Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

những kẻ lạc lõng



Bọn chúng tôi vài người, cũng là đông trong cái thời mà người ta gọi là thời băng hoại, chiều chiều tụ tập cà-phê vỉa hè, nói đủ thứ chuyện trên đời, đấy là nói chung như vậy. Anh bạn nhỏ thó, phục sức lôi thôi tạo cho anh một vẻ như những ông Tây ba-lô đi đầy đường Phạm Ngũ Lão, vẻ ấy người ta gọi là vẻ nghệ sĩ và vẻ ấy làm cho anh bớt nhỏ thó, một dạo bỗng biến mất. Bỗng gặp lại anh ở một phố sang trọng khu vực trung tâm Sài Gòn, phải nói là tôi mừng biết mấy, vì bấy lâu nay quán cà-phê vỉa hè thiếu vắng hẳn, dù chỉ thiếu một mình anh. Liền sau cảm xúc mừng biết mấy, tôi khá đau lòng khi nhìn anh trong phục sức chỉnh tề, quần áo đặt may vừa khít biến anh nhỏ thó trở lại, một vẻ nhỏ thó không giống nghệ sĩ tài danh hát ca khúc “Et pourtant,” mà là vẻ nhỏ thó một cách bó rọ bần tiện. 
Tôi hỏi anh sao bấy lâu nay…, anh nói: “Ôi, cuộc sống mệt mỏi quá, mà ‘moa’ cứ như vậy, comme ci comme ca…” Hình như anh cố ý làm tôi nản lòng bỏ đi cho rồi, chứ cứ đứng giữa phố hàn huyên chẳng lẽ anh không mời vào quán uống một ly rượu Tây chẳng hạn. Một tuần lễ sau tôi nghe tin anh đã định cư ở nước ngoài, tận Canada Bắc Mỹ gì đó. Mới đây tôi lại nghe tin anh mở một website văn học nghệ thuật, ra sức công kích văn chương hậu hiện đại, và bảo rằng thật thậm tệ, cái thứ văn chương hậu hiện đại này đã làm báu vật mỹ từ pháp mất đi vô phương cứu chữa. 
* 
Quán cà-phê vỉa hè, một ẩm khách vô danh đã đặt tên cho quán là Cà-phê ABC, nơi một trong những bàn bày đầy khoảng vỉa hè rộng mênh mông suốt dải chân cầu Trương Minh Giảng, tôi đã học được nhiều bài học vỡ lòng từ các bạn vong niên, có anh trong số đó. Tôi ít tuổi hơn hết thảy, khả năng tài chính yếu kém hơn hết thảy, nói chung tôi chẳng là gì hết thảy. 
Vô Kỵ Giữa Chúng Ta, ấy là gọi tên tác giả bằng tên tác phẩm, so với người bạn nhỏ thó thì anh to lớn, nhất là anh cũng phục sức lôi thôi, đấy là không kể trước Ba Mươi Tháng Tư, trong bộ đồ quân đội cấp phát thế nào anh vận thế ấy, không sửa lại. Sau Ba Mươi Tháng Tư, Vô Kỵ trở thành vô sản, có lẽ vô sản ngang bằng tôi, nhưng ra ngồi quán Cà-phê ABC thì tài chính đâu thành vấn đề. Vô Kỵ tự xác nhận: “Đói khổ nhưng khó đổi,” chúng tôi thực hiện đúng hết mức đúng tinh thần đó, dù câu nói lái kiểu thi sĩ Bùi Giáng không ăn khớp cho lắm. 
Người bạn nhỏ thó giống như loại người quan tâm tới tất cả các thứ, thành ra chẳng quan tâm thứ gì hết, anh đoán chắc Vô Kỵ manh nha tác phẩm Truyện Kiều ABC từ những ngày ngồi quán Cà-phê ABC. Vô Kỵ chỉ tặc lưỡi, cười trong cổ họng. Luôn luôn anh hư vô hóa mọi chuyện, như chiếc bánh tiêu anh mua rồi không ăn, để nó ỉu sìu trong miếng giấy báo trên mặt bàn. Tôi hỏi: “Sao anh không ăn, để nó ỉu sìu ra đó?” Anh lại tặc lưỡi, rồi nói: “Mua cho đứa con gái. Hôm nay là sinh nhật của nó.” Tôi biết cô con gái xinh đẹp của anh, ngày này là kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười sáu của cô bé. Tôi nghĩ, tuy là vô sản, nhưng mua thứ gì đó làm quà sinh nhật thay chiếc bánh tiêu thì đâu đã thành vấn đề. Người bạn nhỏ thó nói: “Có lẽ chàng này là Phật, nếu không phải là vậy thì thật khó hiểu.” Tôi thì vẫn cho rằng chàng là Vô Kỵ của hư vô. “Còn cậu…,” người bạn nhỏ thó nói, “hồi này cậu vẫn anh-đến-thăm-em-một-chiều-mưa đấy chứ?” Tôi đã khoe anh mối tình thơ mộng của tôi, thơ mộng tới mức tôi có thể xem Nàng là một bài thơ rất nên thơ: “Sáng hôm qua, dưới ánh nắng lúc 7 giờ, Uyên đứng trên sân thượng, đứng trên cái ghế cao cao nữa, tưới nước cho từng chậu lan, thấy thật thơ mộng.” Anh hỏi: “Nàng còn đang vận áo ngủ chứ?” Tất nhiên Nàng còn đang vận áo ngủ, tôi gật đầu. “Thế cậu nhìn thấy thơ mộng thật à?” Tất nhiên tôi lại gật đầu. Anh nói: “Sao thấy rõ thơ mộng mà cậu không bồng ngay Nàng vào giường?” Tất nhiên tôi im lặng, nhận chịu một trong những bài học vỡ lòng. 
Vô Kỵ ngày một ỉu sìu như chiếc bánh tiêu ế ẩm mừng kỷ niệm sinh nhật đứa con. Có thể là điếu thuốc lá cuối cùng để anh mơ màng trong buổi chiều muộn ở quán Cà-phê ABC chân cầu Trương Minh Giảng. Tôi mua hai gói thuốc lá, tặng anh một, anh vừa lắc đầu không nhận vừa nói: “Bọn hút Marijuana cứ là hay hút thuốc lá của người khác.” Đây không phải điều gì giống như sự tự trọng cần có, vì tất cả những gì đã có giữa anh và tôi. Chỉ giống như đây là nghịch lý của một thứ lá cỏ lãng quên, khói của nó tự làm sặc sụa. 
Dù sao tôi cũng đau lòng nhiều hơn gấp bội phần đau lòng trước bộ quần áo sít sao của người bạn nhỏ thó, Vô Kỵ của hư vô đã lãng quên cả tập bản thảo Truyện Kiều ABC. Một buổi chiều gió loạn xạ của Tháng Tư, trước ngày Ba Mươi, đã thổi tập bản thảo bay xuống dòng kênh nước đen dưới cầu Trương Minh Giảng, gần bên quán Cà-phê ABC ở chân cầu. Tôi có chút ít may mắn là còn giữ được những trang đầu của tập bản thảo mất tích, người ta vẫn gọi đó là Lời Nói Đầu hay Lời Phi Lộ: 
“…Với người nghệ sĩ, ngôn ngữ là một thứ nguyên liệu mù quáng mà hắn phải nhào nặn và mài rũa để làm nên những đồ vật mới. Thế giới của người làm văn xuôi là một cái tủ lớn ở đó mỗi vật đều có một ô, một số, một nhãn hiệu với một bảng kê tất cả những đặc tính của nó và sẵn sàng để người ta sử dụng. Cũng như thế, trong cái gọi là kho tàng văn hóa dân tộc, truyện Kiều là một tác phẩm đã có cái chỗ của nó, như trong cái hầm rượu của một nhà đại phú, một hũ rượu quý mà người ta đã biết gốc ở địa phương nào, cất năm nào, của một mùa tốt xấu ra sao và cái việc của nó đặc biệt ở chỗ nào – để thỉnh thoảng lại mang ra nhấm nhót dăm ba ngụm, tấm tắc một đôi câu, với tất cả cái đắc ý của một người sành điệu. 
…Sẽ không có gì, trong bài này, giống như sự thân thuộc ấy. Tất cả cố gắng của người ta đã là để quên những điều ít ỏi mà người ta đã có trước về truyện Kiều để đọc nó, với một con mắt xa lạ, như một tác phẩm mới biết lần đầu tiên. Lẽ dĩ nhiên truyện Kiều là một tác phẩm đã được biết kỹ càng quá để người ta có ảo vọng là mang lại một cái gì mới. Cái mới, nếu có, chẳng qua ở trong một cách đọc, và những trang này, người ta sẽ coi như một cố gắng để đọc tác phẩm ở mực thấp nhất, nghĩa là, đáng lẽ bắt đầu bằng một cái nhìn tổng quát, người ta sẽ tìm cách kể lại tác phẩm theo nghĩa đen của những biến cố, những ảnh tượng và những từ ngữ…” 
* 
H. hỏi tôi: “Ông bạn của anh viết những gì vậy… những cái gì về Truyện Kiều mà em không hiểu…” Viết những cái hư vô, có lẽ vậy,” tôi chỉ có thể trả lời H. như vậy mà thôi. 
H. có thể đã cùng chúng tôi ngồi quán Cà-phê ABC, Vô Kỵ của hư vô và tôi chẳng là gì hết thảy. H., vào lúc đó, từ sân trường Đại học Vạn Hạnh, nhìn sang phía bên kia con đường Trương Minh Giảng, thấy những bàn những ghế liêu xiêu lẹp xẹp, những người ngổn ngang lẫn lộn giữa bao ảnh tượng của một thành phố chẳng khi nào ngừng dang dở. 
Một ngày không tên, Vô Kỵ của hư vô xác định thêm vào cái lịch sử dang dở của một quán cà-phê vỉa hè trong thành phố này. H. hỏi tôi có khi nào tìm đến một quán cà-phê nào đấy giữa vô số quán cà-phê mọc lô nhô sau này dưới chân cầu Trương Minh Giảng, ngồi nhâm nhi cà-phê ở đấy để nhớ tưởng những ngày quá vãng. 
Tôi biết sẽ dấm dớ ngớ ngẩn tìm lại thời gian đã mất, khi ở đây đã không bao giờ có cả cái ảo tưởng về chiếc bánh Madeleine. Có chăng là chút gì tan rữa trong lớp bùn dưới đáy dòng kênh Nhiêu Lộc, mủn ra từ tập bản thảo của chàng Vô Kỵ Giữa Chúng Ta. 
./.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: