Hà Nội có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giúp Mỹ kìm cương Bắc Hàn và xoa dịu chính sách hạt nhân và tên lửa của nước này.
Các chuyên gia nhận định với VOA Tiếng Việt rằng mặc dù có một mối quan hệ song phương tốt đẹp với Bắc Hàn và không muốn làm phật lòng Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn có thể đóng vai trò gián tiếp giúp Mỹ và Bắc Triều Tiên giải quyết những bất đồng đang tăng cao.
"Tổng thống Trump muốn Việt Nam sử dụng những mối quan hệ với Bắc Triều Tiên để gây áp lực về mặt ngoại giao và chính trị, ép nước này ngừng thử nghiệm hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo.”
Carl Thayer, Đại học New South Wales
Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính phủ mới kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 năm nay. Theo phân tích của giáo sư Carl Thayer của trường Đại học New South Wales, ông Trump đang tìm kiếm sự hậu thuẫn của các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để giải quyết vấn đề này. Trước khi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng vào tuần trước, Tổng thống Trump đã gọi điện cho tổng thống Philippines và thủ tướng Thái Lan để tìm sự ủng hộ cho vấn đề Bắc Triều Tiên.
Theo các chuyên gia, tổng thống Mỹ muốn Việt Nam giúp để gây sức ép lên Bình Nhưỡng. Trong thông cáo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Việt hôm 31/5, 2 nhà lãnh đạo tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu chính trị Đông Nam Á của viện nghiên cứu ISEAS nhận định với VOA Tiếng Việt rằng “Việc ông Trump đề cập vấn đề Bắc Triều Tiên trong cuộc gặp với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với chính sách phi hạt nhân hóa của chính quyền Trump đối với bán đảo Triều Tiên.”
Theo giáo sư Thayer, “Tổng thống Trump muốn Việt Nam sử dụng những mối quan hệ với Bắc Triều Tiên để gây áp lực về mặt ngoại giao và chính trị, ép nước này ngừng thử nghiệm hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo.”
"Việt Nam coi Bắc Triều Tiên là một nước bạn truyền thống.... nhưng về lâu dài Việt Nam sẽ theo hướng thực dụng hơn tức là nghiêng nhiều hơn về phía các đối tác quan trọng của mình, cụ thể ở đây là Mỹ và Hàn Quốc.”
Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu ISEAS
Theo giáo sư của Đại học New South Wales, ông Trump cũng muốn Việt Nam “sử dụng ảnh hưởng của mình trong khối ASEAN để tạo ra một mặt trận ngoại giao đoàn kết chống lại Bắc Triều Tiên.”
Tháng 4 năm nay vào lúc diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Philippines, Bình Nhưỡng gửi thư cho Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, yêu cầu ASEAN hỗ trợ để chống trả lại hành động của Mỹ cô lập hóa miền Bắc. Tuy nhiên vào tháng 5, các ngọai trưởng ASEAN ra thông báo bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.”
“Mỹ muốn thấy ASEAN hành động quyết liệt hơn để thực thi các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc,” theo giáo sư Thayer.
Việt Nam là một thành viên của Liên Hiệp Quốc và do đó ủng hộ các chế tài của cộng động quốc tế đối với Bắc Hàn.
Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un tại lễ diễu binh ở Pyongyang tháng 5/2016. Nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên tuyên bố vào tháng trước rằng nước này đã chế tạo được tên lửa có thể bắn tới lục địa Mỹ. |
Tuy nhiên, cũng theo phân tích của Giáo sư Thayer, bất cứ hành động nào của Việt Nam cũng có thể làm tổn hại đến các mối quan hệ song phương và ảnh hưởng đến chính sách của Hà nội là làm “bạn tốt và đối tác tin cậy” của tất cả các quốc gia. Giáo sư Thayer cảnh báo Việt Nam phải cẩn thận để không làm phật lòng Trung Quốc.
Nhà phân tích chính trị của viện ISEAS, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, cho rằng đây là một tình huống tế nhị đối với Việt Nam vì “Việt Nam vẫn coi Bắc Triều Tiên là một nước bạn truyền thống và muốn duy trì quan hệ tốt bất chấp những vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.”
“Nhưng mặt khác Việt Nam cũng muốn duy trì quan hệ tốt với Mỹ và Hàn Quốc. Vì vậy Việt Nam sẽ giữ nguyên tắc ủng hộ quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và giải quyết xung đột và mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình." Tuy nhiên, nhà phân tích của viện ISEAS nói, "tôi nghĩ về lâu dài Việt Nam sẽ theo hướng thực dụng hơn tức là nghiêng nhiều hơn về phía các đối tác quan trọng của mình, cụ thể ở đây là Mỹ và Hàn Quốc.”
"Bắc Hàn thân với Trung Quốc, phục vụ Trung Quốc nhưng lại nghi ngờ Trung Quốc. Bắc Hàn lại không nghi ngờ Việt Nam... Việt Nam có thể có một ảnh hưởng nào đó đối với chính sách của Bắc Hàn, làm cho nó xoa dịu đi.”
Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason
Nhà nghiên cứu này nhận định Việt Nam có thể đóng vai trò trung gian hòa giải hoặc tạo thuận lợi cho việc tiếp xúc giữa Hoa Kỳ và Bình Nhưỡng. Đã có những đồn đoán rằng ASEAN, mà Việt Nam đang là chủ tịch luân phiên, sẽ đóng vai trò một bên thứ 3 để tạo điều kiện cho một cuộc tiếp xúc giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên.
Giáo sư Thayer thuộc đại học New South Wales dự đoán Hà Nội có thể tìm cách tổ chức các cuộc hội đàm kín giữa Bình nhưỡng và Washington, tương tự như những cuộc hội đàm để hòa giải giữa Bắc Triều Tiên và Nhật trong thập niên qua.
Nhận định về vai trò trung gian mà Việt Nam có thể đóng, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason ở Washington nói Việt Nam sẽ có thể giúp Mỹ kìm cương Bắc Hàn bằng mối quan hệ thân tình với quốc gia cộng sản này.
“Bắc Hàn thân với Trung Quốc, phục vụ Trung Quốc nhưng lại nghi ngờ Trung Quốc. Bắc Hàn lại không nghi ngờ Việt Nam." Giáo sư Hùng nói nếu Bắc Hàn mở cửa kinh tế thì họ hy vọng Bắc Hàn sẽ học tập chính sách cải tổ kinh tế của Việt Nam. "Và do đó Việt Nam có thể có một ảnh hưởng nào đó đối với chính sách của Bắc Hàn, làm cho nó xoa dịu đi.”
Bất chấp những chế tài liên tiếp của Liên Hiệp Quốc, Bắc Hàn đầu tuần này lại tiếp tục phóng tên lửa – đây là lần thứ 4 trong tháng. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un của quốc gia cộng sản trên bán đảo Triều Tiên tháng trước loan báo Bắc Triều Tiên đã chế tạo được tên lửa có khả năng phóng tới lục địa Mỹ.
(VOA)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét