Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Hãy đừng để doanh nghiệp chán kinh doanh


Tư Giang

























(TBKTSG Online) – Hãy gây áp lực lên các bộ, ngành để cắt bỏ ngay 2.000 điều kiện kinh doanh, thay vì trông chờ họ tự cắt giảm. Đó là manh mối để tháo gỡ những rào cản kinh doanh dày đặc, khuyến khích tinh thần kinh doanh của người dân.

Năm 2003 người viết được một giải thưởng báo chí quốc tế cho bài viết về sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân. Đó là giai đoạn các doanh nghiệp tư nhân phát triển rất hào hứng và sôi động như là thành quả của Luật Doanh nghiệp 2000.

Cho đến nay, phần lớn cả các chủ doanh nghiệp trong bài viết đó đều không thành công. Người thì đã bán công ty, người thì phá sản, người thì mở rồi lại phải đóng doanh nghiệp, người thì phải sa thải gần hết công nhân trong tháng 9 này. Chỉ duy nhất một người là phát triển tốt. Đúng là cuộc đời không đẹp như mơ.

Ở góc độ rộng hơn, bức tranh doanh nghiệp tư nhân, dù đã phát triển rất ấn tượng sau hàng thập kỷ bị vùi dập, vẫn còn xám màu. Đến nay có đến gần 600.000 doanh nghiệp được ghi nhận đang đóng thuế, nhưng đóng góp của họ vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) vẫn cực kỳ nhỏ bé và không được cải thiện trong nhiều năm.

Bằng chứng là như thế này. Chẳng hạn năm 2015 đóng góp vào GDP có 28,69% là từ khu vực kinh tế nhà nước, 18,07% là khu vực FDI và 43,22% khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước, thì kinh tế cá thể chiếm lớn nhất là 31,33%, kinh tế tư nhân 7,88% và kinh tế tập thể chiếm 4,01%. Các tỷ lệ trên được duy trì và gần như không đổi trong gần 2 thập kỷ, theo chuyên gia Bùi Trinh tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê.

Những con số trên cho thấy, đóng góp lớn nhất vào GDP là khu vực hộ gia đình, tức là một nền kinh tế rất manh mún nhỏ lẻ mang tính chất buôn thúng bán mẹt là chính. Khu vực kinh tế nhà nước “chủ đạo” chỉ xếp thứ hai. Đặc biệt khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp quá ít ỏi.

Ông Bùi Trinh nhận xét, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể phát triển, tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực này trong GDP rất thấp (dưới 8%) và không hề thay đổi trong suốt từ 19 năm (2005 - 2015).

Như vậy, dù có làn sóng khởi nghiệp với 110.000 doanh nghiệp đăng ký mới năm ngoái, và 85.400 doanh nghiệp trong tám tháng đầu năm nay, thì đóng góp của họ vào GDP vẫn chẳng đáng là bao như xu hướng trên cũng như thực tế mà như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng đặt câu hỏi: “Vì sao thiên thời, địa lợi, nhân hoà mà GDP không tăng?”. 

Vì sao doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không lớn? Có quá nhiều câu trả lời cho câu hỏi đơn giản này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người nắm trách nhiệm cho sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ rõ thực tế này trong cuộc gặp lần thứ hai của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với khu vực doanh nghiệp tư nhân hồi tháng 4.

Ông Dũng chỉ rõ, chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao như chi phí vay vốn, logistics, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục. Lãi suất bình quân của Việt Nam hiện là 7-9%, trong khi Trung Quốc chỉ 4,3%; Malaysia là 4,6%; Hàn Quốc là 2-3%; Nhật Bản là 0,95%. Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần chi phí vận chuyển từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4 (39% lợi nhuận làm ra, cao hơn hai lần Singapore).

Tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian qua từ 8-12%/năm, đem lại lợi ích cho người lao động, nhưng cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động vốn chỉ đạt 4-5%; doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm với mức 22% mức lương tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động là cao, so với Malaysia chỉ 13%, Philippines 10%. Chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình từ 1,5-2 lần so với trước đây; thời gian kéo dài từ 7-10 ngày.

Đó là những con số làm nản lòng nhiều người, nhưng không phải duy nhất.

Ở góc độ khác, điều kiện kinh doanh lên tới gần 6.000, con số chính thức mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tính toán được, và chưa kể vô vàn điệu kiện kinh doanh khác vẫn nấp trong các văn bản chỉ đạo điều hành từ cấp trung ương tới địa phương hay các quy hoạch ngành và sản phẩm. Bên cạnh đó, có tới 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và một năm các doanh nghiệp bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chí phí 14.300 tỉ đồng cho hoạt động này.

Những điều này làm thiêu chột tinh thần kinh doanh của biết bao doanh nhân, doanh nghiệp!

Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây đã kiến nghị bãi bỏ gần 2.000 điều kiện kinh doanh, và Thủ tướng cũng đã đồng ý trên tinh thần để các bộ, ngành tự quyết định. Không làm vậy được đâu vì sẽ chẳng có ai “vác đá ghè chân mình”. Hãy đưa cho họ danh sách, và gây áp lực để họ phải cắt giảm. Đây là manh mối đầu tiên để tháo gỡ mớ bòng bong đó, như Thủ tướng Phan Văn Khải từng làm.

Những người từng là doanh nhân trong bài viết của tôi cách đây gần 15 năm vẫn còn muốn làm doanh nghiệp. Họ nói với tôi gần đây như vậy. Tôi luôn tin tinh thần kinh doanh của người Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào, cũng không bao giờ bị thui chột. Nhưng Chính phủ cần phải hành động để xác lập niềm tin. “Đừng để doanh nghiệp chán”, như Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung từng phải thốt lên.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: