Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

“Tội lớn không gì nặng bằng”...




Mạc Văn Trang




Hình: Thanh Đại Long đao của Mạc Thái tổ, được lưu giữ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, Dương Kinh, Hải Phòng.

Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn (1528-1594) là đại thần nhà Mạc. Năm 1592, nhà Mạc thất thủ Thăng Long, rút lên Cao Bằng, thì tháng 7 năm 1594, Mạc Ngọc Liễn ốm nặng. Khi sắp mất ông để lại thư dặn vua Mạc Kính Cung như sau:

Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại trung hưng, đó là số trời. Dân ta là người vô tội mà khiến để phải mắc nạn binh đao, ai nỡ lòng nào! Chúng ta nên lánh ra ở nước khác, nuôi dưỡng uy lực, chịu khuất đợi thời, chờ khi nào mệnh trời trở lại mới làm được, chứ không thể lấy lực chọi với lực. Khi hai con hổ tranh nhau, tất phải có một con bị thương, không có ích gì cho công việc. Nếu thấy quân họ đến đây thì chúng ta nên tránh đi, chớ có đánh nhau với họ, cốt phòng thủ cẩn thận là chính; lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”.

Tinh thần của tướng quân Mạc Ngọc Liễn chắc hẳn là được quán triệt xuyên suốt từ thời Thái tổ Mạc Đăng Dung. Mặc dù ông chỉ làm vua 3 năm rồi trao quyền cho con, Mạc Đăng Doanh, nhưng năm 1540 đã phải gánh chịu một trách nhiệm vô cùng nặng nề.

Sau 6 lần người của Lê - Trịnh sang khẩn cầu, vua Minh đã sai tướng lĩnh cùng 22 vạn quân sang “hỏi tội nhà Mạc”(?)(*). Cựu hoàng Mạc Đăng Dung đứng trước tình cảnh vô cùng ngặt nghèo: Giặc nhằm giữa lúc Vua Mạc Đăng Doanh anh minh vừa mất, ông mới lập cháu nội còn nhỏ tuổi lên ngôi, bên trong quân nhà Lê trung hưng đang đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa... Ông đã quyết định trong thì bố phòng chặt chẽ, ngoài thì đành chịu đầu hàng, để đẩy lui hơn 20 vạn quân giặc ra khỏi biên cương, cứu đất nước thoát khỏi họa xâm lược tàn khốc; nhất định không để quân Minh vào dày xéo đất nước ta, tàn sát dân ta... Vì đó là “TỘI LỚN KHÔNG GÌ NẶNG BẰNG”! Hẳn đây là quyết định khó khăn, đau đớn nhất đời ông. Ông là võ tướng với cây đại long đao nặng hơn 20 kg, từng đánh đông, dẹp bắc, nếu quyết chiến một trận với giặc cho hả và chết giữa trận tiền, ông sẽ thành anh hùng dân tộc. Nhưng ông đành nuốt hận, mang nỗi nhục vào thân và năm sau thì mất, mới 59 tuổi!

Tinh thần “chớ mời người Minh vào”... càng được quán triệt suốt năm đời vua nhà Mạc ở Cao Bằng đằng đẵng hơn 80 năm. Năm 1677 khi Cao Bằng thất thủ trước quân Lê - Trịnh, nhà Mạc đã “bàn giao” lại một giải biên cương Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái đến Quảng Yên, không có bóng quan, quân nhà Minh, nhà Thanh nào vượt biên, xâm chiếm nước ta. Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc và suốt dải biên cương... vẫn luôn luôn thuộc về Đại Việt.

Cảm ơn ông cha đã có tầm nhìn sáng suốt và bản lĩnh phi thường, để có quyết định sinh tử, đúng đắn: vương quyền dẫu mất, dòng họ dẫu ly tán bốn phương, nhưng nhất định không mắc vào “TỘI LỚN KHÔNG GÌ NẶNG BẰNG”! Vương triều nào cũng chỉ nhất thời; Tổ quốc, nhân dân mới trường tồn mãi mãi! Còn dòng tộc ư? Chẳng hề sợ mất! Sau 400 năm con cháu họ Mạc ly tán bốn phương, mai danh, ẩn tích, thay tên đổi họ, cuối cùng đã tìm lại nhau, quy về một mối... Ngày nay con cháu họ Mạc đã đông hàng triệu người, dẫu ở đâu, cũng hướng về:

Long Động văn chương quang nhật nguyệt,
Cổ Trai đế nghiệp tráng sơn hà”!
với lòng biết ơn và niềm tự hào về Tổ tiên.

Ôi! Nếu như... Nếu như ông cha ta thiển cận, ích kỷ, đặt sự tồn tại của vương quyền và lợi ích của dòng tộc lên trên Dân, trên Nước, cam tâm làm tay sai cho giặc, rước giặc vào dày xéo đất nước ta, giết hại đồng bào ta, thì đã mắc vào “TỘI LỚN KHÔNG GÌ NẶNG BẰNG”, sẽ mang nỗi nhục muôn năm với Lịch sử! Con cháu dòng tộc đời đời sao còn dám ngẩng mặt nhìn trời xanh, hiên ngang đứng giữa cõi đời!...

Viết đến đây, bao cảm xúc dâng trào, lòng biết ơn và thương kính Tổ tiên nghẹn ngào khôn tả!

1/2/2018
M.V.T.
__________
(*) Xem bài: “MẠC ĐĂNG DUNG ĐÃ TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI HOẠ XÂM LĂNG, ĐẨY LÙI CUỘC CHIỀN TRANH CỦA NHÀ MINH NĂM 1540, GS. TSKH. Phan Đăng Nhật, 2015, mục Nghiên cứu và Trao đổi, mactoc.com)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: