Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Tiến sĩ trẻ và bài phát biểu ấn tượng ở giải Sách hay 2017



“Tôi chọn làm Sisyphus trong Thần thoại Hy Lạp, người phải chịu cả nỗi đau thể xác lẫn sự hoài nghi rằng những gì mình làm có ích hay không” – TS kinh tế Phạm Sỹ Thành bộc bạch.
Sự kiện công bố giải Sách hay năm 2017 diễn ra hôm 1/10 tại một khách sạn lớn ở TP.HCM. Đây là năm thứ 7 Giải Sách hay được trao bởi Viện Giáo Dục IRED, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Sáng kiến OpenEdu.
Sự kiện đã thu hút sự tham gia của gần 400 khán giả thuộc giới thức giả, chuyên gia, doanh nhân, truyền thông và độc giả. Giải năm nay gồm 7 hạng mục: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi và Phát hiện mới.

TS Phạm Sỹ Thành và hình tượng Prometheus, Sisyphus trong Thần thoại Hy Lạp

Tác phẩm đoạt giải Sách hay mảng Kinh tế là cuốn Một vành đai – Một con đường (OBOR): Chiến lược của Trung Quốc và hàm ý chính sách với Việt Nam (NXB Thế giới) của tác giả TS Phạm Sỹ Thành.
Là một trong những tác giả hiếm hoi lên sân khấu phát biểu, TS Phạm Sỹ Thành chia sẻ: “Mảng sách nghiên cứu về Trung Quốc là mảng sách thiết yếu ở Việt Nam. Với riêng tôi, quá trình học tập và nghiên cứu về Trung Quốc của tôi đã kéo dài 20 năm qua. Xã hội Việt Nam luôn cần hiểu thêm về Trung Quốc. Tôi nhìn thấy ở đây trách nhiệm lớn lao của giới nghiên cứu mà mình là một phần trong đó. Tôi nghĩ chúng tôi vẫn chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”.
Tien si tre va bai phat bieu an tuong o giai Sach hay 2017 hinh anh 1
Tác phẩm Một vành đai – Một con đường (OBOR): Chiến lược của Trung Quốc và hàm ý chính sách với Việt Nam.
“Khi đọc Thần thoại Hy Lạp, nhiều người rất ấn tượng với hình ảnh của vị thần Prometheus, người đã xả thân để mang lửa, mang sự sống và tri thức xuống cho nhân loại. Nhưng với riêng tôi, nếu có thể, tôi sẽ chọn làm Sisyphus, vị vua của xứ Corinth, người bị các vị thần xử tội ngày ngày phải lăn một hòn đá nặng nề to lớn lên một ngọn núi, và khi nó chạm đến đỉnh núi, nó lại lăn xuống”.
“Tôi thấy sự đau đớn thể xác mà Sisyphus phải chịu cũng không thua kém Prometheus, nhưng ông còn phải đối mặt với nỗi đau tinh thần rằng những gì mình làm là vô nghĩa”.
“Nhiều người sẽ hỏi rằng tại sao tôi lại ấn tượng với hình tượng Sisyphus. Tôi trả lời rằng việc nghiên cứu của chúng tôi, để có thành quả rõ ràng như Prometheus là rất khó. Rất nhiều người phải đối mặt với suy nghĩ rằng công trình nghiên cứu của mình có tạo ra thay đổi trong xã hội hay không. Nhưng đó là mong muốn duy nhất của những nhà nghiên cứu chúng tôi”.
TS Thành là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES). Anh từng nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Học viện Kinh tế, Đại học Nam Khai, Thiên Tân, Trung Quốc và hiện cũng là giảng viên khoa Đông Phương học của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội.
Anh cũng là khách mời quen thuộc trên VTV về các vấn đề kinh tế. Viện VEPR nơi anh công tác là cơ quan uy tín, thường xuyên tham vấn cho các bộ ngành và Chính phủ.
Tien si tre va bai phat bieu an tuong o giai Sach hay 2017 hinh anh 2
Hội đồng trao giải Sách hay (từ phải sang): nhà văn Nguyên Ngọc, TS Giản Tư Trung, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn và GS Chu Hảo. Ảnh: IRED.
Cuốn sách của TS Thành nghiên cứu về các chiến lược của Trung Quốc từ năm 2012 đến nay. Các nghiên cứu liên quan đến cuốn sách được anh tiến hành từ năm 2014 đến 2017. Một số bài viết trong sách, anh đã công bố trên nhiều trang thông tin và mạng xã hội.
Đến tháng 5/2017, anh quyết định xuất bản cuốn sách và dành ra một tháng rưỡi biên tập lại nội dung. Vị TS trẻ tuổi cũng cho biết, anh đã thử nghiệm bán cuốn sách qua mạng xã hội và vô cùng bất ngờ khi được độc giả hưởng ứng nhiệt tình.
“Tôi rất bất ngờ khi chỉ có 15% người mua là thuộc ngành nghiên cứu kinh tế, còn lại đến 80-90% người mua đến từ nhiều ngành nghề mà các bạn sẽ ngạc nhiên nếu tôi kể ra – TS Thành tự hào nói – Thế nên, tôi tin rằng xã hội chúng ta đang rất quan tâm đến các vấn đề kinh tế thiết yếu của đất nước”.
Theo nhiều khán giả có mặt tại lễ công bố hôm 1/10, phát biểu của TS Thành là diễn biến đáng nhớ nhất của sự kiện.

Sách ‘giải thiêng’ Từ điển Nguyễn Lân đoạt giải
Phát hiện mới

Bên cạnh giải Sách Kinh tế và bài phát biểu ấn tượng trên, giải Sách hay năm nay cũng vinh danh những công trình nghiên cứu và tác phẩm đáng chú ý khác.
Trong số đó, có giải Phát hiện mới dành cho cuốn Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và Khảo cứu của tác giả Hoàng Tuấn Công.
Ra mắt cuối tháng 7/2017, cuốn sách của Hoàng Tuấn Công nhanh chóng gây xôn xao dư luận. Tác giả là một cây bút chuyên về ngôn ngữ, đặc biệt là lời ăn tiếng nói hàng ngày, trong khi nhân vật bị “bắt lỗi” là GS. Nguyễn Lân – cây đa cây đề trong giới ngôn ngữ học Việt Nam.
Tien si tre va bai phat bieu an tuong o giai Sach hay 2017 hinh anh 3
Bìa cuốn sách gây dư luận Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và Khảo cứu của tác giả Hoàng Tuấn Công .
Ban tổ chức giải Sách hay nhìn nhận sự thắng thắn và nghiêm túc trong học thuật của Hoàng Tuấn Công khi chỉ ra những nhận định, phê bình, khảo cứu, chỉ ra những chỗ trong Từ điển Nguyễn Lân mà tác giả cho là không đúng.
Chẳng hạn, là các trường hợp mục từ “nằm giá khóc măng”, GS Nguyễn Lân cho là kể về một người con đi kiếm măng cho mẹ, thể hiện chữ hiếu. Còn Hoàng Tuấn Công cho rằng nói về hai tấm gương hiếu của hai nhân vật cổ là Vương Tường và Mạnh Tông.
Bên cạnh đó, là giải Sách Nghiên cứu dành cho Bộ sách 7 cuốn về nghiên cứu lịch sử củatác giả Nguyễn Duy Chính. Nhà văn Nguyên Ngọc gọi đây là “công trình kỳ lạ”, đồ sộ và nghiêm cẩn về lịch sử, ấp ủ trong 10 năm và xuất bản hết trong vài tháng của năm 2017.
“Đây là công trình nghiên cứu mang tính lịch sử” – ông Nguyên Ngọc nhận xét.
Tiếp đó là hạng mục Sách Quản trị với giải thuộc về Bộ sách 7 cuốn về quản trị kinh doanh của tác giả Alan Phan. GS Phan Văn Trường hết lời khen ngợi tác giả quá cố: “Alan Phan hiểu nền kinh tế, kinh doanh đến tận lõi nên viết rất trong sáng. Kinh tế và kinh doanh đối với Alan Phan giống như cốc nước lọc. Mỗi cuốn sách của ông trong bộ này đều có thể tóm tắt với một chữ, ông luôn có khả năng nói cực kỳ ngắn gọn về những yếu tố làm nên sự phồn thịnh của doanh nghiệp”.
Ngoài ra, một số đầu sách chất lượng trong năm qua cũng được vinh danh như Đà Lạt một thời hương xa: Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 – 1975 của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên và Mộ phần tuổi trẻ của tác giả Huỳnh Trọng Khang, đều ở hạng mục Phát hiện mới; và Hành trình yêu thương – Nhật ký Thiện Nhân tác giả Trần Mai Anh ở hạng mục Sách thiếu nhi.
Danh mục sách đoạt giải Sách hay 2017:
1. Hạng mục Sách Nghiên cứu:
Tác phẩm: Bộ sách 7 cuốn về nghiên cứu lịch sử (tác giả Nguyễn Duy Chính);
Dịch phẩm: Định chế totem hiện nay (tác giả Claude Lévi – Strauss, dịch giả Nguyễn Tùng).
2. Hạng mục Sách Giáo dục:
Tác phẩm: Nước Đức thế kỷ XIX – Cuộc cách mạng giáo dục khoa học & công nghiệp (tác giả Nguyễn Xuân Xanh);
Dịch phẩm: Những mục tiêu của giáo dục và các tiểu luận khác (tác giả Alfred North Whitehead, dịch giả Hoàng Phú Phương, Tiết Hùng Thái, Hà Dương Tường).
3. Hạng mục Sách Kinh tế:
Tác phẩm: Một vành đai – Một con đường (OBOR): Chiến lược của Trung Quốc và hàm ý chính sách với Việt Nam (tác giả Phạm Sỹ Thành/ chủ biên);
Dịch phẩm: Bí Ẩn Của Vốn (tác giả Hernando De Soto, dịch giả Nguyễn Quang A).
4. Hạng mục Sách Quản trị:
Tác phẩm: Bộ sách 7 cuốn về quản trị kinh doanh (tác giả Alan Phan);
Dịch phẩm: Tương lai của quản trị (tác giả Gary Hamel, Bill Breen, dịch giả Hoàng Anh và Phương Lan).
5. Hạng mục Sách Thiếu nhi:
Tác phẩm: Hành trình yêu thương – Nhật ký Thiện Nhân (tác giả Trần Mai Anh);
Dịch phẩm: Cánh Tay Cha Là Con Thuyền Vững Chãi (tác giả Stein Erik Lunde, Øyvind Torseter, dịch giả Mẹ Ong Bông).
6. Hạng mục Sách Văn học:
Tác phẩm: Tình cát (tác giả Nguyễn Quang Lập);
Dịch phẩm: Bảo tàng ngây thơ (tác giả Orhan Pamuk, dịch giả Giáp Văn Chung).
7. Hạng mục Sách Phát hiện mới:
Đà Lạt một thời hương xa: Du Khảo Văn Hóa Đà Lạt 1954 – 1975 (tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên);
Mộ phần tuổi trẻ (tác giả Huỳnh Trọng Khang);
Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và Khảo cứu (tác giả Hoàng Tuấn Công).


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: