Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Việt Nam học được gì từ nghịch lý giáo dục Phần Lan: Không bài tập về nhà, tăng chơi, giảm học mà vẫn đứng đầu thế giới?


by anle20
Việt Nam học được gì từ nghịch lý giáo dục Phần Lan: Không bài tập về nhà, tăng chơi, giảm học mà vẫn đứng đầu thế giới?
Không bài tập về nhà, hạn chế thi cử, tăng giờ chơi, giảm giờ học nhưng chất lượng sinh viên vẫn xếp hạng nhất thế giới. Đó là nghịch lý kỳ diệu của giáo dục Phần Lan.
Một nền giáo dục hạnh phúc
Phần Lan từ lâu được xem là nước đứng đầu thế giới về giáo dục. Bí mật của thành công này được Nguyên bộ trưởng giáo dục Krista Kiuru bật mí: "Bọn trẻ không có bài tập về nhà, bọn trẻ nên có thời gian nhiều hơn để làm trẻ con, để làm người trẻ, để tận hưởng cuộc sống".
Học sinh Phần Lan đi học 20 tiếng mỗi tuần, ngoài thời gian đó chúng dành thời gian cho hoạt động ngoài trời, thể chất và học các môn nghệ thuật như ca hát hay làm bánh. Ngoài ra nhà trường Phần Lan còn không áp đặt điểm số, thi đua hay xếp loại phần thưởng lên giáo viên hay học sinh.
Mục tiêu của giáo dục Phần Lan là làm cho học sinh vui, hạnh phúc và tự tin khi các em thành công hay thất bại. Ở quốc gia này không có trường chuyên lớp chọn, mọi trường học đều có chất lượng như nhau dù thành phố hay nông thôn.
Ngoài ra giáo viên được tự thể hiện giáo trình, họ quyết định phương pháp giảng dạy, sử dụng sách giáo khoa. Quy định thanh tra trường học đã được bãi bỏ sau năm 1990 và cũng không có đánh giá nội bộ giáo viên. Hệ thống giáo dục Phần Lan ít có sự đánh giá và hoàn toàn không có sự cạnh tranh.
"Ở Phần Lan người ta xác định mỗi học sinh là một thiên tài, khơi dậy được năng lực, khả năng của từng học sinh một. Vì thế học sinh là học cho bản thân họ, tự thân họ. Vì vậy không có luyện thi, trường chuyên lớn chọn nhưng điểm PISA vẫn cao nhất trên thế giới", ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ giáo dục và đào tạo chia sẻ với báo chí.
Đặc biệt điều khiến ông Vang ấn tượng là sự quan tâm của nhà nước đối với giáo viên. Lựa chọn giáo viên là một trong những điều quan trọng nhất để quyết định sự thành công của Phần Lan. Giáo viên khơi dậy được động cơ học tập tự thân cho học sinh. Học sinh được chơi nhiều hơn để phát triển khả năng của mình.
Một ví dụ đơn giản khác là trong một ngôi trường tiểu học được thiết kế theo không gian mở, một phòng học có thể gồm 2 lớp khác nhau được ngăn cách bởi rèm. Bàn ghế và các vật dụng khác cũng có bánh xe và rất cơ động để giáo viên và học sinh có thể sắp xếp lại lớp học khi cần. Nếu học cá nhân bàn được xoay ra, nếu học nhóm chúng sẽ xếp lại với nhau.
Trong giờ học học sinh rất thoải mái, các em có ghế xoay để ngồi vì giáo viên hiểu lứa tuổi này rất hiếu động. Chương trình học do giáo viên tự quyết định. Học sinh sẽ cùng với cô tham gia sắp xếp thời khóa biểu vào buổi sáng hôm đó.
Ngay bên ngoài lớp học có một không gian chung, các học sinh có thể học với nhau ở đây ngoài giờ học chính nếu thích. Một số em khác có thể chơi, nằm hay ngủ. Các không gian được tận dụng tối đa để các em cảm thấy thoải mái nhất. Mỗi ngày theo quy định học sinh phải ra ngoài chơi ngoài trời ít nhất 2 giờ đồng hồ vì vậy cứ hết tiết học là cô giáo lại yêu cầu học sinh xuống sân chơi.
Mô hình hay nhưng khó áp dụng
Đúng như ấn tượng của ông Vang, giáo viên tại Phần Lan có vai trò và tính tự quyết cao trong công việc. Giáo viên Phần Lan phải trình độ thạc sỹ trở lên và có quyền tự chủ lớn tham gia vào các chính sách giáo dục.
"Toàn bộ giáo viên ở Phần Lan kể cả mầm non đều phải có bằng Thạc sỹ mới được đi dạy học. Vì vậy họ có trình độ và chất lượng rất cao. Giáo dục ở nước chúng tôi yêu cầu giáo viên phải am hiểu kiến thức, lý thuyết, phương pháp giáo dục, và kỹ năng thực hành phải tốt. Chính vì vậy khi các trường đại học xét tuyển các ngành sư phạm có chính sách xét tuyển rất chặt chẽ. Các trường chọn sinh viên sư phạm không chỉ dựa trên bảng điểm, nền tảng kiến thức tốt mà còn phải có tính cách, khả năng phù hợp với việc làm giáo viên.
Đối với các cơ quan quản lý chính sách, chúng tôi tin ở giáo viên. Chúng tôi luôn hỏi ý kiến của họ trước khi có những điều chỉnh về chính sách. Vì vậy giáo viên cảm thấy ý kiến của họ là có giá trị, điều đấy rất quan trọng. Sự đóng góp của họ là rất quan trọng.", bà Imeli Halinen, nguyên trưởng ban Phát triển chương trình, Ủy ban giáo dục quốc gia Phần Lan cho biết.
Ví dụ tại Phần Lan có chương trình khung của quốc gia nhưng theo từng tuần học, giáo viên sẽ chủ động đề tài và không có bất kỳ ai kiểm tra. Hiệu quả học sẽ do học sinh và phụ huynh đánh giá. Quyền tự chủ của hiệu trưởng trường cũng rất lớn khi được quyền chọn giáo viên, thuê giáo viên theo hợp đồng hàng năm. Và nếu giáo viên cảm thấy có điều gì chưa hài lòng, cần hỗ trợ thêm sẽ đến gặp hiệu trưởng trực tiếp để đề đạt ý kiến.
"Chúng ta có thể học rất nhiều tuy nhiên tùy thuộc vào điều kiện chúng ta nữa. Với Phần Lan, họ đặt mục tiêu phải tạo ra trường học là thiên đường của trẻ em đến đó học tập, chơi, phát huy hết khả năng của mình. Với Việt Nam có thể học tập một vài điểm của mô hình Phần Lan như hiện tại là lấy học sinh là trung tâm, để tập trung vào năng lực từng học sinh một. Tuy nhiên để cả hệ thống làm thì đang là khó nhưng với các trường tư thục có điều kiện đầu tư thì có thể làm tốt. Chúng ta không có chủ trương đi copy hay sao chép toàn bộ mô hình đào tạo của các nước Bắc Âu vào Việt Nam vì chúng ta không thể làm được và phải làm hệ thống riêng.
Một số nước châu Á như Thái Lan, Indonesia cũng đã bê cả mô hình về áp dụng nhưng không thành công vì nó phụ thuộc vào nhiều thứ trong đó có chính sách của nhà nước, quan niệm, triết lý giáo dục của giáo viên, học sinh và gia đình. Chúng ta vẫn có thể lọc những cái gì tốt nhất để áp dụng vào Việt Nam theo điều kiện của chúng ta", ông Vang chia sẻ quan điểm về việc áp dụng mô hình vào Việt Nam.
Điều khiến ông trăn trở hiện này là cần phải nghiên cứu để có chính sách tốt nhất cho giáo viên Việt Nam hiện nay. "Hiện lương của giáo viên là chưa xứng đáng, vẫn phải bươn chải, mưu sinh để kiếm sống", ông cho biết.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: