Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Thuê bao mobile, chính chủ phải có ảnh?


SIM bán đầy đường. Ảnh: TPO
Theo quy định mới trong Nghị định 49/NĐ-CP mới được ban hành, thuê bao di động phải chụp ảnh chân dung chính chủ. Nếu không có ảnh, thuê bao sẽ bị cắt liên lạc.

Bên Mỹ, khi mua SIM phải có số an sinh xã hội (social security – tương đương với CMTND), bằng lái xe, địa chỉ ở, mà không phải chụp ảnh hay lấy vân tay. An ninh quốc gia chính là ở điểm này.
SIM được nối với hệ thống của cảnh sát nên ai đó gọi báo cháy, cấp cứu là họ biết ngay chủ nhân thông qua số an sinh.
Bọn khủng bố, trộm cướp, buôn lậu… mà dùng SIM đăng ký để gọi thì chắc chắn bị bắt mà không cần ảnh.
Với công nghệ hiện nay, một cuộc gọi mobile sẽ bị cảnh sát tìm ra nhanh chóng tọa độ GPS của người gọi một cách chính xác.
Đố các bác đi biểu tình ở bờ Hồ dùng alo rủ nhau. Chưa xong cuộc gọi, an ninh đã ở cửa rồi. Theo dõi đối tượng đáng ngờ có nhiều cách. Ảnh chỉ là vớ vẩn, chả lẽ theo dõi 90 triệu dân.
Tuy nhiên, mua SIM mà không đăng ký tên tuổi, địa chỉ nơi ở, CMTND, thì chắc loạn. Dân số 90 triệu nhưng có tới 120 triệu thuê bao di động. Từ trẻ sơ sinh đến cụ già 100 tuổi, ai cũng sở hữu 1,3 SIM của ông alo. Không quản lý nổi là phải thôi.
Có một thời đăng ký cái điện thoại để bàn phải đợi cả tháng, giá hàng triệu với thời giá năm 1990 khi thu nhập đầu người 100$/năm thuộc loại nghèo nhất thế giới, phải có giấy giới thiệu cơ quan, đủ các con dấu quốc huy may ra mới được duyệt. Đường dây kéo tận nhà phải thăm dò chán xem có khả thi.
Mắc được điện thoại rồi đi đâu cũng khoe, nhà tớ có cái alo, nhưng ít người có nên cả ngày có chuông reng reng là chạy vội đến nghe như đợi người tình đẹp như tiên đến bấm chuông.
Thời mở cửa, điện thoại khắp nơi, đường dây viễn thông như mạng nhện, rồi mobile ra đời. Dân ít dùng điện thoại dây. Nhà alo cắt dịch vụ nhưng đường dây viễn thông vẫn hàng búi trên cột điện. Không hiểu bao nhiên tiền của đổ vào đó để rồi cuối cùng làm tổ quạ cho loa phường.
Muốn là quốc gia phát triển IT nhất thế giới nên mobile phải phát triển. Một thời chỉ có đại gia mới có di động đến thời từ bà bán rau tới trẻ trâu Mù Cang Chải cũng sở hữu smart phone.
SIM bán bừa bãi, chả cần đăng ký. Vào bất kỳ góc phố nào cũng có thể mua SIM, dùng vài tháng lại vứt.
Đến khi đạt con số 120 triệu SIM thì nhà TTTT bỗng nhớ ra an ninh quốc gia, thế là các bố nghĩ, phải có ảnh.
Giống hệt cảnh xe máy, 90 triệu dân thì có tới 45 triệu xe máy. Thấy kẹt xe, các bố làm chính sách salon máy lạnh chợt nghĩ ra cấm…xe máy. Nước đến chân mới nhảy.
Chưa cần biết vụ ảnh chính chủ này có lợi gì cho an ninh quốc gia, nhưng tính sơ sơ cũng thiệt hại cho nền kinh tế như sau.
GDP Việt Nam tính theo sức mua ước khoảng 7000$/người/năm, tương đương gần 30$/ngày/người cho dễ tính (làm tròn vì số này là 27,45$), hay mỗi giờ mỗi người Việt làm ra khoảng 1,25$.
Hiện có khoảng 120 triệu SIM, mỗi SIM đăng ký khoảng 30 min (kể cả đi lại, chờ đợi, làm giấy tờ, do phải chụp ảnh), tương đương 60 triệu giờ, tính ra tiền tươi thóc thật là 60 triệu giờ * 1,25$ =75 triệu $.
Với 75 triệu USD cung cấp cho bên an ninh các thiết bị IT mới, lập máy chủ nối hệ thống mobile do đã có CMT hay hộ chiếu, vừa theo dõi một cách hiệu quả mà dân không mất thời gian đi chụp ảnh.
Thế kỷ 21 với cách mạng 4.0 mà dùng công nghệ thế kỷ 20 và tư duy thế kỷ 19 để quản lý IT thì quốc gia tụt hậu cũng không ai ngạc nhiên.
Vài lời góp ý, mong đèn giời salon máy lạnh soi xét.
HM. 19-6-2017
PS. Theo VNEconomy, năm 2015 có khoảng 110.000 tội phạm, như vậy tương đương với 0,012% dân số, một con số rất nhỏ so với 90 triệu dân. Lý do “an ninh quốc gia” có vẻ không đứng vững chỉ vì 110K tội phạm kia mà 90 triệu dân phải có ảnh, khó trôi.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: