Tổng thống Putin nêu phương án đầy bất ngờ để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên
Ông Putin phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) ngày 7/9 (Ảnh: TASS)
Trong khi Mỹ và đồng minh kêu gọi siết chặt cấm vận Triều Tiên, tổng thống Nga Vladimir Putin lại cho rằng cần phải để Bình Nhưỡng tham gia vào các dự án chung của quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF), đang diễn ra ở Vladivostok, Nga, tổng thống Putin cho rằng gắn kết Triều Tiên với các chương trình quốc tế là cách để hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo.
Ông nhận định, "Triều Tiên cần phải dần dần được tham dự vào các mối hợp tác trong khu vực. Riêng phía Nga đã có một số đề xuất cụ thể mà mọi người đều biết, như xây dựng tuyến đường sắt chung để nối tuyến đường sắt xuyên Siberia với các tuyến đường sắt đi qua Triều Tiên, cũng như sự phát triển của các đường ống dẫn (dầu, khí...), trong đó có một số cảng của Triều Tiên".
Ông cho rằng việc gây ra bầu không khí căng thẳng về quân sự và leo thang đe dọa sẽ phản tác dụng.
"Họ (Triều Tiên) tin rằng chỉ có sở hữu vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa mới là cơ hội duy nhất để bảo vệ chính mình," Putin nói. "Các bạn có nghĩ là họ sẽ sẵn sàng vứt bỏ tất cả những điều đó hay không?"
Theo tổng thống Nga, nếu đường hướng mà Nga đề xuất được áp dụng thì cục diện khu vực sẽ dần thay đổi, cũng như quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
"Và rồi chúng ta sẽ có thể kỳ vọng một số bước tiến mới. Tuy nhiên, việc dọa dẫm họ là bất khả thi."
Ông nói thêm, "chúng ta nên lo ngại, nhưng cũng cần hợp tác để giải quyết vấn đề. Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta có đủ khả năng đạt được những kết quả tích cực", và khẳng định việc tiếp tục đầu tư vào các dự án khu vực hoặc có nhân tố Triều Tiên là khả thi.
Ông Putin bày tỏ tại EEF rằng, vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ không được sử dụng để giải quyết vấn đề của Triều Tiên, và xung đột sẽ không mở rộng. Khả năng xử lý tình hình là thông qua đối thoại.
"Giống như người đồng cấp Hàn Quốc của mình (tổng thống Moon Jae In), tôi tự tin rằng xung đột sẽ không mở rộng hay dính líu đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bởi tất cả các bên sẽ có đủ nhận thức chung về trách nhiệm với người dân trong khu vực, cho nên chúng ta sẽ giải quyết thành công vấn đề bằng con đường ngoại giao."
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In gặp tổng thống Nga Putin ngày 6/9 tại EEF (Ảnh: Sputnik)
Trước đó vào ngày 6/9, Bộ trưởng phát triển vùng Viễn Đông của Nga, ông Aleksandr Galushka cho biết sau cuộc gặp với phái đoàn Triều Tiên ở EEF: "Các đối tác Triều Tiên của chúng tôi hướng tới phát triển các mối quan hệ kinh tế và thương mại."
"Chúng tôi hướng sự chú ý của họ đến thực tế rằng các hoạt động hạt nhân và tên lửa đang kìm hãm cơ hội phát triển các liên hệ về kinh tế và thương mại, và hủy hoại nghiêm trọng khía cạnh kinh tế thương mại trong quan hệ song phương," ông nói. "Chúng tôi đã yêu cầu họ ngừng hành động như vậy trong tương lai, vì điều đó làm vô hiệu các nỗ lực của ủy ban liên chính phủ Nga-Triều."
Đoàn đại biểu Triều Tiên, do Bộ trưởng quan hệ kinh tế đối ngoại Kim Young Jae dẫn đầu, đã đưa ra một loạt đề xuất ở các lĩnh vực có khả năng hợp tác với Nga.
Trong cuộc gặp với ông Moon Jae In ngày mùng 6, ông Putin cũng bày tỏ sẵn sàng phát triển các mối liên hệ với cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên. Ông chủ điện Kremlin đề cập các dự án 3 bên gồm "cung cấp khí đốt từ Nga cho bán đảo, tích hợp lưới điện và mạng lưới đường sắt ba nước".
Lãnh đạo Mỹ - Trung điện đàm 45 phút về Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại dịp hội nghị G20 ở Hamburg (Đức) ngày 8-7. Ảnh: REUTERS
Ông Tập ưu tiên đối thoại, ông Trump lấp lửng về phương án quân sự.
Quan điểm của Trung Quốc giải quyết khủng hoảng Triều Tiên thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình một lần nữa được Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm ngày 6-9.
Theo thông báo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm kéo dài 45 phút hai lãnh đạo thống nhất sự nguy hiểm từ Triều Tiên, cam kết hợp tác vì mục tiêu giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Nói với báo chí sau cuộc điện đàm với ông Tập, ông Trump cho biết” “Chủ tịch Tập sẽ làm gì đó. Chúng ta chờ xem ông ấy có thể làm gì hay không”.
Khi được hỏi về phương án quân sự với Triều Tiên, ông Trump lấp lửng: “Chắc chắn đó không phải là lựa chọn đầu tiên, nhưng chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra”, cảnh cáo Mỹ sẽ không tiếp tục tha thứ cho hành động khiêu khích của Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May ngày 5-9, Tổng thống Trump tuyên bố lúc này không phải lúc đối thoại với Triều Tiên, mọi khả năng đều được để mở để bảo vệ Mỹ và đồng minh.
Trong khi đó theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập đã nói với ông Trump rằng Trung Quốc kiên định với mục tiêu giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên và bảo vệ hệ thống không phát triển vũ khí hạt nhân quốc tế.
“Chúng tôi luôn luôn kiên trì bảo vệ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn. Cần thiết phải duy trì con đường tiến tới một giải pháp hòa bình” – Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng dẫn lời ông Trump rằng Mỹ lo ngại sâu sắc về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và đánh giá cao “vai trò quan trọng” của Trung Quốc trong giải quyết chuyện này.
Ông Tập nói Trung Quốc chờ mong chuyến thăm của ông Trump cuối năm nay. Lần điện đàm gần đây nhất của hai ông là vào ngày 12-8. Hai ông cũng hy vọng sẽ có một giải pháp hòa bình giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Mỹ và các đồng minh cho rằng tình hình này Trung Quốc cấp thiết phải tăng áp lực hơn nữa với Triều Tiên. Hiện Mỹ và Hàn Quốc đang yêu cầu LHQ trừng phạt nặng Triều Tiên sau khi nước này thử hạt nhân lần 6 ngày 3-9.
Trung Quốc trước giờ vẫn ưu tiên đối thoại, từng nói mình không phải là nước có trách nhiệm chính trong kiềm chế Triều Tiên, cho rằng trừng phạt không giải quyết được vấn đề.
Khả năng Hội đồng Bảo an LHQ sẽ không thể thông qua nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên khi không những Trung Quốc mà Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6-9 cũng cho rằng trừng phạt không khiến Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, tên lửa.
Ông Tập Cận Bình vừa bị Triều Tiên "đưa vào thế", làm đúng những gì Bình Nhưỡng mong muốn?
Báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ngày 4/9 dẫn lời ông Peter Hayes, giám đốc Viện nghiên cứu Nautilus (Mỹ), nói "nhân vật mà vụ thử hạt nhân nhắm đến không phải là ông Trump, mà là ông Tập Cận Bình".
Theo ông Hayes, Bình Nhưỡng muốn lợi dụng phát ngôn từ lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc để thuyết phục tổng thống Donald Trump đưa Mỹ-Triều trở lại cơ chế đối thoại.
Triều Tiên được cho là chủ định lựa chọn trưa ngày 3/9, ngay trước phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ở Hạ Môn, Trung Quốc, để tiến hành thử nghiệm bom H (bom nhiệt hạch), như một cách cho thế giới thấy nước này là một cường quốc vũ khí hạt nhân, tiếp theo là thể hiện sự không hài lòng với các biện pháp cấm vận mà Bắc Kinh đang áp đặt với Bình Nhưỡng.
Nhưng đây không phải là mục đích cơ bản nhất. Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh kêu gọi tăng cường trừng phạt toàn diện Triều Tiên, việc đẩy mạnh thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, có thể là một lá bài nhằm tìm kiếm đàm phán với Mỹ - Chosun bình luận.
Tờ Dong-A Ilbo (Hàn Quốc) cho rằng "cuộc đối thoại Mỹ-Triều sẽ đầy kịch tính". Phân tích việc Triều Tiên lựa chọn thời gian và phương thức tiến hành vụ thử hạt nhân, tờ này cho rằng mục đích của Bình Nhưỡng là tìm cách mở đường đối thoại.
Vụ thử hạt nhân là "xúc tác" để nhà lãnh đạo Kim Jong Un chiếm thế thượng phong trong cuộc đàm phán với Mỹ.
Tối 6/9 (giờ Bắc Kinh), hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump đã có cuộc điện đàm đầu tiên từ sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Trong điện đàm, hai lãnh đạo chỉ trích vụ thử hôm mùng 3 là hành động "thách thức và gây bất ổn", và con đường Bình Nhưỡng đang đi "gây nguy hiểm cho thế giới" - theo thông cáo của Nhà Trắng.
Nhưng thông cáo của Trung Quốc không hề đề cập cách diễn đạt cứng rắn trên. Tân Hoa Xã đưa tin, ông Tập nói với ông Trump rằng "Trung Quốc kiên quyết gìn giữ thể chế quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, và giải quyết vấn đề hạt nhân bằng đối thoại".
Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi dàn xếp vấn đề một cách hòa bình, "kết hợp đối thoại với các biện pháp toàn diện khác" là cách tốt nhất để tìm ra giải pháp lâu dài.
Dù ông Tập tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh rằng bán đảo phải phi hạt nhân hóa, song Triều Tiên vẫn có được điều họ muốn khi giải pháp đối thoại được ông nhấn mạnh.
Việc chính phủ Trung Quốc cùng và Nga trong vài ngày qua chỉ trích phương án gia tăng cấm vận của Mỹ/đồng minh là không hiệu quả cũng mang lại lợi thế cho Bình Nhưỡng. Bởi sau khi bỏ phiếu thuận ở Hội đồng bảo an LHQ về nghị quyết trừng phạt Triều Tiên hồi tháng trước, Bắc Kinh không muốn phải tiếp tục thông qua một gói cấm vận cứng rắn hơn nữa.
Ông Trump (trái) và ông Tập gặp nhau tại Florida, Mỹ hồi tháng 4/2017 (Ảnh: AP)
Trong khi Nga, Trung Quốc đều có quyền phủ quyết ở Hội đồng, sẽ rất gian nan cho Mỹ trong nỗ lực thông qua gói cấm vận mới "đủ mạnh" để gây sức ép lên Triều Tiên.
Theo nhà nghiên cứu thuộc Viện Sejong Hàn Quốc Hong Hyun Ik, "Mục tiêu hiện nay của Bình Nhưỡng là vừa muốn sở hữu vũ khí hạt nhân vừa đối thoại với Mỹ; biến Hàn Quốc trở thành 'con tin' trong cuộc đối thoại của Triều Tiên, và nắm chặt vũ khí hạt nhân trong tay, đề phòng những sự trả đũa quân sự của Mỹ."
Vì vậy, trong chừng mực nào đó, Triều Tiên muốn bỏ qua Hàn Quốc, tiến hành đối thoại trực tiếp với Mỹ.
Viện trưởng Viện quốc tế thuộc Đại học Seoul, Hàn Quốc, ông Park Cheol Hee nhận định "chính quyền Triều Tiên đang bị đe dọa, họ cần phải có sự đảm bảo an toàn từ phía Mỹ".
"Nếu Mỹ và Triều Tiên đạt được thỏa thuận về việc Mỹ rút lực lượng khỏi Hàn Quốc hay giải trừ quan hệ đồng minh, thì Hàn Quốc sẽ rơi vào tình thế hiểm nghèo," ông Park lo ngại.
Soha.vn
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét