Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Tản mạn văn hóa văn nghệ và … văn gừng


Tài năng sáng tác và ứng tác “tuyệt chiêu” của những người vô danh
Nguyễn Thanh Văn

Trên dưới 30 năm rồi từ cái buổi dẫn tới câu chuyện ngồ ngộ chia sẻ với các bạn hôm nay xảy ra trong một quán rượu nhỏ ở Biên Hòa. Kể cũng xa xôi thiệt, đến độ không rõ người chung bàn, chung chuyện có nhớ cho chăng – lỡ người ta lên tiếng phủ nhận thì quê phải biết. Bàn thịt cầy – thưa thiệt trước, riêng người viết đã bỏ hẳn cả cầy lẫn rượu mười lăm năm hơn rồi – chỉ có ba mạng: Cao Xuân Sơn, Võ Đắc Danh và tôi. Dạo đó Sơn và tôi cùng bỏ nghề dạy học qua biên chế Hội Văn nghệ Đồng Nai – Sơn giữ trang Thơ, tôi trang Nghiên cứu Phê bình. Danh (một nhà báo xông xáo, có tên tuổi, rất tiếc từ lâu tôi không gặp) làm báo, từ miền Tây lên chơi. Hôm đó qua Sơn, tôi và Danh gặp nhau lần đầu, nhưng chỉ nửa chén rượu là biết nói chuyện được, thú vị là khác. Đều là “hảo hán” cả – đấy là chúng tôi tán nhau như vậy – và còn trẻ (Sơn chưa tới hăm lăm, có lẽ Danh hơn Sơn ít tuổi và tôi vừa quá ba mươi) nên khỏi nói, rượu và lời tràn ra không đo không đếm được. Riêng chi tiết ba đứa ba miền, Sơn Bắc Kỳ, tôi Trung Kỳ và Danh Nam Kỳ (cố tình dùng địa danh thời Nguyễn Bính cho thêm hương vị) đã thừa cảm khái.
Vì sao Sơn đọc bài ca dao nổi tiếng xuất xứ đâu đó từ một vùng đồi quê Bắc xa xôi của chàng ta, tôi không nhớ. Trong ba tác phẩm dân gian “dự thi” mà tôi sẽ chép đủ cho các bạn cùng thưởng thức sau đây, chỉ có tiết mục của Sơn đã được lưu giữ trong các công trình sưu tầm văn học dân gian, gẫm mà tiếc cho hai siêu phẩm của quê hương của hai gã còn lại. Chi tiết còn nhớ là trước khi đọc, Sơn nhắc Nguyễn Đình Thi rất thích bài ca dao này, đi đâu cũng đọc và khen nức nở. Giọng người đọc khào khào vì rượu nhưng đủ cảm xúc, nhấn nhá – nguyên giáo viên Văn kia mà!
Đêm qua lên núi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em van mà nó chẳng tha
Nó đè nó đút cái mả cha nó vào
Tuyệt! Không rõ ở đất nước Phù Tang của thơ Haiku, quê hương Thiên Trúc của Tagore hay xứ sở Nga La Tư sinh ra được thiên tài Puskin có sản xuất nổi một kì quan cỡ đó không! Không – cả ba thi hữu An Nam của Puskin và Tagore đồng trả lời. Chao ơi, đúng 31 từ mà bao quát cả thiên nhiên – đêm trăng, đồi núi –, nhân vật thì hạn chế tối đa: nạn nhân và thằng phải gió, cùng một loạt động từ phải nói là dồn dập “hái”, “van” rồi “đè” và cả “đút” nữa chứ. Tội nghiệp, đến hai nhà văn và một nhà báo nhiệt tình hợp lực mà không giải quyết nổi làm thế nào để chuyển qua tiếng nước ngoài tiếng “mả cha” đầy hình ảnh và trọng lượng, vừa diễn tả được cái khó xử và hậm hực trong tiếng chửi của nạn nhân. Tôi không nhớ ai trong ba thằng tôi gợi ý cần sự hỗ trợ bằng hình ảnh minh họa của một họa sĩ, mà phải cỡ Thành Chương hay Tạ Tỵ mới được. Chợt có giọng lạc hẳn, bác ngay “nhưng hai vị nhớ cho nếu họa sĩ vẽ đúng cái hình ảnh “mả cha” trong đầu nạn nhân thì có nước chết – thử hỏi với thứ mả mồ kiểu đó thì bạn bè nước ngoài người ta đánh giá tập quán, phong tục Việt Nam ta ra cái thể thống gì!”.
Khỏi dài dòng thêm quý vị có thể đoán ra khi người ta còn trẻ và lại đang có những đánh giá về văn tài bản thân quả cao hơn thực tế thì có lý thuyết, trường phái nào mà chả công bố, huống hồ hội trường là một quán rượu bên đường. Chút tiết lạnh và ít mưa bụi mà đất phương Nam thiếu thì tưởng tượng ra mấy hồi – khác với lẩu cầy và rựa mận, ai chẳng biết món trầm tư và tưởng tượng vốn là thứ miễn phí, sẵn ở bếp nhà của đám văn sĩ. Thế là anh thì chợt có giọng cảm thương cho người bị đè ngoài kế hoạch, anh lưu ý những hành động phòng the – trong bối cảnh thằng phải gió hành sự, từ “phòng the” tất nhiên hoàn toàn không phù hợp – trong tiếng mẹ đẻ đều có âm “đờ” mạnh mẽ, dứt khoát như “đéo”, “địt”, “đụ” không khỏi gợi tới những “đâm”, “đánh”, “đập”, “đạp” – chưa tính “đè” và “đút” sẵn trong bài ca dao đang nhắc. Theo trí nhớ của tôi, có cả ý kiến khá độc đáo rằng dẫu sao bên cạnh công lao người sưu tầm tác phẩm dân gian, phải kể công tính khí bộc bạch, quyết tâm tố cáo gã “biến thái” – theo cách nói của một số nhà báo hiện đại – của cô gái Bắc Kỳ, bởi nếu chuyện xảy ra ở Hồ Tịnh Tâm hay bờ thành Đại Nội liên quan một tiểu thư Huế suốt một đời chỉ canh cánh lo bị “mang tiếng” cầm chắc là mất cả dấu lẫn vết. Đẩy vấn đề xa hơn, chúng tôi đồng ý cũng không thể xóa “công lao” của chính thằng phải gió, nếu không có hành động phải nói là tối mất dạy của hắn thì liệu văn chương Việt có lưu được một áng văn chương có một không hai này hay không? Đang làm cái trang chuyên bàn những viết gì, viết cho ai, rồi những câu hỏi ai, cái gì, khi nào, ở những đâu, với ai …tôi phân tích bài ca dao như một mẫu mực minh họa cho văn chương súc tích đến dường nào: Khi nào? (Hôm qua)/ Ở đâu? (Lên núi)/ Làm gì? (Hái chè)/ Xảy ra chuyện gì? (Gặp thằng phải gió)/ Cao trào? (Đè và đút) …
Sau màn biểu diễn xuất sắc của người Bắc Kỳ, người viết không rõ vì sao bỗng có màn “dự thi” ba miền ba tiết mục mà phải là tiết mục dân gian và đề tài phải “hot” mới được. Thật tình “hot” là từ tôi mới lén đưa vào, ngày đó chưa phổ biến ở xứ mình, lý do tôi không đồng ý cách gọi từ “tục” hay “thô” trong văn chương. Đã gọi là nghệ thuật cốt hay, từ ngữ hợp ngữ cảnh, không thiết chi từ văn hoa hay bình dân. Mượn ý một chuyện hài nhiều người còn nhớ, nếu nhân viên y tế hỏi một quý bà rằng “Bà đi khám lồn phải không ạ?” thì từ “ạ” dễ thương, lịch sự quyết không cứu vãn được cái danh từ duy nhất dùng có phần bất nhã trong câu. Ngược lại, hai bà – hoặc một bà, một ông – đang uýnh lộn mà có tiếng đàn bà rít lên “Tiên sư nhà mày, mày đánh vỡ cái phụ khoa nhà bà mất rồi!” thì đến người nhà đang xông vào tiếp viện cũng phải phì cười. Từ ngữ không làm nên tích sự gì khi nằm ngoài văn cảnh. Không thiếu dịp tôi đọc một tác phẩm chứa toàn từ ngữ diễm lệ trong Từ điển Hán - Việt của cụ Đào Duy Anh mà phải bỏ đi ngủ vì không có từ tục mà vẫn thấy (dung) tục quá. Cái sự văn chương nó phiền phức thế đấy.
Tạm cho là do quyết tâm giữ uy tín Trung Kỳ cũng được, hoặc do tôi bỗng nhớ câu chuyện thú vị – một màn hò vè – mà ngẫu nhiên chi lạ, từng xảy ra ngay tại làng nội tôi (Hà Trữ, xã Vinh Thái) nên quyết đăng ký “dự thi”.
Nào, mời các bạn cùng nghe cùng với hai bạn rượu của tôi ngày đó – có chi “khí không phải” người kể xin lỗi trước.
Chuyện phải xưa lắm rồi, tác giả câu hò sáng tác lúc ở độ tuổi 17, 18 nhưng khi tôi đi xa quay về gặp lại nhân vật của chúng ta, chừng mươi năm hơn sau 75, bà đã gần đất xa trời, tóc trắng phau. Bà là vợ một người bác họ của tôi tên Can, chúng tôi vẫn gọi bác là “Bác Can Gái”. Chuyện xảy khi bác còn là một cô thôn nữ đẹp người, khỏe mạnh, lại nổi tiếng về tài hò vè, ứng đối (Hà Trữ, quê nội tôi, vốn được cánh văn nghệ dân gian địa phương ghi nhận là vùng mạnh về hò vè) nên khi kể chuyện tôi sẽ gọi bằng o (cô).
Bối cảnh là cánh đồng quê đang mùa gặt đầy người, nhưng không phải ai cũng là thợ gặt. Giữa ít bạn gái cùng trang lứa và tụi con nít rặt, o Can (nói cho chính xác, nếu lúc đó o chưa lấy bác Can của tôi thì phải gọi bằng tên thời con gái mới hợp lý) đang lui cui làm cái việc của người nghèo hay bất cứ thôn dân mô lúc nhàn rỗi gọi là “mót” lúa. Đám đông bỗng ồ lên, số người đang mót lúa tản ra. Thì ra ông chủ ruộng xuất hiện, tay gậy, tay roi (xin giải thích roi không có mục đích đánh ai, mà chỉ có mục đích avoir l’air, đại khái như cái oai của cái ba toong), sau lưng có người nhà xách lồng cơm, dù và rổ rá lỉnh kỉnh. Ở tận trên Dinh (tên người quê tôi gọi Huế) ít về thăm ruộng, chắc cụ đang trực tiếp đôn đốc vụ thu hoạch hàng năm và ủy lạo tá điền. Thực tế cụ cũng là chỗ bà con của một số hộ trong làng và trong đám gặt thuê, mót lúa không thiếu người là con cháu. Họ e ngại gặp bậc bề trên hơn là sợ đụng đầu “địa chủ”. Riêng o Can đang say sưa tiếp tục… mót lúa nên một phen giật mình nghe tiếng cụ Bộ Bàn – tên ông chủ đất – gọi giật giọng:
– Con mô ăn cắp lúa của tau rứa tề… A, con mẹ Can phải khôn (không)? Chà ch …nè, nghe nói mi đối đáp hò vè có tiếng thì phải. Tới gần đây, nghe tau (tao) nói đây. Mi giỏi tau ra cái đề hay lắm mà hò, nghe lọt tai tau cho nguyên gánh lúa mà gánh về. Không xong – cụ Bộ vung cây roi trước mặt – tau đập (đánh).
Cả đám thợ gặt lẫn cánh mót lúa dồn lại quanh o Can mặt mày đang tái mét, người chợt cười ré lên, người níu tay, giục o nhận lời. O thôn nữ hoạt bát có tiếng, giờ tay cặp nón, lí nhí chi đó, đầu lắc lia lịa. Cụ Bộ lại hất cằm, tay nhịp roi, lần này không thèm nói nửa tiếng. Tiếng bà con láo nháo hẳn lên:
– Nhanh cả bác Bộ giận chừ [bây giờ]! Hò mà kiếm gánh lúa vác về nhà, khỏe khôn!
– Mần [làm] liền đi …Cụ giận cụ đuổi cả đám mềnh (mình), mất ăn hè!
Bất ngờ, o Can ngẩng mặt lên, cũng lí nhí chi đó, và có người to mồm thông dịch ngay:
– O Can chịu rồi, bác Bộ nì (này) …Mời bà con nhà mềnh im miệng cho hè!
Đang om sòm, đám đông im phắt ngay, người dòm (nhìn) o Cam với vẻ vừa lo lắng vừa cảm kích – rõ ràng mấy tiếng “đuổi cả đám” và “mất ăn” làm cô gái trẻ động lòng –, người bồn chồn liếc cụ Bộ, miệng há hốc khác chi cảnh cha mẹ đang đứng ngoài phòng thi, nôn nóng đợi con.
Có thể đoán được người duy nhất làm chủ được tình hình là cụ chánh chủ khảo Bộ Bàng. Ông vuốt râu, mím môi và khi thấy cảnh bà con giãn ra, “nữ thí sinh” dợm một bước, nghiêng đầu khẽ chào, ông biết chắc hắn đã ưng thuận, liền mỉm cười bí mật.
– Nè, con Can, chuẩn bị hò đi! Nghe kỹ cái đề tau sắp ra đây – cụ lật ngược đầu roi đập mấy cái ngay giữa đũng quần mình – và tuyên đọc đề: CON CẶC TAU ĐÂY NÈ!
Cả đám đông, vừa được bổ sung hàng chục khán thính giả từ làng trong túa ra ủng hộ gà nhà, ồ ra cười giòn giã vì cái đề không giống ai. Chắc có người hồ nghi cụ Bộ chỉ cốt chơi khăm con cháu. Có người ngờ o Cam “bốc” cái đề quá căng, khéo bỏng tay.
Nhưng tất cả đều nhầm. Cả hai – chủ khảo và thí sinh – đều thực sự nghiêm túc. Giữa chốn đồng mông mênh và từ giữa đám nông dân im thin thít, chợt vang lên tiếng hò lảnh lót, khi phân giải, kể lể, khi vút cao, quyết liệt của người con gái làng Hà.
Hò ơ …ơ …ớ …ớ … cháu không hò thì bác cho cháu dại
Cháu hò đáp lại thì lộng ngữ với loạn ngôn
(Chứ) thưa thiệt với bác, bác có con cặc của bác đó
(thì) cháu cũng có cái lồn của cháu đây …hờ …ơ ...ơ ...hơ ...hơ …
Theo lời các vị tiền bối – trong đó có vị ngày đó còn ở độ tuổi … mót lúa – kể lại và tôi là một trong những người hóng chuyện, mặc khán thính giả ồ lên ủng hộ có, khoái chí có, ngầm gây áp lực có, ông chủ đất kiêm chánh chủ khảo vẫn đứng im, mắt nhắm lại từ lúc có tiếng “hò ơ” đầu tiên cho tới mấy phút liền sau tiếng “hơ hơ” sau cùng. Rồi tất nhiên cụ chủ đất cũng phải từ từ mở mắt ra và từ tốn phán:
– Giỏi! Bây lấy một gánh lúa thưởng cho con mẹ Can …thiệt đầy đặn cho tau!
Quay lại bàn rượu của ba anh em. Không chủ quan, tôi chứng kiến cảnh Sơn và Danh hô hố cười, hứng thú ra mặt. Hai chàng nhận xét hiếm khi có chuyện tận mặt gặp được tác giả một tác phẩm dân gian. Càng ngạc nhiên khi tôi xác nhận đương sự không biết cả mặt chữ i tờ – bản thân tôi khi còn trường làng nhiều dịp được các bác các o mù chữ xách đèn bão rước về nhà, nhờ viết thư giúp. Dù còn bé tí tôi còn nhớ câu mở đầu phải là “Mạ viết thư ni thăm con, mong con được hai chữ bình an là mạ mờng (mừng) hơn chi cả”. Chuyện về khả năng ứng tác của người dân mù chữ hóa ra có thật. Trường hợp bác tôi – o Can trong câu chuyện – chứng tỏ người bình dân nhà quê biết vận dụng cả ít vốn liếng Hán Việt kiểu “lộng ngữ loạn ngôn” – hẳn là qua giao tiếp, thậm chí có khi nhờ nghe lõm – đúng văn cảnh và nhuần nhuyễn không chê được, thưa gửi phải phép, đối đáp đích đáng khi cần, và đến một o thôn nữ thường ngày kín đáo, rụt rè, dễ “ốt dột” (mắc cỡ), nhưng khi có thách đố, buộc phải tự vệ cũng sẵn sàng ra đòn với vũ khí hiệu quả tương đương vũ khí của địch thủ, không chút thua kém.
Xin nói thêm tí chút chuyện gieo vần. Khi mới tập tành thơ phú, tôi có rất nhiều thầy và cố vấn miễn phí – Huế là vương quốc thơ kia mà. Có một cố vấn căn dặn: trong thơ kị nhất là gieo vần “ồn”, “ôn”. Đừng ham những “hồn”, “cồn”, “tồn”, “môn”, …ở cuối câu sáu và vị trí của từ thứ sáu trong câu tám mà kẹt cứng không làm thơ tiếp được. Lại chớ bắt chước các danh sĩ đây đó dùng những “lưu tồn”, “tồn lưu”, hay tên địa điểm như “cồn Linh”, “cồn Lam” … Lý do bạn đọc hẳn đã đoán ra. Đã đành câu hò đối đáp không dùng thể lục bát, nhưng hễ có điệp vận, có gieo vần thì lời bậc cố vấn chớ nên quên. Vậy cái gì xảy ra với nhân vật của chúng ta?
Người đối đáp đã sơ ý sử dụng chữ “ngôn” (trong lộng ngữ loạn ngôn) với vần “cấm” – theo ý vị cố vấn thi ca của tôi – để dẫn tới sự xuất hiện của chữ “lồn” ở câu hò sau? Tất nhiên là không. Ngược lại, có thể nhận ra từ cấm kị này phải hiện ra trước trong trí người hò như một vũ khí chiến lược để đối đầu hiệu quả với quả bom “cặc” ông chủ đất nỡ lòng cho nổ trước, một dạng tên lửa đối không báo chí hay đề cập. Mặt khác, vũ khí siêu đặc biệt này đã làm nhiệm vụ tạo cao trào nghệ thuật, thiếu sự đốp chát này sức mạnh sẽ nghiêng hẳn về thế lực sở hữu bom C. Thậm chí sự kiện sử dụng bom L – loại bom mà lịch sử chứng minh có sức công phá khủng khiếp hơn xa, so với bom H – trong thế chẳng đặng đừng không bị dư luận thế giới kết luận là hiếu chiến được. Chuyện đã rõ mười mươi: vì vũ khí quyết phải sử dụng có vần “ồn” nên một từ hợp vận phải được tung ra trước đó thôi – chúng ta không thể không bái phục kỹ năng làm thơ/ gieo vần nhạy cảm đến thế của một người mù chữ, hơn nữa là một người phụ nữ, mà phải làm nghệ thuật trong tình hình tế nhị dường ấy. Từ “ngôn” làm nhiệm vụ mang vần “ôn” này dợm trước từ quan trọng hiệp vận đi sau rõ ràng tạo hiệu quả trên mức mong muốn của Tổng Hành Dinh chiến dịch. Do người thưởng ngoạn và có lẽ cả vị chánh chủ khảo khó đoán trước nên nhiệm vụ của từ “ngôn” phải nói mang tính cách của một điệp vụ. Tưởng không phải cốt màu mè khi khen từ “ngôn” nằm trong cụm từ sang trọng “lộng ngữ loạn ngôn”, đâu chỉ có phần sự ôm theo cái vần “ôn”, “ồn” quá tế nhị theo sau, mà còn giúp giải quyết tốt cả nhiệm vụ văn chương. Tinh tế mà nói, từ “lộng ngữ loạn ngôn” có phong vị bác học đột ngột chuyển qua “lồn” mạnh trên cả chuẩn dân dã, thiệt khác nào ngắm xen thoát y của một cỡ phu nhân, kiều nữ, mà mới một giây trước đó còn nền nã, sang cả trong bộ nhung y quý phái. “Phê” quá đi chứ!
Nghệ thuật ứng tác như thế, không nghi ngờ gì nữa, vào cỡ siêu đẳng. Và cũng như người đồng bào Bắc Kỳ trong bài ca dao, giọng điệu cả hai vẫn đượm nữ tính mà cùng đáo để, đốp chát, mỗi người mỗi phách. Lại đúng tình huống, tùy đối tượng: O gái Huế trực diện câu thách đố mà gai góc là người thách đố lại là người bề trên muốn nắn gân người trẻ, không phải vì ác ý, nếu không nói là ngược lại. Hoàn toàn khác với tên phải gió với mục đích đê hèn, đánh nhanh, rút nhanh – hay suồng sã hơn: đút nhanh, rút nhanh như ý trong bài ca dao – không có ý định tán tỉnh, đàm thoại gì ráo. Nên chi câu trả lời của o Huế có phần rào đón, đúng mực, thêm tí mắm muối “lộng ngữ loạn ngôn” để mềm hóa cái ý hoàn toàn lô gích, nhưng không phải không đanh đá “bác có …thì cháu cũng có …” để có kết cục là bậc huynh trưởng quả đã lặng người mấy phút vì đòn độc khá bất ngờ của hậu bối, nhưng trong cái phần thưởng đúng tinh thần mã thượng sau đó phảng phất chút tình liên tài của người có hiểu và yêu nghệ thuật.
So với câu hò miền Trung, lời ca dao miền Bắc về bản chất là câu chửi của cô gái xứ đồi dành cho tên phải gió. Có thể nhận ra trước khi kể lể cho ai đó, rồi sôi gan lên, không kềm chế mà cất tiếng chửi, cô em vùng đồi hẳn đã chửi te tát vào mặt tên xã hội đen miền quê ngay tại hiện trường. Trong những phim hành động, dạng nhân vật chuyên ra những thế đòn cực nhanh như “đè”, “đút” thường rất kiệm lời và phong cách bất cần, dày mặt, “làm nhiều hơn nói” này rõ ràng càng gây ức chế cho nạn nhân hẳn không phải mẫu ít nói – việc không ngừng van xin inh ỏi lên khi bị tấn công là phản ứng tất nhiên, nhưng việc sáng ra vừa bảnh mắt đã bô bô kể chuyện với hàng xóm vừa hậm hực chửi cả mả cha nhà nó ngay là bằng chứng. Cái nghịch lý thiên tài ở đây là nhân vật nạn nhân bộc bạch đến thế, tình huống bức xúc có chửi cả nội ngoại thằng phải gió cũng không oan, mà sự thực đã chửi toáng lên rồi, thứ tự chi tiết, sự cố chặt chẽ – một bản khai tóm tắt trình báo công an không thể ngắn gọn hơn – mà tất cả gói ghém chỉ trong 31 từ.
Chi tiết thiếu trong bài có màu sắc tường thuật của cô gái là nhân dạng tên mất dạy. Đêm cô gái lên đồi phải là một đêm trăng. Đêm tối lù mù không ngăn gã côn đồ miền quê hành sự, nhưng để hái chè thì e không đủ ánh sáng. Thế nhưng đêm trăng mà cô gái không rõ nhân dạng tên mất dạy thì nghe không ổn – thực tế, cô gái trong ca dao tỏ ra là một người thông minh, mạnh mẽ, khi ôn lại sự cố không may, cô nhớ chi tiết, không khóc lóc mà chỉ chửi, mạnh mẽ tới độ oang oang cả nguồn cơn tức tối, ngỡ như cô đợi trời tỏ một chút là xăm xăm tìm tới công an trần tình. Vậy kết luận là tên phải gió đã tấn công nạn nhân vào thời điểm trăng lu (do bị mây che!), thời điểm cô gái không thể thấy rõ mặt đại hung thủ. Nếu có phản biện rằng thời gian trăng lu không đủ dài cho hắn hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt thì sự ngắn ngủi đó giải thích được vì sao hắn chọn tốc độ và chiến thuật thích hợp là đánh nhanh rút gọn qua lời kể của chính nạn nhân. Quả là tay kinh nghiệm có thừa, và nhìn ở góc độ tâm lý tội phạm, đây quyết không phải là vụ “đè và đút” lần đầu hay lần cuối của hắn, công an địa phương chớ nên rời mắt! Một lần nữa, bên dưới vỏn vẹn 30, 31 từ thật ra là cả một cuốn phim xã hội hình sự, cốt truyện súc tích tới mức tối đa, xin có lời nhắn các cây viết truyện ngắn, các nhà tiểu thuyết lẫn các nhà bình văn, lý luận chớ vội xem thường.
Tôi tin các bạn biết cách nói “dự thi” ở trên chỉ là cách nói vui giữa bạn bè. Với hai mục các bạn vừa nghe, trong tư cách đồng giám khảo (kiêm thí sinh), tôi thầm cho mỗi mục một con số 10, lòng không chút thiên vị. Nhưng trên thực tế chúng tôi có bầu tiết mục giải vàng thật. Các bạn có tò mò muốn biết ngay là tiết mục nào không?
Thưa các bạn chính là mẩu hò đối đáp mà anh bạn miền Tây kể và các bạn sắp được nghe đây. Nói chính xác Võ Đắc Danh chỉ ngồi cười khà khà khi cả Sơn và tôi cùng dồn phiếu cho Nam Kỳ Quốc. Không dồn phiếu, khi đọc xong có khi các bạn lại trách. Dồn phiếu cho cặp đôi vô danh, vô ảnh quê xứ miền Tây, thân và hồn nay về đâu chỉ âm ba còn lại, mà màn “sáng tạo” đột xuất ngỡ chỉ để mua vui rồi vui thiệt, mà dư âm ngậm ngùi kèm theo cũng thiệt đúng ngậm ngùi…
Ôi, những con sông quê miền Tây! Những con sông khi lặng lờ, khi sôi sục đã âm thầm nuôi bao thế hệ thủy chung hai bờ, vừa mở rộng lòng cho những người xa xứ lạc loài tới đây. Nước từ những sông mẹ đổ sữa vào con kênh, con rạch chia sẻ con cá, con mú, làm phương tiện sống cho cả những kiếp đời còn mãi lênh đênh, tạm bợ. Khúc cải lương não nề, điệu phương Nam thiết tha, sáu câu vọng cổ xoáy sâu, nẫu lòng người phiêu bạc sinh ra ở đây, ấp ủ từ đất này, quê xứ này, nằm trong con nước vẫn đi về này. Người phương Nam nửa khuya trở giấc không chợp mắt lại nổi, nghe vọng từ rạch gần, sông xa tiếng ai, nỗi lòng ai như chính tiếng lòng mình. Hai tuyến hai bờ người xuôi kẻ ngược, mênh mang sông nước không rõ mặt nhau. Duyên chưa tới, người trong mơ cứ mãi là người trong mộng thì trải lòng qua điệu hò câu ca, có mà không, không mà như có. Vui có, rầu có, thanh có, tục có, tinh nghịch có, mắng mỏ nhau cũng có. Tiếc thay, tiếng hò vừa rụng xuống lòng sông một sớm sương mơ có khi là hạt ngọc, câu ca gió vừa cuốn đi trong chiều bảng lảng biết đâu là của báu trời cho. Ai là bậc nghệ nhân có công nhặt nhạnh hạt ngọc và bụi vàng này trong một khuya mất ngủ chỏng tai nghe ai ngoài sông xa đối đáp cùng ai! Chỉ biết giờ chép lại thầm ghi công một gã mang tên Võ Đắc Danh đã rót vào tai kẻ hèn này hai câu hò “tuyệt chiêu” để rồi bản thân tuyệt luôn tâm thế xem thường những quê xứ xa cách Trường An, ôm thứ kết luận hãnh tiến rằng nơi biên địa (một thời) không có Kinh Thi, và bọn ngư tiều quyết không có tầm cao sĩ.
Nhân đây có thêm lời rằng cái ý thích ca hát, ghẹo nhau – nói riêng giữa trai gái – có khi phải có lịch sử từ thời vượn người, cứ quan sát mặt mũi và sinh hoạt của loài khỉ là rõ. Việc sưu tầm dân ca, hò vè tận cả thời cổ đại cho thấy nội dung tình yêu với mọi cung bậc buồn vui hỉ nộ, tiếc nuối …hóa ra chiếm khối lượng lớn. Đến Kinh Thi mà cụ Khổng không tiếc lời ca ngợi thiếu chi màn nhớ nhung, tán tỉnh.
Cũng nán một phút mà nhắc rằng dẫu thế gian chung cục chừng đó hoạt động nhân sinh, trong đó có các xen tình ái rườm rà ướt át, nhưng phong thổ mỗi nơi ắt mỗi khác thì từ thi ca cho tới lối trai gái ướm lời, khêu gợi nhau cũng phải đa dạng. Biết tỏng thế mà đố ai, dẫu đông tây kim cổ, có được câu hò “ve trai”, nghĩa là xuất phát từ phía nữ lưu, chủ động mà táo bạo của cô gái trên chiếc ghe miền sông nước phương Nam như sau đây. Nữ quyền ư? – Chưa là cái đinh gì. Hồ Xuân Hương ư? – Xin thưa, xem nhẹ. MIỄN SO SÁNH. Cứ thế mà giật lá cờ đầu. Và nhớ cho lần nữa, người dọ ý, mở lời và thực sự tán tỉnh công khai – không phải thưa lại, không phải đáp lời, nam trước nữ sau như thông tục – là giống cái 100%.
NỮ (khơi):
Gió nam non thổi lòn Hang Cóc
Phận em nghèo mồng đóc khô rang
NAM (ứng):
Đĩa bằng lăng con tôm càng dựng đứng
Phận anh nghèo cặc nứng nửa con
Tiếc quá, do không rành rẽ lối hò của người miền Nam mà chua thêm ít “hơ …ơ …ơ…” hay “è ...è ...hè …” đúng chỗ cho ướt át, vừa để mấy từ – rơi vào tay các cụ đồ có bằng thám hoa hay phó bảng e lại biến thành những “âm hộ”, “dương vật” lãng nhách – đắc địa nhất dễ lọt tai hơn, và để người nghe cùng nhớ tiếng hò đang được cất lên trên mênh mang sông nước. So với con số 31 và 39 chữ của hai tiết mục diễn trước, con số cả hai câu hò là 29.
Bình thế nào đây trời …cổ kim có thứ giao duyên, tán tỉnh nào kinh khủng hơn nữa không!
Ngày đó, Cao Xuân Sơn lặp lui lặp tới “Siêu thực! Siêu thực!” rồi chàng ta – xin lỗi trước bạn đọc nào còn giữ thói đạo đức giả, còn tập khí dè bĩu tiếng nói còn thơm thảo mùi sông nước nguyên thủy của nhân loại – oang oang bình tiếp “mồng đóc khô rang tưởng đã quá lời, đã cám cảnh …nghèo tới nổi cặc chỉ cứng nửa con thì ...thì ...siêu thực mà thương quá!”. Cũng Sơn – do nghề biên tập thơ (hiện nay Sơn là trưởng chi nhánh NXB Kim Đồng) – hào hứng như mới phát hiện một bản thảo xuất sắc của một cây viết còn vô danh, xin thề với các bạn, mắt bỗng rươm rướm ngoài dự kiến, tiếp tục lảm nhảm “cặc mà cứng nửa con đéo thế nào được …nhỉ!”. Do không ai giải thích, chàng lại tiếp tục “Siêu thực! Siêu thực!”.
Mà đúng hiệu ứng siêu thực thiệt. Không phải các bố các u hậu hiện đại, hay ngược về những dã thú, tượng trưng, dada hay xiêu-viêu-hiện-thực đầu thế kỷ trước mà sự đóng góp hình tượng đắt giá, sức nặng trần trụi, bộc phát có độ “sát thương” tương đương hàng độc của Kim jong-un thỉnh thoảng giới thiệu với thế giới phải là đây nè ...nè ... Ai chuyển kịp những “mồng đóc khô rang”, “cặc nứng nửa con” ra sân khấu thế giới để những người anh em chị em bất kể màu da hoặc phiêu dạt bên lề văn minh ngay trên quê hương mình, hoặc đang là thân phận bị ruồng bỏ trên xứ người có thêm vài cách diễn tả cực “phê” nỗi đau của mình và có câu “uống nước nhớ nguồn”, xin chớ quên nguồn gốc Annam của nó.Và phải chăng đây chính là cái nghèo “vô hậu kế đợi” quyết không bị đụng hàng có mác Việt 100%. Thử hỏi các chuyên gia phân tâm học quốc tế đã từng nghiên cứu hiện tượng “khô rang” và “nửa con” tột cùng của sự bi đát này hay chưa? Các nhà chính trị mồm lãi nhãi thắng lợi kinh tế liên tục, ca ngợi hiệu quả giấc mơ toàn cầu hóa hay các ngũ niên đầy hồ hởi có chịu nghiêng mình nghe tiếng “tân thanh” này hay để mặc gió cuốn đi. Hai câu hò “vô-hậu-hiện-đại” hoàn toàn xứng đáng đặt ngang với “chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa” (Nguyễn Du) và “Tao muốn sống lương thiện mà chúng nó không cho tao sống lương thiện” (Nam Cao) trong đền văn chương nghệ thuật Việt như những tiếng than xé mây thăng lên, đâm thẳng mặt trời cao vô cảm.
Lời bình có to tát quá không. Rút kinh nghiệm vậy. Quay về với sông nước, với lối giao tình tinh nghịch mà không thiếu thiệt tình, bộc bạch. Ghe đi đường ghe, thuyền trôi đàng thuyền mang theo những món lỉnh kỉnh trời ban mà không có chỗ dùng, thậm chí đang có nguy cơ hỏng hóc …Cũng chỉ nghểnh cổ hò chơi, nhưng nếu có chút hơi hướm nghiêm túc thì đây đã phân giải cả rồi. SẠCH SÀNH SANH. Khoảng cách, bóng đêm, nước trải mênh mang đồng lõa để ai đó tự do đẩy nữ quyền và nhân quyền lên đến tột cùng mà không lộ mặt. Và trên tất cả, chỉ văn nghệ thuần túy – nghệ thuật như một thủ pháp gây hiệu ứng thẩm mỹ và văn chương như một trò chơi chữ – sự thành công của tác phẩm hò bất hủ lại được thực hiện qua một trò đùa tán tỉnh, vô tư, thực tế vui là chính, và bằng những hình tượng và ngôn ngữ không thể nào “tục” (tĩu) hơn! Nghệ thuật lớn thường đi với khả năng kết hợp những yếu tố ngỡ như không kết hợp nổi, và hương vị “tục” (tĩu) đi được với ngậm ngùi, làn hơi “sỗ sàng” kết được với mùi thế sự – theo ý tôi – đã đưa hai kẻ vô danh, nghèo rớt mồng tơi trở thành những công chúa, hoàng tử trong ngôi đền mang tên Sáng Tạo. Có thêm thắc ý cuối thì thưa rằng yếu tố tục chẳng xa lạ gì với đồng bằng miền Trung, miền Bắc, nhưng chắc không ai phản đối, với hai câu hò 29 chữ, những người hành phương Nam và hậu bối của họ quả đã không quên di sản truyền thống quý giá của dân tộc nếu không nói đã góp thêm hương vị “sauvage” nguyên thủy độc đáo và hết ý. NO TABLE – à quên – NO COMMENT.
* Để thêm phần sinh động và thuyết phục xin thêm chi tiết sau. Một lần tôi được xem tập thơ của nhà thơ Từ Hoài Tấn ở nhà anh Nguyễn Tiến Văn, đọc thấy tác giả ghi nơi sinh chính là làng nội của tôi, lòng cảm động. Theo Nguyễn Tiến Văn, Từ Hoài Tấn kể chuyện bà cụ anh trên đường “chạy giặc”, tấp vào làng nội tôi và hạ sinh nhà thơ anh em của tôi. Một lần nhớ đời, tôi đang hò câu “Cháu không hò thì…” kể trên cho Từ Hoài Tấn nghe – hôm đó có cả Hậu, em ruột của Từ Hoài Tấn (tên thực của Từ Hoài Tấn là Hiền) – thì hai anh em cho biết nhân vật Bộ Bàng là có thực, người quê làng Chuồn (An Truyền). Cụ có đất đai ở làng nội tôi. Điều quan trọng là hai anh em biết rõ nhân vật này vì cụ Bộ Bàng là …ông ngoại của hai anh em! (Và hóa ra cụ là em ruột cụ Nghè Luận, thông gia với ông nội tôi). Khuôn mặt nhân vật thứ hai vậy đã được xác định. Kể cũng thú vị!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: