Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Từ vụ Đồng Tâm, nghĩ về quá khứ và tương lai



20 tháng 6 2017 - Thông tin mới đây cho biết cơ quan điều tra của Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự hủy hoại tài sản và bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Rất không công bằng khi việc khởi tố được thực hiện khi chưa có kết luận thanh tra vấn đề đất đai tại Đồng Tâm, để xác định xem việc lấy đất của chính quyền và giữ đất của người dân bên nào đúng bên nào sai.

Bản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM/GETTY IMAGES
Từ sự việc gây xáo động nhân tâm này, nhìn về quá khứ soi xét lại các chính sách giải quyết tranh chấp đất đai trước đây sẽ còn thấy nhiều điều chua chát.

KHÔNG ĐƯỢC KIỆN

Nhìn lại thì thấy nhiều quy định chính sách về giải quyết tranh chấp đất đai rất bất lợi cho người dân, nhiều quy định ngáng trở tước đoạt những quyền pháp lý rất chính đáng hợp pháp của con người.
Ví như khoảng chục năm trước, các quy định pháp luật về đất đai, khiếu nại và tố tụng hành chính đã ràng buộc người bị thu hồi đất không được khởi kiện ngay ra tòa mà phải qua khâu khiếu nại và giải quyết khiếu nại của chính quyền các cấp.
Nếu người dân nộp đơn khởi kiện hành chính đối với quyết định thu hồi đất mà không kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại của chính quyền địa phương thì tòa án sẽ không thụ lý.
Trong khi hầu hết các vụ khiếu nại dân đều thua, vì khiếu nại cái quyết định đến cái người đã ban hành ra nó thì làm sao dân thắng được? Các địa phương luôn bảo vệ quan điểm việc làm của họ, làm sao họ lại đi nhận sai, việc khiếu nại gần như vô ích.
Để tránh việc bị kiện, nhiều địa phương khi giải quyết khiếu nại thay vì ban hành quyết định giải quyết khiếu nại thì họ lại ra một văn bản dạng như thông báo hoặc công văn về nội dung giải quyết khiếu nại.
Tòa án a dua theo đó bênh vực chính quyền, gây khó khăn cho người dân không thụ lý vụ án. Họ đòi phải có quyết định giải quyết khiếu nại theo đúng quy chuẩn chứ không chấp nhận văn bản dạng công văn hay thông báo giải quyết khiếu nại.
Đây là một kiểu bắt bẻ về câu chữ và hình thức văn bản, một lối làm việc quan liêu cửa quyền đã gây ra nhiều khốn đốn khốn nạn cho người dân đi kiện và luật sư.
Sau khi những diễn biến tệ hại diễn ra một thời gian và bị nhiều phản đối gay gắt, tòa án tối cao mới ban hành ra một văn bản hướng dẫn yêu cầu tòa án các cấp thụ lý vụ kiện hành chính và chấp nhận coi là hợp lệ các văn bản giải quyết khiếu nại dạng thông báo hoặc công văn mà không nhất quyết phải là quyết định giải quyết khiếu nại.
Nhiều hộ dân canh tác tập thể (hình minh họa)Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionNhiều hộ dân canh tác tập thể (hình minh họa)

KHÔNG GIAO QUYẾT ĐỊNH

Từ hàng chục năm trước và cho đến tận ngày nay, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai chiếm số lượng lớn nhất trong tất cả các mặt lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong thực tế, nhiều trường hợp chính quyền địa phương nhằm giảm tránh việc bị khiếu nại và phải giải quyết khiếu nại nên đã có nhiều chiêu trò xấu với dân, ví như họ không giao các quyết định thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi.
Nhiều trường hợp thu hồi đất, phía chính quyền chỉ công khai một quyết định thu hồi tổng thể và danh sách các hộ có đất bị thu hồi và thông tin về số thửa đất bị thu hồi. Họ không giao quyết định thu hồi đất cho từng hộ gia đình như luật quy định phải thế.
Khi không có quyết định thu hồi đất người dân sẽ gặp khó khăn trong việc khiếu nại và không thực hiện được việc khởi kiện ra tòa hành chính. Vì pháp luật tố tụng hành chính yêu cầu hồ sơ khởi kiện phải có bản sao quyết định hành chính bị kiện.
Đây cũng là một chướng ngại mà người dân và luật sư đã phải chịu nhiều khốn khổ khốn nạn trên hành trình đòi quyền lợi công bằng.
Các văn bản pháp luật về đất đai thì nhiều, có lẽ là nhiều nhất trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và thường xuyên thay đổi. Ngoài luật đất đai thì còn có nghị định của chính phủ, thông tư của các bộ, quyết định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh về chính sách đất đai.
Nhiều văn bản thiết lập những câu chữ dài dòng lằng nhằng ngoắt ngoéo, tạo ra sự rối rắm bùng nhùng mà rồi chót lại hóa ra là cản trở người dân thực hiện các quyền chính đáng của họ.

ĐÃ CẢI THIỆN

Những quy định ngang trái thô thiển khinh rẻ quyền lợi công dân đã được lược giảm đi qua quá trình giải quyết hàng vạn vụ việc khiếu kiện đất đai, trong đó là vô số nỗ lực vô bờ của biết bao người dân mất đất và giới luật tư vấn.
Luật tố tụng hành chính hiện tại cho phép người bị thu hồi đất được quyền khởi kiện trực tiếp ra tòa mà không phải qua khâu khiếu nại hành chính như trước. Việc giao cấp quyết định hành chính của ủy ban nhân dân các cấp cũng được cải thiện do những tiến bộ về cải cách thủ tục hành chính và ngăn ngừa lạm quyền của nhà nước trung ương.
Trước kia các dự án phát triển kinh tế xã hội được lập ra để thu hồi đất có thể được thực hiện bởi ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh thì đến nay sau hàng chục năm thi hành đã bộc lộ nhiều sai trái bất cập, nhiều dự án không hiệu quả khả thi.
Cho nên luật đất đai năm 2013 đã giới hạn lại ngoài các dự án phát triển kinh tế xã hội do trung ương quyết định gồm Quốc hội và Thủ tướng chính phủ thì ở địa phương dự án phải do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Đó là những cải thiện theo hướng ngăn chặn sự lạm quyền thu hồi bừa bãi của các địa phương. Nhưng xét cho cùng thì sau một thời gian dài tiêu tán hiện giờ quỹ đất đã eo hẹp không còn cho phung phí được nữa.
Các địa phương cũng đã nhận ra rằng cái quyền được thu hồi đất đã là cái lợi ích lớn nhất mà họ đã có được và cần giữ lấy, những bước trình tự thủ tục thực hiện như thế nào luật đã có quy định thì họ không còn nhu cầu phải vi phạm nữa.
Quyền được thu hồi đất trở thành cứ điểm cuối cùng đem lại lợi ích bất tận mà các địa phương cố thủ tận hưởng, hành lang pháp lý đã rõ cùng với sự tuân thủ nghiêm chỉnh tương đối đã giúp giảm thiểu sự chống đối và tạo ra tính chính đáng hư ảo cho việc thu hồi đất.

HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Nếu công bằng thì vụ ở Đồng Tâm phải có kết luận thanh tra rõ ràng xem địa phương thu hồi đất và người dân giữ đất bên nào đúng bên nào sai, để xem hoạt động của chính quyền có phải hoạt động công vụ không và sự chống đối của người dân có phải phòng vệ chính đáng không. Thế mới công bằng.
Nhưng đó có lẽ là nguyện vọng của tương lai, còn thì hiện tại người ta đã làm như đã thấy. Trong tương lai việc cưỡng chế thu hồi chỉ nên được thực hiện sau khi các bên đã khởi kiện ra tòa và có bản án của tòa.
Như thế để đảm bảo cho các bên được đưa ra ý kiến và cơ sở chứng lý để được lắng nghe và công khai đánh giá. Thay cho cái quy trình giải quyết khiếu nại bất công mà kẻ làm sai không bao giờ thừa nhận. Để từ đó phán quyết của tòa có được sự công bằng, giảm đi yếu tố bức xúc chống đối do ý kiến không được lắng nghe và giải quyết thỏa đáng.
Đó là những vấn đề mà tương lai gần luật pháp cần ấn định, để thiết lập quy trình pháp lý công bằng cho giải quyết tranh chấp đất đai.
Xa hơn nữa thì cần loại bỏ cơ chế pháp lý về thu hồi đất, mà phải trưng mua theo giá thị trường khi nhà nước có nhu cầu cho dự án công, dự án tư thì doanh nghiệp phải thỏa thuận mua bán với người dân. Đồng thời với đó là phải công nhận quyền sở hữu tư nhân của người dân đối với đất đai.
Khi đó những quy định pháp lý sai trái xâm phạm quyền sở hữu đất và những quy trình pháp lý bất công trong giải quyết tranh chấp đất đai sẽ chỉ còn là quá khứ.
Bài viết thể hiện ý kiến và lối hành văn riêng của Luật sư Ngô Ngọc Trai, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: