Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

ngọn khói mỏng có thể làm cháy nhà, tổ mối con có thể gây đê vỡ

Chính phủ thuế (phần 2)

Trong bài trước, tôi có nhắc đến tham vọng của đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng một chính phủ liêm chính - kiến tạo, đến những mong muốn của ông biến điều đó thành hiện thực. Nhưng, như chúng ta biết, giữa khát vọng và hiện thực luôn có khoảng cách, không phải bao giờ chúng cũng đi với nhau.

Điều dễ thấy nhất là ông Phúc đã và đang phải chịu thừa hưởng di sản tồi tệ từ người tiền nhiệm, ông Nguyễn Tấn Dũng. Đó là những khoản nợ công đầm đìa khổng lồ, những vụ thất thoát khủng khiếp do tệ nạn tham nhũng vơ vét, những vụ ném cả núi tiền qua cửa sổ do làm ăn chả giống ai, đặc biệt là do ngu dốt và tham lam, những suy sụp khó bề cứu vãn của nền kinh tế nhà nước sau khi những tập đoàn, tổng công ty từng được coi là quả đấm thép mà chính phủ đặt vào đó rất nhiều kỳ vọng như Vinashin, PVN, EVN… sụp đổ tan nát. Và điều tai hại nhất là người ta (chính phủ tiền nhiệm) đã giải bài toán kinh tế rối rắm, đã bù đắp hao hụt tài chính quốc gia (tiền bạc bị mất đi bởi những lý do trên) bằng thuế. Tăng thuế, đổ hết lên đầu người lao động, lên cổ dân chúng. Điều đó hoàn toàn ngược với chủ trương, đường lối của giai cấp tự nhận quyền lãnh đạo, nhưng cũng dễ hiểu bởi xưa nay người cộng sản thường làm ngược lại những điều họ nói.

Thời thuộc Pháp, để tập hợp được dân chúng đứng dưới ngọn cờ chính trị của mình, một trong những biện pháp đắc dụng mà đảng vô sản thực hiện là khơi dậy trong dân chúng mối căm hờn chính sách thuế khóa của nhà cai trị. Cụm từ thường được họ nhắc đi nhắc lại trong những cuộc tuyên truyền, diễn thuyết, giác ngộ nhân dân là “sưu cao thuế nặng”. Những cuộc vận động nông dân đứng lên phản kháng luôn xoáy vào vấn đề thuế, bên cạnh vấn đề “người cày có ruộng” (được coi là quan trọng nhất với nông dân). Chính những trang lịch sử của nhà nước có biên ghi như vậy chứ không phải tôi suy diễn. Thơ văn cách mạng đã xoáy sâu vào tình trạng thuế khóa, xem đó như nguyên nhân chính gây ra bao đau khổ cho dân chúng xứ thuộc địa: “ Đêm nằm luống những sầu bi/Sưu cao thuế nặng lấy chi thanh nhàn”, “Rày sưu mai thuế trưng cầu/Cầm con cầm vợ bán trâu bán bò”…
Như một thủ pháp tuyên truyền có định hướng, người cộng sản tập hợp khai thác sâu kỹ những tác phẩm văn học hiện thực phê phán như Tắt đèn, Bước đường cùng… để khơi sâu lòng căm thù của người nông dân (mà họ gọi là đội quân chủ lực của cách mạng) đối với thuế khóa, từ đó kêu gọi nhân dân đứng lên lật đổ bộ máy cai trị đế quốc-phong kiến, nhưng đồng thời họ cũng cố tình ém đi, phủ nhận nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật hiện thực và lãng mạn rất có giá trị phản ánh xã hội lúc bấy giờ bởi chúng không phục vụ cho mục đích, đường lối của họ. Các tác giả nổi tiếng Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Khái Hưng… bị “lãng quên” một thời gian dài hàng mấy chục năm chủ yếu là vì vậy. Phải thừa nhận, sự lựa chọn, phân loại ấy của người cộng sản rất có lợi cho họ, hiệu quả cao, giúp đắc lực việc tổng hợp sức mạnh quần chúng đứng lên làm cách mạng. Ai cũng hiểu, người dân bấy giờ chả có mong mỏi gì hơn là đồng thời với việc được làm công dân của một nước độc lập thì còn là được thoát khỏi gông cùm thuế khóa đã bấy lâu đè nặng lên cuộc sống.

Điều cần xác định, nói ra cho khách quan, là bất kỳ quốc gia nào, chính phủ nào, dù từ thời thượng cổ, đều có chính sách thuế khóa. Đã lập nên bộ máy nhà nước cai quản quốc gia, điều khiển xã hội thì phải thu thuế để nuôi bộ máy ấy. Muốn quốc gia phát triển thì phải huy động được sự đóng góp của tất cả cá nhân, đơn vị bằng thuế. Không phải không có lý khi người cộng sản nói rằng đóng thuế, nộp thuế cho nhà nước “là nghĩa vụ, vinh dự và trách nhiệm” của mọi công dân. Như vậy, thuế là điều hẳn nhiên, giống không khí mà con người vẫn thở. Nhưng nếu thuế bị lợi dụng, bị biến thành thứ gông cùm tai vạ, thành công cụ bóc lột, thành nguyên nhân gây tang thương đau khổ cho con người, thì nó cũng chả khác gì không khí đã bị ô nhiễm, không thể hít thở được. Lúc đó, bản thân thuế cũng đã âm ỉ chứa đựng sự phản kháng của người nộp thuế, đến giới hạn nào đó thì sẽ bùng lên. Hiện tượng giới tài xế phản đối tình trạng thu phí bất hợp lý ở trạm thu phí Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cũng như nhiều trạm thu phí trên khắp cả nước thời gian qua chính là biểu hiện phá vỡ giới hạn chịu đựng. Xin nhớ rằng, đó mới chỉ ở tầm nhỏ, việc nhỏ, nếu nhà nước, chính phủ không nhận ra, có sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý thì rất nhiều khả năng sẽ có những phá giới hạn ở tầm lớn hơn, nghiêm trọng hơn, chả ai lường được. Cái sảy nảy cái ung. Người xưa từng dạy rằng ngọn khói mỏng có thể làm cháy nhà, tổ mối con có thể gây đê vỡ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: