Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Nhà báo Quốc Phong TIẾT LỘ MỘT CHUYỆN CỦA NGUYỄN XUÂN ANH



Nhà báo Quốc Phong Chuyện bây giờ mới kể 

TIẾC CHO NGUYỄN XUÂN ANH, 
NGƯỜI TỪNG LÀ ĐỒNG NGHIỆP VỚI TÔI

Việc anh Nguyễn Xuân Anh, uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng vi phạm một loạt khuyết điểm và sẽ bị kỷ luật nặng đã khiến tôi vừa thất vọng và vừa buồn. Buồn vì dù sao anh ấy cũng từng là đồng nghiệp cùng với tôi tại báo Thanh niên ngày nào. Tôi tiếc là chính tôi cũng duy nhất một lần có nhắc vài dòng khen anh trong một bài viết về" Thái tử Đảng" nói chung . Bài này viết về nhiều người và chê là chính về một hiện tượng đáng quan ngại là con ông cháu cha được bồi dưỡng phát triển hơi quá, "nhảy cóc" không đúng mực khiến dân nhìn vào không hay cho Đảng ...(bạn có thể đọc bài này trên báo Motthegio.vn mà tôi sẽ dẫn ở cuối cái stt này ).

Câu chuyện mà tôi muốn kể lại sau đây cũng không nhớ chính xác là năm nào .nhưng nhiều khả năng là năm 2004 gì đó. Trong một kỳ họp Quốc hội, anh Mạnh Quân, phóng viên báo Thanh niên có ra hành lang toà nhà Quốc hội chào ông Nguyễn Văn Chi, khi đó là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và xin ông trả lời phỏng vấn một việc gì đó. 

Ông Chi lắc đầu nói với Mạnh Quân, nói rằng cháu thông cảm và "tha" cho chú, chú đang muốn tranh thủ giờ giải lao tập thể dục một chút cho đỡ căng ( lúc đó ông Chi đang đứng tập kiểu như vung tay mà người ta bây giờ hay tập , gọi là "dịch chân kinh " ) . Mà chú cũng có thằng con chạc tuổi cháu đang làm ở báo Thanh niên đó, cháu biết chứ ?

PV Mạnh Quân chắc cũng không để ý nên hỏi thêm thì ông bảo : Nó là Nguyễn Xuân Anh, Trưởng ban Quốc tế của báo đó. ..

Mạnh Quân hơi ngạc nhiên rồi bảo ông là thực sự hôm nay mới biết vì mình là phóng viên ở toà soạn Hà Nội, còn Xuân Anh thì ở trong Sài gòn nên chưa gặp nhau bao giờ.

Ông Chi vừa tập nhẹ vừa tâm sự với Mạnh Quân rằng, Xuân Anh đã về báo nhiều năm nay, lên đến chức Trưởng ban rồi mà không hiểu sao chú Nguyễn Công Khế (TBT) vẫn chưa kết nạp Đảng cho nó. Sao các chú ở báo Thanh niên khắt khe với nó vậy ?

Mạnh Quân chú thích: 
Viết nhầm 1 chút, thời điểm đó Xuân Anh mới chỉ là phóng viên, chưa là Trưởng ban. Chứ trưởng ban phải biết chứ. Sau khi vào Đảng thì mới lên phó ban, ròi trưởng ban...rồi rất nhanh, chuyển đi Đà Nẵng, bắt đầu chuỗi leo trèo qua đủ thứ chức vụ khác.

Khi về toà soạn, Mạnh Quân báo cáo tôi toàn bộ câu chuyện khiến này với tôi (lúc đó là Phó Tổng biên tập). Tôi cũng hơi bất ngờ vì dù sao đây cũng là chuyện tế nhị mà sao ông Chi lại không gọi điện thẳng cho anh Công Khế trao đổi mà lại thông qua một phóng viên không quen để bắn tin vòng vo ? 

Tôi vội báo cáo ngay toàn bộ sự việc với anh Công Khế . Anh ấy cười rồi phàn nàn có vẻ không bằng lòng rằng" kể cũng kỳ, sao ổng không hỏi thẳng tôi mà lại đi bắn tin qua người lạ là sao ? "

Thế rồi cũng khoảng 1 năm hoặc hơn chút gì đó, Xuân Anh được chi bộ toà soạn trong Sài gòn của báo chúng tôi kết nạp.

Tôi nghe nói, khi Xuân Anh chuẩn bị rời khỏi báo Thanh niên để về Đà Nẫng làm chính trị mà gia đình anh rất kỳ vọng , anh Công Khế đã khuyên chân tình ông Nguyễn Văn Chi nên cân nhắc, vì tính của Xuân Anh nếu cho làm báo và phát triển lên thì hợp hơn bởi cậu ấy sắc sảo tuy cũng chưa thật chín, lại nhanh nhẹn, thông minh và giỏi tiếng Anh. Hy vọng sẽ phát triển tốt. Làm chính trị làm gì cho mệt nó . Ông mà cho nó làm chính trị e không hợp với tính cách của nó ...- anh Khế tâm sự thật lòng vói cha của Xuân Anh .

Thật tiếc cho sự nghiệp chính trị ngỡ như được trải nhung của Xuân Anh trên cả chặng đường phía trước mà sao để ra nỗi này ! Âu cũng là một bài học cho các bậc cha mẹ về việc " hổ phụ" bồi dưỡng " hổ tử " ....

Sau đây là bài duy nhất tôi có nhắc, khen nhẹ đôi chút đến Xuân Anh. Đành rằng đây cũng không phải là bài khen về những người như anh ấy mà là cảnh báo cho Đảng ta về công tác cán bộ hiện nay nhưng xét cho nghiêm túc thì cũng thấy mình có lỗi với bạn đọc. Mong được lượng thứ ! 

Mời mọi người ghé đọc .

Người dân đang nghĩ gì về những 'Thái tử Đảng'
 
Đăng lúc: 17/06/2016 12:07 
trên Motthegioi.vn

Thuật ngữ "Thái tử Đảng" đã xuất hiện ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 nhưng được dùng nhiều hơn trong vài chục năm gần đây. Đó là những từ ám chỉ các trường hợp "con ông cháu cha" được nâng đỡ, bồi dưỡng và thăng chức nhanh đến chóng mặt vào bộ máy lãnh đạo các cơ quan công quyền hoặc những doanh nghiệp "khủng", "béo bở", "ngon ăn" của đất nước họ.

Còn ở Việt Nam, cho đến lúc này, hiện tượng trên cũng đã xuất hiện. Thực tế đã cho thấy cái hay thì cũng có nhưng rất ít, cái dở thì nhiều và để lại điều tiếng không hay cho chính cha, anh, người thân của họ, cho công tác tổ chức, nhân sự của bộ máy Đảng, chính quyền các cấp.

Trước hết, cũng phải nói rõ quan niệm của người viết bài về câu chuyện "Thái tử Đảng" ở Việt Nam: tôi không hề quá khắt khe trong cách nhìn về chuyện đào tạo, bồi dưỡng con em lãnh đạo kế thừa sự nghiệp của cha, anh mình. Để duy trì và bảo vệ chế độ, điều đó theo tôi không có gì bằng. Có điều, một khi cái gì quá mức, bất bình thường và có tính "gia đình chủ nghĩa" nặng thì có lẽ cũng nên xem lại mình và nên tự điều chỉnh. Như vậy sẽ tránh được điều tiếng không tốt trong dư luận về bộ máy Đảng và chính quyền hiện hành ở nước ta.

Trước đây, khi thông tin mạng chưa phát triển, chúng ta có thể dễ dàng ngăn chặn việc phản ánh chuyện này trên mặt báo chính thống. Khi ấy, người dân đâu có biết những chuyện "thâm cung bí sử" chốn hậu trường chính trị? Nay, mạng xã hội lan nhanh khủng khiếp, giấu sao nổi!

Một "công chúa" nọ mới ngoài đôi mươi, vừa ra trường và là con của một vị lãnh đạo Đảng. Cô vốn thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp do chuyên môn đào tạo hoàn toàn xa lạ với công việc. Nhưng cô lại được bổ nhiệm phó giám đốc một doanh nghiệp không hề nhỏ. Cô đã bị những người không ưa tại ngay nhiệm sở đưa hình lên mạng rồi bình phẩm. Chỉ sau vài giờ, nó đã trở thành tin "hot" chóng mặt với những hình ảnh phản cảm của cô "công chúa" nọ khi ra công trường mà đi guốc cao gót, mặc jupe, không hề mặc đồ bảo hộ lao động...

Tôi biết, chỉ vài bữa sau "sự kiện" tai hại từ bức hình đó, chính nhân vật này và cha cô đã chủ động xin rút lui khỏi vị trí mà cô vừa được bổ nhiệm trong sự đàm tiếu của xã hội. Song, tôi thấy vẫn còn mừng là ở chỗ dù sao thì người thân của cô gái rất xinh đẹp nọ cũng đã nhận ngay ra sai lầm và sửa chữa kịp thời. Nếu không thì không biết sẽ ra sao?

Cũng có trường hợp "Thái tử Đảng" khác mà tôi biết, năng lực thì cũng thường thường bậc trung nhưng được cái khiêm tốn, giản dị và mọi người quý mến. Anh được cất nhắc vào Trung ương. Nhưng rất tiếc, "chiếc áo" anh mặc nó quá rộng so với năng lực của mình. Anh đã nhạt nhoà trong cái cương vị quá cao ấy và chính môi trường công tác đã khiến anh không hoàn thành xuất sắc công việc được trao. Khi cha anh rời khỏi chính trường một nhiệm kỳ thì anh cũng không trụ được khoá tiếp theo nữa. Kể ra thì cũng khó trách ai được nếu không tự trách ta.

Chuyện mới đây về con trai của cựu Bộ trưởng Công thương cũng khiến mạng xã hội "dậy sóng" khi người ta được biết anh này khi mới có 25 tuổi đã làm tới chức Tổng giám đốc PVFI, chỉ sau 1 năm trúng tuyển công chức. Rồi mới 28 tuổi, sau mấy năm làm ăn bết bát, anh được phiên ngang "hàm vụ phó" để được cử tham gia HĐQT và bầu làm Phó tổng giám đốc TCT Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) theo một “quy trình” rất hoàn hảo. Một vị trí mà biết bao người tài năng, giỏi giang, có nhiều cống hiến trong bộ cũng không dám mơ đến ngay cả trong giấc ngủ.

Những ví dụ này rất nên xem là bài học sống động cần lưu ý, rút kinh nghiệm xương máu cho công tác cán bộ và cho chính các “thái tử" khác và gia đình họ hầu tránh tiếng để đời.

Song, cũng có những trường hợp Đảng chọn được cán bộ trẻ khá ổn. Tuy cũng thuộc diện "con ông cháu cha" và đương nhiên cũng có phần ưu ái nào đó nhưng thực tế đã cho thấy việc chọn lựa không sai. 

Tôi biết một người trẻ, vốn là Trưởng ban Quốc tế của một tờ báo (khi tôi còn làm Phó tổng biên tập tờ báo này), một nhà báo trẻ, có năng lực chuyên môn, được đào tạo bài bản. Thế rồi anh chuyển hướng, chọn con đường chính trị và lên dần từng nấc một. Có lúc tôi cũng hồi hộp dõi theo từng bước đi của một đồng nghiệp vốn cùng nhau sát cánh vì tờ báo mình yêu mến. Một người bạn ở thành phố ấy cho tôi biết, khi anh ấy về làm chủ tịch quận, cũng có nhiều ý kiến lắm và nghĩ cậu ta sẽ khó có thể làm tốt, nhất là thế hệ lãnh đạo cũ cùng chiến đấu với người cha của anh thời kháng chiến thì còn hoài nghi. Nhưng thực tế, anh đã làm tốt phần việc theo cái cách làm mới của lớp cán bộ trẻ được đào tạo căn cơ. 

Nay, anh lại ở cương vị đứng đầu một thành phố lớn, chắc sẽ khó khăn bội phần, nhất là ở nơi từng có cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm được nhân dân ghi nhận. Nhưng tôi vẫn kỳ vọng ở anh, một người trẻ có kiến thức và quan trọng là có khát vọng cống hiến. Và, nếu lớp trẻ ấy được tập thể lãnh đạo địa phương ủng hộ, sẻ chia, tôi nghĩ anh sẽ làm được...

Từ những suy nghĩ này, tôi cho rằng, bên cạnh việc tổ chức thi tuyển nghiêm túc, việc minh bạch trong tuyển dụng để có thể thu hút mọi người tài thì việc Đảng lựa chọn cán bộ nguồn từ lớp con em các nhà lãnh đạo cũng vẫn nên làm nếu như họ có thực tài, có khát vọng và nhiệt huyết. Họ chính là lớp người mới, họ sẽ có trách nhiệm bảo vệ thành quả mà cha ông họ đã bao năm gầy dựng từ xương máu mà nên sự nghiệp. Họ chính là lớp người mà Đảng có thể yên tâm giao phó. Tuy nhiên, nếu lớp con cháu này của các nhà lãnh đạo không giỏi thì không nên "nhồi... chức" cho họ nhanh như thế! Cha anh họ mà "dàn xếp" đặt chỗ, chỉ việc kiểu như thế thì khác gì làm hại họ cả đời bởi thế hệ cha anh họ đâu có thể lãnh đạo mãi mãi? Và đó là điều mà tôi muốn nêu trong bài viết này để cùng nhau thảo luận cho sáng tỏ.

Quốc Phong

Không có nhận xét nào: