Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018



Lễ Hội Mùa Xuân

Mặc Lâm
2012-01-23
Miền Bắc Việt Nam, cái nôi văn hóa của cả dân tộc trong những ngày đầu xuân có rất nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức để người dân vui chơi và cũng là dịp bày tỏ ước vọng mưa thuận gió hòa trong xã hội nông nghiệp của Việt Nam.

Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện sẽ cho chúng ta biết thêm nhiều điều thú vị chung quanh những lễ hội mùa Xuân này. 

Mặc Lâm : Thưa Tiến Sĩ, ngày Tết phải nói là ngày của lễ hội và nó có tính dân tộc rất đậm đà trong đấy. Văn hóa truyền thống Việt Nam chứng tỏ người Việt rất thích lễ hội vào Mùa Xuân, Tiến Sĩ có thể cho biết trong những ngày đầu năm riêng tại Miền Bắc là cái nôi văn hóa của Việt Nam thì có những lễ hội nào đáng chú ý nhất, thưa ông ? 

TS Nguyễn Xuân Diện:  Dạ thưa, ở Việt Nam người ta gọi là “Ăn Tết”, nhưng mà ngày Tết rơi vào thời điểm nông nhàn theo nông lịch, và nhà thơ Nguyễn Bính có viết “Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng”, như vậy là người ta chờ đón cái Tết cùng với mùa đang là nông nhàn. Và mỗi một năm khởi đầu từ Mùa Xuân, sau ngày Mùng Một Tết Nguyên Đán, nhiều làng bắt đầu mở hội, và những hội Xuân đó kéo dài suốt trong 3 tháng Tết ở khắp cả các nơi ở Miền Bắc Việt Nam.

Có một lễ hội dài nhất kéo dài hết cả 3 tháng và đông vui với nhiều người trẩy hội nhất, đó là Lễ Hội Chùa Hương bắt đầu từ ngày Mùng Sáu Tết với lễ Mở Cửa Rừng, sau đó người ta đi trẩy hội lễ Phật suốt cả Mùa Xuân. 

Sau Hội Chùa Hương là hội Đền Và

Còn một lễ hội nữa cũng rất là nổi tiếng, đó là lễ hội Đền Và. Lễ hội Đền Và thuộc xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), mỗi năm người ta mở hội từ ngày 14 đến ngày  17 Tháng Giêng. Vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì lễ hội Đền Và có tiến hành lễ rước Đức Thánh Tản Viên, mà Đức Thánh Tản Viên là một trong “Tứ bất tử” trong thần thoại Việt Nam. Đức Tản Viên sơn thánh là đệ nhất phúc thần trong “Tứ bất tử” đó. Vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, người ta rước kiệu và bài vị của Thánh từ Đền Và thuộc thị xã Sơn Tây sang đến bên kia thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, và có sự tham gia của hai tỉnh, hai huyện và tám thôn xã của hai tỉnh đó. 

Trò Trám: Lễ hội phồn thực 

Một lễ hội khác nữa là lễ hội vào đêm 11 Tháng Giêng, đó là lễ hội Trò Trám. Lễ hội này rất là đặc biệt, nó được mở vài ba ngày nhưng có một lễ mật rất quan trọng được tiến hành vào lúc 0 giờ ngày 11. Đó là một lễ hội phồn thực cầu mùa. Người ta dâng lên trước điện thờ một bài văn khấn và dùng một cây đàn gọi là “đàn giằng xay” để hát một bài ca ngợi linh thiêng của đức Thánh thành hoàng, ca ngợi bốn giới sĩ – nông – công – thương. Có một đôi trai gái đã chờ sẵn ở đấy với trang phục của người trai thì đóng khố và người con gái thì mặc áo "mớ bảy mớ ba".

Ông thủ từ leo lên trên điện sau khi xin âm dương được thì mang xuống hai linh vật, một cái là cái , một cái là cái nường, tức là bộ phận sinh dục nam và một cái là bộ phận sinh dục nữ, trao cho người nam cái nỏ và người nữ cái nường.  Lúc bấy giờ thì đèn tắt hoàn toàn, đôi nam nữ đứng trong bóng tối như vậy thì ông thủ từ hô “linh tinh tình phộc” 3 lần thì mỗi lần hô chữ “phộc” như vậy thì đôi nam nữ đâm mạnh “nỏ nường” vào nhau. Trong đêm tối mịt mùng như thế mà đâm trúng cả 3 lần thì là năm ấy được mùa.

Chung quanh ngày lễ hội này còn có rước Thần Lúa và diễn các trò liên hệ trong lễ hội. Tôi cho rằng lễ hội Trò Trám ở Miếu Trò, hay còn gọi là “miếu Đụ Đị” của xã Tứ Xã xã huyện Lâm Thao là một lễ hội rất cổ kính, cổ xưa của người Việt.

Vào ngày 12 Tháng Giêng những người trẩy hội đã về các làng bên Bắc Ninh để tham dự Hội Lim vào ngày 13 Tháng Giêng hát quan họ. Khách thập phương các nơi kéo về đây dự lễ hội này rất là đông.

Ngoài ra các làng ở chung quanh Hà Nội và ở các tỉnh lân cận cũng mở ra rất nhiều lễ hội. Ví dụ lễ hội ở làng La Phù, ở làng Quan Nhân, v.v. Ngày Mùng 8 có lễ hội ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, kéo dài trong 3 ngày, và trong lễ hội đó người ta đốt một cây đuốc dài 10 mét cho cháy suốt 3 ngày ở giữa sân đình để tiến hành các lễ hộI.

Tóm lại, những lễ hội Mùa Xuân rất là thịnh ở khu vực Miền Bắc và nhất là ở các tình gần Hà Nội. Vào ngày Mùng 3 Tháng 3 âm lịch hàng năm thì tại Chùa Ón của xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố hà Nội, có hội đấu vật, có một xới vật bên cạnh chùa cổ. Gọi là chùa cổ nhưng trong chùa không có tượng. Đấy là ngôi chùa dường như để dành riêng cho việc tổ chức đấu vật hàng năm.

Người dân nông thôn Bắc Bộ bên cạnh việc ăn Tết lại còn đi chơi Tết, đi chơi hội rất vui, rất rộn ràng, nó chiếm rất nhiều thời gian, công sức và sự quan tâm của người dân. 

Khai Ấn đền Trần 

Gần đây tỉnh Nam Định khuếch trương lễ hội Đền Trần với lễ Khai Ấn. Sau khi chấn chỉnh thì năm nay lễ Khai Ấn tiến hành vào đêm 14 tháng Giêng âm lịch và chỉ đóng mấy cái ấn tượng trưng thôi, nhưng những trò chơi, những  hoạt động văn hóa chung quanh lễ hội Đền Trần thì năm nay rất lớn. 

Mặc Lâm : Vâng. Thưa Tiến Sĩ, dư luận trong nước rất chú ý đến lễ Khai Ấn như Tiến Sĩ vưa nói, vậy Tiến Sĩ có thể giải thích thêm tại sao phải khai ấn và việc khai ấn này có ý nghĩa gì không, thưa Tiến Sĩ? 

TS Nguyễn Xuân Diện:  Thưa, lễ hội khai ấn này là một lễ riêng của Đền Trần thuộc phường Lộc Vượng của thành phố Nam Định. Ngày xưa nó chỉ là một cái ấn mang tính chất trừ tà sát quỷ. Mỗi một năm vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng thì cụ thủ từ trong đền đó thực hiện một lễ cúng, trong đó đem cái ấn thờ trong đền đóng vào 9 miếng vải hoặc 9 mảnh giấy để phát cho 9 ngôi đền chung quanh như là một hiệu lệnh của Đức Thánh Trần. 

Thế nhưng gần đây, bốn năm năm trở lại đây tỉnh Nam Định muốn khuếch trương điều này và tuyên truyền nhiều về chuyện lễ khai ấn này chính là một hình thức thu nhỏ một lễ khai ấn trong triều đình ngày xưa, và người ta tuyên truyền rằng ai lấy được cái ấn này sẽ được thăng quan tiến chức.

Vì vậy cho nên giới quan chức và nhân dân Việt Nam nói chung rất  là mong muốn có cái ấn này, thành ra nó hình thành nên một cuộc hành hương về Nam Định vào chiều tối 14 rất là đông, gây ra tắt nghẽn giao thông, rồi thì những cuộc chen lấn xô đẩy kinh hoàng khiến cho báo chí nhiều năm nay không lúc nào là không lên tiếng.

Chúng tôi cho rằng việc khai ấn với ý nghĩa cái ấn này sẽ đem lại cho người ta được “thăng quan tiến chức” là một việc làm sai lệch. Nó chỉ là những cái ấn tôn giáo mang ý nghĩa trừ tà sát quỷ ở trong ngôi đền Trần. Đức Trần Hưng Đạo vốn đã được người dân tôn thờ biến thành một thứ tín ngưỡng nhuốm màu đạo Lão ở Việt Nam vì vậy cho nên nó chỉ có tính chất tôn giáo vậy thôi. 

Nguyên sơ còn sót lại trong lễ hội phồn thực 

Mặc Lâm : Vâng, thưa Tiến Sĩ, chúng tôi chú ý tới một lễ hội rất là đặc biệt của Việt Nam mà có thể là trong các nước ở Đông Nam Á thì chỉ có Việt Nam là còn, đó là lễ hội phồn thực Trò Trám. Ông là người tham gia nhiều lần lễ hội này vậy theo Tiến Sĩ thì những cảm xúc của người tham dự lễ hội phồn thực này nó có tinh khôi, nó có tinh tuyền như là những năm tháng về trước hay không so với thời đại bây giờ ? 

TS Nguyễn Xuân Diện:  Tôi bắt đầu quan tâm tới lễ hội này từ năm 2.000  và năm ấy là năm đầu tiên sau mấy chục năm gián đoạn cái “lễ mật” của Trò Trám mới được khôi phục. Ngay cái buổi đầu tiên mà tôi dự lễ hội đó thì từ đó đến nay thì gần như là năm nào tôi cũng tham gia. Tôi chưa thấy một lễ hội nào mà đem lại cho tôi nhiều cảm xúc về một tín ngưỡng nguyên sơ, về một văn hóa đậm chất hồn Việt như thế ở trong cái lễ hội đó.

Năm nào cũng vậy, khi tôi đi dự cùng với bạn bè ở lễ hội này thì tôi cảm thấy rằng mình đã được sống hẳn hoi, mình được đắm mình vào trong một truyền thống cổ xưa của người Việt. Lễ hội này vẫn còn giữ được tính chất tinh khôi của nó với tất cả những cái gì cổ xưa nhất.

Ví dụ như là trước ngày lễ hội thì người ta có tục rước Thần Lúa. Có một bó lúa người ta thờ quanh năm và đến ngày hôm đó người ta rước đi. Thế rồi người ta diễn cái trò “bách nghệ khôi hài” là sĩ – nông – công – thương. Có những  người dân ở địa phương người dân tự may quần áo lấy, người ta tự múa những điệu múa đã được truyền dạy từ đời này qua đời khác. Với những vũ điệu đơn sơ như vậy, cổ kính như vậy, với những trang phục như vậy, và diễn xuất hồn nhiên như vậy, thì nó mang lại cho chúng tôi cái cảm xúc vô cùng xúc động. Tất cả những người tham gia lễ hội đó cùng với tôi đều nói rất là xúc động khi chứng kiến lễ hội đó.

Đặc biệt nữa là phần sau của nó là lễ hội cầu mùa, tức là theo người Việt Nam chúng ta sống trong một xã hội nông nghiệp cho nên rất trông chờ vào thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Để có được mùa màng tốt tươi thì người ta cầu được mùa qua những nghi thức phồn thực, tức là mong cho sinh sôi nẩy nở, tức là bông lúa thì trĩu hạt, khoai thì nhiều củ, các con vật như gà, ngan, ngỗng, dê, lợn các thứ sinh sôi nẩy nở nhiều. Lễ hội đó bắt đầu vào lúc 0 giờ và sau khi diễn ra cái “linh tinh tình phộc” đó thì đèn mới được thắp lên.

Lúc bấy giờ đàng sau cái Miếu Trò đấy, họ gọi là cái “miếu đụ đị” rất là nhỏ bé như vậy, có mấy vuông đất rộng, trai gái trong thôn chạy 3 vòng ngược chiều kim đồng hồ chung quanh cái Miếu Trò đó, và lúc bấy giờ từng cặp trai gái có thể tiến hành các hoạt động tình dục mà không bị việc gì. Nếu đôi trai gái nào sau đêm lễ hội đó mà có con thì ra trình trước làng chuyện đó và làng sẽ hợp pháp hóa tình trạng hôn nhân cho hai người mà không phải qua thủ tục kết hôn tốn kém. Hiện nay ở trong làng vẫn còn 3 cụ là những người được sinh ra sau những đêm lễ hội như thế.

Tôi cho rằng đấy là một lễ hội rất nguyên sơ và cũng rất may là ngành văn hóa của tỉnh đó vẫn chưa can thiệp gì sâu để có thể làm hỏng cái lễ hội đó, và nó vẫn còn giữ được tính chất nguyên sơ của nó. 

Mặc Lâm: Rất cảm ơn Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện về câu chuyện lễ hội ngày hôm nay ông đã chia sẻ cho thính giả và độc giả của đài Á Châu Tự Do trong ngày đầu năm Nhâm Thìn. Xin chúc ông và quý quyến mọi sự an lành, hạnh phúc trong năm mới.
Nguồn: RFA Việt ngữ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: