Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

15h00 NGÀY MAI: KHAI MẠC TRIỂN LÃM THƯ PHÁP "NÉT XUÂN"



GIỚI THIỆU TRIỂN LÃM THƯ PHÁP “NÉT XUÂN – ART OF NÔM” 

- Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 đường Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
- Thời gian: từ 2/2/2018 đến 2/3/2018
- Tổ chức: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam & Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Ngày 2-2-2018, triển lãm và trình diễn thư pháp "Nét xuân – Art of Nôm" sẽ khai mạc
vào lúc 15h00 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 
Triển lãm trưng bày gần 50 tác phẩm thư pháp cổ điển và thư pháp tiền vệ của các tác giả, các nhà nghiên cứu thư pháp và văn tự chữ Nôm. Lấy cảm hứng từ bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác phẩm thi ca về mùa xuân đất nước của các thi nhân nổi tiếng trong lịch sử như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Du, …, các tác phẩm thư pháp thể hiện theo các thể chữ Nôm là Triện, Lệ, Thảo, Hành, Khải, … Đây là một nỗ lực tiếp nối phong trào thư pháp Hán Nôm để khơi lại mạch nguồn di sản của văn hóa dân tộc.

Triễn lãm còn có trình diễn thư pháp vào buổi khai mạc, đồng thời cũng dành một không gian riêng cho thư pháp cộng đồng để các nhà thư pháp hướng dẫn các em thiếu nhi thực hành học viết chữ.


THÔNG CÁO BÁO CHÍ 
TRIỂN LÃM THƯ PHÁP “NÉT XUÂN”

Ngày 2-2-2018, triển lãm và trình diễn thư pháp "Nét xuân" sẽ khai mạc vào lúc 16h00 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 đường Nguyễn Thái Học. Trước đó, triển lãm sẽ có buổi họp báo vào lúc 15h00. Triển lãm do Viện Nghiên cứu Hán Nôm phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam tổ chức, với sự tài trợ của Vietbank.

Triển lãm trưng bày gần 50 tác phẩm thư pháp cổ điển và thư pháp tiền vệ của các tác giả, các nhà nghiên cứu thư pháp và văn tự chữ Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm Ân Xuyên Nguyễn Quang Thắng, Thiền Phong Phạm Văn Tuấn, Hoài An Nguyễn Văn Thanh, Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương.

Lấy cảm hứng từ bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác phẩm thi ca về mùa xuân, đất nước của các thi nhân nổi tiếng trong lịch sử như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Du… các tác phẩm thư pháp thể hiện theo các thể chữ Nôm là Triện, Lệ, Thảo, Hành, Khải, trong đó có một số tác phẩm chữ Nôm Triện, Nôm giáp cốt,… Đây là một nỗ lực tiếp nối phong trào thư pháp Hán Nôm để khơi lại mạch nguồn di sản của văn hóa dân tộc, trong đó nội dung văn chương là duyên cớ sơ khởi cho các xúc cảm giấy bút mực nghiên. Triển lãm chú trọng đến các tác phẩm chữ Nôm- một loại hình di sản văn hóa đã góp phần tạo dựng, hun đúc nên hồn cốt của tiếng Việt.

Các tác phẩm theo phong cách cổ điển được thể hiệu chủ yếu bằng lối chữ Khải, chữ Lệ, chữ Triện, chữ Hành nhằm tạo sự trang nghiêm và gợi nhớ về những nét đẹp vàng son một thuở. Những đôi câu đối xuân trên giấy đỏ nhằm truyền tải cảm xúc và hương sắc của tết cổ truyền. Ví dụ: Non xanh nước biếc tha hồ dạo, Rượu ngọt chè tươi mặc sức say (thơ Hồ Chủ Tịch), Khí dương hòa há có tư ai. Năng một hoa này nhẫn mọi loài, Toan kể chỉn còn ba tháng nữa. Kịp xuân mựa để má đào phai (thơ Nguyễn Trãi).

Các tác phẩm sáng tác theo lối Tiền vệ (Avant-garde Calligraphy, Tiền vệ thư) mượn trên những đường nét của chữ nghĩa để thực hiện những cuộc rong chơi của nghệ thuật (du ư nghệ). Bố cục của các tác phẩm được thể hiện linh động, các nét vung bút phóng khoáng buông bỏ những khuôn mẫu của tờ giấy trắng. Mực tràn bo, và chảy tự nhiên trên bề mặt chất liệu để tạo những ấn tượng thị giác. Ví dụ tác phẩm “Màu trời sông xuân” của Phạm Văn Tuấn và Nguyễn Quang Thắng được viết theo lối trùng điệp đa tầng với mực đa cấp độ. Bức thư pháp chữ Nôm “Hoa cỏ mừng xuân” của Trần Trọng Dương viết theo thể giáp cốt nhưng đã được trừu tượng hóa như một bức tranh với muôn vàn cỏ cây đang cựa động đâm chồi nảy lộc. Bức “Bầu trời thêm xuân” của Phạm Văn Tuấn với kĩ thuật dụng bút “khí vận sinh động” miêu tả một bầu trời đẫm mưa xuân như đang dồn năng lượng cho muôn loài sinh trưởng.

Triễn lãm còn có trình diễn thư pháp vào buổi khai mạc. Tác phẩm thư pháp dài 5m sẽ được biểu diển bởi nhà thư pháp Thiền Phong Phạm Văn Tuấn với nội dung thơ Hồ Chủ Tịch ca ngợi mùa xuân. Triển lãm cũng dành một không gian riêng cho thư pháp cộng đồng để các nhà thư pháp hướng dẫn các em thiếu nhi thực hành học chữ và viết chữ.

Triển lãm bắt đầu từ 2/2/2018 đến 2/3/2018, chỉ nghỉ các ngày mùng 1 đến mùng 3 tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: