Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Cái chết bí ẩn của người tù số 7 trong nhà tù Liên Xô


Vĩnh Thụy (theo New York Times) 

MTG - Nhà ngoại giao Thụy Điển Raoul Wallenberg bị mất tích hồi hơn 70 năm trước, có thể là người tù số 7 chết bí ẩn trong nhà tù Liên Xô, theo báo New York Times (NYT).

Con số 7 cũng khá trùng hợp, vì theo NYT,  vào năm 1957, chính quyền Liên Xô cho biết có phát hiện một biên bản khám sức khỏe, cho thấy ông Wallenberg qua đời trong nhà tù Lubyanka ngày 17.7.1947, vì bệnh đau tim, hưởng dương 37 tuổi.

Gia đình chưa thể biết rõ số phận Wallenberg

Hồi tháng 7.2017, cháu gái của Wallenberg là Marie Dupuy nộp đơn kiện Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB, hậu thân của KGB) để đòi quyền tiếp cận những tài liệu mà bà cho là có thể soi rọi số phận của ông.

Ngày 18.9, Tòa án Meshchansky tuyên bác yêu cầu của bà Dupuy, theo luật sư của gia đình Wallenberg. Luật sư của FSB nói không thể công bố các tài liệu này, vì chúng sẽ tiết lộ các thông tin cá nhân của những tù nhân khác của KGB, của các quản giáo và của các nhân viên điều tra.

Luật sư Sergei Churikov của FSB giải thích: cơ quan này không phải là hậu thân của Cục phản gián Liên Xô (KGB) và thực tế là họ chỉ “tình cờ” quản lý các tài liệu.

Nhưng một tờ lịch treo trong trụ sở tòa án lại thể hiện điều ngược lại: năm 2017 là dịp FSB kỷ niệm 100 năm ngày thành lập.

Luật sư Churilkov nói: “Tại sao quý tòa lại nghĩ vài người thân sẽ vui khi phát hiện tổ tiên họ là một tù nhân phạm tội chống phá chính quyền? Tại sao quý tòa không nghĩ những người này muốn trả thù?”.

Ông gợi ý người thân của gia đình Wallenberg ráng chờ đến năm 2022, khi có luật cho phép công bố các tài liệu này. Luật sư Ivan Pavlov của bà Dupuy nói gia đình sẽ kháng nghị “bản án phi pháp” này. 

“Anh hùng Lò hơi ngạt” bị bắt cóc

Theo NYT, từ tháng 7.1944, ông Wallenberg là đặc sứ Thụy Điển tại Budapest. Ở đó, ông dùng quyền ngoại giao để cấp “hộ chiếu bảo vệ” cho 20.000 người Do Thái, cứu họ khỏi phải chết trong Lò hơi ngạt của phát xít Đức hồi Thế chiến 2.

Ông còn thuyết phục các sĩ quan Đức không thảm sát 70.000 dân Do Thái ở khu ghetto của Budapest.

Tháng 1.1945, khi Thế chiến 2 gần kết thúc, Hồng quân Liên Xô bắt cóc ông Wallenberg vì nghi ông hoạt động gián điệp, áp giải ông về nhà tù Lubyanka của KGB ở Moscow.

Nhưng cái chết của nhà ngoại giao xuất thân từ một gia đình giàu có và danh tiếng ở Thụy Điển, vẫn mãi là một bí mật. Các nhà sử học và người thân của ông Wallenberg không tin tuyên bố chính thức của chính quyền Liên Xô. Họ nhắc các lời chứng khác cho thấy ông đã được chuyển qua một nhà tù khác, và ở đó, ông bị các quản giáo giết chết.

Vài chứng cứ đã được một nhóm làm việc ở Nga-Thụy Điển lập năm 1991 (vào lúc Liên Xô sụp đổ) phát hiện. Báo cáo viết bằng tiếng Anh của nhóm này công bố năm 2000, kết luận ông Wallenberg bị xử tử ở nhà tù Lubyanka, nhưng cũng viết: “Vẫn còn thiếu một câu chuyện đầy đủ và hợp pháp về cái chết của Wallenberg hoặc các lý do ông bị bắt”.

Báo cáo này viết có những chứng cứ mạnh, cho thấy có thể Wallenberg còn sống nhiều năm (cho đến những năm 1980) ở vị trí một tù nhân có nhiều tên khác nhau, hoặc có thể là “Người tù số 7”. Người tù này bị điều tra 6 ngày sau cái chết của Wallenberg.

Stalin ra lệnh ‘khử’ Wallenberg?

Hồi tháng 6.2016, cuốn nhật ký của Ivan A. Serov-chỉ huy KGB-được công bố, nêu ông Wallenberg bị ‘khử”. Theo nhà sử học Susanne Berger người Đức, một thông tin đáng chú ý nhất của cuốn nhật ký, chính là tiền nhiệm Viktor Abakumov của Serov tiết lộ trong một cuộc điều tra năm 1954: lệnh ‘khử’ Wallenberg là từ lãnh tụ Liên Xô Josif Stalin và Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov.

Nhưng bà lưu ý trong một bài tiểu luận: “Nếu thực sự có cuộc điều tra thì biên bản cũng sẽ không được công bố. Nhật ký của Serov không làm sáng tỏ được gì thêm về chuyện gì đã xảy đến với Wallenberg, sau khi dấu vết của ông ấy dừng ở nhà tù Lubyanka hồi tháng 3.1947, và cũng không có chứng cứ cho lời khẳng định ông đã bị ‘khử’ năm 1947”.

Mãi đến ngày 31.12.2016, ông Wallenberg mới được tuyên bố chính thức qua đời, 71 năm sau khi ông mất tích khỏi Hungary.

Tháng 11.2016, gia đình Wallenberg nói muốn chính quyền Thụy Điển tuyên bố ông đã qua đời, và gia đình cũng cần có một giấy khai tử để còn chia tài sản của ông.

Theo vụ pháp lý của Cục thuế Thụy Điển, họ đã quyết định ông Wallenberg mất tích ngày 31.7.1947. Theo luật nước này, thời hạn qua đời chính thức của một người mất tích là 50 năm sau ngày mất tích. Như vậy, trường hợp mất tích của ông Wallenberg là vào ngày 31.7.1952.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: