẫn làm. Tôi chưa làm mật bao giờ nhưng thấy gã nói có lý. Gã vốn là kẻ có đầu óc, thông minh lanh lợi, bây giờ chịu khó làm ăn, tính toán được như thế cũng là điều đương nhiên, dễ hiểu.
Nhưng gã đem chuyện ra bàn với tôi làm gì? Gạ tôi bán đám đất ấy thì không được rồi. Có chết ngay tôi cũng không làm. Ở nông thôn, với nông dân đất đai là máu, là thịt không thể bán dễ dàng.
Không. Gã không hỏi mua đất. Gã bảo nhà tôi có con đã lớn, chưa đi đâu sang làm mật với các cháu con gã. Giọng gã ngùi ngùi: “ Ngày xưa có đận tôi không phải với ông. Cái thời thế thế, lúc bấy giờ nó thế chứ trong bụng là nhà em chưa quên. Khi làm ăn được em sẽ hồi trả bác. Cũng là cách bác để dành tiêu sau. Ngay như việc này nếu em rủ có khối anh muốn cùng làm. Có giàn máy như của em đâu phải ai cũng muốn là có đươc? Nhưng anh em mình biết nhau từ cảnh hàn vi, có điều kiện dễ kiếm tiền thì phải nghĩ đến nhau”. Tôi bảo gã cứ về, có gì trả lời sau. Cũng là cách chối khéo.
Không ngờ thằng con trai nhà tôi sau buổi ấy, cứ nằng nặc đòi để cho nhà gã chở máy lên.Có nhẽ nó mê con bé con gái nhà gã cũng nên. Là tôi đoán vậy. Con bé xinh xắn, tính nết lại hiền thục, không có nét bạt mạng như ông bố.
Cậu chàng nhà tôi mới lớn lại hơi sĩ. Từ hôm chuyển lò mật lên vườn nhà mình cứ vống lên, làm chả biết mệt là gì. Thấy con thích thể hiện theo kiểu như thế tôi chỉ bảo nó: “Người ta ai cũng là da là thịt. làm phải biết lượng sức, cố quá đâm ốm thì khổ”.
Suốt cả vụ mía năm ấy cả nhà tôi dồn sức cả nhà cho lò mật. Ngoài bà xã nhà tôi ở nhà cơm nước phục vụ cho cả đội làm đường, còn tôi chuyên trách coi lò đun mật. Ai đã từng đun mật thì mới biết đây là công việc không dễ dàng gì. Nó vừa đòi hỏi phải chăm chú theo dõi ngọn lửa sao cho vừa phải. To một tí là trào đường, sinh hỏa hoạn. Mà lửa nhỏ quá, nước đường ra sẽ xấu, xỉn màu không vàng như đun đủ lửa. Tóm lại là một công việc kéo dài căng thẳng nhiều ngày. Đầu óc tôi cứ như mụ đi, chả kịp tính toán gì.
Đáng lẽ ra sau từng đợt, khi bán hết đường anh em phải thanh toán. Đẻ con nào ắt rốn con ấy. Nhưng gã ấy bảo: “Vốn liếng anh em mình vào diện còm nhất so với các lò trong vùng. Nếu được tới đâu chia nhau tiêu hết tới đấy chả còn bao nhiêu. Đi mua mía bây giờ ít vốn rất khó mua. Lặt vặt cò con đến khi nào mới khá?..” Tôi thấy gã nói có lý. Thì thôi cứ để gã quay vòng. Chủ quan ở chỗ vụ mía mật kéo dài cũng không lâu. Chỉ ba tháng là cùng, cũng không lâu lắm, mình đợi được.
Không ai ngờ đến gần tết lò hết mía. Chờ hết ngày này sang ngày khác không thấy gã chủ lò về. Mấy người làm chúng tôi quét dọn máy móc, chảo đun sạch sẽ. Rồi cũng chả có việc gì để làm mà lão chủ vẫn biệt tăm.
Mấy ngày sau có một đoàn hơn chục người, toàn hạng to cao lực lưỡng đánh thuyền từ mạn thị xã lên. Họ đưa cho con gái gã xem lá thư viết tay của gã. Nội dung là giàn máy đã dược bán cho những người này, bố đã nhận đủ tiền để mua giàn máy mới hơn…” Lúc đấy tôi đã sinh nghi vì thấy chuyện mua bán lạ đời. Chủ máy lại không có mặt, tiền nong cũng chẳng thấy đâu. Tôi bảo với họ là thư thư để đợi ông chủ lò về. Một người trong bọn họ xăm trổ rồng rắn đầy mình, mắt lố, cái sẹo láng bóng chạy dài ngang má hất hàm:
- Máy mía này là của ông Đĩnh, đã có giấy biên nhận bán cho tôi, không phải của ông, ông lại muốn giữ là làm sao, hả?
Tôi biết mình lúc này thân cô, thế núng, có muốn giữ giàn máy lại cũng chẳng được. Con gái gã ở đây chả giữ thì thôi, mình giữ nó vừa vô lý, vừa dễ mang vạ vào thân.
Đám người tháo dỡ, khiêng máy xuống thuyền. Chỉ một lúc sau chiếc thuyền chở giàn máy mất hút phía cửa sông.
Sau này mới biết là gã vẫn chứng nào tật ấy, vừa cờ bạc vừa chơi đề, vỡ nợ gán máy cho người ta! Gã không làm những món ấy ở làng nên chẳng ai hay. Cứ nghĩ gã tu chí làm ăn bỏ hết chơi bời.
Cẩn thận đến như tôi mà còn mắc, huống chi người làng? Tôi chỉ mất công, lần ấy nhiều người trong làng còn có người cho gã vay lãi cao, mất cả chì lẫn chài..
Tôi buồn hết cả chân tay. Mấy tháng trời, hai bố con tôi công cò công cốc. Vợ tôi mất công xay thóc, giã gạo thổi cơm cho cả bọn lò đường. Bây giờ cả tiền công, tiền cơm coi như chưa được đồng nào, mà tết thì chỉ còn cách vài ngày.
Năm ấy gia đình tôi có một cái tết không mấy vui vẻ. Gã cũng đưa vợ con đi biệt tăm.

Tưởng như mối nhân duyên của tôi với gã chỉ “đến thế là cùng” thì đầu năm nay đột nhiên gã xuất hiện. Bà mẹ gã đã mất mấy năm sau cái tết năm ấy ở làng. Một đám tang ngoài người con trai út ra chẳng có ai là ruột thịt. Người em trai kế gã sau lần thua bạc, uống thuốc cỏ tử vẫn, vợ cậu ta đã theo người khác. Gã về làng kỳ này chủ yếu để thăm mộ mẹ, anh em chẳng còn ai.
Gã đến và ở lại nhà tôi vì chẳng còn nơi nào khác. Con trai tôi đi lao động nước ngoài, vợ tôi sau những chuyện như thế, làm sao có thể vui vẻ như không có chuyện gì?
Gã mặc kệ, coi tất cả mọi biểu hiện xung quanh như một lẽ đương nhiên. Buổi tối sau lúc ăn cơm xong gã nói:
- Ông có số tài khoản không?
Tôi hỏi để làm gì? Gã bảo: “Tôi đi đường trường, mang tiền mặt nhiều không tiện. Nếu có số tài khoản, về trong Sài Gòn tôi sẽ chuyển tiền sang cho ông. Ở đời ai cũng muốn đẹp muốn ròn, chuyện trước đây mong ông bà thông cảm. Cũng là bất đắc dĩ xảy ra ngoài ý muốn của tôi”.
Thú thật lúc ấy tôi rất ngạc nhiên. Không biết tỏ thái độ thế nào. Còn vợ tôi chỉ cười nhạt. Với bà ấy bao nhiêu chuyện xảy ra trước đây như vậy đủ rồi.
Vẻ mặt gã có vẻ đăm chiêu như cố tìm cách biện minh cho mình. Cuối cùng gã mở cái xắc nhỏ mang theo đưa cho vợ tôi một cục đá kỳ dị, hình thù gần giống củ khoai lang có màu sắc rất lạ. Cục đá nặng hơn khối lượng bình thường của nó, lạnh toát như vừa lấy trong tủ lạnh ra. Gã bảo:
- Một lần bất tín, vạn sự không tin, tôi cũng biết thế. Có nói thế nào cũng không hết nghi ngại của ông bà. Không gì bằng tôi để lại vật này làm tin, khi nào ông bà nhận đủ tiền, tôi sẽ về xin lại..” Nói rồi gã rất rả quay ra đường đón xe. Vợ chồng tôi không kịp nó câu gì.

Chiều hôm ấy tôi có chuyện, muốn gọi điện thoại. Gọi cách nào cũng không có sóng chả hiểu do đâu?
Còn cục đá  tôi để vào hộc tủ, vì chưa biết hư thực thế nào.
Nó có phải viên thiên thạch gã mất cả đống tiền mới mua được, định biếu một ông to to để xin dự án đầm nuôi tôm mãi trong nam, hay chỉ là hòn cuội vô tình nhặt được ngoài suối?
Đến lúc này tôi vẫn chưa hiểu. Lòng đầy áy náy, phân vân.
Đêm đó từ học tủ đựng viên đá có ánh sáng lạ phát ra. Vợ tôi mừng phổng hết cả mũi:
- Có nhẽ thực mình ạ. Chả biết có phải thiên thạch hay đá quý không, nhưng phát sáng thế này không phải là đá thường. Bán chắc có người mua.. Người ta chả biết thế nào, xấu mãi cũng phải đến lúc tốt thôi, bố nó ạ!
Tôi suýt nữa sặc nước vì triết lý không đầu không cuối của vợ mình. Đúng là nhân duyên ở đời không thể nói trước điều gì.
Nay tốt mai xấu và ngược lại cũng là chuyện không phải không xảy ra. Phần nào vợ tôi có lý..



====


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: