Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

CUNG ĐÀN SỐ PHẬN


- Hồi ký của Lộc Vàng (Kim Dung/ Kỳ Duyên chắp bút)


KD: Bạn đọc thân mến. Một niềm vui lao động vất vả của mình đã biến thành hiện thực. Công ty cổ phần sách Alpha- Sống- và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa xuất bản và phát hành cuốn CUNG ĐÀN SỐ PHẬN- cuốn Hồi ký của Lộc Vàng- người nghệ sĩ lãng tử mê đắm hát nhạc vàng đến mức bị… tù tội. Nhưng số phận của ông, của một người lao động lương thiện hóa thành một kẻ tù tội, từ một vụ việc đơn giản hóa thành một “vụ án chính trị”, cũng phản chiếu rất rõ hành trình nhận thức của một dân tộc qua những thăng trầm dâu bể của thời cuộc.
Sách do mình- Kim Dung/ Kỳ Duyên chắp bút, với hơn 200 trang in khá đẹp.
Trong khuôn khổ của Blog, mình chỉ xin đăng lại LỜI GIỚI THIỆU để bạn đọc hiểu cái duyên gặp gỡ của mình với nhân vật chính- Lộc Vàng- một con người đau khổ, bất hạnh, có cả sự bồng bột của tuổi trẻ kiêu bạc, lãng tử, nhưng rất ý thức và quyết liệt bảo vệ “quyền con người” của chính ông, dù trải qua tù tội, đói rét.
Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ, và chung vui với Lộc Vàng, một người lao động- nghệ sĩ “nổi tiếng” một cách bất đắc dĩ, và với mình, một người cầm bút chỉ mong muốn sự công bằng XH cho mọi người dân, cho chính nhân dân mình
Cảm ơn bạn đọc đã lắng nghe
Và cảm ơn Công ty cổ phần sách Alpha- Sống và Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản và phát hành
—————- 
LỜI GIỚI THIỆU
Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/                                                                         Mỗi số phận rất riêng,  rất nhỏ (Evghenhi Aleksandrovich Evtushenko) 
Đó là một chiều cuối đông. Tôi và hai người bạn thân hẹn nhau đến quán Lộc Vàng, quán café từ lâu thành nổi tiếng, bởi ông chủ quán- Lộc Vàng- là người mê hát nhạc vàng đến nỗi bị đi tù. Xưa nay, chỉ nghe nói trộm cắp, giết người, tham nhũng, hối lộ… những tội tày đình mới phải đi tù. Có ai chỉ vì mê hát mà lại bị đi tù? Tôi có chút tò mò…
Rồi ông Lộc Vàng xuất hiện. Một người đàn ông tầm thước, gầy gò, gương mặt hiền lành, có phần khắc khổ, nhưng rất cá tính với bộ ria mép đen nhánh, ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Có lẽ năm tháng cuộc đời với những đắng cay, bất hạnh đã khiến gương mặt ông, kể cả lúc cười vẫn có gì đó rất trầm tư, buồn bã. Câu chuyện giữa nhóm bạn bè chúng tôi với ông chủ quán Lộc Vàng xoay quanh chuyện đời ông. Quả là vì ông quá mê hát nhạc vàng (ngay cái tên Lộc Vàng đã nói lên “chất” người của ông), vào những năm tháng chính quyền cấm ngặt loại hình nhạc “yếu đuối, ủy mị” này, mà ông đã phải bước chân vào nhà tù khi tuổi đời còn rất trẻ, mới mười tám đôi mươi, cái tuổi trai tráng, sức lao động tràn đầy- “bẻ gẫy sừng trâu”. Ông tâm sự rất lâu, rất lâu. Rồi ông nói về người vợ tào khang đã khuất mà ông nhất mực yêu quý, dường như có cả sự hàm ơn nữa. Và ông khóc khi nói về người đã khuất. Nước mắt một người đàn ông lãng tử, kiêu bạc từng vào tù ra tội hẳn đầy nỗi ẩn khuất, dằn vặt, xót xa…
Nhắc đến nhạc vàng, ông như linh hoạt hẳn lên. Ông bảo rằng, ngay cả các ca sĩ chuyên nghiệp hiện nay hát nhạc vàng cũng chưa chuẩn, khó lọt tai ông. Bởi có thể họ vì chiều theo thị hiếu của khán giả. Hoặc họ không cảm nhận được sâu sắc một cách nguyên vẹn và tinh tế cái hồn vía của nhạc vàng mà vô tình làm “thất thoát” đi. Hoặc do cả các nhạc sĩ để có thể tồn tại các tác phẩm, thích ứng hoàn cảnh mà chấp nhận sự thêm bớt ca từ. Còn ông, ông dứt khoát và quyết liệt bảo vệ cái hay cái đẹp của nhạc vàng như những liền anh liền chị Kinh Bắc bảo vệ các làn “quan họ cổ” vang, rền, nền, nảy; rất tình tứ và vời vợi nỗi buồn vui của kiếp nhân sinh sau lũy tre làng. Chuyện cuộc đời ông chất chứa xen lẫn những đắng cay, may rủi, cho đến tận tuổi U 70 giờ đây, ông chỉ muốn được chia sẻ với người đời. Có thế, gánh nặng tù tội trong tâm hồn ông mới cất được.
Cả nhóm bạn bè chúng tôi im lặng. Bất ngờ một người bạn bảo tôi: Hay chị chấp bút, viết hồi ký cho bác Lộc Vàng đi. Được đó.
Được lời như cởi tấm lòng, ông tỏ ra mừng rỡ.
Tôi im lặng trước đề nghị bất ngờ đó. Bỗng nhiên nhớ tới bài viết “Cháo bà Chạch” trên Thư Hà Nội của báo VietNamNet năm nào khi tôi về đó làm việc. Bà Chạch chỉ là người bán cháo đậu xanh, chè đỗ đen cho lũ trẻ con hàng phố chúng tôi suốt cả tuổi thơ. Dạo đó, ấn tượng với tôi nhất là bà thường đội một vành khăn nâu sát xuống phía trán, mặc chiếc váy sồi, thắt ruột tượng, phía trên là chiếc áo dài tứ thân, thắt lại hai vạt ở giữa. Mùa đông, bà khoác thêm chiếc áo bông Tàu mỏng màu đen, nhưng đã bạc màu. Bà đi đôi dép mỏng xỏ mỗi ngón chân thứ hai, giữa mu bàn chân là một chiếc quai dép vắt ngang. Đó là thời Hà Nội cũ, của những năm 60.
Thoắt cái, những năm 70, sau thống nhất đất nước, tôi gặp lại bà Chạch. Vẫn gánh cháo đậu xanh, chè đỗ đen năm xưa. Nhưng giờ bà ăn mặc khác lạ. Thay cho chiếc váy sồi, tấm áo dài tứ thân ngày nào là chiếc quần “chân què” (là quần, nhưng không xẻ ở giữa mông như bây giờ), tấm áo nâu sồng. Đôi vai bà như trĩu xuống hơn vì gánh nặng của thời gian. Mấy ngón chân của bà như bấm chặt hơn trên đôi guốc gỗ mòn vẹt.
Hóa ra, đôi khi để hiểu lịch sử đã sang trang, người ta chỉ cần nhìn vào sự thay đổi cách ăn mặc của một người đàn bà quê mùa chuyên bán món cháo rẻ tiền cho trẻ thơ của một khu phố cổ..
Còn với ông Lộc Vàng, để hiểu lịch sử một thời cuộc ấu trĩ, xơ cứng mang đậm tính “hạn chế của lịch sử”, người ta phải xót xa chứng kiến những trầm luân nổi chìm vào tù ra tội của một số phận, một thân phận trẻ trai nhưng lại có một niềm yêu thích âm nhạc “không hợp thời cuộc” ấy. Để rồi mấy chục năm sau cũng những bản nhạc vàng tình tứ, phong nhã, phong lưu ấy, quá khứ với ông là đầy ải nghiệt ngã, thì hiện tại là thăng hoa trên sân khấu nhỏ hằng đêm, thậm chí trên sân khấu lớn Nhà Hát Lớn. Như chưa bao giờ người đàn ông mang tên Lộc Vàng ấy có những năm tháng rủi ro bị đầy đọa chỉ vì mê và hát nhạc vàng.
Ông Lộc Vàng, chỉ là thân phận của một người lao động mong manh, bé nhỏ trong đời sống của một đất nước quá nhiều thăng trầm, giông bão bởi chiến tranh tàn phá, hay mò mẫm dựng xây. Thế nhưng, số phận của ông vô tình phản chiếu sinh động tầm nhìn của thời cuộc một đất nước tư duy tiểu nông, hạn hẹp đang mầy mò đổi mới trên hành trình hội nhập văn minh.
Hai thời cuộc đó khác nhau một tầm tư duy, khác nhau bởi cái … thước đo lịch sử?
Chỉ là số phận của một con người tù tội trái ngang khởi đầu là vô danh, bỗng trở nên nổi tiếng một cách bất đắc dĩ. Xét cho cùng vẫn mang một ý nghĩa triết luận sâu sắc khi đặt họ trong dâu bể đất nước. Xin mượn ý câu thơ của nhà thơ Nga nổi tiếng, “mỗi con người dù bé nhỏ đến đâu, cũng mang một phần lịch sử”. 
                                                                   Kim Dung/ Kỳ Duyên



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: