Tạp chí The Economist (Mỹ) mới đây đã phát hành báo cáo 82 trang về “Chỉ số Dân chủ Thế giới 2017”, vẽ lên bức tranh thực hành dân chủ của 167 nước trên toàn cầu. Theo đó, Na Uy tiếp tục duy trì vị thế nền dân chủ số 1 thế giới mà họ đã đạt được từ năm 2010, Hoa Kỳ nằm trong nhóm nước “Dân chủ chưa đầy đủ”, trong khi Việt Nam, Trung Quốc thuộc nhóm độc tài và cùng nhau chia sẻ những vị trí phía cuối bảng xếp hạng.
Được biết, đây là năm thứ 10 liên tiếp Economist Intelligence Unit của Tạp chí The Economist tiến hành nghiên cứu và công bố báo cáo về “Chỉ số Dân chủ Thế giới”.
Chỉ số này bao gồm 60 tiêu chí xếp theo 5 lĩnh vực: Tiến trình bầu cử và đa nguyên đảng phái; Chức năng của chính phủ; Tham gia chính trị; Văn hóa chính trị; và Tự do dân sự. Điểm số được xếp từ 0 đến 10 điểm cho mỗi chỉ số và điểm tổng là trung bình của cả 5 chỉ số nêu trên. 167 nước sẽ được phân thành 4 nhóm gồm: Chế độ độc tài (0 đến dưới 4 điểm); Chế độ hỗn hợp (4 đến dưới 6 điểm); Dân chủ chưa đầy đủ (6 đến dưới 8 điểm); và Dân chủ đầy đủ (8 đến 10 điểm).
“Chỉ số Dân chủ Thế giới 2017” nhìn chung cho thấy chỉ có ít hơn 5% dân số toàn thế giới đang được sống trong nền “Dân chủ đầy đủ”. Trong khi đó, có tới 1/3 người dân toàn cầu phải sống trong chế độ độc tài toàn trị với phần lớn trong đó là người dân Trung Quốc. Đáng lưu ý là 89 trong tổng số 167 nước có tên trong báo cáo có chỉ số dân chủ thấp hơn so với chính họ một năm trước.
Na Uy vẫn duy trì là nước dân chủ nhất thế giới với vị trí số 1 trên bảng xếp hạng mà họ đạt được từ năm 2010. Phương Tây cũng là những nước chiếm phần đa trong số các nước có nền “Dân chủ đầy đủ” (chiếm 14/19 nước). Tuy nhiên, điểm trung bình của khu vực này trong năm 2017 đã giảm nhẹ so với 2016, trung bình đạt 8,38 điểm trên thang điểm 10 điểm.
Các quốc gia đáng chú ý không có trong danh sách các nền “Dân chủ đầy đủ” bao gồm Hoa Kỳ, Pháp, Nhật, Bồ Đào Nha và Ý. Các quốc gia này đều được phân loại là các nền “Dân chủ chưa đầy đủ” và tất cả đều có điểm số thấp về các chỉ số chức năng của chính phủ, sự tham gia chính trị và văn hoá chính trị.
Khủng hoảng chính trị tại xứ Catalonia trong năm qua đã khiến Tây Ban Nha bị giảm 0,22 điểm so với năm 2016 và chỉ còn hơn nhóm “Dân chủ chưa đầy đủ” đúng 0,08 điểm.
Tại Malta, vụ ám sát Daphne Caruana Galizia, một blogger chống tham nhũng chưa được giải quyết, đã đặt ra các nghi vấn về đặc tính pháp trị và sự sẵn sàng của chính quyền để điều tra các tội phạm nhạy cảm, dẫn đến nước này bị giảm 0,24 điểm.
Chỉ số tự do dân sự của Pháp trong năm qua bị giảm điểm do cơ quan lập pháp nước này đã thông qua đạo luật mở rộng quyền hạn khẩn cấp của chính phủ.
Venezuela từ nước “Chế độ hỗn hợp” đã rớt xuống nhóm “Chế độ độc tài” khi giảm từ 4,68 điểm năm 2016 xuống còn 3,87 điểm. Điều này cũng kéo theo điểm số trung bình của khu vực Mỹ La-tinh giảm từ 6,33 điểm xuống còn 6,26 điểm.
Các nền dân chủ Châu Á & Châu Đại Dương đã có một năm 2017 khá phức tạp. Từ một khu vực đã có tiến bộ nhanh chóng trong bảng xếp hạng những năm gần đây, nhưng năm 2017 nơi đây đã chứng kiến sự suy giảm chỉ số dân chủ lớn nhất ở hầu hết các nước. Điểm trung bình của khu vực này chỉ đạt 5,63 điểm, xếp dưới Bắc Mỹ (8,56 điểm), Tây Âu (8,38 điểm) và Mỹ La-tinh (6,26 điểm). Khu vực này cũng cho thấy mức độ chênh lệnh điểm số lớn giữa các quốc gia. New Zealand (9,26) điểm xếp thứ 4 trên bảng xếp hạng chung, trong khi Bắc Hàn chỉ được 1,08 điểm, đứng cuối cùng. Trong khi hai nền dân chủ có dân số đông nhất Châu Á là Ấn Độ và Indonesia đều giảm điểm. Đặc biệt Indonesia là nước giảm thứ hạng nhanh nhất từ vị trí 48 xuống 68.
Trung Quốc và Việt Nam, hai quốc gia có cùng thể chế chính trị, chia sẻ các vị trí 139 và 140 trên bảng xếp hạng “Chỉ số Dân chủ 2017”. Tính riêng ở khu vực Châu Á, Trung Quốc và Việt Nam cũng đứng gần cuối cùng và là 2 trong 7 nước ở Châu Á được xếp vào nhóm “Chế độ độc tài” cùng với Myanmar, Campuchia, Afghanistan, Lào và Bắc Hàn.
Chỉ số Dân chủ của Việt Nam năm 2017 là 3,08 điểm, thấp hơn so với năm 2016 (3,38 điểm) và năm 2015 (3,53 điểm).
Trong 5 chỉ số, Việt Nam đặt 0 điểm ở tiêu chí “Tiến trình bầu cử và đa nguyên đảng phái”. Chỉ số “Tự do dân sự”, Việt Nam cũng chỉ có 2,65 điểm. Điểm số cao nhất của Việt Nam là ở chỉ số “Văn hóa chính trị” (5,63 điểm).
Nga là một nước đa đảng, nhưng chỉ số Dân chủ cũng rất thấp (3,17 điểm, xếp vị trí 135), gần tương đương với Việt Nam và Trung Quốc.
Trong báo cáo “Chỉ số Dân chủ Thế giới 2017”, Tạp chí The Economist cũng có thêm báo cáo và xếp hạng về tự do truyền thông. Việt Nam chỉ được 1 điểm trong thang điểm 10 ở chỉ số này và xếp vào nhóm nước không có tự do truyền thông.
Ở phía trên bảng xếp hạng tự do truyền thông với điểm tối đa 10 và là các nước “tự do truyền thông hoàn toàn”, gồm Úc, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Thụy Điển và Hoa Kỳ. Ở chiều ngược lại, các nước Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Bắc Hàn, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan số điểm là 0.
Tân Bình (T/h)
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét