Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

30 tháng 4 năm nay có gì lạ?

“Đảo Ánh Sáng” và thuyền nhân người Việt



Ngày 20/2/2018 đài truyền hình Pháp (France 2) đã trình chiếu cuốn phim tài liệu dài 65 phút với nhan đề “Île de Lumière” (Đảo Ánh Sáng) do đạo diễn Nicolas Jallot dàn dựng.

Đối với đa số người Việt, khi nói đến “thuyền nhân” có may mắn được các tàu nước ngoài cứu vớt ngoài Biển Đông, người ta thường chỉ biết đến các tàu của Hải quân Mỹ, tàu Cap Anamur của Đức… nhưng ít người nhắc đến chiếc tàu “Île de Lumière” của Pháp.

Thoạt đầu, chiếc tàu cũ “Île de Lumière” được mang danh là “tàu bệnh viện”, nặng 1.500 tấn, có chiều dài 90m và neo tại đảo Poulo Bidong, ngoài khơi Mã Lai. Trên tàu có 100 giường để chữa trị cho 20.000 thuyền nhân trên đảo qua sáng kiến của Bác sĩ Bernard Kouchner.

Kouchner có biệt danh “French Doctor”, vì ông là người sáng lập tổ chức “Médecins Sans Frontières” (Bác sĩ Không Biên Giới) để đưa các y sĩ Pháp đến giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh hay thiên tai trên khắp thế giới. Sau đó, Kouchner còn sáng lập và điều hành tổ chức “Médecins Du Monde” (Y Sĩ Thế Giới), trước khi trở thành Bộ trưởng Ngoại Giao dưới thời Tổng thống Sarkozy.

Bác sĩ Bernard Kouchner

Thuyền trưởng “Île de Lumière” khi đó là François Herbelin, mới 29 tuổi, nhớ lại những  kỷ niệm sâu đậm nhất trên đời ông.

“Tôi rất cảm phục những người Việt… họ rất bình tĩnh, có tổ chức, có tư cách và quyết tâm đi tìm tự do. Khi mới tới đảo, họ kiệt lực, nhưng hồi phục rất nhanh và nghĩ ngay tới tương lai.”

Sau này, Herbelin thành hôn với một phụ nữ thuyền nhân người Việt và trở thành thuyền trưởng một chiếc tàu thương mại.

Năm 1979, tàu rời thủ đô Nouméa của Nouvelle-Calédonie với 17 nhân viên y tế để đến Singapore rồi tiếp tục cuộc hành trình đến đảo Bidon để chăm sóc sức khỏe cho những thuyền nhân trên đảo.

Tàu Bệnh Viện "Ile de Lumière" 

Chín tháng sau, “Île de Lumière” bắt đầu sứ mạng mới: ra khơi cứu vớt những thuyền nhân lênh đênh trên biển cả để tìm tự do, dù biết rằng đó là sự liều lĩnh giữa sự sống và cái chết, giữa giông bão và hải tặc. Hiện vẫn chưa có được con số thống kê chính xác nhưng điều chắc chắn là có đến hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên biển cả.

Về phần mình, tàu “Île de Lumière” đã cứu hàng chục ngàn người, chở về Poulo Bidong chờ ngày được nhận đi định cư ở Hoa Kỳ, Canada hay Âu Châu. Sau 14 tháng ngược xuôi, “Île de Lumière” được thay thế bởi một chiếc tầu mới, “Île de Lumière II”.

Sứ mạng nhân đạo của tàu “Île de Lumière” chấm dứt khi làn sóng người tỵ nạn giảm dần vào cuối thập niên 1980. Chiếc tàu trở lại công việc bình thường trong việc chuyên chở hàng hóa theo hải trình giữa Nouvelle Calédonie, Úc Châu và New Zealand. Tháng 2/1986, tàu ngưng hoạt động.

Người tỵ nạn trên đảo Bidon

“Île de Lumière” được hiểu theo tiếng Việt là “Đảo Ánh Sáng”, một cái tên nhiều ý nghĩa. Những người lênh đênh vượt biển chỉ có một hy vọng cuối cùng là được nhìn thấy đất liền. Nói chính xác hơn là một hòn đảo nào đó. “Île de Lumière” chính là hòn đảo ánh sáng của hy vọng, của sự sống!

Hơn thế nữa, “Île de Lumière” lại là biểu tượng của “cái bắt tay lịch sử” giữ hai giới trí thức “thiên tả” và “thiên hữu” tại Pháp. Một trong những gương mặt nổi bật của phe “thiên tả” là triết gia Jean Paul Sartre, một trong những người hình thành chủ nghĩa hiện sinh (existentialism) tại Pháp.

Sartre, một người thiên Cộng, đã từng nói một cách thẳng thừng: “Những người chống Cộng là những con chó” (Tout anticommuniste est un chien). Trong khi đó, Raymond Aron là triết gia, bình luận gia đã viết sách, viết báo để vạch trần bộ mặt thực của chủ nghĩa Cộng Sản.

Tại Pháp thời đó, Sartre được ngưỡng mộ, Aron bị đả kích, chế nhạo. Tuy nhiên, Sartre đã chuộc lại những lầm lẫn của mình bằng một thái độ đáng phục: khi tuổi đã cao, ông đã bỏ qua tự ái để cùng Aron gõ cửa chính quyền, kêu gọi cứu giúp khẩn cấp các thuyền nhân Việt Nam.  

Vào cuối năm 1979, chuyện khó tin nhưng có thực đã xẩy ra: hai ông lãnh tụ trí thức “không đội trời chung” đã ngồi lại với nhau và cùng lên tiếng ủng hô dự án “Île de Lumière” của Bernard Kouchner, kêu gọi dân Pháp mở rộng bàn tay tiếp đón thuyền nhân.

Sartre cùng với Aron vào điện Elysée, kêu gọi Tổng Thống Giscard d’Estaing đón nhận những thuyền nhân trên lãnh thổ Pháp. Tổng Thống chấp thuận và dân chúng vui lòng đón tiếp, tận tình giúp đỡ trên 128,000 thuyền nhân, chỉ trong những năm đầu. Trong đó, dĩ nhiên, nhiều người đã được tàu “Île de Lumière” cứu vớt ngoài Biển Đông.

“Cái bắt tay lịch sử” giữa Jean Paul Sartre (trái) và Raymond Aron (phải) trước sự chứng kiến của Bernard Kouchner (giữa) 

***

P/S: Theo tài liệu chúng tôi có được, tàu “Île de Lumière” cũng có sự tham gia của ông Võ văn Ái, chủ nhiệm tạp chí Quê Mẹ, hiện vẫn còn sống tại Pháp. Con tàu do một độc giả của Quê Mẹ từ Nouvelle Caledonie gọi sang cho ông Ái và đề nghị cho mướn.

Trong bích chương kêu gọi giúp đỡ “Một con tàu cho Việt Nam”, một trong số những người đầu tiên ký tên kêu gọi có ông Võ văn Ái, bên cạnh những tên tuổi 'lớn' như Brigitte Bardot, Yves Montand, Olivier Todd... Ngoài ra, tất cả ngân phiếu, tiền yểm trợ của độc giả đều được yêu cầu gởi về địa chỉ “25 rue Jaffeux, 92230, Gennevilliers”. Đây chính là địa chỉ của tạp chí Quê Mẹ mà ông Võ văn Ái là chủ biên.

Đối với thuyền nhân, tàu “Île de Lumière” xuất hiện như một tia sáng của hy vọng

***

* Tham khảo thêm: Giới thiệu phim “Île de Lumière” của đạo diễn Nicolas Jallot tạihttps://vimeo.com/232827503

Hải trình của "Île de Lumière"


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: