Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. (Ảnh: Daily Star)
Triều Tiên đã đặt nhiều quốc gia vào tình thế khó xử. Tuy được thúc đẩy gánh thêm trách nhiệm, Trung Quốc vẫn chưa cho thấy chiến lược rõ rệt của mình trong khủng hoảng bán đảo.
Ngày 3/9 vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6 gây chấn động dư luận quốc tế. Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không chỉ là một trong những vấn đề nóng của khu vực Đông Bắc Á, mà còn là vấn đề phức tạp nhất trên trường quốc tế hiện nay.
"Bài toán khó" với Trung Quốc
Trung Quốc với vị thế là một cường quốc ở Đông Bắc Á, ngày càng khẳng định sức mạnh nước lớn của mình trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và trên thế giới, trong đó có vấn đề Triều Tiên.
Liên quan đến bán đảo Triều Tiên nói chung và vấn đề hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nói riêng, Trung Quốc là nước được cho là có vai trò quan trọng trong giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, một số rào cản đang khiến giải quyết vấn đề Triều Tiên là "bài toán khó" đối với Trung Quốc.
Thứ nhất, Trung Quốc "không muốn" giải quyết triệt để vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, bởi về vị trí địa chiến lược, Triều Tiên đóng vai trò "vùng đệm" giữa Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ và quân đội Mỹ ở Đông Bắc Á.
Thứ hai, Trung Quốc cũng không muốn nhận một làn sóng tị nạn từ Triều Tiên tràn qua biên giới sang nước họ, khi bán đảo Triều Tiên căng thẳng.
Mục tiêu của Trung Quốc
Mục tiêu của Trung Quốc đối với Triều Tiên được thể hiện bằng tư tưởng "5 không": Không để chế độ [Triều Tiên] mất ổn định, không sụp đổ, không vũ khí hạt nhân, không người tị nạn và không leo thang xung đột.
Vì thế, Trung Quốc hậu thuẫn, giúp đỡ Triều Tiên về kinh tế, chính trị... nhưng ở mức đủ để Bắc Kinh duy trì sức ảnh hưởng lên ban lãnh đạo tại Bình Nhưỡng. Họ không để Triều Tiên bị phương Tây đẩy vào trạng thái bất ổn hoặc rơi vào xung đột, chiến tranh, từ đó gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Ông Kim Jong Un đứng cạnh quả cầu được cho là vũ khí hạt nhân thu nhỏ của Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA.
Trung Quốc công khai tuyên bố không ủng hộ Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, và luôn cho rằng điều đó có thể cho Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan cái cớ để phát triển vũ khí hạt nhân, làm mất ổn định khu vực.
Tuy nhiên trên thực tế không phải vậy. Trung Quốc sợ mất ưu thế hạt nhân tuyệt đối của mình tại khu vực, thậm chí Triều Tiên còn có thể trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với Trung Quốc nếu đất nước này gặp bất ổn do cuộc khủng hoảng mang lại.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng không có động cơ tích cực để đẩy nhanh lộ trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo, vì điều này có thể mở đường cho Triều Tiên cải thiện quan hệ với Mỹ và đồng minh. Hệ quả là khiến vai trò, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên suy giảm. Vai trò "vùng đệm" của Triều Tiên trong chiến lược an ninh của Trung Quốc vì thế cũng dần mất đi.
Khi đó Trung Quốc sẽ mất đi "đòn bẩy" trong hợp tác giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhất là trong đàm phán với Mỹ về vấn đề Đài Loan.
Vì thế, Trung Quốc lựa chọn làm "trung gian hòa giải" để vừa thể hiện được vị thế nước lớn, có trách nhiệm, vừa ở thế chủ động kiểm soát tiến trình này, phục vụ các tính toán, lợi ích của mình.
Mục đích của Trung Quốc là làm cho Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc, bởi khi quân đội Mỹ còn hiện diện ở Hàn Quốc, Nhật Bản thì an ninh của Trung Quốc còn gián tiếp bị đe dọa.
Trung Quốc muốn gì ở Triều Tiên?
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khi chưa được giải quyết, vẫn là mối đe dọa đến an ninh, hòa bình và ổn định khu vực cũng như thế giới.
Là một cường quốc khu vực, Trung Quốc mong muốn duy trì và gia tăng ảnh hưởng của mình đối với các láng giềng và thế giới là điều dễ hiểu.
Việc buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân là chiến lược và chính sách lớn mà Trung Quốc không thể thay đổi. Nhưng đứng trước việc Triều Tiên kiên quyết phát triển vũ khí hạt nhân "vì sự tồn vong của chế độ", sẽ rất khó cho Trung Quốc trong việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình của mình để trở lại Đàm phán 6 bên.
Việc Triều Tiên tăng cường khả năng hạt nhân sẽ làm gia tăng nguy cơ các nước Đông Bắc Á chạy đua vũ trang, khiến tình hình an ninh khu vực diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Trung Quốc.
Ông Kim Jong Un kiểm tra một thiết bị hạt nhân. Ảnh: KCNA.
Hơn nữa, việc Mỹ và các nước lớn gia tăng can thiệp vào khu vực cũng gây nhiều bất ổn cho Trung Quốc. Chính vì lẽ đó, tìm ra lời giải" cho bài toán hạt nhân của Triều Tiên đang là vấn đề trọng tâm mà Trung Quốc cần giải quyết.
Nếu căng thẳng leo tháng dẫn đến chiến sự nổ ra trên bán đảo thì không loại trừ khả năng các bên tham chiến sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp này, Trung Quốc rõ ràng cũng không nằm ngoài phạm vi cuộc chiến. Do đó, ngăn chặn chiến tranh là lựa chọn thượng sách của họ.
Việc thống nhất bán đảo Triều Tiên là điều không nằm trong mong muốn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Vì khi đó lực lượng, vũ khí của Mỹ sẽ áp sát tới biên giới Trung Quốc, đe dọa trực tiếp, thường xuyên đến an ninh quốc phòng của nước này.
Để khẳng định vai trò nước lớn trong khu vực, việc duy trì nguyên trạng và hưởng lợi từ Triều Tiên sẽ là chính sách nhất quán của Bắc Kinh trong tương lai.
Trịnh Ngọc Tiến/ Trường Đại học Chính trị
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét