Bây giờ, tham nhũng không chỉ là tiền bạc, tài sản, mà còn tham nhũng cả cơ chế, tham nhũng quyền lực. Trong đó, tham nhũng quyền lực là nguy hiểm và gây hậu quả nghiêm trọng nhất.
Người đứng đầu Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng thẳng thắn thừa nhận:“tham nhũng… nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có”. Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng từng than phiền "Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.
Như chúng ta thấy, tham nhũng hiện nay xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, các cấp các ngành, từ cấp thấp nhất cho đến cấp cao nhất trong hệ thống chính trị. Lãnh đạo cấp xã thì ăn chặn tiền cứu trợ, bán đất trục lợi, lợi dụng trương trình nông thôn mới tham nhũng. Lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh, cấp bộ thì tham nhũng dự án, công trình, nhận tiền biếu xén, chạy chức chạy quyền…
Quan chức bây giờ nhiều người quá giàu, siêu giàu. Một ông chủ tịch xã lương chừng vài triệu/tháng chỉ một nhiệm kỳ đã xây được nhà bạc tỷ thì đủ hiểu từ chủ tịch huyện trở lên sẽ thế nào. Giám đốc sở, bí thư huyện, chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh, tổng thanh tra chính phủ, bộ trưởng, thứ trưởng… họ lấy tiền đâu để xây biệt thự, biệt phủ nếu không tham nhũng?
Chống tham nhũng, hô hào thì rất lớn, quyết tâm thì cũng rất mạnh, bao nhiêu nghị quyết, bao nhiêu hội nghị bàn về chống tham nhũng nhưng rồi cũng chẳng mang lại kết quả nào đáng kể. Vì sao? rất đơn giản, là vì cơ chế này nó đẻ ra tham nhũng và ngược lại tham nhũng nuôi sống cơ chế. Vậy chống tham nhũng là chống lại cơ chế mà chống lại cơ chế khác nào “đem nạng chống trời”. Khi quan chức ai cũng tham nhũng như ai thì lấy ai chống tham nhũng? Chẳng có vị lãnh đạo nào thanh liêm mà thăng quan tiến chức được trong cơ chế này. Họ chỉ khác nhau là tham nhũng ít hay nhiều, người ăn kín đáo, kẻ ăn lộ liễu. Tôi chắc chắn điều đó.
Vừa rồi, Nguyễn Xuân Sơn bị cáo trong đại án OceanBank đang xét xử khai trước toà là chi hàng trăm tỷ cho các đồng chí lãnh đạo trong các dịp lễ tết: “chi cho ngoại giao các dịp lễ tết, chi từ cấp nhỏ đến lớn... Cấp nhỏ nhất là chuyên viên, tết mỗi phong bì 50 triệu. Còn cấp lớn, dịp tết chi phong bì tới 200 triệu đồng… mà chỉ là phong trào như các doanh nghiệp khác mỗi dịp lễ, tết” (theo báo Thanh niên). Đó mới chỉ là một doanh nghiệp, còn trong hàng trăm doanh nghiệp, tổng công ty, công ty số tiền lễ tết biết bao nhiêu mà kể.
Hay như vụ án VN Pharma buôn thuốc giả thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng, trong đó chi cả trăm tỷ tiền hoa hồng cho bác sĩ, quan chức quản lý. Đó là chưa kể những khuất tất liên quan đến Bộ trưởng Y tế đương nghiệm.
Chỉ hai vụ việc đang được dư luận quan tâm trên, đủ để chúng ta hình dung tham nhũng làm mục nát đất nước này như thế nào.
Công cuộc chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ là một cuộc chiến nữa vời như lời ông đã từng nói “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Cho nên, mới có chuyện kỷ luật một vài quan chức về hưu, còn các vị đương nhiệm thấy đã kỷ luật, khởi tố được ai đâu. Vụ cô Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hoá đến nay vẫn không tin tức. Vụ cả nhà bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến làm quan rơi vào im lặng. Chuyện quan chức tỉnh Yên Bái sở hữu khu đất vàng không còn được nhắc đến. Dự án xe buýt nhanh ở Hà Nội thất bại, không thấy ai chịu trách nhiệm. Kết quả thanh tra tài sản của ông Phạm Sĩ Quý – Giám đốc sở TN&MT Yên Bái. Vấn đề sai phạm của các dự án BOT… Tại sao những vụ việc trên được báo chí thông tin, dư luận ồn ào, dân chúng bất bình rồi một thời gian rơi vào im lặng ?
Để kết thúc bài viết, xin mượn lời của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh: Tham nhũng phát sinh ra từ thể chế mà quyền lực không được kiểm soát khách quan. Tham nhũng như là thuộc tính của thể chế nầy thì làm sao chống lại được. Ông Trọng lấy gì bảo đảm thay quan tham nhũng nầy bằng bằng quan khác sẽ không tham nhũng?
Đ.An
(Dân Luận)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét